Bão số 8 tiến vào đất liền, nhiều khả năng xuất hiện ngay bão số 9
Tâm Tuệ | DKN 5 giờ trước 142 lượt xem
Tối 21/10 Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 8 đã mạnh lên cấp 9, giật cấp 11. Trong 2 đến 3 ngày tới, trước khi đi vào đất liền, bão tiếp tục di chuyển chậm và liên tục mạnh lên.
Đến 19 giờ ngày 23/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 110km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (tức 100-135km/giờ), giật cấp 14.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 19 giờ ngày 24/10, tâm bão nằm ngay phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức 90-100km/giờ), giật cấp 13 .
Sau đó bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km.
Báo Tuổi trẻ dẫn thông tin từ bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, thời điểm bão số 8 vừa vào đất liền sẽ có nguy cơ xuất hiện một cơn bão khác vượt qua Philippines vào Biển Đông trở thành bão số 9. Bà Lan cảnh báo tàu bè trên biển cần tránh chủ quan trong giai đoạn này vì thời tiết diễn biến khá phức tạp.
Thêm 3 ca nhập cảnh nhiễm virus Vũ Hán
Theo trang tin của Bộ Y tế, chiều 21/10 Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc virus Vũ Hán, đều là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay.
Hiện số ca nhiễm ở Việt Nam là 1.144 trường hợp, trong đó lây nhiễm trong nước có 691 ca. Số bệnh nhân hồi phục là 1.046 trường hợp, 35 ca tử vong. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 13.929 người.
Toàn thế giới ghi nhận hơn 41 triệu ca nhiễm, hơn 30,7 triệu ca đã hồi phục, hơn 1,1 triệu ca đã tử vong.
Sạt lở gần 6km đê biển, Cà Mau ban bố tình trạng khẩn cấp
Báo Zing thông tin, ngày 21/10, nhà chúc trách Cà Mau ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sau khi tỉnh này ghi nhận gần 6km đê biển Tây (ở 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời) bị sạt lở nghiêm trọng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, 5 đoạn đê biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng có tổng chiều dài gần 6 km. Sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến khu di tích Đá Bạc, các trạm biên phòng, khu tưởng niệm nạn nhân bão Linda và nhiều khu dân cư, trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế.
Sạt lở còn uy hiếp 1.420 ha lúa và hệ thống điện trung thế. Tổng chi phí đề nghị khắc phục tại 5 đoạn đê này gần 70 tỷ đồng.
Phi công liên tục bị chiếu laser khi cất-hạ cánh tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất
Báo Dân Trí hôm 21/10 đưa tin từ đầu tháng 10 đến nay, có 4 vụ tổ lái bị chiếu đèn laser vào tàu bay trong quá trình cất/hạ cánh, xảy ra tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài – Hà Nội và Tân Sơn Nhất – TP.HCM.
Sự việc xảy ra mới nhất với chuyến bay chở hàng mang số hiệu CV6289 của Hãng hàng không Cargolux Airlines (Luxembourg) tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Theo đó, cơ trưởng sau khi điều hành chuyến bay từ Bahrain đến Hà Nội đã báo cáo về việc bị chiếu tia laser vào buồng lái khi đang bay ở độ cao khoảng 2.000m. Nhà chức trách hiện đang điều tra vụ việc.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết hành vi chiếu tia laser vào máy bay khi đang cất, hạ cánh làm ảnh hưởng tới thao tác của phi công, uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay, có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe của phi công và hành khách trên chuyến bay.
Trước đó, ngày 7/10, chuyến bay VJ 168 của Vietjet từ TP.HCM đi Hà Nội cất cánh khỏi Tân Sơn Nhất gần 3km cũng bị tia laser chiếu thẳng vào buồng lái. Sự việc tương tự xảy ra vào ngày 9/10 trên chuyến bay VN1401 của Vietnam Airlines từ Đồng Hới đi TP.HCM bị laser chiếu vào buồng lái khi hạ cánh ở Tân Sơn Nhất.