Thầy giáo Pháp bị chặt đầu được truy tặng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh
Reuters đưa tin, Samuel Paty, giáo viên lịch sử bị chặt đầu tuần trước, sẽ được trao huân chương Bắc Đẩu Bội tinh, phần thưởng cao quý nhất của nước Pháp.
Thông tin trên được Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer công bố hôm nay (20/10). Cùng ngày, một buổi lễ quốc gia để vinh danh thầy giáo Paty cũng sẽ được tổ chức tại đại học Sorbonne, Paris.
Ông Paty, 47 tuổi, bị sát hại hôm 16/10 bên ngoài trường trung học Bois d’Aulne, ở Conflans Saint-Honorine, vùng ngoại ô cách trung tâm thủ đô Paris khoảng 30 km về phía tây bắc. Nghi phạm Abdullakh Anzorov, 18 tuổi, người gốc Chechnya, bị cảnh sát tiêu diệt ngay sau đó.
Anzorov được cho là đã ra tay với ông Paty sau khi thầy giáo này cho các học trò xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed trong giờ giảng về tự do ngôn luận.
Phát ngôn ‘hai mặt’: Trung Quốc vừa thừa nhận vừa phản đối đe dọa bắt cóc con tin Mỹ để gây áp lực
“Mỹ đã bắt giữ khá nhiều học giả Trung Quốc vì tội danh gián điệp, điều này không tốt cho sự an toàn của một số công dân Mỹ tại Trung Quốc…”, ông Hồ Tích Tiến – Tổng biên tập của Thời báo Hoàn Cầu cho hay.
Sau khi chính phủ Hoa Kỳ bắt giữ Đường Quyên, một học giả của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che giấu danh tính là một quân nhân tại ngũ, Bắc Kinh đã đe dọa sẽ bắt một số người Mỹ ở Trung Quốc để trả đũa.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo thường kỳ vào hôm qua (19/10), Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã phủ nhận điều này. Còn ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, chỉ vài ngày trước lại đưa ra tuyên bố trái ngược.
Tờ Wall Street Journal hôm 17/10 tiết lộ rằng, các quan chức ĐCSTQ đã cảnh báo Hoa Kỳ rằng Bắc Kinh có thể sẽ bắt nhốt các công dân Hoa Kỳ tại Trung Quốc để đáp trả lại việc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ truy tố các học giả Trung Quốc có bối cảnh với quân đội ĐCSTQ.
Hôm qua (19/10), khi được hỏi về lời đe dọa trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, việc Hoa Kỳ lên tiếng những người được gọi là công dân nước ngoài bị “bắt nhốt tùy tiện” ở Trung Quốc, đó hoàn toàn hành vi trả đũa, đổi trắng thay đen.
Có hãng truyền thông coi thái độ phủ nhận của ĐCSTQ là có ý đồ. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, ĐCSTQ luôn luôn dối trá, luật pháp lại chính là món đồ giở trò lưu manh trong tay nó. Dù nó có tùy tiện bắt cóc một công dân Hoa Kỳ cũng sẽ khiến người này “vi phạm pháp luật” và nó sẽ phủ nhận đây là ngoại giao con tin. Công dân Canada Michael Kovrig từng bị chính phủ Trung Quốc bắt giữ là một ví dụ.
So với Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, những dòng tweet gần đây của ông Hồ Tích Tiến càng gây chú ý hơn.
Ông ấy cố tình phớt lờ sự coi thường luật pháp của ĐCSTQ trong nhiều năm, tự ý xây dựng tội ác chống lại người dân trong và ngoài nước. Ông Hồ đã đăng một dòng tweet bằng tiếng Anh hôm 18/10: “Việc Hoa Kỳ giam giữ nhiều học giả Trung Quốc là hành động bắt giữ gián điệp theo quy định của pháp luật, nhưng Trung Quốc bắt giữ các tội phạm người Mỹ theo quy định của pháp luật lại cho đó là ngoại giao con tin. Người Mỹ không cảm thấy đó là tiêu chuẩn kép sao? Ai đã cho Mỹ cái quyền định nghĩa mọi thứ?”.
