Manila và Bắc Kinh đồng ý gác lại tranh chấp tại Biển Đông
Theo đại sứ Trung Quốc tại Manila, Trung Quốc và Philippines đã đồng ý gác lại tranh chấp tại Biển Đông. Phát biểu này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte được nhiều nhà phê bình khen ngợi khi hứa trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ duy trì phán quyết trọng tài năm 2016 vốn đã vô hiệu hóa nhiều yêu sách hàng hải gây tranh cãi của Bắc Kinh.
Bình luận của ông Huang Xilian, đại sứ Trung Quốc tại Manila, được đưa ra tại hội thảo trực tuyến về quan hệ song phương hôm thứ 6 (25/9) sau khi một số nhà bình luận chính sách đối ngoại nổi tiếng tiếp tục thúc giục ông Duterte chống lại đường chín đoạn mở rộng của Bắc Kinh vốn chiếm khoảng 90% tuyến đường biển đang tranh chấp.
Trong bài phát biểu của mình trước Liên Hợp Quốc vào ngày 22/9, ông Duterte nói rằng Manila “phản đối những nỗ lực nhằm phá hoại” phán quyết năm 2016, mà ông miêu tả là “một phần của luật pháp quốc tế, nằm ngoài sự thỏa hiệp và nằm ngoài khả năng thông qua của chính phủ”.
Tuy nhiên hôm thứ 6 (25/9) ông Huang nói rằng “sự đồng thuận đạt được giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Duterte” về việc “gác tranh chấp sang một bên, quản lý tình hình thông qua tham vấn song phương và tăng cường đối thoại và hợp tác” phải được hai bên “thực hiện nghiêm túc, khiến cho động lực bền vững của quan hệ song phương – kim chỉ nam cho chặng đường phía trước có thể được duy trì và nâng cao.”
Ông nói: “Quan điểm của Trung Quốc về cái gọi là phán quyết trọng tài đã rất rõ ràng: chúng tôi không chấp nhận và chúng tôi không công nhận nó. Cả hai nhà lãnh đạo của chúng ta đã đồng ý rằng chúng ta nên đóng lại quá khứ và gác lại những khác biệt,” nhưng ông không đề cập khi nào đạt được thỏa thuận như vậy.
Ông Huang nhắc lại rằng “vấn đề Biển Đông chỉ là một phần nhỏ trong quan hệ Trung Quốc – Philippines, hoặc như Ngoại trưởng [Teodoro] Locsin [Jnr] đã nói, chỉ là một viên sỏi nhỏ trên con đường dẫn đến sự phát triển kinh tế cùng có lợi cho cả hai, và chúng ta không được trượt ngã chỉ vì một viên sỏi nhỏ.”
Ông còn chỉ ra số lượng hợp đồng mới của Trung Quốc cho các dự án tại Philippines đã tăng “26,5% trong nửa đầu năm nay” bất chấp đại dịch virus corona, như là một bằng chứng cho thấy mối quan hệ đã mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, trong một cuộc phỏng vấn với chương trình tin tức trực tuyến Viewpoint hôm chủ nhật (27/9) cho biết một thỏa thuận đã đạt được để “xử lý các vấn đề mà chúng tôi có thể thực hiện … [bao gồm] thương mại và đầu tư” bởi cả hai bên “không thể giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ còn đang tranh cãi.”
Tuy nhiên, đối với thẩm phán Tòa án Tối cao đã nghỉ hưu Antonio Carpio, điều này cho thấy ông Duterte bị “dắt mũi, gạt phán quyết sang một bên mà không đạt được lợi ích nào”.
Ông nói với This Week in Asia hôm thứ 2 (28/9), “Ông Duterte gác lại phán quyết để nhận được các khoản vay và đầu tư từ Trung Quốc, nhưng trong số 24 tỷ USD hứa hẹn cho vay và đầu tư, chưa đến 5% đã thành hiện thực trong khi nhiệm kỳ của ông Duterte còn chưa đến hai năm.”
“Với đại dịch và sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, không thể mong đợi gì hơn nữa … không có khách du lịch đến bởi vì đại dịch. Hộ chiếu của các công nhân chúng ta đang bị chính phủ Trung Quốc hủy bỏ. Ông Duterte không thể trông đợi điều gì hơn từ Trung Quốc.”
Ông Carpio kêu gọi tổng thống Philippines “khẳng định phán quyết trên mọi mặt trận” bởi vì nó “vẫn có giá trị và có thể thực thi”.
