Trung Quốc ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2021
Nhiều nhóm nhân quyền đang kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) ngăn chặn việc Trung Quốc tranh cử ghế mới trong Hội đồng Nhân quyền LHQ (HRC) do hồ sơ nhân quyền khét tiếng của chế độ cộng sản Bắc Kinh, theo Taiwan News.
Vào ngày 13/10, Đại hội đồng LHQ sẽ chọn 15 thành viên vào Hội đồng Nhân quyền LHQ gồm 47 thành viên với nhiệm kỳ ba năm bắt đầu vào năm 2021. Các quốc gia tranh cử cho 4 vị trí mới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Trung Quốc, Ả Rập Xê Út, Nepal, Pakistan, và Uzbekistan.
Những vi phạm nhân quyền mà Trung Quốc thực hiện tại Tân Cương và Tây Tạng trong những năm gần đây, bao gồm việc bỏ tù quy mô lớn những người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ trong các trại giam giữ cũng như việc phá hủy các nhà thờ Hồi giáo và nghĩa trang của người Duy Ngô Nhĩ, khiến nhiều nhóm nhân quyền lo ngại rằng liệu nước này có ý định sử dụng chiếc ghế của mình trong HRC để che chắn bản thân thoát khỏi các cuộc điều tra như họ đã từng làm trong quá khứ.
Ông Louis Charbonneau, giám đốc tại LHQ của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Những nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng không nên được trao cho chiếc ghế trong HRC.” Ông nói: “Trung Quốc và Ả Rập Xê Út là những nước vi phạm nhân quyền quy mô lớn không chỉ trong nước, mà họ còn cố gắng phá hoại hệ thống nhân quyền quốc tế mà họ đang yêu cầu trở thành một phần của nó.”
Ông Charbonneau đề nghị rằng khi không có các ứng viên đủ tiêu chuẩn, các nước thành viên nên từ chối bỏ phiếu.
Từ năm 2007 đến 2019, Trung Quốc đã giữ một ghế trong HRC trong suốt bốn nhiệm kỳ. Vào tháng 11/2018, nước này đã nhận được bản Đánh giá Định kỳ Phổ quát (UPR) lần thứ ba được thực hiện khoảng bốn năm một lần để cho phép các quốc gia thành viên LHQ kiểm tra các điều kiện nhân quyền của các quốc gia khác. Theo Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (CHRD), một tổ chức chuyên lập hồ sơ và tăng cường hoạt động cơ sở tại Trung Quốc, trong quá trình xem xét, chế độ cộng sản Trung Quốc tiếp tục giả vờ hợp tác với cộng đồng quốc tế bằng một chiến thuật trì hoãn hành động để tránh phải cải thiện hồ sơ nhân quyền tối tăm của mình.
CHRD đánh giá 58 khuyến nghị của UPR mà Trung Quốc tuyên bố “chấp nhận” và “đã thực hiện đầy đủ”, phát hiện rằng 91% trong số đó hoàn toàn chưa được giải quyết và phần còn lại chỉ mới giải quyết một phần.
Ví dụ, phụ nữ hay các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc vẫn bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc và trường học. Trong khi đó, việc tăng cường “Hán hóa” các dân tộc thiểu số đã dẫn đến việc thành lập các trại cải tạo tại Tân Cương để đàn áp người Hồi giáo. Cùng lúc đó, các nền văn hóa Tây Tạng, Mông Cổ và các dân tộc thiểu số khác tiếp tục bị xóa sổ một cách có hệ thống.
Lấy cớ bảo vệ an ninh quốc gia, các nhà báo và luật sư Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với việc giam giữ tùy tiện, ép buộc biến mất, tra tấn, và trừng phạt tập thể đối với gia đình họ. Tính đến ngày 4/10, CHRD đã lập hồ sơ 991 trường hợp dân thường hiện bị giam giữ theo những cáo buộc tương tự.