Cùng ngày, ông Hồ Tích Tiến cũng đã chia sẻ lại dòng tweet trên của mình kèm theo lời bình: “Bên cạnh đó, Mỹ đã bắt giữ khá nhiều học giả Trung Quốc vì tội danh gián điệp, điều này không tốt cho sự an toàn của một số công dân Mỹ tại Trung Quốc. Washington có cần được cảnh báo? Đó là lẽ thường. Theo quan điểm của tôi, quyền bá chủ đã biến một số giới tinh hoa Hoa Kỳ trở nên ngu ngốc, hoặc họ đang giả vờ ngu ngốc”.
Các nhà quan sát cho rằng, ngụ ý của ông Hồ Tích Tiến là, nếu Hoa Kỳ bắt giữ các học giả quân sự của ĐCSTQ, ĐCSTQ có thể bắt cóc người Mỹ, điều này khẳng định một điều, báo cáo của tờ Wall Street Journal về việc Bắc Kinh đe dọa bắt giữ người Mỹ làm con tin không phải là không có căn cứ.
Tháng 9 năm nay, Nội các chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo du lịch, kiến nghị người Mỹ không nên đi du lịch Trung Quốc, bởi ĐCSTQ đã giành được lợi thế trong các cuộc đàm phán bằng cách giam giữ các công dân nước ngoài.
John Demers, người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, cũng nói với Wall Street Journal: “Chúng tôi biết rằng chính phủ Trung Quốc trước đây đã từng có những hành động trả đũa nước ngoài vì đã truy tố công dân Trung Quốc tại các quốc gia khác như: bắt giữ bất hợp pháp công dân của Hoa kỳ, Canada và công dân của các quốc gia khác. Họ hy vọng sẽ sử dụng điều này để gây áp lực lên các quốc gia này“.
Sau khi được FBI hẹn để điều tra, Đường Quyên đã trốn trong lãnh sự quán ĐCSTQ ở San Francisco vào hồi tháng 6. Cuối cùng đã bị FBI bắt bên ngoài lãnh sự vào tháng 7.
Ngoài ra, hiện có 4 học giả của ĐCSTQ tại Mỹ cũng đang phải đối mặt với cáo buộc gian lận thị thực vì che giấu thân phận là quân nhân Trung Quốc vẫn đang tại ngũ. 2 người trong số họ dự kiến sẽ ra hầu tòa vào tháng 11 tới.
Mỹ tính chi tiền giúp các nước đang phát triển thay thế thiết bị viễn thông Trung Quốc
Chính phủ Mỹ đang nỗ lực thuyết phục các nước đang phát triển tránh xa thiết bị viễn thông của Trung Quốc, theo Wall Street Journal.
Mới đây, Hoa Kỳ có kế hoạch cung cấp các khoản vay lớn và các khoản tài chính khác cho các nước đang phát triển để hỗ trợ các nước này từ bỏ việc sử dụng sản phẩm của hai tập đoàn Huawei, ZTE và các thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc.
Theo báo cáo của Wall Street Journal ngày 19/10, phó giám đốc toàn cầu cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Bonnie Glick cho biết, Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp cho các nước đang phát triển khoản vay và các khoản tài chính khác lên tới 1 tỷ đô la Mỹ để thuyết phục và hỗ trợ các nước liên quan từ bỏ việc mua Huawei, ZTE và các thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc.
Bà Bonnie Glick nói rằng, họ sẽ cử nhân viên đến gặp các chính trị gia và cơ quan quản lý ở các quốc gia có liên quan để thuyết phục họ việc sử dụng thiết bị truyền thông của Huawei và ZTE là một điều tệ hại. Vì thiết bị của Trung Quốc rất dễ bị gián điệp tấn công, hơn nữa các khoản vay thiết bị do các tổ chức tài chính nhà nước của Trung Quốc như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cung cấp có thể khiến họ rơi vào bẫy nợ.
Theo báo cáo, Washington đang mở rộng chiến tranh lạnh về công nghệ với Trung Quốc và việc cung cấp hỗ trợ kinh tế nói trên là một công cụ mới mà Mỹ đang triển khai.
