Sạt lở Trà Leng: Phóng viên ‘bật khóc’ khi tìm thấy thi thể em bé trong bùn
Hôm nay 31/10, tại hiện trường sạt lở tại thôn 1 xã Trà Leng, nam phóng viên đang tác nghiệp bất ngờ hướng ống kính đi chỗ khác rồi quỳ xuống, òa khóc khi tìm thấy thi thể em bé từ trong lớp bùn đất lên.
Vụ sạt lở kinh hoàng ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Trị) đã khiến 1 ngôi làng bị vùi lấp. Nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay, mất hết người thân chỉ sau 1 buổi chiều. Cảnh tượng hoang tàn của bùn đất, tiếng khóc xé lòng của dân bản đã trở thành nỗi đau chẳng thể nào thấu.
Chứng kiến cảnh tượng này, một nam phóng viên tuổi trung niên đang ôm máy quay bỗng khóc nghẹn khi một em bé được đưa ra từ bùn đất.
Bức ảnh trên do phóng viên Hoàng Thế Lực, công tác tại Báo điện tử Chính phủ ghi lại khi đang cùng nhân vật tác nghiệp tại hiện trường sáng 30/10. Ông Lực cho hay, nhân vật trong bức ảnh là nhà báo Đoàn Hữu Trung, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam khu vực Quảng Nam.
Tại điểm sạt lở làng Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng) có 15 hộ, tổng số khẩu 55. Đến thời điểm hiện tại, vụ sạt lở khiến 8 người chết, 14 người mất tích, 33 người may mắn thoát nạn. 8 nạn nhân được tìm thấy gồm ông, bà: Hồ văn Hùng, Hồ Thị Mai, Hồ Văn Thanh, Hồ Thị Đức, Hồ Văn Công, Hồ Viết Mười, Lê Công Huy, Nguyễn Thị Tường Vy. Hiện còn 14 người mất tích.
Nghệ An: Dắt trâu lên đê đi chạy lũ
Mưa lũ trong 3 ngày (29-31/10) khiến mực nước sông Lam dâng cao gây ngập nhiều địa phương ở tỉnh Nghệ An. Trước sự việc trên người dân sống ven đê sông Lam (Nghệ An) dắt trâu, đưa ôtô lên đê để hạn chế thiệt hại.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho biết trên báo VnExpress, mưa lụt làm 2 người chết đuối trong lúc đi chăn vịt và đánh bắt cá; 3 người đang mất tích.
Hơn 12.600 ngôi nhà bị ngập, hơn 2.900 hộ phải di dời do ngập, sạt đất. Tới tối 30/10, có 22 xóm đang bị chia cắt. Nước sông Lam đang xấp xỉ báo động 2. Đây là đợt mưa, lụt lớn nhất trong năm nay tại Nghệ An.
Huyện nghèo Nam Giang (Quảng Nam): Thủy điện xả lũ, dân lại trắng tay
Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ bất ngờ khiến tài sản của hàng trăm gia đình tại xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ thuộc huyện nghèo miền núi Nam Giang bị cuốn trôi, khiến người dân trắng tay.
Truyền thông nhà nước cho biết hàng trăm gia đình ở xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, Quảng Nam) trắng tay chỉ sau vài tiếng thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ vào hôm 28/10.
Báo chí địa phương mô tả đoạn quốc lộ 14D qua trung tâm hành chính huyện Nam Giang (cũ) hôm 30/10 vẫn còn ngập trong bùn non. Những vạt cây bên ta luy dương nhuộm đầy bùn. Các loại rác, củi mục vương mắc khắp nơi. Nhiều nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng nặng. Có ngôi nhà dấu tích còn sót lại chỉ là vài viên gạch móng vương vãi, vài tấm ván còn sót được người dân chất thành đống.