Ông còn cảnh báo Philippines nên “nhấn mạnh” rằng phán quyết trọng tài phải được đưa vào Bộ quy tắc ứng xử do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á soạn thảo. Nếu không, “họ [Trung Quốc] sẽ sử dụng nó để chống lại chúng tôi”.
Ông Carpio, một trong những người ủng hộ biện pháp sử dụng trọng tài của chính phủ, đã đề xuất rằng Philippines cần nộp yêu sách thềm lục địa mở rộng tại Biển Tây Philippines để thực thi phán quyết và yêu cầu Đại hội đồng LHQ đưa vấn đề này ra biểu quyết ngay lập tức.
Ngân Hà (theo SCMP)
2 ca sĩ Đài Loan có thể bị phạt 500.000NT$ vì hát trong ngày quốc khánh TQ
Nhằm đáp trả những quảng cáo ồn ào của Trung Quốc rằng các ca sĩ Đài Loan, gồm Nana Ou-yang và Angela Chang, sẽ biểu diễn chương trình đặc biệt trên truyền hình kỷ niệm 71 năm chế độ cộng sản, Hội đồng Các vấn đề Đại lục (MAC) của Đài Loan đã cảnh báo rằng các nghệ sĩ có thể sẽ bị phạt tới 500.000 Đài tệ (17.000 đôla Mỹ) vì vi phạm luật pháp Đài Loan.
Cuối tuần vừa qua, nhiều quảng cáo xuất hiện liên tục trên hệ thống truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV tuyên bố rằng hai ca sĩ Đài Loan là Ou-Yang và Angela Chang sẽ biểu diễn những bài hát cách mạng vào ngày 1/10 (Quốc khánh Trung Quốc) như bài “Mẹ tổ quốc của tôi”.
Phản ứng lại điều này, hôm thứ Bảy (26/9), Hội đồng Các vấn đề Đại lục (MAC) đã cảnh báo rằng những buổi biểu diễn như vậy của công dân Đài Loan tại đất nước cộng sản này có thể vi phạm luật điều hành quan hệ ngang eo biển.
Hôm thứ Hai (28/9), MAC đã kêu gọi người dân không nên ủng hộ và giúp đỡ Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện tuyên truyền của Mặt trận Thống nhất chống Đài Loan, gây phương hại đến bản sắc dân tộc của đất nước, và chỉ ra rằng họ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình. MAC bổ sung thêm rằng nếu họ phát hiện các nghệ sĩ vi phạm luật, Bộ Văn hoá (MOC) sẽ điều tra vụ việc và xử lý thích hợp.
Điều 33-1 của Đạo luật Điều hành Quan hệ giữa người dân khu vực Đài Loan và khu vực Đại lục nêu rõ như sau:
Trừ phi được phép bởi mỗi cơ quan có thẩm quyền liên quan, không cá nhân, pháp nhân, tổ chức hoặc thể chế nào khác của khu vực Đài Loan có thể tham gia vào bất cứ hoạt động nào sau đây:
- Bất cứ hình thức hoạt động hợp tác nào với các cơ quan, thể chế, hoặc tổ chức của khu vực Đại lục là các đảng phái chính trị, quân đội, chính quyền hay của bất cứ bản chất chính trị nào, hoặc có dính líu đến bất kỳ hoạt động chính trị nào chống lại Đài Loan hoặc ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích quốc gia.
- Bất cứ hoạt động hợp tác nào dính dáng đến chính trị với bất cứ cá nhân, pháp nhân, tổ chức, hoặc thể chế nào khác của khu vực Đại lục.”
Theo Điều 90-2 của cùng đạo luật, bất cứ người nào vi phạm Khoản 1 hoặc Khoản 2 của điều khoản đề cập ở trên có thể bị phạt từ 100.000 đến 500.000 Đài tệ.
Khi được yêu cầu bình luận về vụ tranh cãi trong khi tham dự một sự kiện hôm Chủ nhật (27/9), Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương đã nói: “Đài Loan là một đất nước dân chủ và tự do. Một số người thụ hưởng nền tự do dân chủ và sử dụng các nguồn lực bảo hiểm sức khỏe của Đài Loan. Cô ấy đến Trung Quốc với tư cách một người của công chúng để hát những bài hát không thích hợp. Nhân dân Đài Loan đã đưa ra những bình luận công khai của chính họ,” Hãng tin SET đưa tin.
