Tình báo Mỹ: Vụ bê bối nhà Biden không phải là tin sai lệch từ Nga
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ John Ratcliffe hôm 19/10 nói với Fox News rằng, thông tin có trong laptop của ông Hunter Biden, con trai ứng cử viên tổng thống Joe Biden do tờ New York Post tiết lộ tuần trước không phải là một phần của chiến dịch đưa tin sai lệch của Nga.
Trang New York Post ngày 14/10 công bố các email tiết lộ rằng con trai của Joe Biden đã giới thiệu ông với một giám đốc điều hành hàng đầu của công ty khí đốt tự nhiên Ukraine Burisma Holdings, chưa đầy một năm trước khi ông Biden gây áp lực buộc các quan chức chính phủ Ukraine sa thải công tố viên Viktor Shokin – người đã điều tra công ty. Những email và các tài liệu khác mà New York Post tiết lộ nằm trong ổ cứng của chiếc máy tính xách tay bị bỏ lại ở một cửa hàng sửa chữa ở bang Delaware vào tháng 4/2019.
Trả lời phỏng vấn trên kênh CNN hôm 17/10, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff cho biết: “Chúng ta biết rằng toàn bộ sự bôi nhọ về Joe Biden đến từ Điện Kremlin”.
“Rõ ràng hơn một năm qua họ đã đang thúc đẩy câu chuyện giả về phó tổng thống và con trai ông ấy”, nghị sĩ Schiff nói thêm.
Tuy nhiên, ông John Ratcliffe bác bỏ những phát biểu trên của nghị sĩ Schiff.
“Thật nực cười khi chính một số người thường xuyên phàn nàn về việc thông tin tình báo đang bị chính trị hóa lại là những người đang chính trị hóa thông tin tình báo”, ông Ratcliffe phát biểu. “Thật không may, chính ông Adam Schiff đã nói cộng động tình báo cho rằng laptop và các email của ông Hunter Biden là một phần của một chiến dịch đưa tin sai lệch của Nga”.
“Tôi xin nói rõ: Cộng đồng tình báo không tin điều đó vì không có nguồn tin tinh báo nào hỗ trợ điều như vậy. Chúng tôi không chia sẻ thông tin tình báo nào với chủ tịch Adam Schiff hoặc bất kỳ thành viên nào khác của Nghị viện”, giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ khẳng định.
Ông Ratcliffe nhấn mạnh: “Máy tính xách tay của Hunter Biden không phải là một phần của các chiến dịch thông tin sai lệch của Nga”.
Cũng theo Fox News, một quan chức tình báo cấp cao đã ủng hộ những phát biểu của ông Ratcliffe.
“Ratcliffe đúng 100%”, vị quan chức tình báo cấp cao nói với Fox News. “Cho đến thời điểm này, không có thông tin tình báo nào hỗ trợ tuyên bố của Chủ tịch Schiff rằng những tin tức gần đây về các giao dịch kinh doanh nước ngoài của Biden là một phần của chiến dịch khôn ngoan ‘đến từ Điện Kremlin’. Nhiều đối thủ nước ngoài đang tìm cách gây ảnh hưởng đến chính trị, chính sách và truyền thông của Mỹ. Họ không cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ các chính trị gia tung tin thất thiệt dưới chiêu bài tình báo”.
Ngũ Giác Đài công bố sáng kiến mới đối phó Trung Quốc, Nga
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 20/10 công bố sáng kiến Định hướng Phát triển Liên minh và Đối tác (GDAP) nhằm mở rộng các liên minh và chống lại Nga, Trung Quốc.
Theo sáng kiến GDAP, Lầu Năm Góc sẽ theo dõi và quản lý có hệ thống các mối quan hệ với các nước đối tác, nhằm tìm cách phối hợp quân sự và cũng để thúc đẩy hoạt động bán vũ khí của Mỹ.
Ông Esper nói: “Mạng lưới đồng minh và đối tác của Mỹ mang lại cho chúng tôi lợi thế bất đối xứng mà đối thủ không thể sánh được”. Ông còn gọi mạng lưới này là “xương sống của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Ông trích dẫn các quan hệ đối tác lâu đời, từ NATO đến Malta bé nhỏ, đã giúp Mỹ đấu tranh để giành độc lập từ Anh vào thế kỷ 18.