Trong bản cam kết tự nguyện đệ trình lên Đại hội đồng LHQ vào ngày 4/6, Trung Quốc nhấn mạnh rằng “không có một mô hình áp dụng chung cho tất cả và vấn đề nhân quyền chỉ có thể tiến bộ tùy vào điều kiện của quốc gia và nhu cầu của người dân.”
CHRD yêu cầu các quốc gia thành viên LHQ bỏ phiếu “không” đối với việc Trung Quốc ứng cử vào chiếc ghế trong HRC bởi vì tư cách thành viên HRC của một nước không tin vào khái niệm nhân quyền sẽ làm suy yếu các quyền của con người một cách rộng rãi, chưa nói đến việc cho phép quốc gia nói trên che đậy những chứng cứ tội ác của chính nó.
Liên minh 63 nghị sĩ khắp thế giới kêu gọi trừng phạt ĐCSTQ vì diệt chủng văn hóa Tây Tạng
Cuối tháng 9/2020, Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi cộng đồng thế giới sử dụng các đạo luật tương tự Magnitsky để trừng phạt các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thực hiện việc “diệt chủng văn hóa” tại Tây Tạng. Tuyên bố này dựa trên những phát hiện mới về cách thức ĐCSTQ đàn áp tín ngưỡng tại Tây Tạng, theo báo cáo của tiến sĩ Adrian Zenz, một nhà nghiên cứu độc lập người Đức, tạp chí nhân quyền Bitter Winter của Ý đưa tin.
Tiến sĩ Adrian Zenz là học giả đầu tiên đã đưa ra những kết luận thực tế và chính xác về các trại tập trung tại Tân Cương, đồng thời tính toán và đưa ra số lượng người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại đây là khoảng 1 triệu người. Kết luận này sau đó đã được nhiều tổ chức nhân quyền sử dụng lại, và trở thành một con số được chính phủ các nước sử dụng nhiều nhất trong các tuyên bố phản đối tình trạng đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Trong nghiên cứu mới nhất của mình, tiến sĩ Adrian Zenz đã kết luận rằng ĐCSTQ đang điều hành một hệ thống trại lao động cưỡng bức ở Tây Tạng theo cùng một mô hình các trại cải tạo giáo dục ở Tân Cương.
Cụm từ “đào tạo nghề” từng được ĐCSTQ sử dụng ở Tân Cương để biện minh cho chính sách đàn áp khắc nghiệt đối với người Duy Ngô Nhĩ một lần nữa lại được sử dụng ở Tây Tạng. ĐCSTQ tuyên bố rằng mục đích của việc “đào tạo nghề” là nhằm cải cách suy nghĩ được cho là “lạc hậu” của người Tây Tạng và nâng cao tinh thần của họ khỏi “thói lười biếng truyền thống”. Ngoài ra, ĐCSTQ còn thực thi tại Tây Tạng một chiến dịch mang tên “quân lữ thức” (军旅式 – kiểu quân đội), bao gồm việc cưỡng chế tuyên truyền và giám sát cường độ cao đối với người dân tại đây.
Chủ đề “diệt chủng văn hóa” là trọng tâm của các nghiên cứu của tiến sĩ Adrian Zenz, cũng là lý do ông tập trung vào vấn đề nhân quyền và đàn áp tín ngưỡng tại các khu vực như Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông. Cũng vì những nghiên cứu này, tiến sĩ Zenz đã bị bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ tấn công, cáo buộc ông là một kẻ “cuồng giáo” và “cực đoan” do Hoa Kỳ trả tiền tài trợ.
Ngày 22/9/2020, cùng ngày tiến sĩ Zenz công bố báo cáo, Liên minh 63 nghị sĩ IPAC cũng đưa ra một tuyên bố, hứa hẹn hành động chính trị tại từng quốc gia trong số 18 quốc gia do IPAC đại diện. Tuyên bố của IPAC viết: “Đây là báo cáo mới nhất trong số vô cùng nhiều bằng chứng về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tây Tạng, nơi mà các vấn đề xoay quanh tự do tôn giáo, đàn áp chính trị có hệ thống và sự cưỡng bức đồng hóa văn hóa đã xấu đi trong nhiều thập kỷ.”
