Tập Cận Bình gửi lời chúc tới Tổng thống Trump
Tân Hoa Xã tối 3/10 cho biết Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình gửi lời chúc sức khoẻ tới Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân sớm hồi phục sau khi nhiễm Covid-19.
“Trong một tin nhắn gửi tới Trump, ông Tập nói rằng, trước thông tin Tổng thống Trump và bà Melania nhiễm Covid-19, ông Tập cùng phu nhân Bành Lệ Viện bày tỏ sự cảm thông và chúc họ mau chóng bình phục”, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết trong một bản tin ngắn gọn.
Hôm 2/10 (giờ Việt Nam), Tổng thống Trump đã thông báo trên Twitter rằng ông cùng Đệ nhất phu nhân Melania dương tính với nCov. Sau đó, Thủ tướng các nước Ấn Độ, Đức, Anh, Úc, Canada, Tổng thống Đài Loan, Hàn Quốc, Nga, và cả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jung Un đã gửi lời chúc sức khoẻ tới ông Trump. Chậm hơn các nhà lãnh đạo kể trên, mãi đến tối 3/10, ông Tập Cận Bình mới gửi lời nhắn tới Tổng thống Trump.
Trước đó, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đăng trên Twitter chúc vợ chồng Tổng thống Trump sớm hồi phục.
Trước khi Tân Hoa Xã đăng tin ông Tập Cận Bình gửi lời hỏi thăm tới Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân, ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã chế nhạo Tổng thống Trump và Đệ nhất Phu phân Melania khi biết tin họ nhiễm Covid-19, nhưng sau đó đã xoá bài và giả vờ bày tỏ sự cảm thông với nhà lãnh đạo nước Mỹ.
Các nguyên thủ quốc gia gửi lời chúc Tổng thống Trump, ông Tập vẫn yên lặng
Sau khi Tổng thống Trump thông báo mình đã nhiễm nCov, Thủ tướng các nước Ấn Độ, Đức, Anh, Úc, Canada, Tổng thống Đài Loan, Hàn Quốc, Nga, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã gửi lời chúc phúc tới ông. Tuy nhiên, đến nay, Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình vẫn chưa có động thái gì.
Trang The Epoch Times cho biết, Tiến sĩ Chương Thiên Lượng, nhà bình luận chính trị Trung – Mỹ, cho rằng, Bộ Chính trị sẽ mất nhiều thời gian để thảo luận về tình hình hiện tại và chính quyền Bắc Kinh nên bày tỏ thái độ như thế nào.
Theo ông Chương, Tập Cận Bình có thể không gửi lời hỏi thăm tới Tổng thống Trump vì những người chống Mỹ trong Bộ Chính trị sẽ không để cho ông Tập làm điều đó. Họ nhìn nhận rằng hành động này là dấu hiệu của sự nhu nhược.
Covid-19 : Tình hình tại châu Âu tiếp tục xấu đi
Dân Paris đeo khẩu trang trên đường phố ngày 18/09/2020. Thủ đô Pháp có thể chuyển thành “vùng báo động tối đa” ngay từ thứ hai tới, 05/10/2020. REUTERS – GONZALO FUENTES
Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục xấu đi tại châu Âu, nhất là tại Pháp và Tây Ban Nha; Phần Lan dùng chó để phát hiện Covid-19; Lệnh giới nghiêm vì Covid-19 được dỡ bỏ tại Melbourne; Singapore Airlines từ bỏ các chuyến bay « ngẫu hứng »; Người Armenia hải ngoại về nước để chiến đấu chống Azerbaijan ở vùng Thượng Karabath; Giáo hoàng gia tăng chống bê bối tài chính ở Vatican. Đó là những đề tài của tạp chí Thế giới đó đây cuối tuần này.
Bao trùm lên thời sự quốc tế tuần này vẫn là dịch Covid-19, đặc biệt là với việc tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 02/10/2020 thông báo ông và phu nhân Melania bị nhiễm virus corona và cả hai phải tự cách ly trong Nhà Trắng, vào lúc chỉ còn một tháng nữa là bầu cử tổng thống. Trong khi đó tình hình tại châu Âu tiếp tục xấu đi, đặc biệt là tại Pháp và Tây Ban Nha, nơi mà các biện pháp hạn chế mới đã và đang có hiệu lực.
