Trung Quốc muốn máy bay chiến đấu bay qua Đài Loan để tuyên bố chủ quyền
Hôm thứ 2 (26/10), cơ quan tuyên truyền hàng đầu của Trung Quốc tuyên bố rằng các máy bay chiến đấu của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) “phải bay qua Đài Loan” để tuyên bố chủ quyền và nếu máy bay chiến đấu Đài Loan bắn trả, “điều đó có nghĩa là chiến tranh.”
Khi Hoa Kỳ công bố thương vụ tiềm năng bán nhiều loại vũ khí hiện đại cho Đài Loan trong những tuần qua, Trung Quốc hôm thứ 2 (26/10) đã thông báo trừng phạt các công ty Mỹ có liên quan đến các giao dịch mua bán vũ khí này. Cùng ngày hôm đó, Global Times (Thời báo Hoàn Cầu), cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc, đã đăng một bài xã luận của Tổng biên tập Hồ Tích Tiến miêu tả sự trừng phạt của Trung Quốc là “biện pháp trả đũa” việc bán vũ khí của Mỹ và sẽ ngày càng tăng cường mức độ.
Bài xã luận cáo buộc các lãnh đạo Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan (DPP) đang thúc đẩy quá trình “phi Hán hóa,” trong khi đó Hoa Kỳ đang sử dụng Đài Loan để “gây nguy hiểm” cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Hồ buộc tội rằng cả hai đang thông đồng với nhau trong việc sử dụng “chiến thuật salami” (chiến thuật dâu ăn tằm) để chống lại chế độ cộng sản Trung Quốc.
Ông Hồ, một người cuồng tín cộng sản, viết rằng các phương tiện quân sự là “con át chủ bài” của Trung Quốc để kiềm chế những người ly khai Đài Loan và trong các cuộc tập trận quân sự gần đây, máy bay của PLA đã “đến gần đảo Đài Loan.” Ông Hồ tuyên bố rằng đây là một tín hiệu thông báo với chính phủ Đài Loan rằng họ phải biết “kiềm chế trước bờ vực chiến tranh.”
Không trích dẫn cuộc thăm dò hay khảo sát nào, ông Hồ nói rằng dư luận quần chúng Trung Quốc bày tỏ mong muốn máy bay chiến đấu của PLA sẽ “bay qua Đài Loan.” Ông Hồ khẳng định “chắc chắn” rằng PLA đang chuẩn bị để “thực thi chủ quyền đối với Đài Loan.”
Thời báo Hoàn Cầu chỉ trích chính quyền Đài Loan “quá kiêu ngạo” khi cho rằng Trung Quốc chỉ đe dọa bằng lời nói chứ không có “hành động thực sự” đối với nỗ lực “tìm cách ly khai” của hòn đảo. Ông Hồ viết các lãnh đạo Đài Loan hiện đã nhận ra tình hình trở nên nghiêm trọng như thế nào và nhìn thấy trước “sự trừng phạt sắp tới” từ Trung Quốc.
Nhằm biện minh cho hành động quân sự vô cớ của mình, chính phủ cộng sản Trung Quốc tuyên bố rằng họ có phương án sử dụng vũ lực quân sự để trấn áp những nỗ lực vì “sự độc lập của Đài Loan.”
Bài báo tuyên bố: “Máy bay chiến đấu của PLA phải bay qua đảo Đài Loan để tuyên bố chủ quyền quốc gia và chứng tỏ sự quyết tâm thực thi Luật Chống Ly khai.”
Sau đó, ông Hồ ám chỉ một số lý do mà Trung Quốc có thể sử dụng để điều động các máy bay của mình bay vào không phận Đài Loan, ví dụ như các chuyến viếng thăm của quan chức cấp cao của Mỹ, máy bay chiến đấu Mỹ bay qua Đài Loan hoặc Hoa Kỳ và Đài Loan tham gia “các cuộc trao đổi quân sự mở rộng.” Ông Hồ lý luận rằng việc máy bay chiến đấu Trung Quốc bay vào không phận Đài Loan là cần thiết để “ngăn chặn xu hướng độc lập của Đài Loan.”
Cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ này còn cảnh báo rằng nếu quân đội Đài Loan bắn các máy bay chiến đấu Trung Quốc khi họ bay qua Đài Loan, “điều đó có nghĩa là chiến tranh và PLA sẽ giáng một đòn trí mạng xuống quân đội Đài Loan.” Bị kích động bởi việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, ông Hồ kêu gọi PLA “cảnh báo Đài Loan rằng họ sẽ phá hủy các vũ khí mới mua này.”
