- Xuân Lan
Một trong những mặt hàng xuất khẩu mà Úc phụ thuộc vào Trung Quốc nhất là vải sợi bông (cotton), hiện đã trở thành sản phẩm mới nhất bị Bắc Kinh nhắm đến “trả đũa”, theo các nhóm công nghiệp bông vải Úc nói hôm thứ Sáu (16/10), theo SCMP. Việc hạn chế nhập khẩu cotton tiếp sau một danh sách các mặt hàng gồm than, lúa mạch, rượu vang và thịt bò.
Hiệp hội cotton Úc và Hiệp hội các nhà xuất khẩu cotton Úc đã xác nhận có tồn tại những khuyến cáo từ Uỷ ban Cải cách Phát triển Quốc gia của Trung Quốc (NDRC) rằng “không khuyến khích” các nhà máy dệt Trung Quốc sử dụng cotton của Úc nữa. Tuy vậy, hiện vẫn không có xác nhận chính thức nào từ cơ quan quản lý Trung Quốc.
Năm 2019, giá trị cotton xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc vào khoảng 750 triệu đôla Mỹ.
“Chúng tôi đang làm việc với chính phủ Úc và với văn phòng của các Bộ trưởng Thương mại và Nông nghiệp để điều tra tình hình và để hiểu cặn kẽ điều gì đang xảy ra,” hai nhóm Hiệp hội cotton của Úc cho biết trong một tuyên bố.
“Hiện giờ tin tức về những thay đổi này đối với các nhà xuất khẩu cotton Úc sang Trung Quốc quả là điều đáng thất vọng, đặc biệt khi chúng tôi đang có được một quan hệ cùng có lợi với nước này đã nhiều năm.
“Ngành công nghiệp cotton của Úc sẽ tiếp tục có những cuộc trao đổi với các bên liên quan để nhận thức đầy đủ tình hình này, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Úc để tìm giải pháp.”
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cotton Úc, hầu như toàn bộ cotton của Úc đều được xuất khẩu, nhưng nếu Trung Quốc đi đến một lệnh cấm chính thức, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp nước này vì Trung Quốc chiếm hơn 65% xuất khẩu của ngành.
Hồi tháng Bảy, Hiệp hội cho biết ngành nhận thức rõ sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và cũng đã tìm cách đa dạng hoá kinh doanh, nhưng Trung Quốc vẫn còn là nguồn cầu chính quan trọng ổn định.
Trung Quốc từ chỗ chỉ mua 1% cotton của Úc vào 20 năm trước, đến nay đã trở thành bên mua chủ yếu của Úc. Mặc dù là quốc gia sản xuất cotton với sản lượng lớn, Trung Quốc thậm chí trở thành một nhà nhập khẩu ròng trong nhiều năm, chiếm tới 35% giao dịch cotton quốc tế.
Tuần qua, xung đột chính trị giữa hai nước lại leo thang khi có tin cuối tuần trước chính phủ Trung Quốc đã có lệnh bằng lời nói cho các nhà máy thép và các nhà máy điện dừng mua than cốc và than nhiệt của Úc.
Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham và Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud cho biết họ đã nắm được tình hình và đang tìm cách làm sáng tỏ.
“Trung Quốc nên loại trừ bất cứ hành động phân biệt nào chống các nhà sản xuất cotton Úc. Việc đe dọa khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất trên một sân chơi bình đẳng có thể tạo ra sự vi phạm tiềm tàng với những cam kết nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc, điều Úc coi là rất nghiêm trọng,” các Bộ trưởng nói.
Một lệnh chính thức bằng văn bản về việc ngừng mua từ Úc sẽ vi phạm Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – Úc, và có khả năng vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, các nhà phân tích cho biết.
Theo Cơ quan Thống kê Úc, thương mại hai chiều giữa hai nước từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020 trị giá khoảng 240 tỷ đôla Úc (172 tỷ đôla Mỹ).
Từ đầu năm đến tháng Chín năm nay, nhập khẩu của Trung Quốc từ Úc giảm khoảng 6,3% so với một năm trước, còn nhập khẩu tổng thể của Trung Quốc giảm khoảng 14,8%, theo James Laurenceson, giám đốc Viện Quan hệ Úc – Trung Quốc.
Quan hệ Trung Quốc – Úc tiếp tục trên đà suy giảm kể từ khi Canberra thông báo hồi tháng Tư rằng họ sẽ phối hợp điều tra về nguồn gốc của virus corona. Ngoài các lệnh trừng phạt thương mại, nhà báo từ cả hai nước cũng trở thành mục tiêu trả đũa giữa hai bên.
Một sự kiện khác khiến căng thẳng leo thang xảy ra hôm 13/10 khi Thượng nghị sĩ Úc Eric Abetz yêu cầu ba người Úc gốc Trung Quốc nổi tiếng lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc trong một cuộc điều trần công khai.
Xuân Lan (theo SCMP)