Trong hai năm qua, chính quyền Mỹ đã nỗ lực vận động các đồng minh không sử dụng thiết bị do Trung Quốc sản xuất trong lĩnh vực xây dựng mạng 5G. Các hoạt động vận động hành lang liên quan ban đầu tập trung ở Châu Âu, rồi đến Anh quốc, Ba Lan và một số quốc gia khác đều đã đạt được kết quả.
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng, hoạt động của Hoa Kỳ có thể gặp phải những thách thức lớn hơn ở các nước đang phát triển. Ví dụ, ở châu Phi, các nhà sản xuất thiết bị di động Trung Quốc đang thống trị thị trường nơi đây.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Dell’Oro Group, các nhà kinh doanh vì nhạy cảm với giá cả đã theo nhau chọn dùng thiết bị của Huawei và ZTE khiến cho tổng doanh thu của hai công ty này ở Châu Phi và Trung Đông đạt 50% – 60% vào đầu năm nay.
Để kiềm chế sự bành trướng ra nước ngoài của ĐCSTQ bằng cách cung cấp thiết bị viễn thông giá rẻ, Hoa Kỳ đã phát triển hợp tác giữa các cơ quan chính phủ.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cấm xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn có sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ cung cấp cho Huawei. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ thị các nhà ngoại giao vận động các đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) đã ký một thỏa thuận trong tháng này, cùng nhau giải quyết các vấn đề sử dụng thiết bị Trung Quốc để xây dựng mạng 5G ở các nước đang phát triển. Thỏa thuận này sẽ kết nối công nghệ và chuyên môn của FCC với 10.000 nhân viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại 100 quốc gia.
Thụy Điển cấm Huawei, ZTE tham gia mạng 5G
Thụy Điển hôm thứ Ba (19/10) đã tuyên bố cấm Huawei và ZTE tham gia vào mạng 5G của nước này vì lo ngại hai hãng viễn thông Trung Quốc xâm phạm an ninh, theo Reuters.
Cơ quan Bưu chính và Viễn thông Thụy Điển (PTS) cho biết lệnh cấm đối với hai công ty viễn thông Trung Quốc được thực hiện theo đánh giá của Lực lượng Vũ trang Thụy Điển và cơ quan an ninh, vốn coi Bắc Kinh là “một trong những mối đe dọa lớn nhất chống lại Thụy Điển”.
Lệnh cấm này được đưa ra sau khi PTS đã chấp thuận 4 công ty đăng ký đấu thầu thiết bị cho mạng 5G của Thụy Điển, dự kiến bắt đầu vào ngày 10/11. Bốn công ty này đều thuộc Thuỵ Điển, bao gồm Hi3G Access, Net4Mobility, Telia Sweden và Teracom.
Huawei và ZTE đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về quyết định của Thụy Điển, quê hương của hãng công nghệ Ericsson, một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu châu Âu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Các chính phủ châu Âu đã thắt chặt kiểm soát đối với các công ty công nghệ Trung Quốc có thể cung cấp thiết bị cho mạng 5G, sau khi Washington đưa ra các cảnh báo rằng chúng có thể làm theo lệnh của Bắc Kinh phá hoại an ninh nước sở tại.
Hồi tháng Bảy, chính phủ Anh đã cấm sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G và yêu cầu tới năm 2027, các công ty viễn thông của Anh phải loại bỏ các thiết bị của công ty này. Pháp cũng đã áp các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với việc sử dụng thiết bị của Huawei.
Lính Trung Quốc vượt biên sang Ấn Độ bị bắt giữ
Phía Ấn Độ đã bắt được một lính Trung Quốc đột nhập vào lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, phía Trung Quốc tuyên bố rằng vụ việc chỉ là do bị lạc và nhấn mạnh rằng vụ việc sẽ không tạo ra căng thẳng mới giữa Trung Quốc – Ấn Độ, theo Vision Times.
Ngày 20/10, kể từ khi xung đột nổ ra ở biên giới Trung-Ấn được vài tháng, tình hình 2 bên vẫn căng thẳng.
