- Gia Huy
Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối bà Ngozi Okonjo-Iweala, nhà kinh tế gốc Nigeria, trở thành lãnh đạo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do lo ngại người này “thân” Trung Quốc. Sự việc đã làm kéo dài quá trình lựa chọn người đứng đầu WTO, vốn dự kiến sẽ kết thúc vào ngày thứ 4 (28/10).
Bà Okonjo-Iweala, từng là nhân vật số 2 của Ngân hàng Thế giới (WB), đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các quốc gia châu Phi và đã giành được khoảng 80 phiếu bầu, tương đương phân nửa số thành viên của tổ chức này vào giữa tháng 10. Gần đây hơn, bà đã nhận được sự ủng hộ của 27 thành viên Liên minh châu Âu. Mặc dù đã được đa số thành viên ủng hộ, nhưng bà vẫn chưa thể chiến thắng.
Tại cuộc họp của các thành viên WTO hôm thứ 4 (28/10), tổ chức này đã không thể lựa chọn giữa bà Okonjo-Iweala và Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee do sự phản đối của Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên của WTO, ông Keith Rockwell đã nói với các phóng viên ở Geneva sau khi cuộc họp kết thúc rằng phái đoàn Hoa Kỳ không ủng hộ ứng viên Ngozi mà cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ bà Yoo.
Quá trình ra quyết định để lựa chọn vị trí lãnh đạo của WTO dựa trên sự đồng thuận và bất cứ ứng cử viên nào cũng cần phải giành được sự ủng hộ của toàn bộ 164 thành viên để trở thành lãnh đạo của tổ chức này.
Bà Yoo, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, đã có quá trình làm việc lâu dài với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, bao gồm các cuộc đàm phán để sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Hoa Kỳ – Hàn Quốc. Politico đưa tin Washington đã chỉ đạo các nhà ngoại giao của mình bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Yoo tại các quốc gia sở tại mà họ đang làm việc.
Bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ, phát ngôn viên ban vận động tranh cử của bà Okonjo-Iweala cho biết bà “vô cùng khiêm tốn khi nhận được sự ủng hộ từ ủy ban tuyển chọn của WTO” và “đang trông đợi đến cuộc họp của Đại hội đồng WTO vào 11/9, khi đó ủy ban sẽ đề nghị bổ nhiệm bà vào vị trí Tổng giám đốc.”
Việc Mỹ phản đối ứng viên gốc Nigeria diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump trước đó đã bày tỏ nhiều hoài nghi về sự lãnh đạo của một người gốc Phi khác tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đến từ Ethiopia. Nhà Trắng đã liên tục chỉ trích ông Tedros là thân Trung Quốc và cuối cùng tuyên bố Mỹ rút khỏi WHO do “sự thiếu độc lập một cách đáng báo động” của tổ chức này trước Trung Quốc.
Giống như Ethiopia, Nigeria là nước nhận nhiều viện trợ kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, bà Okonjo-Iweala đã sống nhiều năm tại một vùng ngoại ô Washington. Bà đã làm việc cho Ngân hàng Thế giới trong 25 năm.
Bà Okonjo-Iweala đã tốt nghiệp Đại học Harvard và đã nhập quốc tịch Mỹ vào năm 2019. Bà hiện có hai quốc tịch Mỹ và Nigeria. Bà được đề cử vào vị trí đứng đầu WTO với nguyên quán gốc của bà là châu Phi.
Theo Nikkei, việc Mỹ phản đối bà Ngozi đã khiến Nhật Bản khó xử. Tokyo đã rất thận trọng trước ứng cử viên cạnh tranh với bà Okonjo-Iweala vì lo ngại rằng WTO do bà Yoo lãnh đạo có thể sẽ ra phán quyết có lợi cho Hàn Quốc trong các trường hợp tranh chấp thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy vậy, dù ứng viên nào trúng cử chức Tổng Giám đốc WTO, đều sẽ là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo tổ chức thương mại đặt tại Geneva này.
Tổng Giám đốc mới cũng sẽ phải tìm cách giảm thiểu các khiếu nại ngày càng tăng của các nước, đứng đầu là Hoa Kỳ, về việc Trung Quốc vừa tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu, vừa sử dụng trợ cấp nhà nước dẫn đến cạnh tranh không công bằng.
Gia Huy