Pháp: Kiểm soát thù hận trên mạng xã hội
Pháp muốn kiểm soát nội dụng thù hận trên mạng xã hội sau vụ khủng bố Hồi Giáo cực đoan tại trường trung học Bois d’Aulne, tỉnh Yvelines, ngoại ô Paris ; Đợt hai dịch Covid-19 đánh mạnh vào Pháp ; Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên kiểm soát hệ thống trại giam chà đạp nhân quyền ; Liên hoan phim Việt Nam diễn ra tại Paris dù bị xáo trộn vì Covid-19. Trên đây là một số chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Pháp : Mạng xã hội và nội dung thù hận
Vụ chặt đầu giáo viên sử-địa Samuel Paty ở Conflans Sainte-Honorine (ngoại ô Paris) một lần nữa làm dấy lên trách nhiệm của mạng xã hội trong việc để thông điệp hận thù và nội dung cổ vũ khủng bố lan truyền.
Thủ phạm đăng gần như trực tiếp vụ sát hại hôm 16/10/2020 trên Twitter. Hai trong số 7 người bị tam giam điều tra đã đăng những lời đe dọa trên mạng xã hội, tiết lộ tên của giáo viên và địa chỉ trường. Một đền thờ Hồi Giáo ở Pantin (ngoại ô phía bắc Paris) bị đóng cửa vì imam phụ trách đã chia sẻ đoạn video lên án giờ học của nhà giáo Samuel Paty lên trang Facebook của đền thờ.
Theo ông Jean-Marie Cavada, chủ tịch Viện các quyền cơ bản về kỹ thuật số chống tác hại của mạng xã hội (Institut des droits fondamentaux numériques lutte contre le rôle néfaste des réseaux sociaux), khi trả lời đài truyền hình TV5 ngày 20/10, đã đến lúc phải quy tội các mạng xã hội :
“Còn phải chờ có thêm bao nhiêu người chết nữa vì bị sát hại dã man mà chúng ta thấy từ năm này qua năm khác ở Pháp và các mạng xã hội phần nào đó can dự ? Sai lầm lớn nhất là nghĩ rằng các mạng xã hội phải chịu trách nhiệm. Họ không chịu trách nhiệm chính mà là những kẻ sát nhân, những kẻ thuyết giáo, cả một hệ thống có tổ chức nhằm mục đích gây bất ổn cho nền dân chủ và gây sợ hãi. Tuy nhiên, vai trò của các mạng xã hội, mà theo tôi chỉ là tên gọi trong vụ này, không hề trung lập bởi vì đó là phương tiện truyền tải ý kiến, thông tin.
Từ hơn 10 năm nay, tôi vẫn luôn yêu cầu các mạng xã hội phải có cùng quy chế với các cơ quan đài báo, có nghĩa là với tư cách giám đốc xuất bản, họ phải chịu trách nhiệm pháp lý về chất lượng, về tính trung thực của những thông tin mà họ truyền tải”.
Sau vụ sát hại khủng bố dã man, chính phủ Pháp đã nhanh chóng đưa ra nhiều biện pháp mạnh : giải thể nhiều hiệp hội “cực đoan” ; xem xét trục xuất 231 phần tử cực đoan nước ngoài sống bất hợp pháp ; dự kiến thêm “tội gây nguy hiểm đến tính mạng người khác trên mạng xã hội” ; thảo luận lại dự thảo luật chống hận thù trên mạng xã hội (“Luật Avia”, mang tên nghị sĩ Laetitia Avia thuộc đảng Cộng Hòa Tiến Bước – LREM), từng bị Hội Đồng Bảo Hiến đình chỉ vào mùa hè …
Ông Jean-Marie Cavada nhận định:
“Luật Avia là một ý tưởng hay. Văn bản này từng có vài điểm khinh suất mà Hội Đồng Bảo Hiến không muốn theo để tránh “bịt miệng” tự do ngôn luận. Dù sao, vai trò của văn bản đó là thu hút sự chú ý của Hội Đồng Bảo Hiến về vấn đề này. Nhưng cần chú ý là dự thảo luật này rất thực tế và tôi ủng hộ hoàn toàn. Có nghĩa là giờ phải đưa vào khuôn khổ, phải điều chỉnh bằng luật ở cấp quốc gia, và ở cấp châu lục. Tôi đấu tranh để Liên Hiệp Châu Âu ra quyết định về việc áp dụng chung hoặc ra chỉ thị về vấn đề này”.
