Vũ Dương
Mới đây (hôm 5/7), bà Thái Hà, cựu giáo sư trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiết lộ mối quan hệ thực sự giữa hai ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn, đồng thời cũng nói về mối quan hệ giữa ông Vương Kỳ Sơn và ông Nhậm Chí Cường, theo SOH.
Ngày trước, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ thông báo rằng, Đổng Hồng, cựu Thứ trưởng Tổ tuần tra của Ủy ban Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ, đang bị điều tra.
Đổng Hồng là thân tín của ông Vương Kỳ Sơn, đã đi theo ông Vương Kỳ Sơn từ Quảng Đông đến Văn phòng Cải cách Hệ thống Quốc vụ viện, rồi đến Hải Nam, sau đó đến thành phố Bắc Kinh, rồi đến Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ. Ông Đổng Hồng được mọi người biết đến như “đại quản gia” của ông Vương Kỳ Sơn.
Vì vậy, việc ông Đổng Hồng bất ngờ ngã ngựa đã làm dấy lên một loạt những lời đồn đoán về sự rạn nứt trong mối quan hệ của hai ông Tập – Vương, ngoại giới nhận định đây là tín hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình rất có khả năng sẽ hạ thủ với ông Vương Kỳ Sơn.
Mới đây (ngày 5/7), Đài Á Châu Tự Do đã có buổi phỏng vấn đặc biệt với bà Thái Hà. Bà Thái Hà đã nói về mối quan hệ “sâu xa” giữa ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn.
Bà Thái Hà nói rằng mối quan hệ giữa hai ông Tập – Vương khá là tế nhị. Trên thực tế thì uy danh, kinh nghiệm và năng lực của ông Vương Kỳ Sơn cao hơn nhiều so với Tập Cận Bình. Những người trong đảng vừa oán hận lại vừa khiếp sợ ông ta, và cũng rất bái phục ông ta.
Bà chỉ ra rằng, lối tư duy trong chế độ cực quyền chuyên chế là loại bỏ tất cả những người có thể đe dọa vị trí thống trị của người lãnh đạo. Lối tư duy này xác định rằng Tập sẽ không bắt tay hợp tác với Vương. Nhưng Tập không muốn để ông ấy đi, vì nếu ông ấy đi, có một số việc phức tạp mà bản thân ông Tập không thể xử lý được. Vậy nên, Tập vừa phải dùng đến ông ta, nhưng cũng phải đề phòng ông ta sẽ phản bội mình. Đây chính là tâm lý của ông Tập.
Ngoài ra, bản án nặng trước đó đối với ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) – trùm bất động sản Trung Quốc, cũng được giới quan sát bên ngoài nhìn nhận là vụ việc mang tính bước ngoặt của sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa hai ông Tập – Vương. Mối quan hệ giữa ông Vương Kỳ Sơn và ông Nhậm Chí Cường vừa là thầy trò, cũng là bạn bè, quan hệ đặc biệt thân thiết, hai người họ có thể gọi điện trò chuyện say sưa tận mấy tiếng đồng hồ ngay giữa đêm khuya.
Tuy nhiên, bà Thái Hà chỉ ra rằng ông Nhậm Chí Cường lại có các mục tiêu chính trị khác với ông Vương Kỳ Sơn, và hai người họ không phải là mối quan hệ người đứng trước kẻ đứng sau hậu trường.
Mục tiêu và mục đích của ông Nhậm Chí Cường là hy vọng cả nước sẽ hướng tới dân chủ, nhưng ông Vương Kỳ Sơn thì khác. Trong tình huống này, ông Vương Kỳ Sơn không thể trói chặt mình với ông Nhậm Chí Cường được, nếu không sẽ trở thành người đứng sau hậu trường của ông Nhậm, vậy nên ông ta không thể đứng ra nói thay cho ông Nhậm Chí Cường được.
Bà Thái Hà nói rằng tại thời điểm diễn ra phong trào sinh viên Lục Tứ (thảm sát Thiên An Môn 4/6/1089), ông Nhậm Chí Cường không nhất định đã có quan điểm rõ ràng về vấn đề hướng đi của đất nước. Nhiều năm trở lại đây, ông đã tìm hiểu và suy nghĩ về các vấn đề theo hướng chính trị dân chủ, và ông đã liên tục đồng ý với nền dân chủ lập hiến và dân chủ tự do.
Bà Thái Hà nói rằng xung quanh bà có một nhóm người muốn thay đổi hệ thống này, với hy vọng thật sự hiện thực hóa dân chủ lập hiến và dân chủ tự do. “Vì vậy, trên thực tế, có những lúc khi chúng tôi nói chuyện với nhau, lời lẽ của họ còn mãnh liệt và dứt khoát hơn tôi nhiều”, bà Thái nói.