Tuyên bố của IPAC đặc biệt kêu gọi các biện pháp trừng phạt cấm vận “kiểu Magnitsky” đối với các quan chức ĐCSTQ chịu trách nhiệm và yêu cầu các chính phủ xem xét lại những tư vấn về rủi ro vi phạm nhân quyền đối với các doanh nghiệp hiện đang tìm nguồn cung ứng từ Tây Tạng và các khu vực bị ảnh hưởng khác.
“Đạo luật về trách nhiệm giải trình nhân quyền Magnitsky toàn cầu” là một đạo luật được Hoa Kỳ đưa ra vào năm 2017 để xử phạt các cá nhân nước ngoài chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Trên thực tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã sử dụng đạo luật này để cấm vận 4 quan chức hàng đầu của ĐCSTQ ở Tân Cương chịu trách nhiệm chính cho việc đàn áp người dân tại đây. Nhiều nước phương Tây khác cũng đã thông qua các đạo luật tương tự và có sẵn nền tảng pháp lý để thi hành cấm vận đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nhân quyền.
Liên minh Nghị viện về Trung Quốc IPAC được thành lập vào 6/2020, bao gồm một nhóm 63 nhà lập pháp cấp cao từ 18 quốc gia, đáng chú ý bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc, Canada, Nhật Bản, Đức… với mục đích là nhằm chống lại “thách thức lớn nhất đối với thế giới tự do”, chính là Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Trung Quốc và Campuchia ký FTA sau lệnh trừng phạt của châu Âu
Trung Quốc và Campuchia hôm thứ 2 (12/10) đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) tại Phnom Penh với sự tham dự của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Thỏa thuận thương mại song phương đầu tiên của Campuchia – Hiệp định FTA đã được hoàn tất chỉ sau ba vòng đàm phán bắt đầu vào tháng 1 và kết thúc vào tháng 7.
Trong thông báo trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc, Hiệp định này bao gồm một loạt các hợp tác trong các lĩnh vực như đầu tư, thương mại, du lịch, vận tải và nông nghiệp.
Hiệp định do Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak và người đồng cấp Trung Quốc Zhong Shan ký. Theo cơ quan truyền thông nhà nước Campuchia, cả hai Bộ trưởng đều ca ngợi thỏa thuận này là “cột mốc mới” sẽ mang lại “lợi ích về kinh tế và xã hội.”
Cho đến nay, Hiệp định này vẫn chưa được công khai, nhưng một số chi tiết cụ thể đã được công bố. Phát ngôn viên của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia trên tờ Khmer Times vào tháng 8 cho biết chính phủ hy vọng thỏa thuận sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc tăng thêm 25%.
Phát biểu trước đây của các quan chức Campuchia cũng cho thấy thỏa thuận này nhằm cải thiện việc xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc.
Theo tờ Fresh New có liên kết với chính phủ Campuchia, quan chức Bộ Thương mại Sok Sopheak vào tháng 7 tiết lộ thỏa thuận này quy định 340 mặt hàng với 95% hàng hóa sẽ được miễn thuế.
Trong số các mặt hàng mà ông Sopheak trích dẫn có ớt, thơm, rau, trái cây, cá, thịt, ngũ cốc, hải sản, và nhiều loại sản phẩm đóng hộp. Tuy nhiên, ông Sopheak được cho là nói rằng gạo, cao su và đường của Campuchia không được bao gồm trong thỏa thuận này.
Thương mại song phương giữa Campuchia và Trung Quốc đã đạt hơn 9 tỷ USD vào năm 2019, mặc dù cán cân thương mại khá chênh lệch.