Đây là điều Pháp muốn thúc đẩy. Ngày 02/12, ông Thierry Breton, ủy viên châu Âu đặc trách Thị trường chung và Kinh tế kỹ thuật số, sẽ trình lên Liên Hiệp Châu Âu dự thảo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (Digital Services Act, DSA). Một điểm trong văn bản này buộc các mạng xã hội phải tuyển dụng người điều hành địa phương ở mỗi nước mà họ hoạt động. Dù các mạng xã hội đã đầu tư thêm vào trí tuệ thông minh, tuyển thêm người điều hành để điều chỉnh hiệu quả hơn những nội dung gây tranh cãi, nhưng hiện vẫn là chưa đủ !
Covid-19 đánh mạnh vào Pháp
Tỉ lệ người bị nhiễm Covid-19 tại Pháp trên 100.000 dân trong vòng một tuần đã tăng thêm 40% với kỷ lục 41.622 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, theo số liệu tối 22/10. Khoảng 46 triệu trên tổng số 67 triệu dân Pháp ở 54 tỉnh bị giới nghiêm từ ngày 24/10, kéo dài ít nhất 6 tuần. Đây là một trong những biện pháp được đích thân thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo trong buổi họp báo chiều 22/10:
“Việc mở rộng lệnh giới nghiêm sang nhiều tỉnh khác, kể cả một số tỉnh nơi virus không lan nhanh và rộng như ở các đô thị lớn, là một biện pháp phòng ngừa mà tôi nhận trách nhiệm. Virus lây lan nhanh nên chúng ta phải triển khai trước biện pháp phòng ngừa. Tôi biết là những biện pháp này rất nặng nề nhưng tôi cũng thấy là những biện pháp đó được tuân thủ tốt.
Hiện tại còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của giới nghiêm. Phải chờ đến tuần tới, chúng ta mới biết được biện pháp đó có giúp giảm được tốc độ lây lan của virus hay không. Tùy vào kết quả có được, cũng như biến chuyển của dịch, chúng tôi sẽ đánh giá lại các biện pháp, có thể là thắt chặt hơn, với mong muốn là cứu mạng sống và bảo vệ sức khỏe của công dân, bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta”.
Pháp hiện là nước có số ca nhiễm hàng ngày cao nhất châu Âu. Thành phố Clermont-Ferrand nằm trong số 38 tỉnh mới bị liệt vào “vùng đỏ” và phải áp dụng giới nghiêm. Trả lời RFI ngày 23/10, ông Olivier Bianchi, thị trưởng Clermont-Ferrand, kiêm chủ tịch vùng đô thị Clermont-Auvergne, nêu một trong số các lý do khiến tình hình xấu đi tại đây, tương tự với nhiều “vùng đỏ” khác :
“Đúng là sau đợt phong tỏa toàn quốc, chúng tôi quan sát thấy ở mọi lứa tuổi – tôi không nhắm đến ai hết – một hiện tượng rất đỗi bình thường, đó là người dân có phần nào đó nơi lỏng, trong gia đình, với bạn bè, trong các cuộc tụ tập hội hè, hay đám cưới… Vào mùa hè, người dân có xu hướng bù lại những gì phải hy sinh trong thời gian dài phong tỏa. Điều này giải thích tại sao vào mùa thu, số liệu lại xấu đến như vậy”.
Bắc Triều Tiên: Đảng Lao Động kiểm soát hệ thống trại giam chà đạp nhân quyền
Tù nhân Bắc Triều Tiên bị đối xử “tệ hơn cả súc vật”. Những từ ngữ nặng nề, nhưng thể hiện đúng thực tế, được tổ chức Quan sát Nhân Quyền – Human Rights Watch sử dụng trong báo cáo công bố ngày 19/10. Tổ chức bảo vệ nhân quyền đã thu thập lời chứng từ 22 cựu tù nhân, trong đó có 15 phụ nữ, cũng như từ một số cựu quan chức Bắc Triều Tiên đào tẩu sau năm 2011.
Ông Phil Robertson, trợ lý giám đốc khu vực châu Á của Humain Right Watch (tổ chức Quan Sát Nhân Quyền), tại Bangkok, giải thích với RFI :
“Ở đây người ta không nói về tù nhân chính trị hay kẻ thù của Nhà nước, mà là những vụ vi phạm luật chung, như buôn lậu, âm mưu vượt biên sang Trung Quốc hay sở hữu điện thoại di động Trung Quốc. Những người này đã phải sống trong điều kiện giam hãm kinh khủng, bị tra tấn để buộc thú tội. Rất nhiều người từng là nạn nhân của bạo lực và tấn công tình dục, có cả nhiều trường hợp bị cưỡng bức.