Gia Huy (theo Taiwan News)
Mỹ chỉ định cơ quan TQ là phái bộ nước ngoài, hủy bỏ thỏa thuận hợp tác địa phương
Hôm 28/10, Mỹ cho biết họ đã chỉ định một chi nhánh của tổ chức do chính phủ Trung Quốc kiểm soát là “phái bộ nước ngoài”, đồng thời rút khỏi thỏa thuận thúc đẩy hợp tác cấp địa phương giữa hai nước. Động thái này được cho là sẽ làm căng thẳng thêm quan hệ giữa hai cường quốc vốn đang có bất đồng sâu sắc ở nhiều lĩnh vực.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 28/10 đã công bố hai động thái mới nhất nhằm hạn chế hoạt động của Trung Quốc tại Hoa Kỳ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào thứ Ba tới, theo Reuters. Cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc là một trong những chính sách đối ngoại chủ đạo dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Cụ thể, Hiệp hội Quốc gia Thống nhất Hòa bình của Trung Quốc (NACPU) do Phòng Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Quốc kiểm soát sẽ được xác định là “phái bộ nước ngoài”. Đây là cơ quan của ĐCSTQ có nhiệm vụ truyền bá ảnh hưởng và tuyên truyền ra nước ngoài.
“Mục tiêu của động thái này là làm sáng tỏ tổ chức [của Trung Quốc] và làm rõ rằng thông điệp của họ đến từ Bắc Kinh,” tuyên bố viết.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng ngừng tham gia vào thoả thuận năm 2011 giữa chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc liên quan đến việc thành lập Diễn đàn Lãnh đạo Mỹ – Trung để thúc đẩy hợp tác cấp địa phương.
Thông báo cho biết kể từ khi ký Biên bản ghi nhớ, Hiệp hội Hữu nghị Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc (CPAFFC) đã “tìm cách gây ảnh hưởng trực tiếp và ác ý” với các nhà lãnh đạo địa phương và nhà nước Hoa Kỳ để thúc đẩy chương trình nghị sự toàn cầu của Bắc Kinh.
“Các hành động của CPAFFC đã làm suy yếu mục đích tốt đẹp ban đầu của Diễn đàn Lãnh đạo Mỹ – Trung,” tuyên bố cho hay.
Tuần trước, ông Pompeo cho biết Bộ Ngoại giao đã đưa 6 công ty truyền thông Trung Quốc khác vào diện “phái bộ nước ngoài,” một động thái mà ông cho là nhằm đẩy lùi tuyên truyền của nhà nước cộng sản Bắc Kinh. Quyết định này đã nâng tổng số cơ quan truyền thông Trung Quốc bị đưa vào diện “phái bộ nước ngoài” tại Mỹ lên 15 kể từ đầu năm nay.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đã yêu cầu 6 hãng truyền thông Mỹ hoạt động tại Trung Quốc phải báo cáo lại hoạt động của họ tại nước này trong vòng 7 ngày.
Trong buổi họp báo thường kỳ chiều 29/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã cáo buộc những nhận xét của ông Pompeo và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Matt Pottinger về Mặt trận thống nhất là “xuyên tạc sự thật” và là “sự vu khống ác ý chống lại Trung Quốc.”
“Pompeo và Pottinger đang cố gắng làm mất uy tín hệ thống chính trị của Trung Quốc; phá vỡ trao đổi và hợp tác bình thường giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Thế giới đã thấy rõ những toan tính của họ. Họ sẽ chẳng đi đến đâu khi đứng về phía sai của lịch sử,” ông Uông nói.
Sau đó, khi một phóng viên của The Paper hỏi về việc Mỹ đình chỉ thoả thuận liên quan đến Diễn đàn lãnh đạo Mỹ – Trung, ông Uông tiếp tục cáo buộc hành vi của ông Pompeo là “thao túng chính trị” do “sự thiên vị về ý thức hệ.”
“Bằng việc đơn phương ngừng tham gia Biên bản ghi nhớ này, Hoa Kỳ đang phá hoại và phá bỏ cây cầu nối hai dân tộc. Hành vi thoái trào như vậy nhất định bị cả dân tộc và lịch sử bác bỏ.
