Huyện Nam Trà My sạt lở nghiêm trọng phải ‘gánh’ đồng thời 5 thủy điện ‘cóc’

  • Hoàng Minh

Thống kê, huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) – nơi xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, đang phải gồng gánh đồng thời 5 thủy điện ‘cóc’ gồm: Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah, Trà Leng và Trà Linh 2. Các thủy điện này chiếm tổng diện tích đất khoảng 156,46ha.

Quảng Nam, Nam Trà My
Huyện Nam Trà My, nơi sạt lở đất nghiêm trọng phải ‘gánh’ đồng thời 5 thủy điện ‘cóc’. (Ảnh: baoquangnam.vn)

Quảng Nam thừa thủy điện, nhưng vẫn cố xây thêm tại huyện Nam Trà My

Hồi năm 2017, thống kê từ báo chí nhà nước, Quảng Nam là tỉnh đứng đầu Việt Nam khi có tới 42 dự án thủy điện, trong đó có 10 dự án lớn, 32 dự án nhỏ và vừa.

Thế nhưng, UBND tỉnh vẫn muốn xây thêm 5 thủy điện “cóc” với tổng vốn khoảng 3.240 tỷ đồng, tổng diện tích đất bị chiếm là 156,46ha… tại huyện Nam Trà My.

4 thủy điện Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah, Trà Leng có tổng công suất 78,8MW, được đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng. Tổng diện tích đất bị chiếm từ 4 dự án là 144,27 ha (bình quân 1,83 ha/1MW). Trong đó, đất lâm nghiệp chiếm 60,1 ha (2,44 ha đất quy hoạch rừng phòng hộ và 57,66 ha đất quy hoạch rừng sản xuất).Riêng thủy điện Trà Linh 2, Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 4/8/2017 với công suất 18MW, tổng vốn đầu tư gần 540 tỷ đồng, chiếm 12,19ha đất. Nhưng hiện dự án được tăng công suất lên thành 27MW, chiếm khoảng 11,27ha đất và tổng vốn đầu tư là 864 tỷ đồng (tăng gần 325 tỷ đồng).

Tờ VNExpress dẫn lời bà Lê Thị Thủy (thời điểm 2017 là trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam) cho rằng: “Việc đầu tư xây dựng thêm thủy điện là không cần thiết và sẽ có hệ lụy sâu xa. Chưa thấy tỉnh nào nhiều thủy điện như Quảng Nam. Diện tích rừng bị thu hẹp để làm thủy điện sẽ tác động đến môi trường sinh thái, đặc biệt là ảnh hưởng đời sống văn hóa của người dân miền núi. Việc phá rừng làm thủy điện giống như mảng da trên người sẽ mất dần, hậu thế trăm năm sau nói chúng ta là tội đồ”.

Đại diện Hội nông dân Quảng Nam cũng đề nghị “phải thận trọng, không vội vàng, đánh giá chặt chẽ báo cáo tác động môi trường”…

Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định “phong trào” xây dựng thủy điện ồ ạt nảy sinh những bất cập, tồn tại, đó là tình trạng lợi dụng mặt bằng đường sá của các dự án thủy điện để khai thác gỗ bừa bãi, gây tác hại môi trường rừng.

Các chủ đầu tư dự án thủy điện nhỏ và vừa chủ yếu là tư nhân nên công tác khảo sát, địa chất, thủy văn không tốt; lập hồ sơ đầu tư qua loa, không chặt chẽ; lập dự án thiết kế, bản vẽ, thi công không chuẩn mực, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật…

“Cho nên việc phê duyệt các dự án thủy điện nhỏ và vừa phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Bởi đây là khu vực từng có dư chấn về địa chất nên phải khảo sát địa chất, địa hình, có thiết kế, bản vẽ thi công và được thẩm định bởi cơ quan chuyên môn có năng lực giỏi”, ông Ngãi nói trên tờ Tuổi trẻ.

Tuy nhiên, bỏ qua những ý kiến phản đối, HĐND tỉnh Quảng Nam vẫn phê duyệt bổ sung các dự án thủy điện trên tại huyện Nam Trà My.

Sạt lở nghiêm trọng tại Nam Trà My: “Trước đây rất ít ghi nhận”

Thống kê từ báo Lao động, đến hôm 29/10, hai vụ lở đất ở xã Trà Leng và Trà Vân (huyện Nam Trà My) vùi lấp 73 người, trong đó 46 người sống sót và bị thương, 14 người chết, còn 13 nạn nhân mất tích.

Tờ Dân Việt hôm 30/10 dẫn lời chuyên gia thủy lợi Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN&PTNT) cho rằng trong lịch sử hình thành phát triển của miền Trung, trước đây rất ít ghi nhận những vụ sạt lở đất nghiêm trọng như vụ sạt lở núi Nam Trà My, nếu có thì cũng chỉ là những vụ sạt lở ven đồi, không gây hậu quả đau lòng như vậy.

Ông Hồng nhận định thời gian gần đây khu vực miền Trung xảy ra những vụ sạt lở nghiêm trọng như Rào Trăng 3 hay Nam Trà My có nguyên nhân rất lớn từ tác động của con người.

Cụ thể, việc xây dựng thủy điện nhỏ quả nhiều sẽ làm mất thảm cỏ tự nhiên, khiến đất bị phong hóa và sạt trượt khi gặp mưa lớn, ông Hồng nói.

KTS Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Viện Hỗ trợ pháp lý và bảo vệ môi trường Việt Nam cho hay thủy điện khiến tình trạng lũ lụt, sạt lở đất thêm khó lường là do các hồ chứa không vận hành theo đúng nguyên tắc.

“Về lý thuyết, làm thủy điện một phần là giữ nước để mùa khô điều tiết nước về hạ du. Nhưng thực tế không như vậy. Mấy anh thủy điện không làm đúng quy trình đó. Đáng lẽ trước khi mưa thì anh phải lo xả nước thủy điện đi. Đến khi mưa lớn có thể giữ lại nhiều nước trong hồ, như vậy mới là điều tiết lũ.

Nhưng khi mưa ít thủy điện không dám xả lũ vì sợ không có nước để phát điện. Quy trình điều tiết xả lũ các anh không làm, thủy điện khư khư giữ nước, đến khi thừa mới xả”, ông Diệm nói.

Hoàng Minh (t/h)

Related posts