Lê Văn Đoành
Hôm nay, ngày 9/10/2020, là ngày làm việc thứ năm của Hội nghị Trung ương 13. Nếu đúng theo lịch trình, Hội nghị sẽ chốt danh sách nhân sự ứng cử BCH Trung ương XIII, trong đó có “nhân sự đặc biệt” tái cử và cả ứng viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Một nội dung quan trọng nữa cũng sẽ được giải quyết, đó là bầu bổ sung hai Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII. Theo thông tin rò rỉ, hai cái tên được Bộ Chính trị giới thiệu ra BCH Trung ương là Phan Đình Trạc, Bí thư trung ương, Trưởng ban Nội chính và Nguyễn Văn Nên, Bí thư trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Việc bổ sung nhân sự cấp cao lần này không hẳn để cân bằng quyền lực, mà chủ yếu giải quyết khủng hoảng nhân sự kế thừa.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ được diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13/10/2020 tại Hà Nội. Có 350 đại biểu tham dự, trong đó có 26 đại biểu đương nhiên và 324 đại biểu được bầu từ các tổ chức đảng trực thuộc.
Điều đặc biệt là đại hội này sẽ không bầu Đảng uỷ. Các đảng ủy viên đều do Bộ Chính trị chỉ định sau đại hội và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đều tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy công an Trung ương.
Bộ Công an hiện có 9 thứ trưởng, gồm: Thượng tướng Lê Quý Vương; Thượng tướng Bùi Văn Nam; Thượng tướng Nguyễn Văn Thành; Trung tướng Nguyễn Văn Sơn; Trung tướng Lương Tam Quang; Trung tướng Trần Quốc Tỏ; Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc; Thiếu tướng Lê Quốc Hùng và Thiếu tướng Lê Tấn Tới. Bộ trưởng là Đại tướng Tô Lâm.
Trong đó 3 thứ trưởng Nam, Thành, Vương sẽ nghỉ hưu sau đại hội XIII. Còn lại 6 thứ trưởng Sơn, Quang, Tỏ, Ngọc, Hùng, Tới sẽ được cơ cấu vào Ủy viên BCH Trung ương XIII.
Trường hợp Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, sinh 1961, quê Đà Nẵng vì quá tuổi theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị, nên sẽ không được giới thiệu ứng cử Ủy viên Trung ương lần đầu, nhưng vì là “đồ đệ” của ông Nguyễn Xuân Phúc nên được giữ lại cơ cấu Ủy viên Thường vụ đảng uỷ công an Trung ương khoá VII (2020-2025) và nắm Thứ trưởng BCA thêm 5 năm nữa.
Phan Đình Trạc sẽ được cử thay Tô Lâm để làm Bí thư Đảng uỷ công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ công an. Tô Lâm sẽ được đẩy lên nấc thang mới, dự định là Phó thủ tướng.
Đại hội Đảng bộ thành Hồ lần thứ XI diễn ra từ ngày 14/10 đến ngày 18/10/2020. Tổng số đại biểu dự Đại hội là 445 đại biểu, trong đó 59 đại biểu đương nhiên; 386 đại biểu được bầu từ Đại hội Đảng bộ các quận, huyện và cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy. Đại hội sẽ bầu 51 Ủy viên BCH, trong đó 17 Ủy viên Ban thường vụ và 4 Phó bí thư.
Tại buổi bế mạc đại hội X ngày 18/10/2015 ra mắt 15 Ủy viên Ban thường vụ, thì đến nay số nghỉ hưu, chuyển công tác, bị kỷ luật, bị bắt giam… đã chiếm 12 người, 3 vị trụ lại đến thời điểm này là Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Thị Lệ và Lê Thanh Liêm.
Nguyễn Văn Nên sẽ được cử làm Bí thư Thành uỷ, thay cho Nguyễn Thiện Nhân về vườn “làm người tử tế”. Kể từ khi thay thế Đinh La Thăng đến nay, Nguyễn Thiện Nhân hoàn toàn mờ nhạt, không để lại bất kỳ thành tích gì. “Dấu ấn” mà ông Nhân lưu lại là hứa lèo với dân oan Thủ Thiêm, lo lắng việc đẻ ít của phụ nữ thành Hồ và định biến Đà Nẵng thành Vũ Hán trong đại dịch Covid-19.