Chúng tôi kêu gọi ông Pompeo và những người giống như ông ấy dừng việc bịa đặt những lời nói dối để phá hoại quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ và ngừng đi sâu vào con đường sai lầm,” ông Uông cho biết.
Mỹ tăng cường hợp tác với Indonesia ở Biển Đông
Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 29/10 cho biết Washington sẽ tìm kiếm cách thức mới để hợp tác với Indonesia tại Biển Đông.
“Tôi mong đợi hai bên sớm hợp tác cùng nhau theo những cách thức mới để đảm bảo rằng an ninh hàng hải sẽ bảo vệ một số tuyến thương mại đông đúc nhất thế giới”, ông Pompeo nói trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 29/10.
Trước đó, tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Indonesia, ông Pompeo đã hoan nghênh “hành động quyết đoán” của Jakarta trong việc bảo vệ chủ quyền của Indonesia tại vùng biển gần quần đảo Natuna, nơi Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng yêu sách của Trung Quốc là “trái pháp luật”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia cho biết bà mong muốn thấy một khu vực Biển Đông “ổn định và hòa bình”, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng.
Bà Retno nói thêm rằng Indonesia và Mỹ sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng bằng cách tăng cường mua sắm quân sự, huấn luyện và tập trận, chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác an ninh hàng hải trong khu vực.
Bầu cử 2020 tốn kém nhất lịch sử Mỹ
Theo ước tính của Trung tâm Phản ứng Chính trị (CRP), tổng chi phí cho cho các chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện Mỹ dự kiến đạt mức kỷ lục gần 14 tỷ USD, gấp đôi chi phí cho cuộc bầu cử cách đây 4 năm.
Bà Sheila Krumholz, Giám đốc của Trung tâm Chính trị Đáp ứng, cho biết, các nhà tài trợ đã rót số tiền kỷ lục vào giữa năm 2018, năm 2020 dường như là sự tiếp nối của xu hướng này – nhưng được tăng cường hơn. Bà nói thêm rằng, 10 năm trước, một ứng cử viên tổng thống quyên được tài trợ hàng tỷ USD là rất khó nhưng lần này, cả 2 ứng viên đều thu hút được số tiền tài trợ lớn.
Trung tâm ước tính, chỉ riêng chi tiêu cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 sẽ là 6,6 tỷ USD, trong khi chi tiêu cho cuộc chạy đua vào Nghị viện sẽ là 7,2 tỷ USD.
Con số này cao hơn nhiều so với cuộc bầu cử năm 2016, trong đó các chiến dịch tranh cử tổng thống chi khoảng 2,3 tỷ USD và các chiến dịch Nghị viện chi 4,1 tỷ USD.
Tính đến ngày 14/10, ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden đã huy động được 938 triệu USD trong quỹ vận động. Tổng thống Donald Trump đã huy động được 596 triệu USD tính đến giữa tháng 10.
Trong cuộc bầu cử lần này, đảng Dân chủ đang chi gấp đôi đảng Cộng hòa. Chi tiêu cho chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ ước tính là 6,9 tỷ USD trong cuộc bầu cử năm 2020, trong khi chi tiêu của đảng Cộng hòa ước tính là 3,8 tỷ USD.
Ông Joe Biden cùng vợ đi bỏ phiếu sớm
Trang ABC đưa tin, vợ chồng ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã đi bỏ phiếu sớm trực tiếp hôm 28/10 tại tòa nhà Carvel ở thành phố Wilmington, bang quê nhà Delaware của ông, trở thành hai trong hơn 74 triệu người Mỹ đi bầu sớm.
Trước khi bỏ phiếu, ông Biden đã dành cả ngày để tham gia các cuộc họp với các quan chức y tế địa phương về đại dịch viêm phổi Vũ Hán và dự kiến sẽ có bài phát biểu ở bang Delaware.
Tổng thống Trump hôm 24/10 cũng đã đi bỏ phiếu sớm trực tiếp tại một thư viện ở thành phố West Palm Beach, bang Florida, nhưng đệ nhất phu nhân không đi cùng. Ông Trump chuyển đăng ký thường trú và đăng ký cử tri từ New York về Florida vào năm ngoái.
Ứng cử viên Joe Biden, 77 tuổi, hay nói nhầm trong các cuộc vận động tranh cử, làm dấy lên lo ngại ông không đủ trí lực để điều hành đất nước nếu được bầu làm tổng thống Mỹ.