Covid-19: Paris có thể chuyển thành “vùng báo động tối đa”
Riêng tại Pháp, nơi mà số ca tử vong nay vượt ngưỡng 32.000, theo lời bộ trưởng Y Tế Olivier Véran hôm thứ Năm 01/10/2020, thủ đô Paris ngay từ thứ Hai tới rất có thể sẽ chuyển thành “vùng báo động tối đa” và như vậy sẽ phải thi hành các biện pháp nghiêm ngặt hơn, nếu dịch Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ như hiện nay. Cụ thể là thủ đô Pháp sẽ đóng cửa toàn bộ các quán bar, nhà hàng, cấm việc tụ họp gia đình, bạn bè. Cũng theo lời bộ trưởng Véran, tình hình tại 5 thành phố lớn khác là Lille, Lyon, Grenoble, Toulouse et Saint-Etienne cũng đang xấu đi trong những ngày qua và cũng có thể sẽ bị xếp vào loại “báo động tối đa” trong tuần tới.
Trong một ý kiến đề ngày 22/09, nhưng đến tối 01/10/2020 mới được công bố, Hội đồng khoa học cố vấn cho chính phủ về phòng chống Covid-19 cho rằng, để tránh cho nước Pháp phải thi hành các biện pháp gắt gao hơn, đến mức phải phong tỏa trở lại, dân Pháp nên hạn chế số người mà mình tiếp xúc, nhất là những người trong gia đình và bạn bè. Theo Hội đồng khoa học, chính những cuộc tụ họp gia đình và bạn bè là những lúc mà virus lây lan dễ nhất, vì hầu như không ai đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn với nhau.
Còn tại Tây Ban Nha, từ hôm thứ Năm vừa qua, thủ đô Madrid cũng đã bắt đầu áp dụng các biện pháp có hiệu lực từ một tuần qua tại những vùng bị dịch nặng nhất. Cụ thể là người dân Madrid kể từ nay không được ra vào thành phố này, trừ trường hợp đi làm, đi khám bác sĩ, hay đưa con đến trường.
Còn tại Anh, các biện pháp hạn chế mới cũng vừa được ban hành hôm thứ Năm tại vùng Liverpool : những người không cùng gia đình không được tụ họp trong nhà, không nên di chuyển nếu không thật sự cần thiết, không nên đến dự các sự kiện thể thao, không nên đi thăm người thân trong các viện dưỡng lão. Các biện pháp này từ hôm thứ Tư đã có hiệu lực lại một phần của miền đông bắc nước Anh. Toàn nước Anh từ nhiều ngày qua cũng đã sống với những hạn chế : các quán rượu, nhà hàng, quán bar phải đóng cửa lúc 22 giờ, các cuộc tụ họp không được quy tụ quá 6 người, trong nhà lẫn ngoài trời.
Phần Lan dùng chó để phát hiện Covid-19
Việc phát hiện những ca nhiễm virus corona, dù có triệu chứng hay không, là yếu tố chủ chốt trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19. Thế nhưng xét nghiệm toàn bộ dân chúng rất khó khăn. Các phòng xét nghiệm có khả năng hạn chế, thời gian chờ nhận kết quả thì ngày càng dài. Ấy là chưa kể chi phí rất tốn kém.
Tại Phần Lan, các nhà nghiên cứu đã quyết định nhờ đến chó, cụ thể hơn là dùng khứu giác của loài này, để phát hiện các bệnh nhân Covid-19. Cuộc thử nghiệm đầu tiên, cho kết quả rất tốt, đã bắt đầu tại sân bay Hensinki, theo tường trình của thông tín viên Frédéric Faux ngày 29/09 :
“Khi đến sân bay Helsinki, quý vị có thể sẽ được đưa vào một phòng nhỏ, rồi dùng một mảnh vải chà vào nách và cổ. Bên kia bức tường, một người nuôi chó sẽ lấy mảnh vải đó cho chó ngứi, để trong vòng 10 giây có thể biết được là quý vị đã bị nhiễm virus corona hay không.
Chó đã được dùng để phát hiện các bệnh nhân sốt rét và ung thư. Chúng cũng tỏ ra rất hiệu quả đối với virus corona. Là người giám sát cuộc thử nghiệm này, nhà khoa học Anna Hielm-Björkman, đại học Helsinki, cho biết:
“Chúng tôi đã đạt được tỷ lệ phát hiện từ 94 đến 100%. Tỷ lệ còn hơn cả xét nghiệm PCR. Và khi có khác biệt giữa xét nghiệm PCR và chó, thì thường là chó cho kết quả đúng.”
Một con chó giỏi thì chỉ cần được huấn luyện trong vài ngày, cho nên hoàn toàn có thể dùng chó để phát hiện hàng loạt các ca nhiễm Covid-19, không chỉ ở các sân bay, mà cả trong các bệnh viện và trường học. Nhưng có một câu hỏi được đặt ra : Cụ thể thì chó ngửi được gì và phát hiện cái gì ?
Anna Hielm-Björkman nói: “Chúng tôi hoàn toàn không biết. Công nghệ của chúng ta chưa bằng được khứu giác của chó, nên không thể phát hiện được những hàm lượng thấp như thế”.