Năm ngoái, ca sĩ Ou-yang khiến người dân Đài Loan phẫn nộ khi tuyên bố trên CCTV và Weibo rằng cô “Tự hào là người Trung Quốc,” trong khi chỉ 2% người Đài Loan coi họ là “người Trung Quốc”. Đối phó với phản ứng dữ dội về sự xuất hiện đã sắp đặt của cô trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, ca sĩ Ou-yang viết trên Instagram bằng tiếng Anh một cách mơ hồ rằng “hãy ngửi hương của biển và hãy cảm nhận cuộc sống tuyệt vời của bầu trời.”
Thanh Thuỷ (theo Taiwan News)
Phù hiệu trên quân phục của Hoa Kỳ khiến Trung Quốc tức giận
Trong cuộc tập trận mô phỏng việc tấn công một hòn đảo do quân đội Hoa Kỳ tổ chức, nhiều người đã lưu ý đến phù hiệu trên quân phục những người lính không quân có hình màu đỏ giống bản đồ Trung Quốc. Điều này đã khiến giới truyền thông nhà nước Trung Quốc miêu tả là một cử chỉ khiêu khích.
Cuộc tập trận tiến hành tại California và hoàn thành vào ngày 29/9, nhưng đã khiến giới truyền thông nhà nước Trung Quốc lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ đánh trả nếu Hoa Kỳ tấn công họ tại Biển Đông.
Tạp chí Không Quân tại Mỹ đưa tin rằng cuộc tập trận huấn luyện của phi đội máy bay không người lái kỳ cựu của Hoa Kỳ đã bắt đầu vào ngày 3/9, cho thấy không quân Mỹ đang tập trung nhiều hơn vào khu vực Thái Bình Dương.
Bài báo cho biết một miếng vải phụ tròn đính trên đồng phục dùng cho cuộc tập trận này có hình một chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper nằm chồng lên hình bản đồ màu đỏ của Trung Quốc ở nền.
Trong cuộc tập trận Agile Reaper, ba chiếc MQ-9 đã hợp tác với Hạm đội 3 của Hải quân Hoa Kỳ. Hạm đội này đã triển khai các nhóm tấn công tàu sân bay, tàu ngầm, các tàu biển, máy bay chiến đấu cùng với máy bay vận tải C-130 và các đơn vị tác chiến đặc biệt cũng như lực lượng thủy quân lục chiến đến khu vực đông Thái Bình Dương
Các máy bay không người lái đã thực hiện các cuộc không kích trong một cuộc tấn công đổ bộ giả định lên Đảo San Clemente ngoài khơi bờ biển California.
Trung tá Brian Davis, Chỉ huy trưởng Phi đội tấn công số 29 của Hoa Kỳ, nói với tạp chí: “Điều này chứng minh khả năng của chúng tôi trong việc di chuyển nhanh chóng các máy bay không người lái MQ-9 đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới, đến những địa điểm xa lạ và thể hiện khả năng hoạt động của MQ-9.”
Tạp chí Không Quân đưa tin rằng MQ-9 Reapers đã tham gia các cuộc chiến tại Trung Đông và châu Phi trong hai thập kỷ qua, nhưng lực lượng không quân Mỹ đang cân nhắc thay thế vì lo ngại khả năng tàng hình, bảo vệ điện tử và tốc độ của chúng thua kém các máy bay không người lái hiện đại hơn do Trung Quốc và Nga sản xuất.
Bất chấp cuộc tập trận huấn luyện diễn ra cách xa bờ biển Trung Quốc, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng các máy không người lái này có thể được triển khai để tấn công các cơ sở quân sự do Trung Quốc xây dựng tại Biển Đông.
Hôm thứ 2 (28/9), một bài xã luận trên tờ báo lá cải hiếu chiến của Trung Quốc Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) cho biết: “Washington đang đẩy mạnh việc chuẩn bị cho cuộc chiến với Trung Quốc và loại máy bay không người lái này vốn đã tham gia vào các vụ giết người và các cuộc tấn công khác trên khắp thế giới cũng sẽ đóng một vai trò trong đó. Đây chính là tín hiệu chiến lược được gửi đi từ cuộc tập trận.”
“Điều này sẽ khuấy động sự thù địch giữa hai quốc gia và cũng là một sự hăm dọa đối với Trung Quốc. Việc sử một miếng băng tay với bản đồ Trung Quốc như thế sẽ kích động trí tưởng tượng của mọi người và tạo ra hình ảnh Trung Quốc và Hoa Kỳ sắp tham chiến.”
Gia Huy (theo SCMP)