- Gia Huy
Hôm thứ 4 (21/10), Cathay Pacific Airway công bố cắt giảm 8.500 vị trí, khiến 5.900 nhân viên bị sa thải. Hãng cũng đồng thời đóng cửa thương hiệu riêng Cathay Dragon theo kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu trị giá 2,2 tỷ HK$ (284 triệu USD) để đối phó với ảnh hưởng của đại dịch virus corona.
Đây là đợt cắt giảm việc làm lớn nhất trong lịch sử của hãng hàng không hàng đầu Hồng Kông. Trong số 5.900 nhân viên trên toàn thế giới mất việc trong vài tuần tới, có đến 5.300 người ở Đặc khu, đồng thời 2.600 vị trí chưa tuyển dụng sẽ bị loại bỏ.
Theo SCMP, hãng hàng không cũng cho biết đã nộp hồ sơ lên sàn giao dịch chứng khoán hôm thứ 4 (21/10) thông báo việc Cathay Dragon sẽ “ngừng hoạt động ngay ngày hôm nay (21/10)” và xin sự chấp thuận của cơ quan quản lý để Cathay Pacific và đơn vị cùng tập đoàn HK EXpress tiếp nhận và khai thác hầu hết các tuyến bay của hãng trong khu vực.
Số việc làm bị cắt giảm trong đợt này tương đương khoảng 24% lực lượng lao động của tập đoàn với tổng số 35.000 nhân viên toàn cầu. Số lượng nhân viên sẽ giảm về mức của năm 2007.
Một nguồn tin cho biết con số thực sự chỉ là 17% bởi vì công ty tính luôn số vị trí dự định tuyển dụng nhưng đã loại bỏ và cả số nhân viên nghỉ hưu tự nguyện.
Cathay cũng cho biết thêm rằng phi hành đoàn cabin và buồng lái sẽ được yêu cầu ký hợp đồng với mức lương thấp hơn.
Đại dịch virus corona đã dẫn đến sự sụt giảm 99% lượng hành khách hàng ngày của Cathay Pacific. Hầu hết máy bay của hãng đều nằm không ở sân bay do việc đóng cửa biên giới và các quy định kiểm dịch của các nước.
Trong một thông báo nội bộ, giám đốc điều hành Cathay Tang Kin-wing nói với 35.000 nhân viên: “Cho đến lúc này, chúng tôi đã thực hiện mọi biện pháp có thể để tránh phải cắt giảm nhân viên … Thật đáng tiếc, nhưng chúng ta sẽ không tồn tại nếu không thực hiện các biện pháp tiếp theo.”
Ông cho biết “một sự thật khắc nghiệt” là hãng hàng không cần phải tái cấu trúc một cách cơ bản “để đảm bảo tương lai của chúng ta”.
Ông nói: “Đây là một quyết định đau lòng phải thực hiện. Tôi thành thật xin lỗi về việc này.”
Trước đó, Bộ Tài chính Hồng Kông chi một khoản vay cứu trợ trị giá 39 tỷ HK$ cho Cathay. Bộ trưởng Paul Chan Mo-po cho biết việc tái cấu trúc là chìa khóa cho sự tồn tại của hãng trong thời điểm này.
Ông nói trong một thông báo: “Là hãng hàng không quan trọng nhất của Hồng Kông … nếu vấn đề sinh tử của Cathay không được giải quyết đúng đắn, tình huống này sẽ làm tổn hại đến vị thế và sự phát triển trung tâm hàng không quốc tế của Hồng Kông trong khu vực, đồng thời tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế địa phương khác, gây thiệt hại cho lợi ích của Hồng Kông.”
Chính phủ Hồng Kông cũng cho biết họ đã yêu cầu Cathay tránh cắt giảm nhân viên quá nhiều để đảm bảo rằng hãng này vẫn duy trì một vị thế vững chắc ngay khi đại dịch chấm dứt và để “tạo động lực cho việc tái khởi động ngành hàng không địa phương cũng như nền kinh tế Hồng Kông nói chung.”
Trong nỗ lực tiết kiệm tiền mặt của mình, Cathay Pacific sẽ không tăng lương cho nhân viên trong năm 2021, không trả tiền thưởng không cần thiết trong năm nay, mở rộng chương trình nghỉ không lương cho nhân viên không bay nhằm giúp trang trải chi phí cho nửa đầu năm sau.
Cathay Pacific đã ghi nhận mức lỗ ròng kỷ lục 9,87 tỷ HK$ trong sáu tháng đầu năm nay và tiếp tục lỗ 2 tỷ HK$ một tháng. Việc cắt giảm việc làm sẽ giúp hãng này giảm lỗ 500 triệu HK$ một tháng vào năm 2021.
Cathay Pacific đã nhận được khoản vay cứu trợ 39 tỷ HK$ vào tháng 6, trong đó chính phủ Hồng Kông đóng góp 27,3 tỷ HK$ cho gói cứu trợ này để ngăn chặn sự sụp đổ của hãng.
Phản ứng trước quyết định của hãng hàng không, ông Carlson Tong Ka-shing, một trong hai quan sát viên của chính phủ được bổ sung vào Hội đồng quản trị của hãng để giám sát việc đầu tư tiền công, nói với SCMP: “Vai trò của chúng tôi theo chỉ định của Bộ trưởng Tài chính là bảo vệ tiền đầu tư của chính phủ, cũng chính là tiền đầu tư của người đóng thuế, nhưng đồng thời cũng phải xem xét đến trách nhiệm xã hội của tập đoàn.”
“Chúng tôi nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình và liên tục nhắc nhở ban lãnh đạo Cathay cần phải giảm thiểu tác động tiêu cực của kế hoạch tái cơ cấu đối với nhân viên và xã hội, đồng thời phải đảm bảo sự bền vững tài chính trong tương lai của tập đoàn.”
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đại diện cho ngành hàng không toàn cầu, đầu năm nay đã dự báo rằng phải đến năm 2024 mới có thể phục hồi lại lưu lượng hàng không trở về mức trước khi xảy ra đại dịch virus corona.
Một nguồn tin liên quan đến việc ra quyết định của Cathay cho biết việc cắt giảm nhân sự dựa trên dự đoán của IATA.
Hôm thứ 2 (19/10), Cathay Pacific cho biết họ sẽ hoạt động với công suất giảm một nửa trong năm 2021 so với mức trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng sức khỏe. Điều này cho thấy tốc độ phục hồi khá chậm.
Hãng hàng không giả thiết rằng vắc-xin COVID-19 hiệu quả sẽ có vào mùa hè năm tới, do đó dự kiến lưu lượng hàng không toàn cầu sẽ đạt 70% mức trước khủng hoảng vào cuối năm 2021.
Cathay Pacific là hãng hàng không lớn nhất của tập đoàn, với 132 máy bay chở khách phục vụ các tuyến bay đường dài và bay đến các thành phố trọng điểm của châu Á.
Cathay Dragon có 48 máy bay, chủ yếu bay đến Trung Quốc Đại lục và các điểm đến khác trong khu vực. HK Express có 24 máy bay và chủ yếu bay đến các điểm đến châu Á khác ngoài Trung Quốc Đại lục.
Cổ phiếu của Cathay Pacific đã tăng 3.5% khi thị trường chứng khoán mở cửa sau thông báo cắt giảm việc làm của hãng. Tuy nhiên, cổ phiếu của hãng hàng không đã giảm 43% kể từ đầu năm.
Gia Huy (theo SCMP)