ĐCSTQ đốt sách Phật giáo, thay bằng sách tư tưởng Tập Cận Bình
Chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đã tịch thu các tài liệu của các ngôi chùa và đền thờ, trong khi những tài liệu này không bị nhà nước cấm trên danh nghĩa, theo Bitterwinter.
Đền Ganlu ở quận Linhe của thành phố Bayannur là ngôi đền Phật giáo Trung Quốc lớn nhất ở Khu tự trị Nội Mông. Từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 2 năm nay, các quan chức từ Cục Văn hóa địa phương, và văn phòng Công Cộng và các cơ quan chính phủ khác đã kiểm tra ngôi đền hai lần.
Một nhà sư trong chùa nói với Bitter Winter rằng các quan chức đã tịch thu hàng trăm nghìn tài liệu in, đĩa CD và sách, bao gồm cả sách của Hòa thượng Chin Kung và các tác phẩm kinh điển của Phật giáo, và Kinh Phật giáo Trung Quốc. Tất cả những tài liệu này được sản xuất bởi các công ty không được chính phủ Trung Quốc cấp phép.
“Những cuốn sách này dạy mọi người phải từ bi; nó không phải là chính trị gì cả”, nhà sư nói. “Chính phủ tịch thu chúng nhằm mục đích kiểm soát tôn giáo”.
Các tài liệu Phật giáo của chùa Daguangming cũng bị tịch thu. Một nhà sư ở ngôi chùa này cho biết hiện tại ngôi chùa không có đủ kinh sách để những người hướng Phật đọc.
Kể từ đầu năm nay, ĐCSTQ đã tăng cường các hoạt động nhằm xóa bỏ tất cả các tài liệu Phật giáo mà không được chính quyền phê duyệt là “ấn phẩm bất hợp pháp”.
Vào đầu tháng Ba, chính quyền thị trấn Zhouji ở quận Liangyuan của thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, đã tịch thu và đốt tất cả các ấn phẩm chưa được phê duyệt được tìm thấy trong chùa Lingtai.
“Các nhà sư của chùa không bao giờ xúi giục người dân chống lại chính phủ,” một Phật tử địa phương nói. “Hành động của chính phủ là đáng khinh bỉ”.
Vào ngày 2/8, chính quyền địa phương đã ra lệnh đốt sách của Sư phụ Chin Kung và Đức Đạt Lai Lạt Ma trong chùa Ciyun ở thành phố Lingyuan của tỉnh Liêu Ninh. “Những cuốn sách đã được đưa lên 7 chiếc xe bán tải và mang ra khỏi ngôi chua. Chúng bị đốt cháy cho đến 8 giờ tối ngày hôm sau”, một nhà sư trong chùa nhớ lại.
Trụ trì một ngôi chùa ở Đông Cương, một thành phố cấp quận ở Liêu Ninh, nói rằng các quan chức đã yêu cầu ngôi chùa của ông xóa bỏ tất cả các yếu tố tôn giáo và thay thế chúng bằng các tài liệu có nội dung trích dẫn tư tưởng Tập Cận Bình và một số tài liệu liên quan tới văn hóa Trung Quốc.
“Đảng Cộng sản hoàn toàn kiểm soát tất cả các tôn giáo ở Trung Quốc. Nếu chúng tôi chống lại Tập Cận Bình, ngôi chùa của chúng tôi sẽ bị phá bỏ”, một nhà sư ở tỉnh Cát Lâm nói.
Cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bị kết án 17 năm tù
Ông Lee Myung-bak, 78 tuổi, giữ chức Tổng thống Hàn Quốc từ năm 2008 đến 2013, bị truy tố hồi tháng 4/2018 với cáo buộc về tội tham ô và nhận hối lộ.
Các công tố viên cho biết hầu hết các hành vi sai phạm của ông Lee diễn ra trong thời gian ông nắm quyền, hoặc khi ông còn là ứng viên trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2007. Ông Lee bị cáo buộc nhận khoảng 10 triệu USD tiền hối lộ từ tập đoàn Samsung, cơ quan tình báo Hàn Quốc và cựu giám đốc điều hành một ngân hàng. Ngoài ra, ông Lee đã biển thủ khoảng 30 triệu USD từ một công ty phụ tùng ô tô mà ông sở hữu và trốn khoảng 280.000 USD tiền thuế doanh nghiệp.
