Giuliani: ĐCSTQ đã để virus corona thoát ra nhằm phá hủy thế giới
Ông Rudy Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, hôm 6/10 nói rằng ĐCSTQ đã cố ý cho virus corona thoát ra ngoài để tàn phá tối đa phần còn lại của thế giới.
Cựu thị trưởng thành phố New York đã gọi virus corona là “virus Trung Cộng” trên Twitter vào ngày 6/10. Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông giải thích rằng việc ông sử dụng cái tên này là một sự lựa chọn có chủ ý, bởi ông muốn buộc chế độ cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch. Ông gọi hành vi bất lương của chế độ Trung Quốc là “hành động chiến tranh.”
Ông Giuliani nói: “Trung Quốc biết điều đó trong một tháng đến một tháng rưỡi trước khi nói với chúng ta. Họ đã phong tỏa Trung Quốc trong nhiều tháng sau khi họ cho phép hàng nghìn và hàng trăm nghìn người Trung Quốc đi du lịch khắp châu Âu, và khắp Hoa Kỳ.”
“Khi họ đóng cửa Trung Quốc, họ biết điều này nguy hiểm như thế nào. Và họ muốn đảm bảo rằng phần còn lại của thể giới cũng bị thiệt hại như Trung Quốc. Thật là hèn hạ khi làm một điều như vậy. Chúng ta có thể xem đây là một hành động chiến tranh.”
Ông Giuliani phân biệt rõ ràng giữa Trung Quốc thực sự và ĐCSTQ. Ông lưu ý rằng người dân Trung Quốc giống như phần còn lại của thế giới đã trở thành nạn nhân của ĐCSTQ.
Ông Giuliani nói: “Tôi nghĩ tốt hơn nên gọi nó là virus Trung Cộng, bởi vì đây không phải là do người dân Trung Quốc. Đại đa số người dân Trung Quốc là vô tội. Họ thậm chí còn là nạn nhân của việc này. Họ cũng gặp nạn như chúng ta vậy.”
Ông Giuliani đưa ra những nhận xét trên một ngay sau khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng sau bốn ngày điều trị tại Trung tâm Y tế Quân đội Walter Reed. Tổng thống có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Trung Cộng vào ngày 1/10. Cuối tuần qua, khi tổng thống vẫn còn ở trong bệnh viện, ông Giuliani đã quy trách nhiệm cho ĐCSTQ về việc Tổng thống bị nhiễm bệnh.
Ông Giuliani nói rằng “thật đáng thất vọng” khi những cái tên như virus Trung Quốc và virus Vũ hán đã không trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ. Ông đổ lỗi vấn đề này là do ảnh hưởng của ĐCSTQ.
Ông Giuliani nói: “Tôi nghĩ rằng đó là bởi vì ĐCSTQ đã kiểm soát được nước Mỹ trong nhiều khía cạnh, và vì rất nhiều người Mỹ có ảnh hưởng lớn coi mối quan hệ thương mại với Trung Quốc còn quan trọng hơn cả nước Mỹ.”
Ngay từ tháng 4, ông Trump cho rằng ĐCSTQ phải trả một cái giá đáng kể cho đại dịch. Ông Giuliani cho biết ông Trump không chỉ đưa ra lời đe dọa.
Ông Giuliani nói: “Không có lý do gì để thông báo cho người Trung Quốc những gì chúng ta đang suy nghĩ và những gì chúng ta sẽ làm. Ông ấy đang làm điều đó rồi. Và tôi nói rằng sẽ còn nhiều điều nữa sẽ xảy ra.”
Tiếp tục dồn Bắc Kinh, nghị sĩ Mỹ giới thiệu đạo luật chế tài truyền thông Trung Quốc
Thượng nghị sĩ Rick Scott và Marsha Blackburn đã đề nghị một dự luật mới nhằm buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về cách họ đối xử với các nhà báo Mỹ tác nghiệp tại Trung Quốc, đồng thời chế tài các hãng tin của Bắc Kinh hoạt động tại Mỹ, theo Epoch Times.
Dự luật có tên “Đạo luật Trách nhiệm Giải trình Truyền thông của [chính quyền] Trung Quốc [CBMA]” cũng sẽ ngăn các nhà báo làm việc cho 9 cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc xin thị thực mới hoặc gia hạn thị thực. Đây là những hãng truyền thông đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gán nhãn là “cơ quan đại diện nước ngoài”.