“Những ví dụ như thế này cho thấy tầm quan trọng của việc liên kết với các quốc gia cùng chí hướng, dù lớn hay nhỏ, để duy trì trật tự tự do và cởi mở đã phục vụ lợi ích của chúng ta trong nhiều thập niên”, Bộ trưởng Esper cho hay. “Trung Quốc và Nga gộp lại có thể có chưa đến 10 đồng minh”.
Ông Esper cáo buộc Trung Quốc sử dụng biện pháp cưỡng ép và “bẫy tài chính” để xây dựng liên minh với các nước nhỏ hơn như Myanmar, Campuchia và Lào. “Quốc gia càng nhỏ và nhu cầu càng lớn, áp lực từ Bắc Kinh càng mạnh”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đề cập đến các chuyến thăm mà ông đã thực hiện để xây dựng quan hệ quốc phòng với Malta, Mông Cổ và Palau, cũng như các kế hoạch của Mỹ về sự hiện diện quốc phòng lớn hơn ở Đông Âu, trong đó có việc đặt căn cứ quân đội Mỹ ở Ba Lan.
Ông Esper nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với “các nền dân chủ cùng chí hướng như Ấn Độ và Indonesia”. Người đứng đầu Lầu Năm Góc lưu ý rằng ông đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto vào 19/10 và sẽ thăm Ấn Độ vào tuần tới.
Ông nói: “Tất cả đều nhận ra những gì Trung Quốc đang làm”.
Bộ trưởng Quốc Phòng Esper cho biết, một phần quan trọng của nỗ lực này là mở rộng hoạt động bán vũ khí, không chỉ giúp các đồng minh nâng cao năng lực quốc phòng, mà còn hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ trước sự cạnh tranh từ Moskva và Bắc Kinh.
“Chúng ta phải cạnh tranh với Trung Quốc và Nga, những nước có ngành công nghiệp quốc doanh có thể đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu quân sự theo những cách mà chúng ta không thể và không bao giờ muốn, trong nhiều trường hợp”, ông Esper nói.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc nói thêm rằng ông đã thực hiện các biện pháp để giảm hạn chế xuất khẩu các hệ thống vũ khí “quan trọng” và tăng tốc độ phê duyệt thương vụ, đồng thời sẽ sử dụng GDAP để xác định các cơ hội mua bán vũ khí và bảo vệ thị trường Mỹ.
Ông dẫn ví dụ về việc nới lỏng các hạn chế gần đây của Mỹ đối với việc xuất khẩu máy bay không người lái vũ trang, mà Mỹ có thể bán cho Đài Loan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Sáng kiến được Bộ trưởng Esper công bố chỉ 2 tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11. Nếu ông Trump thất cử, vị trí của ông Esper có thể bị thay thế vào tháng 1 năm sau.
Mỹ cam kết hỗ trợ 1 tỉ USD để Brazil loại Huawei khỏi mạng 5G
AFP đưa tin, Mỹ hôm 20/10 cam kết hỗ trợ Brazil 1 tỉ USD để nhập khẩu hàng hóa, trong chiến dịch thuyết phục nước này không hợp tác với hãng Huawei của Trung Quốc trong phát triển mạng 5G.
Theo Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien, thỏa thuận gồm các khoản cho vay, đảm bảo và bảo hiểm nhằm giúp Brazil nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông như mạng 5G.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Brazil trở nên nồng ấm hơn dưới thời chính quyền của ông Trump và ông Bolsonaro. Tuy nhiên, vấn đề mạng 5G có thể làm mối quan hệ trở nên căng thẳng vì Brazil dự định mời thầu vào năm tới để nâng cấp mạng di động.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Brazil, và Huawei là một nhà cung cấp hạ tầng viễn thông thế hệ mới nhanh và rẻ. Chính quyền Mỹ cảnh báo Huawei là mối đe dọa an ninh và cáo buộc hãng này chuyển dữ liệu và thông tin tình báo cho chính phủ Trung Quốc.
Hải quân Mỹ, Nhật Bản và Úc tập trận chung ở Biển Đông
The Epoch Times đưa tin, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ hôm thứ Ba (20/10) thông báo rằng vào hôm thứ Hai (19/10), tàu khu trục John McCain (DDG 56) có dẫn hướng tên lửa Arleigh Burke của Mỹ đã tham gia các cuộc tập trận chung với Hải quân Hoàng gia Úc và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản ở Biển Đông.