Tại toà, ông Lee Myung-bak luôn phủ nhận các cáo buộc, khẳng định mình vô tội và việc truy tố ông là đòn “trả thù chính trị” của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in do cái chết của cố tổng thống Roh Moo-hyun, người tiền nhiệm của ông Lee.
Mỹ: Philadelphia lệnh giới nghiêm vì bạo loạn
Fox News đưa tin, thành phố Philadelphia, Mỹ hôm 28/10 đã ban bố lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối thứ tư đến sáng hôm sau khi các cuộc phá hoại và cướp bóc vẫn liên tiếp diễn ra tại đây.
Nhiều thiết bị nổ đã được tìm thấy bên trong một chiếc xe tải gần trung tâm thành phố Philadelphia vào đêm 28/10, buộc cảnh sát đặc nhiệm thành phố và cảnh sát điều tra liên bang phải vào cuộc.
Trong khi đó, những kẻ cướp bóc đang nhắm vào các cửa hàng trong khu Wynnfield của thành phố, không xa Đại học St. Joseph. Cảnh sát cho biết họ đã thực hiện 81 vụ bắt giữ, trong khi có 23 cảnh sát đã bị thương khi làm nhiệm vụ.
Tình trạng bất ổn an ninh ở Philadelphia đã gia tăng sau khi cảnh cảnh sát đã bắn chết một thanh niên da màu mang theo dao hồi đầu tuần.
Trước đó, cả Tổng thống Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đều bình luận về tình hình bất ổn ở Philadelphia. Ông Trump gọi tình hình bất ổn tại Philadelphia là “khủng khiếp” và đổ lỗi cho lãnh đạo đảng Dân chủ ở bang Pennsylvania.
Ông nói: “Thị trưởng hay bất cứ ai có liên quan đều phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng bạo loạn và cướp bóc tại đây. Đó là một điều khủng khiếp. Tôi đã chứng kiến mọi sự việc. Chính phủ liên bang cũng đang xem xét điều này…”
Mỹ: Nhà thờ của người Việt bị nhóm BLM đốt cháy ‘hoàn toàn’
Nhà thờ Baptist của người gốc Việt ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, đã bị đốt cháy “hoàn toàn” trong các cuộc biểu tình và bạo loạn của nhóm người Black Lives Matter (Mạng người da đen cũng đáng giá – BLM) vào tối thứ Ba (27/10), theo Breitbart.
Các cuộc biểu tình của những người BLM bùng lên ngay sau vụ việc cảnh sát băn một người đàn ông da đen có tên Walter Wallace, Jr. vào thứ Hai (26/10). Walter đã bị bắn khi anh ta đang cầm dao để tấn công cảnh sát.
Theo BP, mục sư gốc Việt Philip Phạm nhận được một cuộc gọi thông báo về việc nhà thờ bị nhóm người BLM đốt vào tối thứ Ba từ một tín hữu, mà bạn của người này đã nhìn thấy ngọn lửa và bảy xe cứu hỏa vây quanh nhà thờ.
“Tôi không biết tại sao họ lại tấn công nhà thờ của chúng tôi”, Ông Phạm nói. “Họ đốt nó từ mái nhà. Họ ném hóa chất dễ cháy lên mái nhà và [ngọn lửa] bùng lên thiêu cả mái nhà” và lan xuống phần còn lại của tòa nhà.
Ông Phạm thông tin thêm rằng nhà thờ của cộng đồng người Việt đã bị nhóm người BLM phá “hủy hoàn toàn”.
Mối quan tâm hàng đầu của ông Pham là tình trạng của ba ổ cứng máy tính sau vụ phóng hỏa của nhóm người BLM. Kể từ trước khi mua tòa nhà để làm nơi sinh hoạt tôn giáo vào năm 2005, nhà thờ Baptist Việt Nam đã hoạt động như một trung tâm cộng đồng mỗi ngày trong tuần, cung cấp những hỗ trợ về thủ tục giấy tờ nhập cư, thuế và thậm chí cả tư vấn hôn nhân.
Philadelphia đã trở nên yên bình hơn sau các lệnh giới nghiêm, mặc dù vẫn còn xuất hiện một số các hành vi bạo lực lẻ tẻ của nhóm người BLM vào đêm thứ Tư.
Tình hình ở Washington, DC, cũng trở nên bất ổn khi có một số sĩ quan cảnh sát bị thương sau khi họ bị những người BLM tấn công bằng pháo hoa. Ngoài ra còn có các cuộc đụng độ khác giữa người biểu tình và cảnh sát.