Từ đây đến cuối tháng 11, khoảng một chục con chó sẽ thi hành nhiệm vụ tại sân bay Helsinki.”
Singapore Airlines từ bỏ các chuyến bay “ngẫu hứng”
Ngay giữa lúc đang có đại dịch, một số hãng hàng không từ mấy tuần qua lại chào mời các chuyến bay « chẳng biết đi đến đâu », tức là máy bay cất cánh bay một vòng tùy hứng đi khắp các nơi, rồi quay lại đáp xuống nơi xuất phát. Ý định này đã bị phản đối dữ dội trên các mạng xã hội và khiến hãng hàng không Singapore Airlines cuối cùng đã phải hủy bỏ các chuyến bay đó.
Thông tín viên của RFI tại Đông Nam Á Gabrielle Maréchaux tường trình ngày 30/09/2020:
“Không phải là tại vì sợ thiếu hành khách, mà đúng là vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh, cho nên hãng hàng không quốc gia Singapore ngày 28/09 đã thông báo từ bỏ các chuyến bay « chẳng biết đi đến đâu”.
Ý định kỳ quặc này đã bị cư dân mạng khắp thế giới cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường Singapore chỉ trích nặng nề. Chẳng hạn như tổ chức SG Climate Rally đả kích việc tiến hành các chuyến bay chẳng có lý do xác đáng nào, mà lại phát ra nhiều khí thải gây hiệu ứng lồng kính.
Nhưng sau khi lùi bước trước áp lực của công luận trong chuyện này, hãng hàng không Singapore đã nhanh chóng chào mời các dịch vụ khác để tạo ra lợi nhuận trong bối cảnh toàn bộ máy bay của hãng này đang phải nằm yên suốt sáu tháng qua. Họ dự trù tổ chức các chuyến viếng thăm với hướng dẫn viên đến các cơ sở hạ tầng của hãng này và các bữa ăn tối sang trọng trên chiếc Airbus khổng lồ A380.
Singapore vốn là trạm trung chuyển quan trọng của giao thông hàng không thế giới. Trước khi có dịch Covid-19, cứ mỗi 90 giây lại có một máy bay cất cánh từ sân bay này. Trong khi Singapore kể từ nay từ bỏ các chuyến bay « chẳng biết đi đến đâu », thì các hãng hàng không của Úc, Nhật Bản và Đài Loan vẫn chưa cho biết là sẽ ngưng tiến hành các chuyến bay kiểu như vậy hay không.”
Xung đột Thượng Karabath: Người Armenia hải ngoại xung phong về nước
Bao trùm thời sự quốc tế tuần này là cuộc xung đột vũ trang giữa Azerbaizan và Armenia tại vùng Thượng Karabath, vùng đất nằm lọt giữa Azerbaijan, một nước Cộng hòa tự phong không được quốc tế công nhận, nhưng có sự yểm trợ của Armenia. Chính quyền Erevan đã ra lệnh tổng động viên. Quân tình nguyện khắp nơi kéo đến, kể cả từ cộng đồng người Armenia hải ngoại, như tường thuật của đặc phái viên Anissa el Jabri trên một chuyến bay đến Erevan:
“Đứng giữa các hàng ghế trên máy nay, khoảng 40 người cất lên các bản hành khúc. Hành khách quay phim và vỗ tay tán thưởng. Đó là những người đàn ông tuổi từ 18 đến khoảng hơn 50, mới quen nhau ở sân bay. Họ đến từ Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Belarus và Pháp. Một thanh niên nói: “ Tôi là người Armenia sống ở Pháp, tôi đã đi thẳng đến đây ngay khi vừa nghe tin. Sáng Chủ Nhật vừa qua, cha tôi gọi điện đến và nói: “ Con bật tivi lên xem họ đang làm gì trên đất Armenia của chúng ta kìa.” Tôi quyết định lấy ngay chuyến bay đầu tiên đến Armenia, để sát cánh với nhân dân tôi, với những người anh em của tôi.”
Nhà doanh nghiệp trong ngành xây dựng này đã đi một mình mà không hề báo trước cho gia đình, với hành trang chỉ gồm một ít tiền, vài bộ quần áo và 3 tháng được huấn luyện ở quân trường cách đây 5 năm. Anh nói tiếp: “Chúng tôi đến đấy để cứu những mạng sống. Khoảng 40 người chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều, ai cũng nói là không hề sợ chút nào”.
Họ đã dự trù tất cả và nếu cần phải tự bỏ tiền mua vũ khí để chiến đấu, họ cũng sẵn sàng. Tại Erevan bây giờ, không còn bất cứ thiết bị quân sự nào, túi ngủ cũng không còn. Toàn bộ đã bị trưng dụng cho cuộc chiến.”