Hôm thứ Hai (19/10), phía quan chức Ấn Độ đưa ra một tuyên bố vào ngày 19/10 rằng quân đội Ấn Độ ở Demchok, phía đông Ladakh, đã bắt giữ một người lính Trung Quốc tên là Vương Á Long (Wang Yalong) trong khi người này đang tìm cách vượt qua đường kiểm soát thực tế (LAC) vốn được xem như biên giới Trung – Ấn vào sáng sớm cùng ngày.
Được biết, bên phía Ấn Độ đã hỗ trợ y tế như oxy, thức ăn và quần áo ấm… cho người lính này để anh ta tránh phải chịu đựng cái khổ của thời tiết khắc nghiệt ở độ cao tột cùng so với mặt nước biển.
Hãng truyền thông Ấn Độ (India Today) cũng đưa tin, các cuộc điều tra sơ bộ cho thấy lính Trung Quốc này đến từ Chiết Giang, mang quân hàm hạ sĩ và là lính thiết giáp chịu trách nhiệm sửa chữa vũ khí. Phía Ấn Độ đang điều tra xem liệu người này có thực hiện nhiệm vụ gián điệp hay không.
Sau khi tin tức được đưa ra, “Thời báo Hoàn Cầu” – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ tuyên bố rằng vụ việc chỉ là do bị lạc. Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập của tờ báo này nhấn mạnh rằng vụ việc sẽ không tạo ra căng thẳng mới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ông cũng cho biết, thông tin mới nhất từ các phương tiện truyền thông Ấn Độ cho biết, phía Ấn Độ sẽ trao trả lại binh sĩ này cho phía Trung Quốc ở Chushul-Moldo.
Trên thực tế, xung đột biên giới Trung-Ấn đã nóng lên từ tháng 5 năm nay. Ngày 15/6, hai bên đã nổ ra các cuộc đụng độ đẫm máu tại thung lũng Galwan thuộc biên giới Đông Ladakh, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, nhưng phía Trung Quốc không tiết lộ bao nhiêu binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng hoặc bị thương. Tuy nhiên, một nguồn tin tình báo Mỹ cho biết bên phía Trung Quốc đã có hơn 40 người thương vong.
Sau sự cố này, hai nước đã triển khai hàng chục nghìn binh sĩ trong khu vực xung đột, hơn nữa hai bên còn chi viện thêm pháo binh, xe tăng và máy bay chiến đấu đến nơi này.
Kể từ ngày 31/8, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ rằng, trong hai ngày 29 và 30/8, phía Trung Quốc đã vi phạm sự đồng thuận của hai bên khi cố gắng xâm nhập vào khu vực tài phán của Ấn Độ ở bờ nam hồ Pangong Tso trong khu vực Ladakh, thực hiện “các hoạt động quân sự khiêu khích” hòng thay đổi hiện trạng nhưng không thành công. Về vấn đề này, Trung Quốc cũng thừa nhận rằng cuộc xung đột vũ trang đã thất bại, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết.
Đến đầu tháng 9, biên giới Trung-Ấn bất ngờ xảy ra xung đột, phía Trung Quốc cáo buộc quân đội Ấn Độ “nổ súng” khiêu khích ở biên giới, phía Ấn Độ cáo buộc phía Trung Quốc “vừa ăn cắp vừa la làng” hòng đánh lạc hướng thế giới bên ngoài. Đây cũng là lần đầu tiên hai bên nổ súng từ sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn Trung-Ấn đến nay đã được 45 năm.
Nhằm xoa dịu cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai bên, các chỉ huy cấp cao của quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán chung. Ngày 10/9, Ngoại trưởng của hai nước đã hội đàm tại Moscow và đạt được 5 điểm đồng thuận chung, nhưng lại không đạt được đồng thuận then chốt về vấn đề rút quân của hai bên.
Ngày 22/9, bên chỉ huy quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đưa ra một tuyên bố sau các cuộc đàm phán, nói rằng cả hai đã đồng ý không tăng thêm binh sĩ trong khu vực tranh chấp ở khu vực Ladakh. Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc đàm phán lần này, nhưng hai bên vẫn còn rất nhiều binh lính đồn trú tại đó.
