Những thách thức ngoại giao đang đặt ra trước mắt tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga khi thế giới biến động khôn lường, chẳng hạn như việc Tổng thống Mỹ Donald Trump mắc COVID-19 tuần trước.
Những cuộc điện đàm đầu tiên với các nhà lãnh đạo đồng cấp đã tiết lộ một vài điều đặc biệt. Hôm 25/9, cuộc gọi với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được dịch chuyển lên trước cuộc gọi đã được sắp đặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc nói chuyện với ông Tập bắt đầu lúc 9h tối, trong khi cuộc gọi của ông Modi bắt đầu vào 4h30 chiều.
Công tác ngoại giao luôn luôn theo đúng lịch trình, các nhân vật quan trọng hơn được xếp lên hàng đầu. Mốc thời gian được đẩy lên sớm hơn cho thấy Tokyo đang ưu tiên New Delhi.
Suốt ngày 25, một nội dung chính trong các cuộc nói chuyện giữa ông Suga với lãnh đạo thế giới (không kể Hàn Quốc và Trung Quốc) là việc thúc đẩy một “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự và và rộng mở” với mục đích xây dựng hoà bình và thịnh vượng trong khu vực trên cơ sở tự do hàng hải và pháp quyền.
Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản là những nước nắm vai trò trung tâm trong nỗ lực này. Bốn nước đã tiến tới hợp tác về an ninh tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong một nhóm gọi là “Bộ Tứ.”
Thỏa thuận về “Bộ Tứ” là món quà chia tay từ người tiền nhiệm của ông Suga kể từ khi ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng năm 2007. Các nhà ngoại giao hàng đầu trong nhóm Bộ Tứ đã tổ chức cuộc gặp bốn bên đầu tiên ở New York hồi tháng Chín năm ngoái. Hôm 6/10 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới Nhật dự cuộc họp thứ hai. Ông Suga đang tiếp tục di sản ngoại giao của ông Abe.
Trước đó, Nhật Bản đã ký với Ấn Độ một thỏa thuận ngày 9/9 cho phép hai nước chia sẻ nguồn cung quân sự và hỗ trợ hậu cần. Nhật đã ký một thỏa thuận tương tự với Úc vào tháng 9/2017, còn Canberra và New Delhi đã ký thỏa thuận vào tháng Sáu vừa qua.
Năm 2015, Nhật Bản bắt đầu tham gia vào cuộc tập trận chung hải quân Malabar do Mỹ và Ấn Độ tổ chức hàng năm. Cuộc tập ba bên năm 2019 được tổ chức ngoài khơi Nhật Bản gần căn cứ hải quân Sasebo, và năm nay Úc được mời tham gia.
Ông Abe và ông Modi đã xây dựng một “Quan hệ đối tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt” giữa Tokyo và New Delhi, và cụm từ “đối tác chiến lược” cũng được sử dụng để mô tả quan hệ Nhật- Úc và Úc- Ấn.
Ba nước đang trên cùng một chiến tuyến.
Các quốc gia Bộ Tứ đều nhận thức rõ về tham vọng trên biển của Trung Quốc. Sau chuyến thăm Nhật của ông Pompeo tháng này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã sắp đặt sang thăm để gặp ông Suga. Tokyo đang định hình một cơ chế làm việc cơ bản với các đối tác Bộ Tứ nhằm đương đầu với Bắc Kinh.
Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang lên cao, nếu Nhật Bản gắn với Washington như đồng minh duy nhất, họ có thể bị buộc phải biểu thị lòng trung thành trên trường ngoại giao. Việc hình thành bán liên minh với Ấn Độ và Úc, những nước cùng chia sẻ các giá trị tự do và dân chủ, đặt ra cho Tokyo vị trí vững chắc và ổn định hơn.
Có nhiều đối tác hơn cũng có nghĩa là Bắc Kinh, quốc gia vốn hiểu rõ về vai trò của siêu cường trong quan hệ quốc tế, sẽ không thể rũ bỏ Nhật Bản một cách đơn giản.
