Bầu cử TT Mỹ: Virus corona chưa chắc đã phá hỏng mục tiêu tái đắc cử của Trump

Thanh Hà

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phòng làm việc ở quân y viện Walter Reed, ngoại ô Washington DC, ngày 03/10/2020. The White House/Handout via Reuters

Với Donald Trump ở Tòa Bạch Ốc, tất cả các kịch bản phiêu lưu nhất đều có thể xảy ra. Không chỉ là một vị tổng thống “ ngoại hạng” trong lịch sử Hoa Kỳ, làm khuynh đảo các truyền thống lâu đời trên chính trường Mỹ, với Donald Trump chiến dịch tái tranh cử của ông ở giai đoạn cuối cũng là một “ngoại lệ”.

Virus corona đột nhập được phủ tổng thống Mỹ và đã không chừa một ai, kể cả tổng thống và phu nhân. Trong vài giờ đồng hồ, nguyên thủ Mỹ phải vội vã nhập viện sau khi thông báo ông tiếp tục điều hành đất nước từ Tòa Bạch Ốc. Những thông tin trống đánh xuôi kèn thổi ngược về tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo thế lực nhất trên thế giới là đề tài để truyền thông quốc tế liên tục khai thác trong ba ngày liên tiếp, và chắc chắn đây sẽ còn là chủ đề lấn át hẳn các phần thời sự quốc tế khác.

Nhưng chưa hẳn dịch Covid-19 đã là màn cuối của một chuyện dài nhiều tập với rất nhiều màn gay cấn, hồi hộp và bất ngờ kể từ khi nhà tỷ phú New York lao vào chính trường. Cũng không chắc là siêu vi corona chủng mới đe dọa triển vọng tái đắc cử của vị tổng thống “khác người” nhất của nước Mỹ.

29 ngày trước khi cử tri Hoa Kỳ được kêu gọi bầu lại tổng thống cho một nhiệm kỳ 4 năm, thời sự ở Mỹ càng lúc càng dồn dập với tiết lộ tổng thống Hoa Kỳ, một doanh nhân thành đạt và giàu có nhất nước Mỹ, không phải đóng thuế cho chính phủ Liên bang trong “cả chục năm”, hay chỉ đóng rất ít ngay cả so với một người Mỹ có thu nhập trung bình. Phân hóa giàu nghèo, màu da trong xã hội với phong trào Black Lives Matters vẫn âm ỉ và vẫn có nguy cơ bùng trở lại bất cứ lúc nào từ nay cho đến ngày bầu cử 03/11/2020.

Kế tới là cái chết của nữ thẩm phán được công luận kính nể tại Tối Cao Pháp Viện, Ruth Bader Ginsburg, cho phép Tổng thống Trump lần thứ 3 được quyền đề cử người vào định chế tư pháp này, qua đó làm thay đổi tương quan lực lượng trong “hàng chục năm sắp tới”. Nhưng cũng chính trong buổi lễ chỉ định thẩm phán thay thế, ngay tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc, đã có không ít người tham dự bị nhiễm Covid-19.

Siêu vi chủng mới đã cướp đi sinh mạng của hơn 200,000 người Mỹ, khiến hơn 7 triệu người Mỹ nhiễm bệnh, đẩy hàng chục triệu người ra khỏi thị trường lao động, xua tan những thành quả kinh tế của chính quyền Trump trong gần 4 năm qua. Siêu vi corona chủng mới cũng đã bắt cỗ máy của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa thay đổi, từ cách tổ chức đến diễn tiến các cuộc tổ chức meeting, tranh luận tay đôi giữa hai ứng cử viên. Đó là chưa kể các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu đều cho thấy tổng thống mãn nhiệm đang bị đối thủ Joe Biden của đảng Dân Chủ qua mặt.

Trong mắt cộng đồng quốc tế, nội việc Mỹ đứng đầu thế giới về thiệt hại nhân mạng và số ca lây nhiễm cũng đủ làm hình ảnh của Hoa Kỳ trong tay chính quyền Trump xấu đi. Thế nhưng, các đòn tấn công dồn dập của siêu vi corona chủng mới và những thách thức càng lúc càng lớn đối với Tòa Bạch Ốc chưa chắc chôn vùi vĩnh viễn hy vọng tái đắc cử của Donald Trump.

Thứ nhất, các cuộc điều tra cho thấy tin nguyên thủ Mỹ bị nhiễm Covid-19 và việc ông phải nhập viện không làm thành phần ủng hộ ông nao núng. Có chăng số này chỉ khẽ trách ông bất cẩn trước một con virus quái ác. Thứ hai, đành rằng các cuộc thăm dò cho thấy Joe Biden đang dẫn dầu cuộc đua, nhưng bài học cách đây 4 năm cho thấy, ngay cả các viện thăm dò lớn nhất của Mỹ và quốc tế cũng có thể sai lầm. Tổng thống Mỹ đắc cử hay không tùy thuộc vào lá phiếu của các đại cử tri. Năm 2016, đa số “quần chúng” bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton, nhưng rốt cuộc ông Trump lại có đa số đại cử tri.

Điều thứ ba cho phép ứng viên đảng Cộng Hòa vẫn có hy vọng đắc cử lần này là trong suốt gần 4 năm qua, tổng thống Trump chỉ quan tâm đến thành phần cử tri trung thành với ông. Phải công nhận rằng, thành phần nòng cốt đó đã “không hề bị bào mỏng theo năm tháng”, như ghi nhận của một số chuyên gia Pháp về tình hình chính trị Hoa Kỳ. Tất cả mọi thông tin tiêu cực về tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đều bị phe bênh vực ông coi là thông tin giả. Vào lúc tổng thống Trump được điều trị ở bệnh viện quân ý Walter Reed, trước cổng nhà thương vẫn có nhiều người tập hợp để tỏ lòng ủng hộ ông. Thậm chí có người tuyên bố với phóng viên của RFI là trong kịch bản tệ hại nhất, thì người này sẵn sàng chết thay Trump.

Giờ đây, nếu như sau một vài ngày tĩnh dưỡng, tổng thống Mỹ bình phục, có nhiều khả năng Donald Trump đảo ngược thế cờ. Thậm chí ông Trump và ban vận động tranh cử của Tòa Bạch Ốc sẽ khai thác Covid-19 như một lá chủ bài của nguyên thủ Mỹ: Donald Trump đủ bản lĩnh để vượt qua mọi thách thức, kể cả trước một kẻ thù vô hình đang làm tê liệt cả thế giới.

Điều chắc chắn là từ nay cho đến sau bầu cử tổng thống Mỹ, thậm chí là có thể cho tới khi nào kết quả chính thức được công bố rõ ràng, Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn vắng bóng trên các hồ sơ lớn của thế giới. Bằng chứng rõ rệt nhất là dù ngoại trưởng Pompeo công du châu Á để họp bàn với 3 đối tác quan trọng của Washington trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhưng ông vẫn liên tục để ý đến các tin nhắn về diễn biến tình hình ở bệnh viện quân y Walter Reed. Ông Pompeo dự trù thu ngắn chuyến công tác để nhanh chóng trở về Washington.

Related posts