Theo số liệu của Economist Intelligence Unit, Trung Quốc là nguồn cung hàng nhập khẩu lớn nhất của Campuchia với trị giá 8,3 tỷ USD, chiếm 37,2% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Trong khi đó, Campuchia chỉ xuất khẩu hơn 900 triệu USD hàng hóa sang Trung Quốc, tương đương khoảng 5% tổng trị giá xuất khẩu của nước này.
Với nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất hàng may mặc, các thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Campuchia là Hoa Kỳ ( chiếm 26%) và Liên minh châu Âu – EU ( chiếm 25%) trong tổng giá trị xuất khẩu vào năm ngoái.
Hiệp định FTA với Trung Quốc được đưa ra sau các lệnh trừng phạt thương mại của EU. Brussels đã đình chỉ một phần đặc quyền miễn thuế của Campuchia khi xuất khẩu vào khối này vì vấn đề vi phạm nhân quyền.
Trung Quốc, nguồn viện trợ và nhập khẩu lớn nhất của Campuchia, đã hứa giúp họ khắc phục khó khăn này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định FTA có thể mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực tế.
Ông Riley Walters, nhà phân tích chính sách cấp cao của The Heritage Foundation, cho biết sự thúc đẩy của FTA đối với Campuchia sẽ không đáng kể bởi vì thỏa thuận Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc năm 2010 đã giảm thuế quan.
Với mong muốn đa dạng hóa thị trường, Campuchia cũng đang đàm phán FTA với Hàn Quốc và Mông Cổ. Tuy nhiên bà Imogen Page-Jarrett, một nhà phân tích của EIU, cho biết Campuchia sẽ phải mất “nhiều năm” để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ và EU. Hơn nữa, bà nói rằng loại hàng nông sản mà Campuchia nhắm đến xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực nhất định đang cải thiện. Thỏa thuận năm 2019 cho phép chuối Campuchia được vào Trung Quốc đã khiến tổng xuất khẩu chuối của Campuchia vào Trung Quốc tăng từ mức 10.000 tấn năm 2018 lên đến 157.000 tấn vào năm ngoái. Hai nước cũng đã được thỏa thuận mở đường cho việc xuất khẩu xoài tươi.
Bà Page-Jarrett cho biết EIU kỳ vọng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng FTA để khuyến khích hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc và du lịch Trung Quốc vào Campuchia. Trong tổng số 3,7 tỷ USD FDI vào Campuchia trong năm 2019, Trung Quốc chiếm 47%
FTA là một trong ba thỏa thuận được ký trong chuyến viếng thăm Phnom Penh của ông Vương Nghị. Đây là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc.
Ông Vương Nghị nói ông chọn Campuchia là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á vì “hai nước là bạn bè đáng tin và là cộng đồng chung vận mệnh”.
Theo Bộ Ngoại giao Campuchia, hai thỏa thuận khác bao gồm dự án nâng cấp một bệnh viện và dự án cơ sở hạ tầng thoát nước ở thành phố biển Sihanoukville. Trung Quốc cũng công bố khoản viện trợ bổ sung trị giá 140 triệu USD, theo Fresh News.
Bà Carrie Lam trì hoãn phát biểu chính sách cho đến sau chuyến thăm Bắc Kinh
Lãnh đạo Hồng Kông – bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm thứ Hai (12/10) cho biết bài phát biểu chính sách hàng năm của bà dự kiến trong tuần này sẽ bị trì hoãn cho đến khi bà đến Bắc Kinh để đề nghị chính phủ trung ương Trung Quốc hỗ trợ các biện pháp giúp đặc khu này vực dậy nền kinh tế đang bị suy thoái.
Thông báo của bà Lam được đưa ra chỉ hai ngày trước khi bài phát biểu chính sách của bà dự kiến được công bố. Ngoài ra, cũng có thông tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thành phố biển Thâm Quyến, phía nam Trung Quốc để dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến, trùng với thời điểm bà Lam dự kiến phát biểu.
