Khôi phục kỹ nghệ sản xuất
Tuyên bố tuần qua (1.10.2020) Thủ tướng Scott Morrison cho biết chính phủ Liên bang chi $1.5 tỷ để phục hồi kỹ nghệ sản xuất ở 6 lĩnh vực để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái.
Với quyết định này, chính phủ đã đặt lĩnh vực sản xuất vào trọng tâm của kế hoạch phục hồi dài hạn, sau khi đại dịch để lộ điểm yếu chết người là Úc hiện đang quá lệ thuộc vào nguồn cung các mặt hàng thiếu yếu của châu Á.
Trong bài phát biểu tại thủ đô Canberra, Thủ tướng Morrison đã trình bày kế hoạch đẩy mạnh chi tiêu trong lĩnh vực sản xuất trong một thập kỷ tới. Trong năm 2019, kỹ nghệ sản xuất chỉ đóng góp 5% cho Tổng sản phẩm quốc gia (GDP), thấp hơn nhiều so với con số 25% vào năm 1960.
Khoảng 5 ngày trước khi công bố ngân sách Liên bang, Thủ tướng Morrison đã cam kết tài trợ các công ty làm ăn trong các lĩnh vực như khai thác khoáng sản quan trọng, thực phẩm và đồ uống, sản phẩm y tế, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, vũ trụ và quốc phòng. Các công ty sẽ được trợ cấp từ $100,000 đến $1 triệu
Trong quý II vừa qua, mức tăng trưởng kinh tế đã giảm 7%, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1959, trong bối cảnh các biện pháp khống chế dịch bệnh làm tê liệt hoạt động kinh doanh. Sau khi dịch bệnh đi xuống, chính phủ liên bang đã lên kế hoạch phục hồi kinh tế với chiến lược tăng nguồn cung khí đốt để thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Cùng ngày, theo số liệu của Cục Thống kê Úc (ABS), số lượng việc làm tại trong 3 tháng vừa qua (từ tháng 6 đến tháng 8) đã liên tục tăng trong bối cảnh các biện pháp hạn chế đang được nới lỏng tại phần lớn các khu vực trên cả nước, dẫn đến việc tăng nhu cầu lao động.
Cụ thể, số vị trí việc làm đã tăng 59.4% trong 3 tháng sau khi giảm ở mức kỷ lục là 43.2% trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5. Trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8, trung bình cứ 1 vị trí việc làm thì có 4.5 người thất nghiệp, giảm xuống từ mức 7.1 trong 3 tháng trước đó.
Tuy nhiên, số lượng việc làm tại Victoria và NSW vẫn thấp hơn nhiều so với trước khi đại dịch bùng phát, do tiểu bang Victoria áp dụng lệnh phong tỏa và bang NSW chịu ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm thứ hai tại bang láng giềng.
Trong khi đó, tại Tây Úc, Queensland, Nam Úc và Bắc Úc, số lượng việc làm lại cao hơn so với trước khi đại dịch bùng phát, qua đó cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của nhu cầu nhân công khi các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng.
Các chuyên gia kinh tế nhận định các biện pháp hạn chế di chuyển tại ranh giới giữa các bang có thể ảnh hưởng đến khả năng tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.
Khu vực tư nhân đang chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh với số lượng việc làm trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 tăng 65.4%, sau khi giảm 44.9% trong 3 tháng trước đó. Số việc làm trong lĩnh vực công chỉ trong cùng kỳ chỉ tăng ở mức 22%, sau khi giảm 29% trong 3 tháng trước đó.
Chuyện vô phúc của dòng họ Obeid
“Vô phúc đáo tụng đình”, tức vô phúc thì mới phải lê thân ra tòa và trong chuyện này thì gia đình cựu chính trị gia “làm ra vua” của NSW là ông Eddie Obei quá là vô phúc.
