CSIS: Mỹ nên củng cố hơn nữa quan hệ với Đài Loan
Chính quyền tiếp theo của Mỹ nên tăng cường quan hệ quân sự và kinh tế với Đài Loan và tăng chi phí để đối phó với bất kỳ cuộc xâm lược Đài Loan nào của chính quyền Trung Quốc ngay cả khi Đài Bắc đã củng cố an ninh của chính mình, theo một báo cáo về chính sách Đài Loan được công bố hôm thứ Tư bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), theo SCMP.
“Trung Quốc đã áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, từ chối cung cấp cho người dân của họ các quyền tự do mà họ đã hứa”, Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại CSIS và là tác giả của báo cáo “Hướng tới quan hệ Mỹ-Đài mạnh mẽ hơn”, cho biết.
“Và ngày càng có nhiều lo ngại rằng Đài Loan có thể là mục tiêu tiếp theo của Bắc Kinh”, ông Glaser nói thêm.
Khi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sắp diễn ra đã xuất hiện tin đồn rằng Tổng thống Trump hoặc Ngoại trưởng Mike Pompeo có thể thực hiện chuyến thăm “bất ngờ trong tháng 10” tới Đài Loan. Tuy nhiên ông Glaser đã loại bỏ khả năng này vì theo ông, Tổng thống Trump cần tập trung thời gian cho bầu cử.
Mỹ chỉ định thêm 6 cơ quan truyền thông Trung Quốc là phái bộ nước ngoài
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ định 6 cơ quan truyền thông Trung Quốc là các cơ quan truyền thông phục vụ Bắc Kinh hoạt động với tư cách các hãng truyền thông của nước ngoài tại Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố hôm thứ Tư (21/10), theo SCMP.
Theo Đạo luật Nhiệm vụ Nước ngoài của Hoa Kỳ, nhân viên của các tổ chức làm việc tại Mỹ sẽ phải đăng ký hoạt động với tư cách một nhân viên cơ quan nước ngoài, tương tự như nhân viên của các đại sứ quán nước ngoài.
“Chúng tôi chỉ đơn giản muốn đảm bảo rằng người dân Mỹ, những người đọc thông tin, có thể phân biệt giữa tin tức được viết bởi báo chí tự do và thông tin tuyên truyền do chính Đảng Cộng sản Trung Quốc phát tán”, ông Pompeo nói. “[Chúng] không giống nhau”.
Thông báo này được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ, vào đầu năm nay, đã chỉ định 9 đơn vị truyền thông khác của Trung Quốc là những cơ quan truyền thông nước ngoài, bao gồm các hãng tin tuyên truyền chủ lực cho Bắc Kinh như Nhân dân nhật báo, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, China Daily và Tân Hoa xã.
Ông Pompeo có phát biểu mới về Triều Tiên
Tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên “rõ ràng” sẽ là một phần trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm thứ Tư (21/10), đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng quay lại đàm phán phi hạt nhân hóa, theo Yonhap.
Phát biểu của ông Pompeo đưa ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đối với việc tuyên bố kết thúc chiến tranh trong bài phát biểu của ông trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng trước.
“Vì vậy, lập trường của chúng tôi về nhóm vấn đề đó, nhóm vấn đề liên quan đến việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên – một tương lai tươi sáng hơn cho người dân Triều Tiên, rõ ràng bao gồm các văn bản sẽ thay đổi tình trạng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc – Không có gì thay đổi trong cách Hoa Kỳ quan niệm về điều này”, ông Pompeo nói trong một cuộc họp báo, đề cập đến việc tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên.
Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong chiến tranh. Cuộc nội chiến giữa hai miền (1950-53) đã kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình. Ông Moon từng nói rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ mở ra cánh cửa “phi hạt nhân hóa hoàn toàn và chế độ hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên”.
Cố vấn Mỹ nói Bắc Kinh ‘săn mồi’ và ‘ăn cắp’
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, Robert O’Brien, hôm thứ Tư (21/10) đã cáo buộc Trung Quốc cố gắng đánh cắp nghiên cứu vắc-xin COVID-19 từ phương Tây, coi Bắc Kinh như một đối thủ thâm độc đang tìm cách độc chiếm mọi ngành công nghiệp quan trọng của thế kỷ 21, theo Reuters.
Trong một bài phát biểu dài 20 phút, ông Robert O’Brien nói với các quan chức tình báo và quân sự hàng đầu của Anh và Hoa Kỳ rằng Trung Quốc là một kẻ săn mồi, đàn áp người dân của họ và đã tìm cách o ép các nước láng giềng và các cường quốc phương Tây.
“ĐCSTQ đang tìm kiếm sự thống trị trong tất cả các lĩnh vực và khu vực [và] có kế hoạch độc quyền hóa mọi ngành quan trọng trong thế kỷ 21”, ông O’Brien nói với Diễn đàn Tương lai Đại Tây Dương.
“Gần đây nhất, CHND Trung Hoa đã sử dụng hoạt động gián điệp trên không gian mạng để nhắm vào các công ty đang phát triển vắc-xin và phương pháp điều trị Covid ở châu Âu, Anh và Hoa Kỳ đồng thời chèo kéo hợp tác quốc tế”, ông O’Brien nói.
Đức: Hiện vật quý trong bảo tàng bị tấn công
Cảnh sát Đức đang điều tra sau khi hàng chục đồ tạo tác vô giá trong một số bảo tàng nổi tiếng nhất của Berlin bị một số người phá hoại, gây ra thiệt hại có thể không thể vãn hồi được, các quan chức cho biết hôm thứ Tư (21/10), theo Reuters.
Các hành động làm tổn hại hiện vật diễn ra trong giờ mở cửa ngày 3/10 nhưng chỉ được tờ báo Der Tagespiegel và đài truyền hình Deutschlandfunk đưa tin vào cuối ngày thứ Ba (20/10). Hai hãng tin này nói rằng đây là một trong những cuộc tấn công nghiêm trọng nhất vào các tác phẩm nghệ thuật ở Đức.
Tổng cộng 63 đồ vật đã bị hư hại, bao gồm quan tài Ai Cập, tác phẩm điêu khắc đá và các bức tranh thế kỷ 19 được lưu giữ tại Bảo tàng Pergamon, Bảo tàng Neues và Alte Nationalgalerie trên Đảo Bảo tàng của Berlin.
Các quan chức bảo tàng cho biết nỗ lực “sơ cứu” để làm mờ các vết hư hại lưu lại sau khi hiện vật bị tấn công đã thành công, mặc dù những vết này vẫn có thể nhìn thấy.