Tuy vậy, các thành viên Bộ Tứ không xem xét tất cả mọi việc như nhau. Sự thờ ơ truyền thống của Ấn Độ với các khối liên minh có nghĩa là New Delhi sẽ có thể chống lại bất cứ nỗ lực nào nhằm chính thức hoá Bộ Tứ. Ấn Độ còn là nền kinh tế mới nổi, và là một phần của Hội nghị thượng đỉnh BRICS với Brazil, Nga, Trung quốc và Nam Phi, dẫu cho BRICS chỉ là một “nhóm” trên danh nghĩa.
Trong khi đó, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump bộc lộ rõ ý định chống Trung Quốc và đang tìm cách xây dựng một NATO châu Á với Bộ Tứ là hạt nhân. Nếu làm vậy, họ sẽ rất khó thu hút các nước đã bị Bắc Kinh lôi kéo.
Hãy lấy Hàn Quốc làm ví dụ, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha nói hôm 25/9 rằng Bộ Tứ không phải là “một ý tưởng hay”. Cuộc nói chuyện của ông Suga với Tổng thống Moon Jae-in không động chạm đến khái niệm “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” được xem như biểu thị nhận thức rằng Seoul đứng về phía Bắc Kinh.
Ngoài ra, việc Ấn Độ phớt lờ Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) cũng có thể khiến Nhật Bản và Úc đau đầu.
Hiệp định tự do thương mại được đề nghị bao gồm 10 thành viên của ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ, tuy nhiên không có Mỹ.
Tokyo và Canberra đặt hy vọng vào Ấn Độ như một trong những nền kinh tế mới nổi dẫn đầu, đóng vai trò đối trọng với Trung Quốc để giữ nước này không vượt hẳn lên một nhóm chiếm 30% hoặc hơn tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Tuy nhiên, tháng 11 năm ngoái, Ấn Độ đã thông báo ý định từ bỏ RCEP trong bối cảnh thâm hụt thương mại gia tăng.
Bắc Kinh đã dẫn đầu những sáng kiến lớn trong khu vực, gồm các dự án thuộc Vành đai & Con đường và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á. Nếu họ thống trị RCEP, họ có thể khống chế những nền kinh tế mới nổi đang đói khát vốn và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Mỹ không bàng quang. Họ đã hợp tác với Nhật và Úc để khởi động Hệ thống Điểm Xanh, một sáng kiến đầu tư vào hạ tầng chất lượng cao và được xem như một giải pháp thay thế cho Vành đai & Con đường.
Lào đang bị mắc kẹt trong dự án Vành đai & Con đường, khiến đất nước chìm trong các khoản vay nặng lãi. Tại Indonesia, một tuyến xe lửa cao tốc được tài trợ qua đầu tư của Trung Quốc cũng bị trì hoãn liên tiếp.
Thời gian đã chín muồi cho đầu tư hạ tầng chất lượng của bộ ba Mỹ – Nhật – Úc.
Khi điều này xảy ra, ông Suga đã chọn Việt Nam và Indonesia cho các chuyến thăm nước ngoài chính thức đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, cho thấy rõ ông dự định củng cố mối quan hệ với các thành viên ASEAN cốt lõi để chống lại Trung Quốc. Nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản có thể cũng phải đối mặt với thách thức liên quan đến việc Ấn Độ rút khỏi RCEP, tương tự như việc ông Abe đã thúc đẩy hoàn thành Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mà không có Mỹ.
Đối với bản thân Mỹ, việc tái đắc cử của ông Trump vẫn chưa chắc chắn, còn chính sách châu Á của ứng viên Tổng thống Joe Biden có phần khó khăn. Điều này khiến mối liên kết của Nhật Bản với Úc và Ấn Độ càng trở nên quan trọng hơn.
Yoichi Takita, bài bình luận đăng trên Nikkei Asia Review