SỰ THUỶ CHUNG VÀ LÒNG NGAY THẲNG CỦA MỘT LOÀI CHIM

Lê Anh Tuyết (ThuTuyet)

Hình ảnh một con chim Yến lao vào vách đá trong một ngày mưa gió tả tơi với tiếng kêu thảm thiết để lại một vệt máu, tôi gọi là vệt máu thuỷ chung, đã ám ảnh và làm tôi xúc động  bàng hoàng. Cầm hộp Yến trên tay, nói lời cám ơn người tặng, rồi đem vào cất giữ như một kỷ vật, để nhắc tôi nhớ đến những đau thương của loài chim Yến.

Bạn nghĩ gì? Nếu như bằng mồ hôi nước mắt trong một thời gian dài cố gắng, bạn đã xây được một căn nhà. Rồi một ngày đẹp trời, trên đường đi tìm thức ăn, trong cơn chuyển dạ, bạn quay về căn nhà để sinh con thì cái tổ ấm ấy đã không còn! Thế rồi chim mẹ đau đớn lao vào vách núi kết liễu cuộc đời. Chim trống kêu gào thảm thiết. Trong cơn tuyệt vọng nó cũng lao ngay vào nơi có vệt máu của con chim mái để cùng nhau về cõi vĩnh hằng! (1)

Đó là câu chuyện của loài chim Yến được kể lại từ một người thầu đã từng khai thác tổ Yến trên các hòn đảo ở Nha Trang. Và tôi nghĩ, câu chuyện này được viết lại dưới góc nhìn của một tín đồ phật giáo, ăn chay. Chưa biết thực hư thế nào, nhưng đã làm tôi vô cùng xúc động và ngại ngùng khi nói đến việc dùng món Yến sào để bồi bổ sức khoẻ. Sau đó tôi đã đọc nhiều bài viết về chim Yến, nhưng cũng chưa tìm được tài liệu nào đủ thuyết phục nói về đời sống của chúng ngoài đảo để phủ nhận câu chuyện trên, ngoại trừ một số tác giả nói về Chim Yến nuôi. Ví dụ: Tác giả Duy Hung với bài viết: “Nuôi chim Yến có ác không” (2) phản bác câu chuyện thương tâm trên, hay bài viết khác không có tên tác giả: “Lấy tổ Yến có ác không?” (3). Hai bài viết này có điểm chung là: Nếu loài người không khai thác tổ Yến thì nó cũng sẽ bỏ tổ cũ mà đi; bởi cứ mỗi lần sinh nở, chim Yến sẽ tiếp tục làm cho tổ dày lên và sau nhiều lần như vậy, chúng sẽ bỏ ngôi nhà cũ để làm tổ mới. 

Tất cả những nội dung trên với lý do: Thứ nhất, ngầm ý khuyên loài người không nên khai thác tổ Yến. Thứ hai, những nội dung cho rằng việc khai thác chẳng những không ảnh hưởng gì đến đời sống chim Yến mà còn giúp chúng có đất để xây nhà mới! Như vậy loài người cứ tiếp tục thưởng thức món Yến sào được cho là rất tốt cho sức khoẻ?  

Tuy nhiên, với bài viết của Trang Thuỳ: “Yến sào là gì?”, một bài viết khá đầy đủ mang tính khoa học cao, không đề cập hay phản bác “Câu chuyện thương tâm của loài chim Yến” nhưng có một điểm chung, đó là sự thuỷ chung son sắt và tính ngay thẳng của chúng. Đây là điểm son mà tôi muốn đề cập đến trong phạm vi bài viết có giới hạn này.

Tổ Yến được gọi là “Vàng Trắng Thiên Nhiên” mà con người luôn hăm hở khai thác. Yến là một loài chim hiền hoà rất đẹp, là loài chim không bao giờ đậu vì đôi chân rất ngắn, chỉ treo mình trên vách đá hay tổ của nó khi đêm về. Nó có trọng lượng từ 12-18 gram/con, tuổi thọ từ 8 -12 năm. Với đôi cánh nhỏ chúng có thể bay xa từ 300 – 400 Km trong suốt 12 -14 giờ không ngừng nghỉ để tìm mồi. Mồi của chúng là những loài côn trùng sống có kích thước nhỏ từ 0,01- 0,72g; là những loài sâu bọ có cánh, đặc biệt là loại chuyên phá hoại mùa màng gây tổn thất cho loài người. Chúng dùng nước bọt để làm tổ trên những vách đá trơn ở những hòn đảo hẻo lánh xa bờ mong được an toàn. Khi chọn nơi làm nhà thì vĩnh viễn suốt đời không thay đổi (loài người đã lợi dụng yếu tố này để khai thác tổ) (4)