Lệnh đình chỉ cấp và gia hạn thị thực sẽ chỉ được dỡ bỏ sau khi Ngoại trưởng Mỹ đệ trình báo cáo lên Nghị viện thông báo cho các nhà lập pháp về số lượng nhà báo được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn hiện đang làm việc ở Mỹ.
Vào tháng Hai, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lần đầu tiên chỉ định 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc là cơ quan đại diện nước ngoài, trước khi bổ sung thêm 4 thực thể tương tự vào tháng Sáu, và liệt kê họ là các cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). 9 hãng thông tấn này, bao gồm CCTV, CGTN và Nhân dân Nhật báo, đã được yêu cầu đăng ký nhân viên và tài sản của họ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
“Trong nhiều năm, chính quyền Cộng sản ở Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy tuyên truyền của họ tại Mỹ thông qua các cơ quan truyền thông nhà nước, trong khi từ chối đối xử công bằng với các nhà báo Mỹ ở Trung Quốc”, ông Scott cho biết trong một tuyên bố ngày 6/10 từ văn phòng của mình.
Ông nói thêm: “Chúng ta phải đứng lên và nói rằng hành vi này của Trung Quốc Cộng sản là không thể chấp nhận được”.
Dự luật mà ông Scott và Blackburn giới thiệu cũng quy định rằng các nhà báo Trung Quốc làm việc tại Hoa Kỳ bị giới hạn thị thực làm việc 90 ngày, và có những ràng buộc khi muốn gia hạn.
Ông Blackburn cho biết: “Luật này sẽ cho chúng tôi khả năng theo dõi chặt chẽ các nhà báo được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn ở Hoa Kỳ, đảm bảo rằng họ không hoạt động ở đây với động cơ sai trái”.
Vào tháng Năm, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã ban hành một quy định hạn chế thị thực của các nhà báo Trung Quốc, giải thích rằng việc thay đổi quy tắc đã được thông qua để đáp lại “sự đàn áp báo chí độc lập” ở Trung Quốc.
Nếu được ban hành, dự luật CBMA cũng sẽ yêu cầu số lượng thị thực cấp cho các nhà báo Trung Quốc không được vượt quá số lượng các nhà báo Mỹ làm việc tại Trung Quốc. Hiện tại các nhà báo Mỹ cũng phải xin thị thực để được tác nghiệp tại Trung Quốc.
Sau quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ định 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc là “cơ quan đại diện nước ngoài”, Trung Quốc đã trả đũa vào tháng Ba bằng cách công bố các biện pháp bao gồm yêu cầu tất cả công dân Hoa Kỳ làm việc với tư cách là nhà báo cho các tờ báo New York Times, Wall Street Journal và Washington Post phải giao nộp thẻ nhà báo trong vòng 10 ngày. Yêu cầu này tương đương với việc buộc họ phải rời khỏi Trung Quốc.
Theo Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài của Trung Quốc, ít nhất 13 nhà báo Mỹ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trả đũa này của Trung Quốc.
Anh chịu sức ép phải tẩy chay Olympic 2022 tại Bắc Kinh
Hôm thứ Ba (7/10), Ủy ban đối ngoại Vương quốc Anh đã gây sức ép buộc Ngoại trưởng Dominic Raab phải tẩy chay việc chính quyền Trung Quốc tổ chức thế vận hội mùa đông 2022 vì lực lượng này đối xử tàn bạo với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, theo Epoch Times.
Khi được hỏi rằng trước những bằng chứng về việc chính quyền Trung Quốc đàn áp nhân quyền thì Anh có cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông 2022 tổ chức tại Bắc Kinh hay không, Ngoại trưởng Raab trả lời rằng không loại trừ việc tẩy chay sự kiện này.
“Nói chung, [nhận thức] bản năng của tôi là tách biệt thể thao khỏi ngoại giao và chính trị. Nhưng có một điểm mà điều đó có thể không thực hiện được”, ông Raab nói.
Ông Raab thừa nhận những bằng chứng “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và tàn bạo” chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương nhưng nói rằng rất khó để những hành vi này được pháp luật phân loại là tội diệt chủng.