Đây là lần thứ 5 kể từ năm 2020, các tàu chiến của Úc, Nhật Bản và Mỹ cùng hoạt động trong Khu vực hoạt động của Hạm đội 7 Mỹ .
Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tiết lộ rằng trong toàn bộ cuộc tập trận hải quân, tàu chiến của ba nước đã cùng nhau huấn luyện nhằm nâng cao năng lực phối hợp của các đồng minh trong việc duy trì an ninh hàng hải và khả năng sẵn sàng chuẩn bị cho bất kỳ tình huống khẩn cấp nào trong khu vực.
Các chương trình tập trận chung bao gồm tập trận trên mặt đất, chống ngầm và phòng không, cũng như nhiều hoạt động huấn luyện khác nhằm tăng cường các hoạt động an ninh hàng hải trong khu vực.
Giẫm đạp xin visa, ít nhất 15 người thiệt mạng
Ít nhất 15 người đã thiệt mạng khi hàng nghìn người giẫm đạp trong lúc chen nhau xin visa của lãnh sự quán Pakistan tại sân vận động ở Jalalabad, Afghanistan hôm 20/10.
Ước tính khoảng 3.000 người Afghanistan đã tập trung bên ngoài lãnh sự quán Pakistan để chờ lấy mã số xin thị thực, hai quan chức nói với Reuters hôm 21/10.
Một kênh truyền thông của Afghanistan đã đăng tải hình ảnh những người dân giơ hộ chiếu lên cao để giành lấy một suất đăng ký. Hình ảnh được chụp sau vụ giẫm đạp cho thấy rất nhiều hộ chiếu nằm rải rác trên mặt đất.
Sohrab Qaderi, thành viên hội đồng tỉnh cho biết, 11 trong số 15 nạn nhân thiệt mạng là phụ nữ. Nhiều người cũng bị thương trong vụ giẫm đạp, trong đó có một số người cao tuổi.
Mỗi năm, hàng chục nghìn người Afghanistan đến nước láng giềng Pakistan để điều trị y tế, học tập và làm việc. Hai nước có đường biên giới chung dài gần 2.600 km.
Điện Kremlin bị cáo buộc ngăn Navalny quay lại Nga
Reuters hôm nay cho biết, một đồng minh của Alexei Navalny cáo buộc Điện Kremlin đang cố gắng đe dọa để ngăn nhà chính trị đối lập này quay trở lại Nga vận động tranh cử.
Leonid Volkov, một thành viên của nhóm Navalny, nói với Reuters: “Chúng tôi thấy tất cả các kiểu đe dọa của họ: ‘hãy niêm phong căn hộ của ông ấy… ‘hãy mở các vụ án về tội phản quốc’”. “Rõ ràng đây chỉ là những chiêu trò lừa bịp nhằm mục đích đe dọa”.
Ông Navalny, lãnh đạo 44 tuổi của đảng Liên minh Nhân dân Nga đối lập, bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva hôm 20/8, sau đó được đưa tới Berlin điều trị. Phía Đức tuyên bố ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok, hai phòng thí nghiệm độc lập tại Thụy Điển và Pháp cùng Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học sau đó cũng đưa ra kết luận tương tự.
Nhà lãnh đạo Navalny nói rằng ông sẽ trở lại Nga và Điện Kremlin tuyên bố Navalny có thể tự do làm điều đó. Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc của Navalny rằng Tổng thống Vladimir Putin đứng sau vụ đầu độc ông bằng chất độc thần kinh Novichok.
“Cho đến ngày 20/8, chúng tôi không thể tưởng tượng rằng ở nước Nga hiện đại, Putin có thể ra lệnh đầu độc Navalny bằng Novichok … Đây là một thực tế mới mà chúng tôi phải học cách sống chung”, ông Volkov nói.
Trong nhiều năm, ông Navalny phàn nàn về việc bị cấm tiếp cận các phương tiện truyền thông nhà nước và bị nhắm mục tiêu một cách có hệ thống bằng các vụ kiện và các vụ điều tra tội phạm không có thật nhằm cản trở các hoạt động dân chủ của ông.
