Trung Quốc muốn nắn dòng các con sông Ấn Độ

  • Venus Upadhayaya

Các chuyên gia cho biết kế hoạch của Trung Quốc chuyển hướng hai con sông chảy xuyên Himalaya nuôi sống hàng triệu người ở các khu lưu hạ lưu tại Ấn Độ, Pakistan, và Bangladesh đang làm gia tăng mối lo ngại của Ấn Độ trong thời điểm căng thẳng biên giới Trung Quốc – Ấn Độ còn đang âm ỉ.

Hai con sông lớn Brahmaputra và Indus bắt nguồn từ Tibet đã trở thành mục tiêu của Trung Quốc, theo Epoch Times. Sông Indus chảy theo hướng tây bắc Ấn Độ vào Pakistan, trong khi sông Brahmaputra chảy theo hướng đông bắc Ấn Độ vào Bangladesh. Cả hai đều thuộc số những con sông dài và lớn nhất thế giới.

Ấn Độ được đặt theo tên sông Indus, và từ Hindu bắt nguồn từ đó. Đây là dòng sông rất linh thiêng đối với người Hindu ở Ấn Độ và là trung tâm phát triển nền văn minh Ấn Độ.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã có kế hoạch chuyển hướng dòng chảy sông Brahmaputra (tại Tây Tạng được gọi là Yarong Zangbo) và sông Indus từ đầu nguồn tới những vùng đất khô cằn ở khu tự trị Tân Cương. Cả hai dòng sông đều chảy từ cao nguyên Tây Tạng qua hai bang của Ấn Độ có chung đường biên giới tranh chấp với Trung Quốc.

Sông Indus chảy qua bang Ladakh – nơi đã trở thành điểm nóng xung đột với Trung Quốc từ hồi tháng Năm. Sông Yarlung Zangbo chảy vào Arunachal Pradesh, một bang của Ấn Độ có chung biên giới với Bhutan – nơi Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của họ.

“Dự án hiện tại đề xuất chuyển hướng dòng nước từ sông Yarlung Tsangpo ở từ phía nam Tây Tạng bằng cách đào một đường hầm dài 1.000km dọc theo cao nguyên Tây Tạng tới vùng Taklamakan khô cằn [một sa mạc tại vùng tây nam Tân Cương],” Tiến sĩ Burzine Waghmar, thuộc viện Nam Á Đại học SOAS tại London, nói với Epoch Times.

Kế hoạch làm chệch hướng sông Yarlung Zangbo từ Tây Tạng đến Tân Cương được đưa ra lần đầu tiên từ triều đại nhà Thanh thế kỷ 19, nhưng chi phí cao và những thách thức khổng lồ của dự án, cũng như danh tiếng quốc tế của con sông đã khiến dự án chưa bao giờ thực sự bắt đầu, ông Waghmar nói.

Ông cho biết, trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng khởi động lại dự án và vận hành thử ở tỉnh Vân Nam. Hiện Trung Quốc đang tiến hành khoan các đường hầm tại đây và dự định sẽ làm điều tương tự ở Tân Cương. Công trình đường hầm Vân Nam dài 373 dặm (600km) được bắt đầu vào tháng 8 năm 2017.

Theo tờ Thời báo Kinh tế, quan ngại về dự án chuyển dòng này tăng cao vì Trung Quốc đã chặn dòng chảy của một phụ lưu ở Tây Tạng của sông Yarlung Zangbo, gọi là sông Xiabuqu, cho dự án Lalho Hyderl.

“Gần đây nhất, sau các cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở thung lung Galwan hồi tháng Năm, Trung Quốc đã chặn dòng chảy của sông Galwan, một phụ lưu của sông Indus bắt nguồn từ vùng Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát, do đó làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của con sông nhằm ngăn nó chảy vào Ấn Độ,” Ameya Pratap Singh và Urvi Tembey nói trong một bài phân tích xuất bản tại Đại học Lowy ngày 23/7.

Kế hoạch sẽ tạo ra con kênh lớn nhất thế giới

Theo tiến sĩ Satoru Nagao tại Trường Đại học Hudson có trụ sở tại Washington, đối với chính phủ Trung Quốc, sự phát triển ở phía tây là quan trọng sống còn đối với phía đông, vì nếu Trung Quốc muốn phát triển Tân Cương, Trung Quốc cần có nguồn nước ở Tân Cương. Nếu không đủ nước, Trung Quốc cần đưa nước từ Tây Tạng tới. 