Giáo hoàng gia tăng chống bê bối tài chính ở Vatican
Giáo hoàng Phanxicô đang gia tăng nỗ lực chống các vụ bê bối tài chính tại Vatican, qua việc bổ nhiệm một biện lý mới, đó là một luật sư người Ý chuyên về tội phạm tài chính. Việc bổ nhiệm này diễn ra vài ngày sau vụ từ chức của một hồng y bị cáo buộc ăn hối lộ.
Từ Vatican, thông tín viên Eric Sénanque gởi về bài tường trình ngày 29/09:
“Hiện là giáo sư giảng dạy luật thương mại tại một trường đại học ở Roma và là một chuyên gia về luật ngân hàng, Gianluca Perone đã chính thức được bổ nhiệm vào ê kíp của quan chức đặc trách thúc đẩy tư pháp ở Vatican. Luật sư Perone được giao việc tiến hành điều tra nội bộ về các vụ bê bối tài chính, còn người đứng đầu ê kíp thì lo về các vụ rửa tiền.
Chính quan chức này trong những tháng qua đã truy tố nhiều nhân vật thân cận của hồng y Becciù nguyên là nhân vật số 3 của Tòa Thánh và thứ Năm tuần trước đã buộc phải từ chức, do bị cáo buộc có dính líu đến các vụ giao dịch tài chính mờ ám.
Theo những người thân tín, giáo hoàng Phanxicô muốn thúc đẩy sự minh bạch tài chính ở Vatican. Thời điểm bổ nhiệm không hề có sự trùng hợp : Hôm thứ Ba, một phái đoàn của Moneyval đến Roma. Đó là các chuyên viên của Hội Đồng Châu Âu đặc trách việc đánh giá hiệu quả của các biện pháp chống nạn rửa tiền. Trong chuyến đi cuối cách đây 3 năm, các chuyên viên này đã ghi nhận những tiến bộ của Vatican, nhưng cũng yêu cầu Tòa Thánh nỗ lực hơn nữa để đưa ra tòa những kẻ bị điều tra.”
Giám đốc chiến dịch tranh cử của Trump nhiễm nCoV
Bill Stepien, 42 tuổi, giám đốc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, nhận kết quả xét nghiệm dương tính với nCov tối 2/10 và đang có “những triệu chứng giống cúm nhẹ”, theo Politico.
Các nguồn tin nắm được tình hình cho biết ông Stepien sẽ tự cách ly cho đến khi hồi phục. Phó giám đốc chiến dịch Justin Clark sẽ điều hành hoạt động tại tổng hành dinh ở bang Virginia, trong khi Stepien làm việc từ xa và giám sát hoạt động tranh cử của Tổng thống Trump.
Ba phóng viên Nhà Trắng nhiễm nCov
The Hill đưa tin, ba phóng viên ở Toà Bạch Ốc hôm 2/10 đã có kết quả xét nghiệm dương tính với viêm phổi Vũ Hán sau khi Tổng thống Trump xác nhận ông nhiễm Covid-19.
Danh tính ba phóng viên chưa được tiết lộ. Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng cho biết, một số phóng viên đang tự cách ly trong khi chờ kết quả xét nghiệm.
Bão lớn tấn công nước Pháp, hàng chục nghìn ngôi nhà bị mất điện
AFP đưa tin, một cơn bão lớn đã đổ bộ nước Pháp hôm 2/10. Giới chức cho biết, gió dữ dội kèm mưa lớn đánh sập nguồn điện của hàng chục nghìn ngôi nhà dọc theo bờ biển phía tây Đại Tây Dương và gây lũ lụt tàn phá ở phía đông nam.
Cơn bão mùa thu ập đến vùng Brittany của nước Pháp trong đêm, với gió giật lên tới 186 km/giờ tại Belle-Ile-en-Mer, một hòn đảo ngoài khơi bờ biển Brittany, gần Nantes.
Chính quyền địa phương cho biết, các dịch vụ khẩn cấp đã được huy động để dọn cây cối và cột điện đổ la liệt trong bão. Chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo trong khu vực.
Nhiều trường học và công viên phải đóng cửa, dịch vụ tàu hỏa bị tạm dừng và người dân không được phép đến gần các bờ biển.
Đức kêu gọi EU trừng phạt Nga vì vụ Navalny
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas hôm nay kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Nga vì vụ đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny bằng chất độc thần kinh Novichok bị quốc tế cấm, theo Reuters.
“Các biện pháp trừng phạt phải luôn được nhắm đến và phải tương xứng. Việc vi phạm nghiêm trọng Công ước Quốc tế về Vũ khí Hóa học như vậy phải đáp lại”, ông Mass cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Đức hiện đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của EU. Các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về phản ứng và các biện pháp trừng phạt có thể áp lên Nga tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào ngày 15-16/10.