Vài giờ sau cuộc đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam, bà Phạm Thị Đoan Trang bị bắt giữ

  • Nguyễn Quân

Ngày 6/10, quan chức ngoại giao hai nước Hoa Kỳ, Việt Nam tổ chức cuộc Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam thường niên lần thứ 24. Đêm cùng ngày, bà Phạm Thị Đoan Trang, nhà báo, nhà hoạt động dân chủ bị các lực lượng thuộc Bộ Công an bắt tại TP.HCM. 

Bà Phạm Thị Đoan Trang. (Ảnh: FB Pham Doan Trang)

Thông tin bà Phạm Thị Đoan Trang (SN 1978) bị bắt được đưa sớm nhất vào khoảng 13h30, chiều ngày 7/10, bởi Luật Khoa tạp chí – một trang thông tin/báo chí đăng ký tại Hoa Kỳ, do bà Trang đồng sáng lập và là biên tập viên.

Ông Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật Khoa tạp chí cho biết theo thông tin từ nhân chứng đã xác minh, bà Trang bị công an bắt tại nhà trọ vào lúc 23h30 ngày 6/10. Tại thời điểm cung cấp thông tin, ông Long cho biết gia đình bà Trang vẫn chưa nhận được bất kỳ một thông báo nào từ cơ quan điều tra.

Hãng tin Reuters cũng cùng lúc đưa tin về sự việc trong một bản tin có tựa đề “Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động vài giờ sau cuộc họp nhân quyền với Mỹ”. Bản tin cho biết vụ việc bắt giữ bà Trang diễn ra vài giờ sau khi cuộc đối thoại về nhân quyền thường niên giữa Hoa Kỳ-Việt Nam kết thúc.

Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết họ hết sức quan ngại trước các báo cáo về việc giam giữ bà Trang, điều này “có thể ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận”.

“Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải đảm bảo các hành động và luật pháp của mình phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam,” phát ngôn viên Rachael Chen nói, theo Reuters.

Thông tin bắt giữ bà Trang được Bộ Công an Việt Nam phát trên cổng thông tin vào khoảng 14h chiều 7/10.

Theo thông báo, bà Trang bị bắt giữ, khám xét khẩn cấp tại địa chỉ tạm trú tại phường 10, quận 3, TP.HCM, do Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP.HCM, với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo các Điều 117, Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch), Tổ chức Ân Xá Quốc tế (Amnesty International) ngày 7/10 cùng ra các thông cáo lên án vụ bắt giữ bà Phạm Thị Đoan Trang, cảnh báo nguy cơ bà Trang bị tra tấn và đối xử bất công, yêu cầu bà Trang phải được trả tự do ngay và vô điều kiện.

BBC Tiếng Việt ngày 7/10 dẫn phân tích từ TSKH Nguyễn Quang A về các quy định về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, và tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”.Theo ông Quang A, xét về mặt nguyên tắc chẳng ai có thể chống lại một nhà nước cả (vì nó gồm lãnh thổ, dân cư, bộ máy nhà nước và các dự án nhà nước); nhưng ai cũng có quyền chống một chính quyền (tức là những người con người cụ thể làm các chức năng cụ thể trong các bộ máy nhà nước).Việc “đánh đồng chính quyền với nhà nước và tạo ra các điều luật hay các tội danh mù mờ để họ có thể diễn giải việc bắt bất cứ ai làm những điều hợp hiến, hợp luật quốc tế như Phạm Đoan Trang đã làm và bắt bớ, bỏ tù những người người như vậy.”, ông Quang A nói.

Trước khi cuộc bắt giữ diễn ra, Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam thường niên lần thứ 24 đã được tổ chức trực tuyến cùng ngày.

Thông cáo ngày 6/10 từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Scott Busby và Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt dẫn đầu hai phái đoàn tham gia đối thoại. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cùng đọc diễn văn khai mạc.

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho biết cuộc đối thoại kéo dài 3 giờ đồng hồ đã đề cập đến một loạt các vấn đề nhân quyền, tự do ngôn luận và lập hội, tự do tôn giáo và quyền lao động. Đối thoại cũng đề cập đến quyền của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, chẳng hạn như các nhóm dân tộc thiểu số và người khuyết tật.

Việc thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do căn bản vẫn là cốt lõi quan trọng trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và là chìa khóa trong việc xây dựng thêm nữa quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Nguyễn Quân

Related posts