Thống kê từ giới chức huyện, 106 nhà dân ở thị trấn Thạnh Mỹ bị hư hại, 215 nhà ở xã Cà Dy bị ngập lụt, hầu như tài sản trong nhà bị trôi hết, kể cả gia súc, gia cầm, cây cối hoa màu. Nhiều hộ trắng tay. Có gia đình ở thôn Bà Dá, xã Cà Dy, tài sản duy nhất còn sót lại chỉ là một con vịt…
Trả lời báo chí về vụ việc này, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Thủy điện Đắk Mi 4 cho biết hôm 28/10, nhà máy có xả lũ 3 thời điểm, trong đó thời điểm cao nhất là 7.000 m3/s và có báo chính quyền địa phương. Tuy nhiên, giờ cụ thể để xả lũ không được ông Bình tiết lộ.
Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch huyện Nam Giang xác nhận bên Thủy điện Đắk Mi 4 có thông báo, thông báo phát về lúc 15h30 nhưng chỉ sau đúng 30 phút, thủy điện đã bất ngờ xả lũ khiến tài sản của người dân không kịp di dời.
“Chưa bao giờ tại huyện này lại xảy ra cơn lũ lên nhanh và lớn khủng khiếp như vậy. Ngay trong đêm 28/10, khi chúng tôi liên lạc với lãnh đạo nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 và báo cáo tỉnh thì việc xả lũ nói trên mới dừng lại, nếu không, tình hình thiệt hại sẽ còn khủng khiếp hơn bây giờ nhiều”, ông Sơn nói.
Ông Lê Văn Hường, Bí thư huyện Nam Giang bức xúc, tài sản người dân không thiệt hại do bão số 9 nhưng lại bị thiệt hại nặng nề do thủy điện xả lũ. Nhà cửa và tài sản bị trôi do nước lũ, nhiều hộ trắng tay.
“Rất may người dân đi tránh bão chưa về nhà nếu không thì không biết điều gì sẽ xảy ra”, ông Hường nói.
Còn ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam cho rằng thủy điện Đắk Mi 4 đang vận hành nhưng do lũ đột ngột lớn, vượt quá khả năng điều tiết nên buộc phải xả lũ. “Việc xả lũ của thủy điện Đắk Mi như vậy là đúng quy trình”, ông Tý khẳng định.
Được biết, hiện chính quyền huyện Nam Giang đã lập đoàn kiểm tra, kiểm kê, đánh giá các thiệt hại, buộc thủy điện Đắk Mi 4 phải bồi thường cho dân.
Theo thống kê từ giới chức tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Giang còn tới 2.569 hộ nghèo (tỷ lệ 36,51%), trong khi các điều kiện thoát nghèo còn thiếu, điều kiện giáo dục còn nhiều khó khăn…
Dân Quảng Ngãi ‘khóc ròng’ vì giá ngói tăng chóng mặt sau bão
Báo Người lao động đưa tin, biết được nhu cầu sửa chữa nhà cửa sau bão là rất lớn, một số cửa hàng vật liệu xây dựng ở miền Trung đã nâng giá bán vật liệu xây dựng lên gấp nhiều lần khiến người dân nơi đây đã khổ càng thêm khổ!
Theo phản ánh trên Báo Người Lao Động, sáng 31/10 hàng ngàn người dân tỉnh Quảng Ngãi đổ xô đi mua ngói lợp lại mái nhà bị hư hỏng do bão số 9 vừa qua. Dù giá ngói bị đẩy lên rất cao nhưng người dân vẫn cắn răng mua cho bằng được bởi họ không muốn tiếp tục sống trong cảnh màn trời chiếu đất.
Tại một đại lý vật liệu xây trên Quốc Lộ 1, đoạn qua xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, giá 1 viên ngói là 20.000 đồng, trong khi ngày thường chỉ 6.000 đồng.
Ông Nguyễn Bảy bày tỏ bức xúc: “Sau bão, người dân đã khốn khổ, nhiều người nhà bị sập, không có tiền phải chạy vạy đi mượn tiền mua ngói. Họ bán giá thế này chẳng khác nào nhẫn tâm với đồng bào mình trong cơn hoạn nạn?”.
Theo Báo Pháp luật TP. HCM, dù giá mái lợp bị đẩy lên cao gấp nhiều lần nhưng tại nhiều tiệm kinh doanh ở Quảng Ngãi cũng không có đủ để bán cho người dân.
