- Văn Duy
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc nhiều UBND, chủ tịch UBND không chịu thi hành án hành chính, song không có bất kỳ ai bị xử lý khiến người dân bức xúc. “Việc của dân thì đè ra xử, còn cơ quan nhà nước thì không ai xử”, ông Nhưỡng nói.
Truyền thông nhà nước hôm 26/10 dẫn báo cáo từ Chính phủ Việt Nam về kết quả trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2020 cho thấy, tỷ lệ thi hành án đạt thấp (43,73%), số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng.
Đáng lưu ý, phần lớn các bản án hành chính chậm được thi hành thì người phải thi hành án lại là UBND, Chủ tịch UBND.
Thảo luận về việc này, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết việc nhiều UBND, chủ tịch UBND không chịu thi hành án hành chính, song không có bất kỳ ai bị xử lý khiến người dân bức xúc.
“Tại sao không xử lý các UBND, chủ tịch UBND, trong khi pháp luật đã có quy định. Kể cả xử lý hình sự. Tội không chấp hành bản án có rồi sao không xử lý? Liệu cơ quan nhà nước có bao che cho nhau?”, ông Nhưỡng đặt vấn đề.
“Việc của dân thì đè ra xử, còn cơ quan nhà nước thì không ai xử”, ông Nhưỡng nói thêm.
Ông Nhưỡng cũng đưa ra thực trạng hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, nhất là giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội địa phương không được quan tâm, thậm chí không có thông tin, thờ ơ với tiếng kêu của người dân, càng làm cho tình hình tội phạm trở nên trầm trọng.
“Một số vụ việc người dân kêu oan, bức xúc gửi lên cơ quan có thẩm quyền xem xét nhưng không được xem xét một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng. Khi thông báo trả lời, đại biểu Quốc hội khẳng định không có cơ sở, rằng không có dấu hiệu phạm luật trong khi dư luận nêu ra đầy đủ cơ sở, lập luận, chứng cứ rõ ràng. Một số đơn vị, cơ quan thực hiện chính sách “nhạc không lời”, tấu thì tấu, cuối cùng vẫn không trả lời. Hoặc lặng nhịp, chuyển sang vấn đề khác”, ông cho hay.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị làm rõ đánh giá trong báo cáo phòng chống tham nhũng rằng việc kết luận các sai phạm về hành vi tham nhũng tại nhiều lĩnh vực còn gặp khó khăn.
“Cần làm rõ ý kiến này để có biện pháp hiệu quả. Phải chăng do bao che hay có sự can thiệp trái pháp luật hoặc do năng lực cơ quan phòng chống pháp luật chưa đáp ứng được nhu cầu”, ông Nhưỡng nêu.
Tham nhũng vẫn phức tạp, có biểu hiện tinh vi, khó phát hiện hơnTheo báo cáo, ngành thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17% so với năm 2019). Kết quả phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị thu hồi hơn 44.580 tỷ đồng và hơn 1.401 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 người.Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 54.770 tỷ đồng. Cơ quan công an điều tra 531 vụ án, có 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019)…Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái nhận định tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi, tham nhũng vặt vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương. Quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng – ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc với mức độ tinh vi hơn. |
Văn Duy