Swift Apus apus, artwork

Đặc biệt trong tình yêu, chúng sống trung thành, chết thuỷ chung. Nếu con mái qua đời thì chim trống ở vậy nuôi con. Nếu con chết (loài người ném con xuống biển để lấy tổ) thì chim trống cũng ra đi cùng vợ. Với lòng sắt son này, loài người chúng ta phải thầm ngưỡng mộ. Bên cạnh đó, đức tính ngay thẳng trung thực của chim Yến cũng làm chúng ta phải suy nghĩ. Trong hàng ngàn chim Yến bay rợp trời kia mà các cặp đôi không bao giờ nhầm lẫn, chúng không tán tỉnh vợ hay chồng của chim Yến khác. Hàng vạn tổ Yến dày đặc trên vách đá mà Yến luôn về đúng nhà của mình. Không bao giờ chiếm tổ chim khác (4).

Giá như loài người cũng thuỷ chung như loài chim yến thì Thượng đế chắc phải vui lắm và bớt nghe những lời kêu than thống khổ! Bởi trong xã hội Việt Nam ngày càng có nhiều hơn những cuộc hôn nhân đổ vỡ mà nguyên nhân phần lớn là sự không chung thuỷ. Những đứa con sống thiếu tình thương, trong số đó có những đứa trẻ phát triển không bình thường về tính cách. Tôi cảm thông và chia sẻ nỗi đau của những người phụ nữ phải diễn vai hạnh phúc để giữ một cái vỏ bọc được tô điểm sắc màu, để cùng nhau sánh bước với chồng khi cần thiết cho tròn vai diễn! Và giá như loài người bớt đi lòng tham không chiếm đoạt cái không thuộc về mình thì trần gian này sẽ yên bình biết bao!  

Trong thế giới hoang dã của loài động vật, còn bao nhiêu cái đẹp đáng trân quí mà chúng ta chưa biết? Khi đã đi qua phần lớn cuộc đời với những trải nghiệm buồn vui, thành công thất bại; cái đọng lại trong tôi hôm nay là: “Sự thuỷ chung và lòng ngay thẳng” của một loài chim bé nhỏ hiền hoà mà loài người đang khai thác cái tinh hoa của chúng, đơn giản chỉ vì chúng là “Vàng Trắng Thiên Nhiên”.

Ngoài kia, ánh nắng nhạt của chiều xuân cùng bầy chim Hải Âu bay về từ vùng biển phía Nam đã làm nên một bức tranh tuyệt đẹp. Tôi thầm nghĩ, nếu như Hải Âu cũng làm nên một giá trị kinh tế nào đó cho con người thì chắc bức tranh tuyệt vời kia cũng chỉ là một qúa khứ! 

Melbourne, 18/10/2020

  • Thuvienhoasen.org/cuoc doi dau thuong cua loai chim yen HAY “ m.youtube.com”
  • nguoigoiyen.org/chim-yen/nuoi-chim-yen-co-ac-khong
  • lamnhanuoiyen.com/lay-yen-co-ac-khong.htm
  • Thuỳ Trang: Yến sào là gì?

NỖI NHỚ

Lê Anh Tuyết (ThuTuyet)

Bỏ lại căn nhà bỏ hàng cau

Bỏ lại thềm xưa nắng lên màu

Bỏ chốn quê nhà em thơ dại

Bỏ mặc con đường đếm bước nhau

Gió đẩy bờ tre gió hát ru

Xóm nhỏ chiều buông ánh sương mù

Ầu ơ tiếng mẹ xa xăm quá

Lá rụng ven đường lá mùa thu

Tí tách mưa xa nhớ mẹ già

Ngồi bên song cửa ngắm chiều qua

Chỉ có gió ngàn và mây xám

Chẳng có sao trời để nhớ cha

Tôi đã bao năm bỏ lại nhà

Lối mòn quạnh quẽ nắng chiều xa

Nhạn kia vẫn đứng, sông Đà chảy

Sao mãi lòng tôi cứ thiết tha

Góc phố hàng me lá đổi mùa

Nắng vàng qua kẽ lá còn vương

Nắng rơi vàng võ chiều xa xứ

Nhạt cả hư không cõi vô thường

Melbourne, 9/2010

Related posts