Khi Tom Tugendhat, chủ tịch ủy ban đối ngoại, hỏi Raab rằng tại sao lại như vậy, ông Raab nói rằng “thách thức đối với nạn diệt chủng… là bạn phải chứng minh, chứng minh rằng đó không chỉ là sự hủy diệt nhóm người thiểu số… mà còn [thực hiện] với âm mưu cố ý hủy hoại cộng đồng đó”.
Ông Tugendhat lập luận rằng các luật sư khác đã cung cấp bằng chứng cần thiết để chứng minh điều đó.
“Các luật sư khác bao gồm Ben Emmerson đã trích dẫn sự tàn phá văn hóa, việc cưỡng bức triệt sản và nhiều vấn đề khác nữa là bằng chứng về ý định [diệt chủng] mà ông nói đến”, ông Tugendhat nói và hỏi ngoại trưởng Anh rằng phải cần bao nhiêu bằng chứng thì mới đủ để khép tội diệt chủng đối với chính quyền Trung Quốc.
Sau một hồi tranh luận, ông Raab nói rằng “chúng tôi lên án nó [chính quyền Trung Quốc ” vì nó “mâu thuẫn với những trách nhiệm đi kèm với việc trở thành một thành viên của cộng đồng quốc tế”.
Facebook, Twitter kiểm duyệt bài so sánh virus corona với bệnh cúm của ông Trump
Facebook đã xóa một trong những bài đăng của Tổng thống Donald Trump, còn Twitter kiểm duyệt bài đó bằng cách gắn thêm cảnh báo.
Ông Trump đã viết hôm thứ ba (6/10) rằng cúm mùa sắp đến.
Tổng thống viết: “Mỗi năm có nhiều người, đôi khi hơn 100.000 người chết vì bệnh cúm mặc dù đã có vắc-xin. Chúng ta sẽ đóng cửa đất nước hay không? Không, chúng ta đã học cách sống chung với nó, giống như chúng ta đang học cách sống chung với COVID, trong phần lớn các nhóm dân cư số người chết đã ít hơn nhiều!!!”
Một phát ngôn viên của Facebook xác nhận rằng công ty đã xóa bài đăng của ông Trump trên nền tảng mạng xã hội này.
Ông Andy Stone cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi xóa các thông tin không chính xác về mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 và hiện đã xóa bài đăng này.”
Trong khi đó, Twitter đã gắn thêm cảnh báo bằng cách che nội dung bài đăng để người dùng không nhìn thấy trừ khi họ nhấn vào “xem”. Cảnh báo cho biết dòng tweet của ông Trump “đã vi phạm các quy định của Twitter về việc truyền bá thông tin gây hiểu lầm và có khả năng gây hại liên quan đến COVID-19.”
Không có công ty nào cho biết rõ hơn cách họ quyết định thực hiện hành động chống lại bài đăng của ông Trump và họ đã sử dụng bằng chứng nào.
COVID-19 là căn bệnh do virus corona gây ra, khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Theo các quan chức y tế liên bang và dữ liệu của chính phủ Mỹ cũng như các tổ chức y tế khác trên thế giới, virus này ảnh hưởng đến các nhóm dân cư khác nhau theo cách khác nhau.
Ví dụ, hầu hết trẻ em không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19. Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, tính đến ngày 13/8, chỉ có 90 trẻ em tử vong do biến chứng của COVID-19. Còn theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), bệnh cúm đã dẫn đến 480 ca tử vong ở trẻ em trong mùa cúm 2018-19.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em là tác nhân quan trọng trong việc lây truyền virus cúm nhưng dữ liệu ban đầu cho thấy trẻ em ít bị virus cúm và Covid-19 ảnh hưởng hơn là người lớn. Trẻ em thường bị nhiễm bệnh mới từ người lớn hơn là ngược lại.
Ảnh hưởng của cả bệnh cúm và COVID-19 đều gia tăng ở người lớn tuổi và có ảnh hưởng xấu nhất trong những nhóm người cao tuổi. Số ca tử vong cao nhất liên quan đến COVID-19 là những người 85 tuổi trở lên.
COVID-19 đã tấn công người cao tuổi ở Mỹ nghiêm trọng hơn nhiều so với một chủng cúm thông thường. Theo CDC, chỉ có 25.555 người 65 tuổi trở lên được ước tính đã chết vì bệnh cúm trong mùa cúm 2018-19; trong khi đó, gần 60.000 người từ 85 tuổi trở lên đã tử vong liên quan đến COVID-19 tính từ tháng 2 cho đến cuối tháng 9.