Trong phiên xử tuần qua (29.9.2020) Thẩm phán David Hammerschlag của Tòa thượng thẩm NSW đã ra lệnh ông Eddie Obeid cùng ba con trai là Moses, Paul và Eddie Junior trả khoản chi phí pháp lý lên tới $5,071,475 mà ICAC đã tốn kém khi bị bốn cha con này kiện.
Nhưng rồi ông bị ICAT điều tra việc liên quan đến quyết định của nguyên Bộ trưởng Cảng biển Joe Tripodi, là đàn em của ông Obeid về mặt chính trị. ICAC kết luận ông Obeid đã “lạm dụng vai trò của ông ta như một dân biểu” để trình bày với bộ trưởng và ông Steve Dunn – giám đốc cao cấp của Cục hàng hải NSW – về hợp đồng thuê mướn đến các bất động sản tại Circular Quay để làm nhà hàng.
Từ đầu ông Obeid luôn nói cứng, cho rằng vụ điều tra của ICAC chỉ là trò “truy bức chính trị” (political witch-hunt) đối với ông ta và gia đình, và ông sẽ đấu tranh, không để ICAC truy tố ông ra tòa. Theo ông Obeid thì xác suất truy tố ông ra toà rất thấp, chỉ một phần trăm.
Khi bị truy tố ra toà thì ông Obeid phản ứng kịch liệt, cho biết ông sẽ chứng minh là mình vô tội cãi tiếp là ông sẽ được trắng án đồng thời kiện ngược ICAC.
Năm 2015 cha con nhà này kiện ICAC cựu giám đốc David Ipp và phụ tá giám đốc Geoffrey Watson. đòi bồi thường vì đã “nhắm” và nhà họ điểu tra một cách bất công, liên quan đến việc mua lại một nông trại rồi sau đó bán như một mỏ than.
Tuy nhiên năm 2016 Thẩm phán David Hammerschag của Tòa Thượng thẩm NSW bác bỏ đơn kiện của nhà này, cho rằng đơn kiện này hoàn toàn vô căn cứ, không có bằng chứng.
Đến tháng 12 năm 2016 ông Obeid bị phạt năm năm tù, trong đó thời hạn thọ án tối thiểu là ba năm.
Nay thì ba năm đó đã qua, ông đã đuợc ân xá và đuợc phóng thích khỏi nhà tù Silverwater cuối năm ngoái (14.12.2019).
Bây giờ ông ta còn bị thua, họ phải trả chi phí luật sư cho mình và nay thì bị bắt phải trả cho “kẻ địch”. Ngoài ra, còn phải trả những tổn thất tài chính cho ông David Ipp, hiện chưa rõ bao nhiêu.
Nhưng bây giờ công ta cũng ra tòa tiếp vì những lem nhem trong giấy phép khai thác than do nguyên Bộ trưởng hầm mỏ NSW Ian Macdonald duyệt vào năm 2009, cho cấp phép khai thác than cho nông trại mà gia đình Obeid đã tậu tại vùng Mount Penny tại Bylong Valley.
Năm 2013 Ủy ban bài trừ tham nhũng độc lập ICAC kết luận rằng ông Obeid đã có hành vi tham nhũng trong việc xin giấy phép này, tuy nhiên mãi đến tháng Hai tới vấn đề sẽ được Tòa Thuợng thẩm NSW xem xét. Theo cáo buộc của ICAC thì với những tin tức tay trong nhờ vào quan hệ với nguyên bộ trưởng kỹ nghệ Ian Macdonald, gia đình Obeid bỏ ra 3.6 triệu Úc kim mua một nông trại để sau đó bán với giá cao gấp nhiều lần cho công ty Cascade Coal. Ông cũng rỉ tai để gia đình và người thân cận đổ xô đi mua đất, sau đó chia lại 30 phần trăm tiền lời và tính ra trong vụ này ông kiếm ngon ơ số tiền 100 triệu Úc kim. ICAC cáo buộc rằng thương vụ này dính dáng đến những khoản tiền biếu xén cửa sau, đã lôi gia đình Obeid gồm ông Eddie Obeid và các con là Moses, Paul, Gerard, Eddie junior và Damien ra điều tra.