Kênh tin tức tiếng Anh của Ấn Độ “The Times Now” hợp tác với Reuters chỉ ra rằng khoảng 5.000 binh sĩ của quân đội ĐCSTQ đã chiếm đóng khu vực phía bắc của Pangong Tso, tuy nhiên, do vị trí trên núi ở độ cao khoảng 4570 mét so với mực nước biển nên đã có nhiều vụ thương vong phát sinh vào đầu tháng 10.
Cuộc đàm phán gần đây nhất của hai bên là vòng đàm phán Trung-Ấn lần thứ bảy vào ngày 13/10, cuộc đàm phán kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ. Mặc dù cả hai đều tuyên bố rằng chỉ huy quân đội của hai nước đã có buổi thảo luận tích cực và mang tính xây dựng để giải quyết đối đầu đã kéo dài nhiều tháng tại biên giới tranh chấp, nhưng cả hai phía vẫn chưa đưa ra tín hiệu rút quân.
Bất lực, Bắc Kinh lấy sự kiện kỷ niệm Chiến tranh Triều Tiên để ‘xả hận’ với Mỹ
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày quân đội của họ tham gia Chiến tranh Triều Tiên với nhiều sự phô trương trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ, theo Taiwan News.
Giao tranh giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên diễn ra từ ngày 25/6/1950 đến ngày 27/7/1953, Chiến tranh Triều Tiên đã kéo cả Hoa Kỳ và Trung Quốc tham chiến.
Cuộc chiến bắt đầu khi Triều Tiên cố gắng xâm lấn lãnh thổ Hàn Quốc, kích hoạt một liên minh gồm 21 quốc gia của Liên hợp quốc tham gia để bảo vệ Nam Hàn.
Trong khi đó, Liên Xô và Trung Quốc hỗ trợ Triều Tiên. Chính quyền Trung Quốc bắt đầu can thiệp vào cuộc chiến này từ ngày 19/10/1950. Đây là cuộc chiến đầu tiên và duy nhất tới thời điểm này lực lượng quân sự của Bắc Kinh đối đầu trực tiếp với quân đội Mỹ.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang leo thang, Chính quyền Trung Quốc dường như đang muốn phóng đại lễ kỷ niệm sự kiện này bằng các bộ phim tài liệu và triển lãm về cuộc chiến Triều Tiên, đồng thời cố gắng tạo ra ấn tượng rằng họ không sợ tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang với Mỹ.
Các bộ phim như “Vì hòa bình” và “Anh hùng” đang được phát sóng trên các kênh truyền hình nhà nước CCTV để nhấn mạnh “sự hy sinh và những câu chuyện chưa kể của quân đội Trung Quốc” trong cuộc chiến cam go, Nhân dân Nhật báo, Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, viết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm một cuộc triển lãm về Chiến tranh Triều Tiên vào thứ Hai (19/10), và xem một phim tài liệu có nội dung nhấn mạnh bước ngoặt chuyển mình của Trung Quốc sau “một thế kỷ nhục nhã” bằng hành động dám đối đầu với cường quốc số một thế giới, theo SCMP.
“Quân tình nguyện nhân dân [Trung Quốc] đã đổ máu và chiến đấu cùng nhân dân Triều Tiên vì công lý, giành chiến thắng vĩ đại”. Ông Tập nói. “Người Trung Quốc đã đúc kết tinh thần kháng chiến chống Mỹ xâm lược, một tinh thần sẽ giúp dân tộc vượt qua mọi rào cản và kẻ thù ghê gớm”.
Vào thời điểm Mỹ-Trung căng thẳng ở nhiều vấn đề, cách tuyên truyền kiểu này của Bắc Kinh dường như đem lại hiệu quả trong việc kích động tinh thần dân tộc. Một số cư dân mạng ở nước này cho biết họ đã cảm động khi xem những bộ phim tài liệu về Chiến tranh Triều Tiên, trong khi một số khác nói rằng những bộ phim đó đã giúp họ xả được sự căm hận đối với các lệnh trừng phạt của Washington áp lên Bắc Kinh, UDN đưa tin.
Tuần trước, nhiều cư dân mạng ủng hộ chính quyền Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận vì màn tưởng nhớ của nhóm nhạc nam Hàn Quốc BTS dành cho các cựu binh Nam Hàn và Mỹ trong cuộc chiến Triều Tiên.