Anh Trần Văn Thành cho biết: “Tôn xi măng bình thường 70 ngàn một tấm mà bây giờ 200 ngàn một tấm cũng không có. Những người bị thiệt hại nhẹ thì có thể bỏ ra đôi triệu để lợp lại chứ như nhà tôi gió thổi hết mái nhà thì chắc phải đợi, che bạt thôi, tiền đâu mà mua bây giờ!”.
Trước bức xúc của người dân, một quan chức quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi hứa sẽ đi kiểm tra và ‘xử lý nghiêm’ những cơ sở lợi dụng mưa bão để tăng giá trục lợi.
Siêu bão Goni giật trên cấp 17 đang vào Biển Đông
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7h ngày hôm nay 31/10, vị trí tâm siêu bão Goni ở cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 810km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 7h ngày 1/11, vị trí tâm bão ở trên khu vực miền Trung Philippines. Trong 24 – 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào Biển Đông.
Cũng trong hôm nay, giới chức Philippines đã ra lệnh sơ tán hàng nghìn người dân sinh sống ở phía Nam đảo Luzon. Bão sẽ đổ bộ Philippines ngày 1/11 và sẽ là cơn bão mạnh nhất hoành hành tại quốc gia này kể từ sau bão Haiyan tháng 11/2013 khiến hơn 6.300 người thiệt mạng.
Trong khi đó, bão Goni dự kiến sẽ đổ bộ Việt Nam trong ngày 4/11.
Việt Nam hưởng lợi từ xung đột Mỹ – Trung
Theo hãng tin Nikkei Asian Review, xuất khẩu của Việt Nam đang hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khi nhiều doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
Cựu cố vấn thương mại Barbara Weisel của Tổng thống Trump nhận định: “Một trong những mục tiêu của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là ép các công ty dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump cho rằng các doanh nghiệp này sẽ quay trở về Mỹ và tạo việc làm cho người dân. Thế nhưng nhiều quan chức nhận ra rằng một số công ty sẽ đổi nguồn nhập hàng sang thị trường khác thay vì trở về Mỹ”.
Hiện Việt Nam đang được coi là nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Lợi thế chi phí nhân công thấp, nhiều thỏa thuận thương mại đã được ký kết cùng vị trí địa lý thuận tiện cho các tuyến đường hàng hải đã giúp Việt Nam ghi điểm.
Theo Nikkei, mối quan hệ Mỹ – Việt đang ngày càng khăng khít hơn. Số liệu chính thức cho thấy xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã tăng 36% trong khoảng 2018-2019.
Hai tình huống pháp lý trong vụ thôn thu lại tiền Thuỷ Tiên cứu trợ người dân
Liên quan đến vụ cán bộ thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thu lại hơn 400 triệu đồng từ những hộ dân được ca sĩ Thuỷ Tiên trao tặng, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật Chính pháp, hôm nay 31/10 nói với báo VTC News rằng, có 2 tình huống pháp lý trong trường hợp này.
Thứ nhất, nếu 69 hộ dân không tự nguyện bàn giao tiền mà cán bộ thôn vẫn thu tiền của họ để chia đều cho những hộ dân khác thì hành vi đó là không phù hợp với quy định pháp luật, thôn phải trả lại số tiền này cho người dân. Nếu như có hành vi thu tiền để chiếm đoạt, sử dụng trái phép số tiền đó thì có thể xem xét xử lý hình sự.
Còn nếu trong trường hợp những người dân này đều đồng ý, tự nguyện góp tiền về cho thôn để chia đều cho những hộ gia đình khác cũng gặp khó khăn, bị thiệt hại do lũ lụt, có nội dung thống nhất giữa cán bộ thôn và những hộ gia đình này thì việc thu tiền có thể là phù hợp.
Trước đó, vào 28/10, ca sĩ Thuỷ Tiên đã về thôn Ngọa Cương cứu trợ cho 69 hộ dân với tổng số tiền 413 triệu đồng. Sau khi đoàn ca sĩ Thủy Tiên rời khỏi, Ban cán sự thôn Ngọa Cương đã bàn bạc và thu lại toàn bộ số tiền trên.