Ngoài nhóm tuổi ra, những người có bệnh lý nền tiềm ẩn có nguy cơ cần sự chăm sóc từ bệnh viện để chống lại COVID-19 cao hơn những người bình thường. Ví dụ, theo CDC, bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ lên ba lần; bệnh béo phì nghiêm trọng làm tăng nguy cơ lên 4,5 lần.
Nói chung, COVID-19 dường như dẫn đến nhiều ca tử vong hơn bệnh cúm.
Theo CDC, tính đến ngày 30/9 có gần 200.000 ca tử vong tại Hoa Kỳ liên quan đến COVID-19. Trong khi đó, ước tính số ca tử vong do cúm trong mùa 2018-19 là 34.157 ca.
Bác sĩ Anthony Fauci, lãnh đạo Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, nói với NBC rằng một tuyên bố trong tweet của ông Trump không hoàn toàn chính xác.
Ông Fauci nói: “Chúng ta không mắc phải một đại dịch giết chết một triệu người và nó thậm chí còn chưa kết thúc như bệnh cúm. Vì vậy, không chính xác khi nói nó giống bệnh cúm. Nó có một số triệu chứng tương tự ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, bệnh cúm không làm được những điều mà COVID-19 có thể làm đối với chúng ta.”
Tuy nhiên ông từ chối bình luận thêm.
Ông Fauci nói thêm: “Tôi có công việc phải làm, và lời nói của cá nhân tôi trái ngược công khai với tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ không phải là điều tốt nếu tôi muốn hoàn thành công việc của mình.”
Sau khi Twitter và Facebook có hành động, ông Trump đã lên Twitter thúc giục việc bãi bỏ Mục 230 của Đạo luật về Khuôn phép trong Thông tin. Mục này hiện đang bảo vệ các nền tảng mạng xã hội chống lại các vụ kiện.
Trong tháng này, chủ tịch một ủy ban của Thượng viện đã được ủy quyền để chất vấn ông Jack Dorsey, giám đốc điều hành của Twitter và Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành của Facebook, về việc kiểm duyệt người dùng khi Quốc hội xem xét sửa đổi Mục 230.
Hôm thứ 3 (6/10), Ban vận động tranh cử của ông Trump đã bổ sung câu: “CÁC HÃNG CÔNG NGHỆ LỚN (BIG TECH) PHẢI NGĂN CHẶN THÀNH KIẾN.”
Anh nói có bằng chứng Huawei ‘cấu kết’ với Bắc Kinh
Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Anh hôm nay cho biết họ đã tìm ra bằng chứng Huawei “cấu kết” với nhà nước Trung Quốc và Anh có thể phải loại bỏ toàn bộ thiết bị Huawei sớm hơn kế hoạch, theo Reuters.
Tobias Ellwood, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, cho biết: “Phương Tây phải khẩn trương đoàn kết để tạo ra đối trọng với ưu thế công nghệ vượt trội của Trung Quốc”. “Chúng ta không được từ bỏ an ninh quốc gia chỉ vì mục tiêu phát triển công nghệ ngắn hạn”.
Ủy ban không đề cập chi tiết về bản chất của các mối quan hệ nhưng cho biết họ đã thấy bằng chứng rõ ràng về sự thông đồng của Huawei với “bộ máy Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Huawei cáo buộc báo cáo này thiếu độ tin cậy.
Ông Trump định vận động tranh cử trở lại từ tuần tới
Bloomberg đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch vận động tranh cử trở lại từ thứ Hai tới (12/10), chỉ hơn một tuần sau khi ông thông báo nhiễm Covid-19.
Một nguồn tin am hiểu vấn đề hôm 7/10 cho hay, ông Trump có kế hoạch đến Pennsylvania vận động tranh cử vào ngày 12/10. Tổng thống Mỹ cũng dự định tới bang Florida vào 13/10 và Michigan vào 16/10.
Kế hoạch cho các chuyến vận động tranh cử này vẫn có thể thay đổi. Tuy nhiên, nếu diễn ra theo đúng lịch trình, đây sẽ là sự kiện vận động tranh cử đầu tiên của Tổng thống Trump kể từ khi ông thông báo nhiễm virus corona.