Nhiều tù nhân kể cho chúng tôi rằng họ phải quỳ, vắt chéo chân đến 16 tiếng mỗi ngày, nếu họ nhúc nhích, cai ngục bắt cả những bạn tù cùng chịu hình phạt tập thể. Luật sư không được mời, gia đình không thể thăm nếu không hối lộ. Đối với một số người khác, khẩu phần ăn duy nhất trong tù là 80 gram ngô luộc mỗi ngày, có thể nói là chế độ ăn sát với ngưỡng đói.
Bắc Triều Tiên phải thừa nhận rằng hệ thống tạm giam của họ đầy rẫy vi phạm và hành động tra tấn. Quốc gia này phải thay đổi điều đó và yêu cầu hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để tạo nên một hệ thống tôn trọng nhân quyền, một hệ thống công bằng, sẽ không nằm trực tiếp dưới sự kiểm soát của đảng Lao Động Bắc Triều Tiên”.
Liên hoan phim Việt Nam tại Paris trong mùa dịch
Liên hoan phim Ici Vietnam Festival được tổ chức hàng năm tại Paris là sự kiện quan trọng để giới thiệu và vinh danh các nhà làm phim Pháp gốc Việt hoặc các nhà làm phim Việt Nam. Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn chương trình năm 2020, buộc ban tổ chức phải đẩy lịch chiếu và giao lưu vào 16 giờ hai ngày cuối tuần 24-25/10.
Bộ phim tài liệu đầy xúc động Les Rivières (tạm dịch : Những dòng sông), mà RFI Tiếng Việc đã giới thiệu ngày 07/03/2020, về tình mẫu tử, về sự dũng cảm của ba người phụ nữ trong gia đình, được chiếu vào ngày 25/10. Trả lời RFI Tiếng việt, Trúc Mai, tác giả của bộ phim, cho biết :
“Bộ phim được đăng trên mạng dưới hình thức video theo yêu cầu (VOD). Bộ phim được thực hiện trong thời gian dài. Vì không phải công chiếu rộng rãi ở rạp như những bộ phim khác với một ngày cố định, nên phim được đầu tư thời gian. Hiện tại, bộ phim đã được chiếu được trong 9 tháng.
Cộng đồng chia sẻ phim rất nhiều và thường nhắc đến việc làm phụ đề. Nên hiện giờ, bộ phim đã có phụ đề tiếng Việt để cộng đồng người Việt ở nước ngoài, cũng như người Việt ở Việt Nam, có thể xem được bộ phim”.
Bộ phim Les Rivières cũng bị ảnh hưởng do nước Pháp bị phong tỏa trong nhiều tuần từ giữa tháng 03. Thế nhưng, có thể nói “trong cái rủi có cái may”, theo giải thích của Trúc Mai :
“Bộ phim của tôi lúc đầu được chiếu tại rạp Les Trois Luxembourg (quận 6 Paris) và sau đó được dự kiến chiếu một vòng quanh nước Pháp, nhưng cuối cùng phải hủy vì lệnh phong tỏa và đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cuối cùng thì phim lại được chia sẻ rất nhiều trong không gian thân mật hơn, giữa gia đình, người thân và bạn bè. Đó cũng là ý nghĩa ban đầu của phim khi được phát hành dưới dạng theo yêu cầu (VOD). Có nghĩa là phim được chia sẻ, mẹ và con gái cùng xem vì bộ phim nói rất nhiều đến mối quan hệ gia đình, về những bà mẹ của chúng ta, về mối quan hệ với Việt Nam, với lịch sử quá khứ thực dân và thuộc địa. Nhờ đó, phim được truyền tai nhau vì có rất nhiều chủ đề được đề cập trong phim nên tiếp cận đến một lượng lớn khán giả, chứ không chỉ mỗi cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Vì thế, thời gian phong tỏa vì dịch Covid-19 lại giúp bộ phim được lan tỏa rộng hơn là chiếu ở rạp hay ở các liên hoan phim. Đó là điều mà ban đầu chúng tôi không hình dung ra được. Bộ phim được cả gia đình cùng xem, cùng tranh luận về những chủ đề mà tôi nêu ở trên”.