Việt Luận
Từ mấy tháng qua, gần như hàng ngày các thủ hiến ở Úc lên TV tường trình về đại dịch. Trong số này, xuất hiện thường xuyên nhất là ông Daniel Andrews thủ hiến Victoria và bà Gladys Berejiklian thủ hiến NSW. Nhưng gần đây, bà thủ hiến NSW lên TV không chỉ vì con Corona mà còn do chuyện tình ‘nữ nhi thường tình’ của riêng mình.
Bà Gladys Berejiklian, năm nay 50 tuổi, là con trong nhà gốc Armenia di dân đến Úc. Bà chưa lập gia đình nên có yêu ai thì đó là chuyện riêng của bà. Người Úc không xía vô. Có bài báo nói: bã đi chơi với gã sửa ống nước trong xóm thì không ai nói gì nhưng xui cho nữ thủ hiến tài ba của tiểu bang hàng đầu ở Úc trao lầm duyên với một dân biểu bị tố tham nhũng.
Người yêu của bà Gladys Berejiklian là dân biểu tiểu bang NSW Daryl Maguire. Ông Daryl Maguire đồng đảng Tự Do với bà Gladys Berejiklian. Ông Daryl Maguire ngồi ghế này suốt 20 năm cho đến khi bị khui hối mại quyền thế khi ăn tiền từ giới xây dựng và địa ốc. Ở Úc, giới buôn bán địa ốc và xây cất nhà cửa cần biết trước kế hoạch của chính phủ, như vùng đất nào sẽ được dùng vào việc gì (zoning), bản đồ đường sá và các tiện nghi công cộng sẽ được chính phủ xây dựng. Biết trước điều này, giới buôn bán địa ốc sẽ tranh mua trước các miếng đất để lời to. Có khi giới này quà cáp hay mua chuộc nhân viên chính phủ để làm những con đường, mở chợ búa gần miếng đất họ đang ngấp nghé. Trong hoàn cảnh này, người ta được biết dân biểu Daryl Maguire từng được Ba Tàu bao đi Trung Cộng và các đảo Nam Thái Bình Dương nhiều chuyến. Ngoài ra, ông này còn bị tố dính líu vào một số vụ bán visa cho Ba Tàu qua đây. Bị khui, năm 2018 dân biểu Daryl Maguire phải từ chức. Mới nhất, vụ dân biểu ăn tiền người xin chiếu khán nhập cảnh bắt đầu nóng lên tại quốc hội liên bang Úc.
Xui cho bà thủ hiến NSW, thời gian người yêu Daryl Maguire ăn hối lộ lại trùng với lúc hai người đằm thắm tay trong tay. Không ai biết hai người hẹn hò nhau cho tới khi – cách đây hai tuần – ủy ban điều tra tham nhũng tại NSW (ICAC) nghe các cuộc điện thoại giữa hai người và hỏi thẳng bà thủ hiến. Bà nhanh chóng thú nhận: ông Daryl Maguire và mình có ‘liên lạc riêng tư và thắm thiết, close personal relationship’. Hai người đã mắt trong mắt, môi kề môi từ năm 2015 và kéo dài cho đến sau khi chàng mất job vài tháng.
Vì lẽ đó, phe đối lập tại nghị viện tiểu bang NSW một mực đòi bà Gladys Berejiklian từ chức. Từ chức không phải vì cuộc tình với ‘ai đó’ (who care?) mà bị nghi là bao che hay đồng loã với các vụ làm ăn phi pháp của một dân biểu đồng đảng và … đồng sàn.
Đã qua hai tuần từ khi thú nhận đã yêu ‘anh ấy’, rồi bị hàng ngàn lời đòi phải từ chức và ít nhất hai lần bị viện lập pháp NSW bỏ phiếu bất tín nhiệm, bà Gladys Berejiklian vẫn chưa … bay ghế. Sao vậy?
Xin thưa: Bà Gladys Berejiklian đang được dân chúng NSW quý mến vì tài lèo lái tiểu bang qua hai cơn hoạn nạn chưa từng thấy: hoả hoạn từ cuối năm ngoái và đại dịch trong năm nay. Bà được từ thủ tướng Úc Scott Morrison đến phần lớn dân biểu và nghị sỹ tại viện lập pháp NSW ủng hộ. Trong khi đó, ai đòi bà phải từ chức thì chưa đưa ra bằng chứng. Hình như bằng chứng hiện nay chỉ từ suy đoán: 1. Người yêu thì biết tỏng ruột gan người yêu (nghĩa là em Gladys biết hết việc mờ ám của anh Daryl); 2. Chàng đâu thì thiếp theo cùng / mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua (nghĩa là thủ hiến một lòng bao che cho người yêu).
Tới hôm nay, chưa có bằng chứng khiến cho bà Gladys Berejiklian tiếp tục viết thêm một chương mới trong lịch sử tham nhũng lâu dài tại NSW.
Thật vậy, Sydney tại NSW luôn luôn là thành phố xinh đẹp nhưng mang tì vết tham nhũng. Đặc biệt tham nhũng vì đất đai và nhà cửa. Năm 1905, bộ trưởng bộ đất đai Paddy Crick phải từ chức vì dùng quyền mà bức chế và lấy tiền để thiên vị. Năm 1920, bộ trưởng nông nghiệp WC Grahame bay ghế vì tham nhũng. Năm 1951, cảnh sát NSW bị tố tham nhũng khi buôn bán rượu bia. Nhiệm kỳ 10 năm (1965-1975) của thủ hiến Bob Askin đã chấm dứt vì nạn tham nhũng trong chính quyền và ngành cảnh sát. Trong những năm đầu tiên có người Việt Nam định cư tại Úc, chúng ta sống dưới thời thủ hiến Neville Waran (1976-1986) và chúng ta đã nghe ông bộ trưởng nhà tù và chánh án ở NSW bị xộ khám vì tham nhũng.
Vì nạn tham nhũng hoành hành, thủ hiến NSW Nick Greiner, vào năm 1982, phải lập ra Independent Commission Against Corruption (ủy ban độc lập chống tham nhũng. viết tắt thành ICAC). Oái oăm thay! Ủy ban do ông Nick Greiner lập đã khui ra thủ hiến Nick Greiner … tham nhũng. Ông này phải từ chức. Cũng phải từ chức vì bị ICAC khui ra nhận một chai rượu là thủ hiến NSW Barry O’Farrell.
Nhờ có ICAC, người ta biết có tham nhũng ở NSW. Không rõ tại các nơi khác có ủy ban độc lập chống tham nhũng, như ở NSW, không? Riêng ở cấp liên bang, chính trị gia khi ở phía đối lập luôn luôn kêu gào mở ra ICAC trên toàn nước Úc. Nhưng khi họ cầm quyền thì lại quên khuấy. Tại sao vậy? Chỉ hỏi thôi – mà không dám trả lời.
Việt Luận