- Tiêu Nhiên
Dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát trở lại ở Kashgar, Tân Cương, với ít nhất 183 ca nhiễm không triệu chứng, ngoài ra còn 22 ca khác được xác nhận. Ngoại giới đặt giả thiết rằng sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm không triệu chứng có thể liên quan đến sự đột biến của virus. Bên cạnh đó, sự không đồng nhất trong các giải thích của các chuyên gia y tế Trung Quốc về vấn đề này đã gây ra nhiều lo ngại.
Tờ China News Weekly đưa tin, giáo sư Lưu Hựu Ninh (Liu Youning) tại Khoa Hô hấp và Chăm sóc Sức khỏe trọng chứng, Bệnh viện Đa khoa Quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết, xét từ số lượng lớn các ca nhiễm không triệu chứng ở Kashgar, chủng virus của các ca nhiễm này có thể đã có sự biến đổi: “Có thể là khả năng lây nhiễm vẫn chưa suy yếu. Tuy nhiên, khả năng gây bệnh đã bị suy yếu.” Một số quốc gia và khu vực gần Tân Cương cũng đã xuất hiện tình trạng gia tăng tỷ lệ lây nhiễm không triệu chứng, ở Nga chiếm hơn 40%; ở Belarus chiếm hơn 80% (số liệu trong giai đoạn trước). Do đó, giáo sư Lưu đoán chừng rằng“các chủng virus từ Trung Á đã tiến vào Trung Quóc Đại Lục thông qua con đường từ các cảng mang vào”.
Tuy nhiên, ông Lư Hồng Châu (Lu Hongzhou), thành viên của Ban chuyên gia trị liệu COVID-19 quốc gia Trung Quốc đồng thời là chuyên gia của Trung tâm Y tế Cộng đồng Thượng Hải trực thuộc Đại học Phúc Đán, lại cho rằng sự bùng phát trở lại của dịch ở Kashgar, Tân Cương, không có đủ bằng chứng khoa học để cho thấy khả năng gây bệnh của virus phổi Vũ Hán đã suy yếu.
Nhà virus học người Đức gốc Hoa, giáo sư Lục Mông Cát (Lu Mengji) tại Viện Virus học thuộc Trường Y Đại học Essen cũng đồng tình với quan điểm này của giáo sư Lư Hồng Châu. Ông nhận định, vẫn chưa thể đánh giá rằng các ca nhiễm không triệu chứng trong dịch Kashgar là kết quả do sự đột biến virus.
Ông giải thích, tốc độ lây lan của virus viêm phổi Vũ Hán có liên quan đến khả năng lây nhiễm đường hô hấp trên của chúng. Tuy nhiên, khả năng gây bệnh lại liên quan đến sự lây nhiễm của đường hô hấp dưới, nhưng trước khi virus lây nhiễm vào đường hô hấp dưới thì trước tiên nó phải xâm nhập vào đường hô hấp trên.
Trong quá trình tiến hóa, virus sẽ tạo ra sự tăng cường lực lây nhiễm, là do virus xâm nhập vào đường hô hấp dưới ngày càng ít hơn, mà ở lại đường hô hấp trên để ra sức nhân lên và thông qua hơi thở lây lan cho nhiều người hơn. Vì vậy, trong khi lực lây nhiễm ngày càng tăng, thì khả năng gây bệnh của virus dường như ngày càng yếu đi.
Về lý do tại sao dịch Kashgar đa số là lây nhiễm không triệu chứng, giáo sư Lục nhận định, đợt dịch này vừa là không có triệu chứng vừa là tập trung ở các nhà máy, như vậy có thể liên quan đến các biện pháp y tế công cộng. Ông cũng chỉ ra rằng, việc phân tích phân tử phải được thực hiện sau khi dịch bệnh hoàn toàn kết thúc. Các bằng chứng hiện có không đủ cơ sở khoa học để chứng minh điều này.
Nhưng giáo sư Lục nhấn mạnh rằng, về mặt lý thuyết, mặc dù các ca nhiễm không triệu chứng có tải lượng virus tương đối thấp, nhưng không có nghĩa là khả năng lây nhiễm sẽ yếu đi. “Các bệnh nhân lây nhiễm không triệu chứng cũng có thể trở thành các ca lây nhiễm siêu cấp”.
Ngoài ra, theo một báo cáo ngày 28/10 của Báo Thanh niên Trung Quốc, viện sĩ Trương Bá Lễ (Zhang Boli) của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, đồng thời là Hiệu trưởng Đại học Y học cổ truyền Thiên Tân, trong chuyến thăm Vũ Hán, Hồ Bắc, cho biết dịch ở Trung Quốc chủ yếu lây lan ở nhiều điểm, cần đề phòng nguy hiểm chồng của bệnh viêm phổi Vũ Hán và cúm thông thường, virus đã đột biến và có những đặc điểm mới. Tuy nhiên, ông không nói rõ liệu xu hướng này có khớp với dịch Kashgar hay không.
Ngày 25/10, Tân Cương bất ngờ có thêm hơn 100 ca nhiễm không triệu chứng. Theo một báo cáo độc quyền của trang tin Caixin.com, nơi bùng phát dịch là một xưởng may mặc được xây dựng để xóa đói giảm nghèo ở thị trấn Tạm Mẫn, huyện Sư Phụ, tỉnh Kashgar. Xưởng có diện tích 500 mét vuông, với tổng số 287 công nhân nữ, diện tích làm việc bình quân đầu người chưa đến 2 mét vuông. Báo cáo chỉ ra rằng hầu hết công nhân trong nhà máy là dân làng gần đó và phạm vi hoạt động của họ tương đối nhỏ.
Tuy nhiên, nhà bình luận truyền thông độc lập Trung Quốc Ngô Đặc (Wu Te) nói với Thời báo Epoch Times Hoa Kỳ, ông đặt nghi vấn, xưởng may ở quận Shufu, Kashgar liên quan đến việc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ.
Một số cư dân mạng cũng để lại lời nhắn trên Twitter, “Theo hệ thống quản lý của xưởng may mặc (ở Kashgar) này, có lẽ đây là một doanh nghiệp trong trại cải tạo giáo dục.” Theo nguồn tin từ giới chức Tân Cương, cha mẹ của cô gái 17 tuổi nhiễm dịch cũng làm trong xưởng may đó. Toàn bộ gia đình sống trong xưởng, tin tức cũng không đề cập đến anh trai của cô gái này ở đâu.
Ông Dilxat Raxit – người phát ngôn của Đại hội Đại biểu Duy Ngô Nhĩ thế giới (World Uyghur Congress) cũng chỉ ra rằng: “Có rất nhiều trại tập trung ở Kashgar. Ngoài ra, các trại giam, trại tạm giam của công an địa phương giam giữ nhiều người Duy Ngô Nhĩ. Như vậy, khi dịch lây lan, và nếu những người bị cưỡng bức trong trại tập trung bị lây nhiễm, hậu quả sẽ rất thảm khốc, tình cảnh của họ hiện giờ rất đáng lo ngại.”
Trên thực tế, kể từ khi bùng phát đại dịch viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc, phát ngôn của ĐCSTQ liên tục thay đổi. Ngoại giới luôn nhận định rằng, phía chính quyền vì không thể che đậy dịch bệnh, nên đã thông qua nhiều phương thức đối phó để tránh phải chịu trách nhiệm. Các giải thích bất đồng của các chuyên gia Trung Quốc lần này có thể cũng không phải là ngoại lệ.
Tiêu Nhiên