Lãnh đạo Hồng Kông thường có bài phát biểu chính sách vào đầu của mỗi năm lập pháp, nhưng bà Lam cho biết đây không phải là một quy ước “cố định không thể thay đổi”.
Theo bà Lam, bà trì hoãn bài phát biểu sau khi đệ trình một số biện pháp đề xuất lên Bắc Kinh để tìm kiếm sự hỗ trợ của chính quyền trung ương nhằm thúc đẩy nền kinh tế Hồng Kông vốn đã bị tàn phá do đại dịch virus corona và những cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tháng vào năm ngoái.
Bà Lam cho biết tại một buổi họp báo rằng bà sẽ đến Bắc Kinh vào cuối tháng 10 để tham dự các cuộc họp với nhiều bộ và ủy ban khác nhau. Bà từ chối cung cấp chi tiết về các đề xuất.
Bà Lam nói thêm rằng việc nhận được sự hỗ trợ của chính quyền trung ương Bắc Kinh sẽ hỗ trợ cho bài phát biểu của bà, thúc đẩy niềm tin về sự phục hồi kinh tế của Đặc khu.
Bà nói: “Để phục hồi nền kinh tế của chúng ta, chúng ta cần phải có sự hỗ trợ của Đại lục. Chúng ta phải hội nhập tốt hơn vào kế hoạch phát triển quốc gia.”
Bà nói thêm: “Các chính sách hỗ trợ của chính quyền trung ương sẽ giúp thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế chúng ta, cũng như sự phục hồi các hoạt động kinh tế tại Hồng Kông.”
Bà Lam cũng sẽ tới Thâm Quyến cùng với phái đoàn các bộ trưởng Hồng Kông vào cuối ngày thứ 2 (12/10) để tham dự các hoạt động kỷ niệm. Bà cho biết bà không có cuộc họp dự kiến nào với ông Tập tại Thâm Quyến. Truyền thông địa phương trước đó phỏng đoán rằng bà Lam hoãn bài phát biểu chính sách bởi vì chuyến viếng thăm của ông Tập tới thành phố Trung Quốc này.
Bà Lam nói: “Thực tế không thể chối cãi là sự tăng trưởng kinh tế của Hồng Kông liên quan rất nhiều đến những gì chúng ta sẽ làm trong việc hợp tác với nền kinh tế Đại lục.”
Mỹ xác nhận ca tái nhiễm nCoV đầu tiên
Báo USA Today ngày 13/10 đưa tin, một thanh niên 25 tuổi ở bang Nevada đã được xác định tái nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
Đây là trường hợp tái nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên được xác nhận tại Mỹ và là trường hợp thứ năm trên thế giới.
Người bệnh này được xác định dương tính với virus corona lần đầu vào tháng 4. Sau đó anh khỏi bệnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus trong tháng 5. Đầu tháng 6 anh lại dương tính với virus corona và phải nhập viện điều trị.
Theo các nhà nghiên cứu, lần nhiễm bệnh thứ hai của anh có các biểu hiện triệu chứng nặng hơn lần đầu. Phiên bản Covid-19 anh mắc lần hai là có chút khác biệt so với lần thứ nhất, theo kết quả phân tích di truyền mẫu bệnh phẩm của anh này.
Mark Pandori, một nhà nghiên cứu bệnh học tại Đại học Nevada, Trường Y khoa Reno, và là tác giả một nghiên cứu về việc tái nhiễm Covid-19 thông qua trường hợp của anh này cho biết, bài học điển hình từ nghiên cứu này là ngay cả những người từng bị COVID-19 và đã khỏi cũng cần tự bảo vệ mình bằng cách đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên và duy trì giãn cách xã hội.
“Những người từng nhiễm rồi khỏi không phải là đã an toàn trước SARS-CoV-2”, ông Pandori nói. “Trên thực tế, nếu nhiễm lần thứ hai thì có thể còn tồi tệ hơn”.