Ông Trump muốn rút hết quân ở Afghanistan trước Giáng sinh
“Chúng ta nên đưa số ít những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm đang làm nhiệm vụ ở Afghanistan về nhà trước Giáng sinh”, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter ngày 7/10.
Dòng tweet trên được đăng tải chỉ vài giờ sau khi cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ cho biết nước này sẽ giảm lực lượng ở Afghanistan xuống còn 2.500 người vào đầu năm 2021.
Reuters bình luận, chưa rõ dòng tweet trên là mệnh lệnh hay là nguyện vọng được ấp ủ từ lâu của ông Trump.
Mỹ và lực lượng Taliban tại Afghanistan hồi tháng 2 ký thỏa thuận, theo đó các lực lượng nước ngoài sẽ rút khỏi quốc gia Trung Á để đổi lấy cam kết chống khủng bố từ Taliban. Lực lượng này cũng đồng ý đàm phán về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và cơ chế chia sẻ quyền lực với chính phủ Afghanistan.
Tổng thống Trump và các quan chức khác từng nói Mỹ sẽ rút 4.000-5.000 binh sĩ khỏi Afghanistan vào tháng 11. Tuy nhiên, các quan chức cho biết việc cắt giảm quân số tại Afghanistan còn phụ thuộc vào các điều kiện ở quốc gia này.
Đức, Pháp thúc đẩy EU chế tài Nga về vụ Navalny
Đức và Pháp hôm 7/10 tuyên bố sẽ đề nghị Liên hiệp Châu Âu chế tài các cá nhân Nga sau khi không nhận được những câu trả lời thích đáng từ Moscow về vụ đầu độc lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny bằng chất độc thần kinh Novichok.
Trong một tuyên bố chung được Reuters trích dẫn, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng: “Không có giải thích khả tín nào được Nga đưa ra cho tới nay. Trong trường hợp này, chúng tôi xem như là không có cách giải thích thuyết phục nào khác về vụ đầu độc ông Nalvany hơn là tuyên bố Nga có dính líu và phải chịu trách nhiệm”.
Các nhà ngoại giao trước đây từng cho hay Đức và Pháp sẽ đề nghị chế tài các giới chức cơ quan tình báo quân đội Nga GRU khi 27 Ngoại trưởng các nước EU họp ngày 12/10.
Hai ngoại trưởng cho biết thêm: “Rút ra những kết luận cần thiết từ những sự kiện này, Pháp và Đức sẽ chia sẻ với các đối tác châu Âu những đề nghị chế tài thêm nữa”.
Hai ngoại trưởng nhấn mạnh: “Các đề nghị sẽ nhắm vào các cá nhân xem như có trách nhiệm trong tội ác này và vi phạm chuẩn mực quốc tế, căn cứ trên nhiệm vụ của họ, cũng như một thực thể dính líu đến Novichok”.
Nga bác mọi cáo buộc của ông Navalny về việc dính líu đến vụ đầu độc.
Tổng thống Putin lần đầu lên tiếng về giao tranh Armenia – Azerbaijan
The Moscow Times đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7/10 đã gọi cuộc chiến giữa Armenia – Azerbaijan là một “thảm kịch” chưa có dấu hiệu chấm dứt. Đây là lần tiên ông Putin lên tiếng kể từ khi xảy ra tranh chấp giữa 2 nước láng giềng vào ngày 17/9.
Ông Putin nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình: “Người dân đang chết dần. Cả 2 bên đều thiệt hại nặng nề và chúng tôi hy vọng rằng cuộc giao tranh sẽ chấm dứt càng sớm càng tốt”.
Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), một liên minh quân sự do Nga đứng đầu cùng 6 nước thuộc Liên Xô cũ. Azerbaijan và khu tự trị Nagorno-Karabakh không thuộc CSTO.
Nagorno-Karabakh là vùng đất nằm bên trong lãnh thổ Azerbaijan như đã tách khỏi sự kiểm soát Azerbaijan vào những năm 1990. Cộng đồng quốc tế vẫn công nhận Nagorno-Karabakh thuộc Azerbaijan.
Reuters cho biết, sau 10 ngày giao chiến vừa qua, hơn 360 người thiệt mạng, bao gồm 320 binh sĩ và 19 thường dân ở Nagorno-Karabakh, 28 cư dân Azerbaijan.