Đêm Ca Nhạc Nguyệt Cầm với Lời Yêu Thương – Tamar Lê and Quynh Lê

Năm ngoái cứ vào giờ này thì Melbourne ‘Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,’ thành phố nhộn nhịp với lời nói tiếng cười, nhất là sắp đến Melbourne Cup với muôn sắc màu, từ hoa lá như nụ cười yêu thương của thiên nhiên, cho đến áo xanh, đỏ tím vàng trên những thân hình duyên dáng diễm kiều của những nàng tiên của Melbourne.

Thế rồi chỉ vì nạn dịch Coronavirus, trong một thoáng chốc, Melbourne thân yêu biến dạng, chỉ còn ‘Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.’ Phần đông người Việt mình bị lockdown stage 4 vào một ngày cuối thu, trong căn gác hiu quạnh, mong sao có ngày không còn ‘lạc mất mùa xuân’, vì hiện tại, như Hồng Yến nhắc nhở, ngày tháng chan chứa hạnh phủc đã ra đi ra khỏi cuộc vui ấm cúng và nhẹ nhàng với bạn bè.

Hạnh phủc không còn trong vòng tay chờ đợi.

Hạnh phủc đã ra đi sau một chiều cuối thu. (Hạnh Phủc Đã Ra Đi)

Tuy vậy, nhiều người Việt ở Melbourne có trái tim đầy màu sắc văn nghệ, dù bị cách ly, không chịu bó tay nhìn thời gian lạnh lùng trôi. Các chương trình văn nghệ online như gió mùa xuân tới… không những chỉ điền vào không gian và thời gian trống trải với lời ca tiếng hát, và tuyệt diệu hơn nữa là sự sáng tạo của một hiện tượng âm nhạc mới cho đời sống nhộn nhịp ngày nao của Melbourne: Livestream musical performance, mà trước đây ít phổ biến.

“Cuộc sống luôn bận rộn. Thế giới vẫn cuồng quay với những bất ổn, dịch bệnh, thiên tai. Con người đôi khi còn nhiều hoài nghi và đố kỵ. Nhưng tình người thì không bao giờ thiếu. Hãy gởi đến nhau Lời Yêu Thương, để thấy cuộc đời còn nhiều điều quý giá, cây đời vẫn mãi xanh tươi.” (Nguyệt Cầm với Lời Yêu Thương).

Nhóm nghệ sĩ Nguyệt Cầm ra đời với chuyển hướng mới: đưa virtual reality to life reality. Dưới sự sáng tạo của Andy Ngô, và sự hợp tác của Bằng Lê, và ABTV ÚC CHÂU,  internet technology đã thành công trong giấc mơ ‘mang hạnh phúc với những lời yêu thương cho người,’ nhất là với tâm trạng ‘người có nhớ ta chăng’ trong thời điểm lockdown này.

Đêm Ca Nhạc Nguyệt Cầm với chủ đề ‘Lời Yêu Thương’ bắt đầu từ 8:30pm Thứ Bày 17 October, 2020,  với các tiếng hát dịu dàng, quen thuộc, và rất là dễ thương  của Melbourne: Hồng Yến, Nghiêm Lệ, Trâm Anh, Thanh Lan, và khách mời ca sĩ Hữu Thành.

Những ngày tháng Melbourne sống trong cách ly vì Covid-19, lockdown stage 4, có người hằng ngày ngồi nhìn mây bay qua khung cửa hẹp, như Hồng Yến chẳng hạn, ngồi mơ màng trở về với hương xưa:

“Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao.

Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao; còn đó tiếng khung quay tơ…” (Hương Xưa – Cung Tiến)

 Có người im lặng ngồi nghe tiếng mưa đêm như nước mắt của con tim.  Khi nghe Hữu Thành chia sẻ cái lạnh giá của ngày dài trong bài ‘Oh mon a’mour’:

Elle ne sait plus le jour ni l’heure. Elle a des larmes au fond du cœur

(She no longer knows the day or the hour. She has tears deep in her heart).

Lời hát nhẹ nhàng của Trâm Anh nhắc đến tâm trạng của Melbourne như Kiếp Dã Tràng se cát ban đêm, để rồi con sóng xô tan tành. Trâm Anh mong rằng sự cô đơn của người sẽ tan biến trong vòng tay ấm cúng của tình nhân:

“Thế nhưng người tình hãy đến bên em một lần thôi

Đừng nói với em điều gì mà hãy cứ ôm em thật lâu.” (Người Tình)

Nếu trên đường phố, có anh từng khuya, đón đưa em về và giọt mưa rơi sẽ không não nề. Mưa là hình ảnh hai cuộc đời: lãng mạn trong cuộc tình và bi đát trong cuộc sống. Không gì lãng mạn hơn khi Nghiêm Lệ diễn tả thế giới lãng mạn của Nguyên Sa:

“Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc

Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi

Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai

Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu em ơi.” (Tháng Sáu Trời Mưa)

Thật vậy, mưa là nguồn cảm xúc trong thi nhạc, nhưng cũng là sức tàn phá, gieo bao nhiêu tang tóc khổ lụy cho dân nghèo. Trong lúc Melbourne đang bao phủ bởi cô đơn và giá lạnh, thì quê hương miền trung mình đang bị mưa hành. Bây giờ chỉ biết lạy trời mưa đừng xuống, để dân miền Trung được sống trong thái hòa, được tận hưởng không khí vui tươi như ban Tứ Ca diễn tả: 

“Ngày nhộn nhịp về trên khu phố, có cô em tung tăng, đôi môi cười hoa thắm; và mặt trời của miền nhiệt đới, trên vai em, buông chân cho anh mơ mộng.” (Lời Yêu Thương, Ban Tứ Ca: Hồng Yến, Nghiêm Lệ, Trâm Anh, Thanh Lan).

Thôi thì vui lên như Thanh Lan nhí nhảnh với Parisean accent: “Sur ta joue rose tu dis: C’est peu de chose. Qui sait, qui sait, qui sait!”

Related posts