Ban thường vụ Thành uỷ thành Hồ hiện nay có sự hiện diện của ba phe. Phe nhóm Võ Văn Thưởng – Nguyễn Thành Phong, phe Nguyễn Thiện Nhân, phe Trần Lưu Quang.
Việc Tất Thành Cang không phải vào “lò”, vẫn là Thành uỷ viên và Nguyễn Văn Hiếu, kẻ cùng Tất Thành Cang hút máu dân và phá nát Thủ Thiêm, đến giờ này vẫn không “xây xát gì”, lại còn được cơ cấu vào Ủy viên Trung ương chính thức đại hội XIII, là minh chứng cho sức mạnh quyền lực của phe Võ Văn Thưởng.
Trần Lưu Quang đang gia tăng vây cánh. Ít nhất hiện nay trong Ban thường vụ thành uỷ đã có hai người đồng hương Tây Ninh được Trần Lưu Quang đưa vào.
Sắp đến, khi Nguyễn Văn Nên vào trong nam làm Bí thư, xem như thành Hồ sẽ được dân núi Bà Đen điều hành và cai trị.
Phần Nguyễn Thiện Nhân, ông ta chỉ làm mỗi một việc trong giai đoạn này là bán… ghế lấy tiền. Ai muốn lên chức, nắm vị trí hái ra tiền, ai muốn làm Bí thư đảng uỷ – tổng giám đốc các công ty nhà nước, Bí thư, chủ tịch các quận huyện ở thành Hồ, ai đang ở tầm ngắm của cơ quan điều tra, cần tránh “nhập kho” cứ tìm đến “Chuyến tàu hoàng hôn” của Hai Nhân.
Quay trở lại Hội nghị 13, vấn đề nhân sự Bộ Chính trị và cơ cấu “tứ trụ” được quan tâm hàng đầu. Xác định được bộ tứ, sẽ quyết định ai được giữ lại và ai sẽ phải ra đi.
Đảng cộng sản luôn hô hào không tham vọng quyền lực, nhưng “ngôi vua tập thể” thì chẳng có ông bà nào muốn rời bỏ. Gay cấn nếu không giải quyết dứt điểm tại hội nghị này, có thể phải kéo dài đến hội nghị 14.
Dư luận đồn đoán Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ từ bỏ cuộc đua. Ba nhân vật được giữ lại là Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc và Trương Hòa Bình.
Trong một diễn biến khác, con trai Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Nghị phải rời Kiên Giang, để nhậm chức thứ trưởng Bộ Xây dựng. Nhiều người lo ngại Nghị sẽ bị “thịt”, nhưng không phải. Nguyễn Thanh Nghị sẽ đi lên để làm bộ trưởng, chứ không phải… xuống như đồn đoán.
Hôm qua 8/10/2020, Lê Khánh Hải, Thứ trưởng bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch, được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước. Lê Khánh Hải sinh năm 1966, là cháu nội Lê Duẩn, con trai đại tá Lê Hãn. Hải được quy hoạch vào BCH trung ương XIII, chức vụ Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước, thay cho Đào Việt Trung, nghỉ hưu sau đại hội XIII.
Từ nay đến hội nghị trung ương 14, sẽ còn nhiều xáo trộn trong công tác luân chuyển cán bộ. Các phe nhóm đang cố giành những vị trí chủ chốt cho người của mình.
Điều mà nhiều đảng viên cộng sản và người dân bức xúc đó là, rất nhiều gương mặt “nhúng chàm”, bê bối, bất tài và “ăn không chừa bất cứ thứ gì”… vẫn được ưu ái cơ cấu tái cử vào BCH trung ương khóa mới, cũng như việc xài tiền vô tội vạ tại các đại hội đảng bộ các địa phương, các cấp, các ngành… mà không có bất kỳ chế tài nào, cơ quan nào kiểm soát.