Lũ lụt ở miền Trung là do biến đổi khí hậu, không phải do phá rừng?

  • Minh Long

Thời gian qua, dư luận cho rằng lũ lụt ở miền Trung có một phần nguyên nhân là do phá rừng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam lại khẳng định: “Nói lũ lụt ở miền Trung do phá rừng là không đúng”.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định: “Nói lũ lụt ở miền Trung do phá rừng là không đúng”. (Ảnh nhỏ: baochinhphu.vn; Ảnh lớn: baoquangtri.vn)

Tính đến hôm 21/10, mưa lũ tại Việt Nam đã khiến 135 người chết và mất tích; trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là khu vực miền Trung.

Dư luận cho rằng nguyên nhân xảy ra lũ lụt là do phá rừng, xây thủy điện…

Trước thông tin này, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT Việt Nam) khẳng định trên tờ Dân Việt hôm 21/10: “Nói lũ lụt ở miền Trung do phá rừng là không đúng. Chính biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa lũ ở miền Trung là một ví dụ điển hình. Thực tế, mấy vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng ở Quảng Trị đều là những nơi phát triển rừng rất tốt, độ che phủ lớn. Do mưa quá nhiều, địa hình dốc lớn nên mới gây vết sạt trượt”.

Ông Nguyễn Quốc Trị còn khẳng định “độ che phủ rừng ở các tỉnh miền Trung rất tốt, cao hơn so với bình quân chung cả nước”.

Thế nhưng, tờ VTC trong một bài viết hôm 17/10 lại cho rằng: “một nguyên nhân khiến nguy cơ sạt lở đất ngày càng tăng chính là những tác động của con người như chặt phá rừng làm nương rẫy, nhà cửa, đường sá, thủy điện, làm mất đi thảm thực vật che phủ. Hình ảnh của khu vực Rào Trăng trước và sau năm 2017 cho thấy, sau năm 2017, rừng tại đây đã không còn, lộ ra toàn đất trống. Khả năng chống chịu xói mòn của đất giảm đi đáng kể”.

Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các hiện tượng thiên tai, bão lũ. Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn… ngày càng nghiêm trọng do tình trạng rừng bị tàn phá.

Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đã chỉ ra trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283ha (trung bình mỗi năm mất 2.430ha rừng).

Viện Điều tra và quy hoạch rừng nhận định lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Theo GS Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia lâm nghiệp, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ.

“Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém…”, GS Nguyễn Ngọc Lung nói.

Minh Long

Related posts