3 tướng tá Đài Loan bị điều tra nghi làm gián điệp cho ĐCSTQ
Truyền thông Đài Loan đưa tin, 3 sĩ quan kỳ cựu của Cục Tình báo Quân đội Đài Loan gồm: cựu thiếu tướng Nhạc Chí Trung, cựu thượng tá Trương Siêu Nhân và cựu thượng tá Châu Thiên Từ bị tình nghi cộng tác với nhân viên an ninh Trung Quốc, cung cấp thông tin tình báo cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Sáng sớm hôm nay, thứ Tư (21/10), cả 3 người đã đến Viện kiểm sát tỉnh Đài Bắc để điều trần. Trương Siêu Nhân đã bị các công tố viên kết án tù và cấm không cho gặp bất kỳ ai. Ông Trương và ông Nhạc mỗi người nộp phạt 150.000 Đài tệ (khoảng 121 triệu đồng) để bảo lãnh, theo SOH.
Theo hãng thông tấn Trung ương Đài Loan, 3 cựu quan chức quân đội Đài Loan bị nghi ngờ giới thiệu các sĩ quan quân đội đã về hưu của Đài Loan cho các nhân viên an ninh quốc gia ĐCSTQ, đồng thời cung cấp tư vấn tình báo Đài Loan cho ĐCSTQ và đã bị chính phủ Đài Loan điều tra.
Về vấn đề này, nhà lập pháp Trần Đình Phi của Đảng Dân Tiến Đài Loan nhấn mạnh rằng, chúng ta nhất định phải xử lý nghiêm khắc và không thể buông lơi, “phải bắt cho ra tất cả các tướng lĩnh về hưu làm nhân viên giới thiệu cho các tổ chức tình báo liên quan”; “những điệp viên làm việc cho ĐCSTQ như thế này không được phép tồn tại ở Đài Loan”.
Công tố viên Đài Bắc cho biết, sau khi Trương Siêu Nhân và Châu Thiên Từ về hưu, họ bị nghi ngờ đã mời một đại tá nghỉ hưu họ Phó đến Trung Quốc vào năm 2013. Trong thời gian đó, Trương Siêu Nhân đã đích thân hộ tống ông Phó đến Trung Quốc và giao thiệp với nhân viên An ninh Quốc gia của ĐCSTQ.
Sau đó, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018, cả hai người họ đã mời cựu thiếu tướng Nhạc Chí Trung đến Trung Quốc và cả ba người đã đi cùng nhau. Nhạc Chí Trung bị cáo buộc được Châu Thiên Từ ủy thác chuyển giao tài liệu cho phía an ninh quốc gia của ĐCSTQ.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2017, cựu thượng tá họ Vương của cục tình báo đã được ông Trương Siêu Nhân và ông Châu Thiên Từ mời đến Trung Quốc để gặp gỡ các nhân viên an ninh quốc gia của ĐCSTQ.
Các công tố viên Đài Loan cho biết, cả 3 người này đã bị nghi ngờ vi phạm Luật Công tác Tình báo Quốc gia, tham gia vào các hoạt động tiết lộ hoặc cung cấp thông tin liên quan đến các nguồn tình báo, tổ chức và hoạt động nhận dạng của nhân viên tình báo của Đài Loan.
Trong phiên điều trần sáng nay, ông Trương Siêu Nhân đã biện luận với giới truyền thông rằng, bản thân ông là một điệp viên Đài Loan làm việc tại Trung Quốc trong thời kỳ xảy ra sự kiện tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6 để bảo vệ an ninh quốc gia của Đài Loan. Ông tuyên bố rằng, mình là một điệp viên “nổi tiếng” làm việc cho Đài Loan, không thừa nhận sự xâm nhập của ĐCSTQ vào nền an ninh quốc gia.
Công tố viên chính phủ Đài Loan chỉ ra rằng, ông Trương Siêu Nhân phạm trọng tội thông đồng với ĐCSTQ, có khả năng cấu kết để chạy trốn đi nơi khác, yêu cầu tòa án tạm giam và cấm không cho gặp mặt bất cứ ai.
Hôm thứ Ba (20/10), trạm bảo vệ An ninh Quốc gia thuộc Cục Điều tra và văn phòng Công tố tỉnh Đài Bắc đã tiến hành lục soát nơi ở của 3 cựu tướng lĩnh và hẹn lịch thẩm vấn điều tra 3 ông (Trương, Châu và Nhạc) cùng 5 nhân chứng khác.