Triệu Hằng
Căng thẳng giữa hai quốc gia từng thuộc Liên bang Xô viết tái bùng phát, liên quan vùng Nagorno – Karabakh. Nga kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hỗ trợ Azerbaijan.
Reuters đưa tin, tình trạng giao tranh tại vùng Nagorno – Karabakh đã leo thang mạnh trong hôm thứ Hai (28/9) giữa người Azerbaijan và người thiểu số Armenia ở đây, ít nhất 55 người đã thiệt mạng trong ngày thứ hai tiếp diễn của một cuộc đụng độ nặng nề, gây lo ngại bất ổn tái bùng phát tại vùng Caucasus giữa 2 quốc gia đã có quan hệ căng thẳng kéo dài một phần tư thế kỷ.
Nagorno – Karabakh, còn được biết với tên gọi Cộng hòa Artsakh, là một khu vực nằm trên lãnh thổ Azerbaijan với tuyệt đại đa số là người gốc Armenia sinh sống. Vùng đất này nằm giáp với Armenia và thường xuyên nhận sự hỗ trợ từ Armenia.
Xung đột nổ ra từ ngày 27/9 tại khu vực tranh chấp, hai bên đã nã tên lửa và pháo vào nhau, với nhiều xe tăng và máy bay được huy động vào cuộc chiến.
“Đây là một cuộc chiến sống – chết”, hãng Reuters dẫn lời Arayik Harutyunyan, người đứng đầu khu vực Nagorno – Karabakh nói trong một cuộc họp.
Theo Reuters, bất kỳ động thái nào dẫn đến chiến tranh tổng lực đều có thể kéo theo các cường quốc khu vực là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhảy vào. Nga hiện có quan hệ đồng minh quân sự với Armenia, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan.
“Chúng ta đã không chứng kiến kiến bất kỳ thứ gì như thế này kể từ thỏa thuận ngừng bắn từ những năm 1990. Giao tranh đang diễn ra dọc tất cả các khu vực của chiến tuyến”, nhà phân tích Olesya Vartanyan, chuyên khu vực Nam Caucasus, tại Nhóm Khủng hoảng (Crisis Group), một tổ chức phi chính phủ, bình luận, Reuters dẫn lời.
Phía Nagorno – Karabakh cho biết, 53 binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh với lực lượng Azeri hôm thứ Hai (28/9), và 31 binh sĩ đã thiệt mạng hôm Chủ nhật (27/9) và 200 người bị thương trong khi bị phía Azerbaija tấn công.
Theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), Nagorno – Karabakh, nguồn cơn của mâu thuẫn giữa hai nước láng giềng Armenia và Azerbaijan, là một vùng đất đồi núi và nhiều rừng rậm. Đây là khu vực mà cả Armenia và Azerbaijan đều tuyên bố chủ quyền. Vào những năm 1920, chính phủ Xô Viết đã thành lập khu tự trị Nagorno – Karabakh, nơi có 95% dân số là người sắc tộc Armenian – trong Azerbaijan.
Reuters thông tin, thời điểm nổ ra các cuộc đụng độ đầu tiên ở khu vực giữa đa số tín hữu Kito Armenia và các láng giềng sắc tộc Azeri ở Nagorno-Karabakh là vào cuối những năm 1980, khi đảng Cộng sản Liên Xô ở Moscow bắt đầu tan rã.
Theo CFR, vào năm 1988, cơ quan lập pháp Nagorno-Karabakh bỏ phiếu sáp nhập Armenia mặc dù vị trí của khu vực là nằm trong biên giới Azerbaijan. Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, khu tự trị chính thức tuyên bố độc lập. Chiến tranh nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan trong khu vực, khiến khoảng 30.000 người thương vong và hàng trăm ngàn người phải sơ tán tị nạn. Đến năm 1993, Armenia kiểm soát Nagorno-Karabakh và chiếm 20% lãnh thổ Azerbaijan xung quanh. Năm 1994, dù đạt thỏa thuận ngừng bắn dưới sự hòa giải của các nước Nga, Mỹ và Pháp, tiến trình hòa đàm vẫn bế tắc và các vụ đụng độ thường xuyên xảy ra tại Nagorno – Karabakh và dọc biên giới 2 nước.
Vào tháng 4/2016, hai bên đụng độ tại Nagorno – Karabakh khiến khoảng 110 người thiệt mạng và là xung đột khốc liệt nhất sau thỏa thuận ngừng bắn. Một vụ đụng độ khác mới đây xảy ra vào tháng 7 khiến ít nhất 17 binh sĩ thuộc 2 bên thiệt mạng.
Đài Al Jazeera cho biết, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) lên án “sự xâm lược” của Armenia đối với Azerbaijan và kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột giữa hai nước.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi “nhất thiết phải ngừng ngay lập tức các cuộc giao tranh và nối lại các cuộc đàm phán mà không điều kiện tiên quyết”, theo UN.
Cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ, Nga, Iran và các cường quốc châu Âu khác đã kêu gọi chấm dứt thù địch và khởi động các cuộc đàm phán.
Hãng tin AFP dẫn nguồn tin ngoại giao nói rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức họp khẩn theo hình thức họp kín trong ngày 29/9 để bàn về vấn đề Nagorny — Karabakh.