Nghị sĩ Mỹ trình nghị quyết phế truất Chủ tịch Hạ viện
Nghị sĩ đảng Cộng hoà Doug Collins ngày 12/10 đã đưa ra một nghị quyết thúc đẩy việc phế truất Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, tuyên bố rằng bà “không đủ sức khỏe về tinh thần” để lãnh đạo Hạ viện.
Fox News trích dẫn nghị quyết nêu rõ bà Nancy Pelosi “đã dành phần lớn thời gian của Hạ viện để theo đuổi các cuộc điều tra vô căn cứ và không có kết quả” để chống lại Tổng thống Trump và chính quyền của ông, bao gồm cả việc khởi động cuộc điều tra luận tội ông vào mùa thu năm 2019.
Nghị quyết của ông Collins còn nêu rằng bà Pelosi đã “xé toạc bài phát biểu của Tổng thống Trump khi ông phát biểu vào tháng 2 trước người dân Mỹ”.
Ngoài ra, bà Pelosi “đã đến một tiệm làm tóc đóng cửa ở San Francisco và không đeo khẩu trang, vi phạm luật của San Francisco về phòng ngừa virus corona”, sau đó “bà đã đổ lỗi cho chủ tiệm gài bẫy” bà.
Theo nghị quyết trong nhiệm kỳ của mình, bà Nancy Pelosi đã bắt đầu thể hiện sự suy giảm về thể lực tinh thần, đặt câu hỏi về khả năng của bà ấy trong việc phục vụ Hạ viện và người dân Mỹ một cách đầy đủ.
Nghị quyết của dân biểu Collins được đưa ra sau khi bà Pelosi hồi tuần trước sử dụng Tu chính án thứ 25, công bố luật để tạo ra một ủy ban cho phép Quốc hội phế truất một tổng thống, khi bà cáo buộc Tổng thống Trump đang ở “tình trạng đã thay đổi” trong quá trình điều trị viêm phổi Vũ Hán.
Trên 10 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu bầu tổng thống
Trên 10 triệu cử tri Mỹ được cho là đã hoàn thành nghĩa vụ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Ngày Bầu cử 3/11.
Dẫn một thông báo của Dự án Bầu cử Mỹ Đại học Florida tối 12/10 (giờ địa phương), hãng tin Reuters cho biết, tổng cộng đã có hơn 10 triệu lá phiếu được bỏ tại các bang.
Dự án cho biết số phiếu bầu sớm và bỏ phiếu qua thư năm nay cao gấp nhiều lần so với cùng thời điểm năm 2016, do phần lớn người dân lo ngại sức khỏe khi đi bỏ phiếu trực tiếp trong mùa dịch.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Trump đã nối lại chiến dịch vận động tranh cử tại bang Florida vào ngày 12/10 (theo giờ Mỹ), bắt đầu cuộc đua nước rút. Dự kiến, Tổng thống Trump cùng ê kíp của mình sẽ lần lượt tới các bang Pennsylvania, Iowa và North Carolina trong các ngày tiếp theo. Hiện ứng cử viên đảng Cộng hòa 74 tuổi cùng đội ngũ vận động tranh cử của ông đang tìm cách thay đổi động lực trong cuộc đua.
Trung Quốc lên tiếng vụ Malaysia bắt giữ tàu cá và ngư dân
Trung Quốc đã lên tiếng về việc Malaysia bắt giữ 60 ngư dân cùng với sáu tàu cá nước này ở ngoài khơi bờ biển phía nam bang Johor (Malaysia) vào tuần trước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh: “Phía Trung Quốc đã yêu cầu phía Malaysia thực hiện một cuộc điều tra công bằng theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân Trung Quốc và luôn cập nhật cho chúng tôi những diễn biến mới nhất”.
Trung Quốc lâu nay vẫn thường gây xung đột trên biển với các nước trong khu vực. Đầu năm nay, một tàu thăm dò của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, và đối đầu với một tàu thăm dò dầu khí của nước này gần vùng biển tranh chấp.
Hoa Kỳ gần đây lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng châu Á.