111 người chết, hơn 200.000 người sơ tán vì lũ lụt
Theo thống kê từ truyền thông trong nước, tính đến trưa 21/10, mưa lũ khiến 111 người chết, 22 người mất tích; hơn 200.000 người phải sơ tán.
Bốn tỉnh thiệt hại về người nặng nhất là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Bình.
Hiện còn hơn 124.000 hộ dân tại hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đang bị ngập. Trong đó, Hà Tĩnh có 9 huyện, Quảng Bình 7 huyện ngập sâu (trên một mét). Ở Quảng Trị, nước đã rút khỏi nhà dân, chỉ còn một số tuyến đường ở các vùng thấp trũng, gần sông còn ngập nhẹ.
Sáng nay, bão thứ 8 đã vào biển Đông và dự báo sẽ gây mưa lũ cho các tỉnh miền Trung trong những ngày tới.
Tranh cãi quanh việc cá nhân có được tham gia cứu trợ, từ thiện vùng lũ
Sự kiện ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung với số tiền hơn 100 tỷ đồng đã làm rung động dư luận nhiều ngày nay. Ấy thế nhưng, một nghị định phi lý đã khiến những tấm lòng thiện nguyện bị ngăn trở.
Cụ thể, Nghị định 64/2008 quy định không cho cá nhân được vận động, tiếp nhận hàng cứu trợ khi xảy ra thiên tai. Cùng với đó, Thông tư số 72/2008 của Bộ Tài chính cũng nói rõ, chỉ có báo, đài nhà nước mới được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Như vậy, nếu căn cứ đúng theo quy định nêu trên thì xem như ca sĩ Thủy Tiên, và nhiều nghệ sĩ khác cũng như những cá nhân, doanh nghiệp có nghĩa cử đẹp tương tự đã vi phạm nghị định 64.
Trong khi các tổ chức chính thống của Nhà nước chưa chứng minh được uy tín của mình, tham nhũng vẫn tràn lan, thì việc cưỡng ép tấm lòng của nhân dân phải đặt lên các tổ chức này là quá khiên cưỡng. Thậm chí mục đích cứu trợ cũng theo đó mà không đạt được hiệu quả tối đa, mà người trực tiếp chịu thiệt thòi lại chính là những đồng bào đang trong hoạn nạn.
Thời gian qua báo chí đã không ít lần phanh phui những vụ cán bộ địa phương ăn chặn tiền cứu trợ của dân nghèo khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Trả lời trên Báo Lao Động ngày 21/10, luật sư Nguyễn Minh Long thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội khẳng định, pháp luật hiện nay không có quy định nào cấm hay truy cứu trách nhiệm với cá nhân, tổ chức vận động quyên góp làm từ thiện, giúp đỡ người khác.
Vì việc cứu trợ nhân dân khi xảy ra thiên tai không chỉ là việc của nhà nước hay tổ chức, đoàn thể nào mà là việc cần làm của mỗi cá nhân.
Dùng máy bơm nước công suất lớn tìm người mất tích ở Rào Trăng 3
Công việc tìm kiếm 15 công nhân bị vùi lấp ở Thuỷ Điện Rào Trăng 3 vẫn tiếp diễn trong những ngày qua dù lực lượng cứu hộ gặp nhiều khó khăn về địa hình và thời tiết.
Hôm 20/10, lực lượng cứu hộ đã sử dụng máy bơm công suất lớn để xịt trôi khối đất đá trên bề mặt hiện trường vụ sạt lở tìm kiếm người mất tích. Phương pháp này sẽ hỗ trợ, giảm sức người trong quá trình tìm kiếm cứu nạn khi chờ máy móc ở đường 71 hiện vẫn chưa lên đến nơi.
Ngoài ra, lực lượng công binh đang tính đến phương án nổ mìn để phá những tảng đá bị sạt lở, trong đó có tảng nặng khoảng 60 tấn chắn ngang tuyến đường lên thủy điện Rào Trăng 4.
Người dân góp gạo thịt, nấu bánh xuyên đêm cứu trợ đồng bào vùng lũ
Nhằm san sẻ nỗi khổ của người dân miền Trung vì bão lũ, nhiều địa phương trong cả nước đã có những việc làm nhỏ nhưng rất đáng trân quý.
Tại thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), tối 19/10, nhiều người dân quây quần bên những nồi bánh tét bốc khói thơm lừng. Họ cùng chung tay nấu bánh để gửi đến người dân miền Trung đang gặp khó khăn vì lũ lụt.
Sẽ có hơn 2.000 đòn bánh tét, hàng trăm chiếc bánh ú và nhiều nhu yếu phẩm được chuyển đến tay người dân miền Trung trong vài ngày tới.
Còn tại tỉnh Nghệ An, nhiều hộ dân ở TP Vinh những ngày qua cũng tất bật làm bánh chưng xuyên đêm để có thể gửi sớm nhất ra miền Trung.
