Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thăm Ấn Độ, củng cố quan hệ Mỹ-Ấn

  • Minh Ngọc

Trong phiên khai mạc Diễn đàn Ấn Độ-Mỹ diễn ra tại New Delhi hôm thứ Hai (12/10), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết Washington đang tìm cách trao quyền cho Ấn Độ mà không làm thay đổi “truyền thống mạnh mẽ và đáng tự hào về quyền tự chủ chiến lược” của New Delhi, đồng thời ám chỉ Trung Quốc là “con voi trong phòng” và cảnh báo về sự trỗi dậy của quốc gia này.

Diễn đàn Ấn Độ-Mỹ diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ kéo dài 3 ngày của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ bùng phát tại khu vực tranh chấp biên giới Ladakh. Cam kết của ông Stephen Biegun về việc tôn trọng quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ đã xoa dịu những lo ngại của quốc gia này trong việc xây dựng các liên minh chiến lược mà không làm mất lòng Trung Quốc.

Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Ấn Độ-Mỹ, ông Stephen Biegun khẳng định: “Ấn Độ có một truyền thống mạnh mẽ và đáng tự hào về quyền tự chủ chiến lược, và chúng tôi tôn trọng điều đó. Chúng tôi không cố gắng thay đổi truyền thống của Ấn Độ. Thay vào đó, chúng tôi muốn tìm cách để trao quyền cho họ, tăng năng lực của New Delhi trong việc bảo vệ chủ quyền và nền dân chủ của mình, cũng như thúc đẩy lợi ích của Ấn Độ trên toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”

Theo chủ trương này, Washington sẽ tăng cường thúc đẩy hợp tác quân đội hai bên, bán khí tài quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ấn Độ.

Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun còn ám chỉ Trung Quốc là “con voi trong phòng”, đồng thời cảnh báo sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông nói: “Tất nhiên, khi chúng tôi tiếp cận theo hướng này, Trung Quốc là một con voi trong phòng.”

Gần đây, Chính phủ Washington không ngừng chỉ trích gay gắt Bắc Kinh về hàng loạt vấn đề như dịch COVID-19, gian lận thương mại, công nghệ, Hồng Kông, Đài Loan và nhân quyền… Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ cáo buộc che đậy đại dịch COVID-19, biện minh rằng nước này đã hành động nhanh chóng để cung cấp thông tin cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và thế giới, đồng thời lên án Mỹ là kẻ gây hấn lớn nhất ở Biển Đông.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn phủ nhận những vi phạm nhân quyền trong việc xử lý vấn đề Hồng Kông và người Hồi giáo thiểu số ở khu vực Tân Cương, thậm chí quay lại cáo buộc các quốc gia phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Chuyến thăm Ấn Độ của ông Stephen Biegun diễn ra sau cuộc gặp vào tuần trước giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và những người đồng cấp Ấn Độ, Nhật Bản và Úc tại Tokyo nhằm thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của “Bộ tứ kim cương” (QUAD) vào sáng kiến “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Nhóm bốn quốc gia này được coi là đối trọng với Trung Quốc về quân sự, đang không ngừng tăng cường sức mạnh ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và dọc theo biên giới phía Bắc với Ấn Độ. Trong cuộc gặp gỡ, ông Pompeo cho biết các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực khiến nhóm QUAD phải tăng cường hợp tác, bảo vệ các đối tác và người dân khỏi sự “bóc lột, tham nhũng và cưỡng bức” của Trung Quốc hơn bao giờ hết.

Đáng chú ý là, theo Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun, mối quan hệ đối tác giữa 4 quốc gia QUAD được thúc đẩy bởi “lợi ích chung, không có nghĩa vụ ràng buộc và không có ý định trở thành một nhóm độc quyền”. Ông Biegun  hoan nghênh những quốc gia khác tham gia vào bộ tứ: “Bất kỳ quốc gia nào tìm kiếm một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở và sẵn sàng thực hiện các bước để đảm bảo điều đó, sẽ được hoan nghênh làm việc với chúng tôi.” Ông cũng tiết lộ, QUAD có thể hợp tác sâu hơn với các nước ASEAN trong việc bảo vệ tự do tại các vùng biển.

Chuyến thăm của ông Biegun cũng đặt nền móng cho cuộc đối thoại “2 + 2” diễn ra vào ngày 26-27/10 cuối tháng này giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và đại diện Ấn Độ là Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar cùng Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh.

Minh Ngọc (Theo SCMP)

Related posts