Dự án phân dòng Tây Tạng – Tân Cương đòi hỏi 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 147,3 triệu đôla) cho mỗi kilomet kênh đào, sẽ mang đến 10-15 tấn nước mỗi năm. Dự án “được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề nước, thực phẩm và hạn hán trong nước,” Abbasi và Xu, Trường Kỹ thuật Thuỷ lợi tại Đại học Công nghệ Đại Liên Trung Quốc, cho biết. 

Giai đoạn đầu tiên của dự án sẽ xây dựng 29 hồ chứa nước với dung tích 21,8 tỷ mét khối nước tại Tân Cương, trong khi Ấn Độ và Bangladesh nằm trong vùng bị ảnh hưởng tiêu cực, Abbasi và Xu nói. Việc phân dòng sẽ “phá vỡ sự đa dạng sinh học”“làm tăng khả năng xảy ra động đất và lũ lụt”.

Vì sao Ấn Độ phải lo ngại?

Ông Waghmar cho biết việc phân dòng sông Yarlung Tsangpo được dự tính thực hiện ở huyện Sangri gần biên giới tranh chấp với Ấn Độ. Ông lưu ý rằng không có hiệp ước nào về nước tồn tại giữa Trung Quốc và Ấn Độ hoặc Bangladesh, nơi con sống cuối cùng nhập vào vịnh Bengal.

Hồi tháng Năm, binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đã đánh giáp lá cà tại vùng Tây bắc Sikkim, nơi đã từng xảy ra cuộc xung đột nghiêm trọng  năm 2017 khi Trung Quốc cố mở rộng một con đường đi qua bình nguyên Doklam giữa Bhutan, Ấn Độ và Trung Quốc. Đây là vùng đất do Bhutan cai quản nhưng Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền.

Sau nhiều tuần thương lượng, cả hai nước đã rút quân, nhưng từ đó Trung Quốc bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ trong khu vực.

Ngày 15/6, một cuộc đụng độ dữ dội đã diễn ra ở Galwan trong lãnh thổ Ladakh, 20 binh sĩ Ấn Độ và một số chưa được biết binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Từ đó, mâu thuẫn giữa hai bên vẫn không ngừng tiến triển.

“Ấn Độ cần đánh giá liệu Trung Quốc có thể “vũ khí hoá” lợi thế của họ đối với các nước hạ nguồn hay không. Việc kiểm soát những con sông này một cách hiệu quả mang đến cho Trung Quốc khả năng bóp nghẹt nền kinh tế Ấn Độ,” Singh và Tambrey nói.

Ông Nagao cho biết dự án chuyển dòng các con sông là xác đáng về chiến lược và Ấn Độ nên lo lắng. Ông nói nếu Trung Quốc chuyển hướng các dòng sông trong những khu vực nhạy cảm này, họ sẽ triển khai quân đội để bảo vệ dự án, và việc xây dựng bất cứ căn cứ quân sự nào cũng gây thêm lo ngại cho Ấn Độ. 

“Kịch bản ác mộng này đã bắt đầu. Vì Trung Quốc cần nhiều nước hơn để phát triển, Trung Quốc đã bắt đầu các kế hoạch nắn dòng chảy của sông. Trung Quốc càng phát triển Tây Tạng, càng cần triển khai thêm nhiều binh sĩ Trung Quốc tới để bảo vệ những nguồn nước này. Và kết quả là các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại biên giới Ấn Độ – Trung Quốc (quanh Tây Tạng) sẽ gia tăng,” ông Nagao nói.

Wagmar cho biết việc chuyển dòng nước từ sông Yarlung Tsangpo, cùng chung nguồn nước với sông Indus, cũng sẽ gây tác động bất lợi với Pakistan vì nó chảy qua Gilgit-Baltistan vào khu vực vựa lúa của đất nước: Punjab.

Ông Nagao nói phản ứng của Ấn Độ đối với dự án nắn dòng cần tăng gấp đôi. Để ngăn chặn những cuộc tấn công bất ngờ của Trung Quốc tại biên giới, Ấn Độ nên đẩy mạnh khả năng quốc phòng và nên tăng cường phối hợp với Mỹ, Nhật Bản và Úc.

“Để bảo đảm nguồn nước, Ấn Độ nên thiết lập một cơ cấu quốc tế đa phương để giải quyết việc chia sẻ nguồn nước,” ông Nagao bổ sung rằng cơ cấu song phương về chia sẻ nguồn nước với Trung Quốc sẽ không hiệu quả. 

“Trong trường hợp này, Ấn Độ nên mời Mỹ, Nhật Bản và Úc để cân bằng sức mạnh trong cơ cấu nếu cần thiết,” ông nói.

Venus Upadhayaya/ The Epoch Times

Related posts