Chị Oanh cho biết: “Ban đầu chúng tôi dự định gói 5.000 bánh gửi tặng đồng bào chống chọi qua cơn lũ dữ nhưng với sự đóng góp của người dân, chương trình tặng bánh chưng sẽ tiếp tục kéo dài cho đến khi lũ rút, không chỉ cho đồng bào mà còn chuyển đến tận tay lực lượng cứu hộ đang giúp dân chống lũ ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế”.
Ông Lưu Tùng Cảnh cho biết thêm: “Đồng bào trong đó gặp lũ lụt, mất mát về con người, về tài sản. Mình ở đây đóng góp một phần nhỏ để mong bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.
Gia đình có người tử nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 bị chiếm đoạt 100 triệu đồng
Truyền thông Việt Nam vừa cho biết chị Lê Thị Thu Thảo ở thôn Nam Tiến (xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, Đắk Nông) – vợ anh Trần Văn Lộc (công nhân tử vong tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3) bị kẻ xấu lừa lấy 100 triệu đồng.
Theo chị Thảo, trong những ngày qua, khi biết thông tin về hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, hàng trăm nhà hảo tâm đã gọi điện hỏi thăm, động viên và ủng hộ giúp đỡ gia đình.
Tổng số tiền chị nhận được từ các nhà hảo tâm là hơn 250 triệu đồng. Số tài khoản nhận tiền chị đứng tên, vừa mở ở Vietcombank Chi nhánh thị xã Quảng Trị.
Tuy nhiên, trưa hôm 20/10, một người đàn ông xưng tên Nghị, sống tại Đà Nẵng, gọi điện thoại cho chị hỏi rất nhiều chuyện.
Ngoài động viên, chia sẻ, người này nói rằng có đơn vị nhà nước muốn gửi tiền cho gia đình nên gửi tin nhắn có đường link cho chị Thảo, đề nghị nhập thông tin cá nhân vào link.
“Người này không quên nhắc nhở rằng, đây là tiền của Nhà nước ủng hộ nên phải nhập đầy đủ thông tin mới nhận được. Anh ta nói chuyện rất chậm rãi, hướng dẫn tôi làm từng bước một. Tin tưởng, tôi đã sử dụng một chiếc điện thoại khác để đăng nhập vào đường link này, làm đúng như lời anh ta. Thế nhưng, đang trong lúc nói chuyện thì tài khoản của tôi 2 lần bị trừ mất tổng cộng 150 triệu đồng. Khi kết thúc cuộc gọi, tôi mới phát hiện ra. Đến lần thứ 3, người này gọi điện đến thì tôi không bắt máy nữa. Do tắt máy nên số tiền 50 triệu đồng bị rút lần 3 chuyển không thành công được trả lại vào tài khoản”, chị Thảo nói.
”Tôi đã liên hệ với ngân hàng để khóa tài khoản và đổi mật khẩu, chỉ nhận tiền chuyển khoản vào để không ai có thể rút được”, chị Thảo nói thêm.
Hiện giới hữu trách huyện Krông Nô đã lấy thông tin số điện thoại, tài khoản nhận tiền của chị Thảo để điều tra.
Cụ bà hơn 90 tuổi bị nam thanh niên đánh, thiêu sống, cướp hơn 20 triệu đồng
Cụ C.T.M (hơn 90 tuổi, sống ở Thái Nguyên) bị một nam thanh niên đánh bất tỉnh hòng cướp hơn 20 triệu đồng. Nhẫn tâm, người này còn thiêu sống cụ để phi tang.
Báo chí nhà nước hôm 20/10 lan truyền thông tin, cụ bà C.T.M (hơn 90 tuổi, sống ở xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, làm nghề bán hàng xén) bị một thanh niên đánh bất tỉnh, thiêu sống, để cướp tài sản.
Tin cho biết vụ việc xảy ra vào hồi 11h30 trưa hôm 19/10.
Thời điểm trên, Ngô Thanh Hoàng (27 tuổi, cùng xã) đến nhà cụ M. vờ mua hàng. Thấy cụ ở nhà một mình và đang nấu cơm dưới bếp, Hoàng dùng ghế đập mạnh vào đầu khiến cụ bất tỉnh. Hoàng lục trong túi áo nạn nhân lấy đi hơn 20 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, Hoàng còn nhẫn tâm dùng rơm chất lên người cụ để thiêu sống nhằm phi tang.
Thời điểm gây án, một người hàng xóm sang mua hàng, Hoàng từ bếp đi ra và nói dối là cụ không có nhà nên người hàng xóm ra về.
Sau đó, Hoàng bắt xe lên thị trấn Định Hóa thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Về phía nạn nhân, cụ C.T.M may mắn đã được con trai phát hiện và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa trong tình trạng bị thương nặng, bỏng nửa người, tinh thần hoảng loạn.
Theo giới hữu trách, Hoàng không nghề nghiệp, nghiện ma túy lâu năm, từng có một tiền án về tội Trộm cắp tài sản. Hoàng đã lợi dụng cụ M. già yếu, ở một mình, đã nhiều lần sang để lừa tiền của cụ.
Được biết, Ngô Thanh Hoàng đang bị điều tra về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”.
Phạm Toàn