Tin Việt Nam sáng thứ Hai

Quảng Trị: Phát hiện 2 thi thể dạt vào bờ biển

Quảng Trị_ Phát hiện 2 thi thể dạt vào bờ biển
Ảnh chụp màn hình báo Lao Động.

Hai thi thể một nam và một nữ được người dân phát hiện trôi dạt vào bờ biển huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị những ngày gần đây, trong đó một nạn nhân đã xác định được danh tính, gia đình đã đưa về quê lo hậu sự.

Đại úy Nguyễn Văn Hùng – Đồn phó Đồn Biên phòng Cửa Tùng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) cho biết trên báo Người Lao Động, vào chiều tối 31/10 vừa qua, người dân vừa phát hiện một thi thể nữ giới dạt vào bờ biển thôn Thử Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh.

Theo đó, thi thể này được xác định là nữ giới, cao khoảng 1,4 m, nặng khoảng 50 kg. Cơ quan chức năng nhận định nạn nhân đã tử vong khoảng 1 tháng, thi thể bắt đầu phân hủy. Sau khi khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể nạn nhân cho chính quyền địa phương để chôn cất theo quy định.

Trước đó cũng tại bờ biển huyện Vĩnh Linh, một người đi dọc bờ biển để nhặt phế liệu đã phát hiện thi thể một người đàn ông.

Theo tờ Lao Động, khoảng 3h sáng ngày 29/10, người dân trên địa bàn phát hiện thi thể người đàn ông ở bờ biển thôn Xuân, xã Kim Thạch (huyện Vĩnh Linh).

Kiểm tra trong chiếc quần của nạn nhân thì có chiếc ví, bên trong có bằng lái xe mang tên Đỗ Minh Hoàng (SN 1988, trú tại Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An). 

Qua liên lạc, gia đình cho hay, anh Hoàng rời khỏi nhà vào tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 5/10. Thời điểm phát hiện, thi thể nạn nhân đang trong tình trạng phân hủy.

Giả hàng loạt chữ ký, ăn chặn gạo ‘cứu đói’ của dân nghèo?

Giả hàng loạt chữ ký, ăn chặn gạo ‘cứu đói’ của dân nghèo?
Ảnh tổng hợp.

Dù có mặt trong danh sách và ký xác nhận đã nhận gạo, nhưng thực tế nhiều hộ dân phản ánh là chưa nhận được hoặc nhận được ít hơn số lượng được hưởng.

Tờ Người Lao Động đưa tin, nhiều hộ dân ở tổ dân phố 1, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, vừa gửi đơn tới cơ quan chức năng tố cáo việc bị ăn chặn, bớt xén gạo hỗ trợ, cứu đói cho nhân dân.

Theo tố cáo, từ đầu năm đến nay, người dân được Nhà nước hỗ trợ nhiều đợt gạo cứu đói như: hỗ trợ gạo dịp Tết Nguyên đán tháng 1/2020, hỗ trợ gạo trong đợt giáp hạt tháng 5/2020 và hỗ trợ gạo cho nhân dân ảnh hưởng trong đợt nắng hạn tháng 10-2020. 

Tuy nhiên, trong quá trình cấp phát gạo, nhiều hộ dân có tên trong danh sách phê duyệt nhưng không được nhận gạo, một số hộ được nhận nhưng bị bớt xén, không đủ số lượng được cấp. 

Đặc biệt, rất nhiều hộ dân không được nhận gạo nhưng trong danh sách lại có chữ ký nhận đủ số gạo.

Ông Phạm Văn Hòa (41 tuổi, tổ dân phố 1) có hoàn cảnh rất khó khăn, ông bị bệnh thận, không có tiền chữa trị, một mình phải làm thuê nuôi 3 người con ăn học. Tháng 5-2020, ông nghe tin Nhà nước hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt nhưng đợi mãi không thấy.

Bà Trần Thị Duyên đã không kìm được nước mắt cho biết hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bà sinh được 4 người con nhưng tất cả bị tật nguyền. Nghe tin Nhà nước hỗ trợ gạo ăn Tết, bà cũng mừng nhưng đợi mãi không thấy được nhận.

“Hôm thấy hàng xóm đi nhận gạo, tôi ứa nước mắt. Bình tâm lại, tôi nghĩ rằng Nhà nước cho thì nhận, không cho thì mình không nên đòi hỏi. Nào ngờ, mới đây tìm hiểu ra thì gia đình tôi có tên trong danh sách được nhận 30kg, nhưng lại không được nhận. Tôi không biết ai đã giả chữ ký trong danh sách để nhận phần gạo của gia đình tôi?” – bà Duyên nghẹn ngào nói.

Ngoài ra, nhiều hộ dân nhận được gạo nhưng lại bị bớt xén số lượng. Điển hình, hộ bà Hoàng Thị Kim Điền trong danh sách phê duyệt được nhận 105kg như thực tế chỉ được nhận 30kg, hộ bà Trần Thị Phượng danh sách được nhận 60kg nhưng chỉ được nhận 30kg, hộ bà Ngô Thị Lan trong danh sách phê duyệt nhận 75kg nhưng chỉ được nhận 30kg…

Trước thực trạng trên, ngày 1/11, ông Nguyễn Hữu Ánh – Chủ tịch UBND thị trấn Ea T’ling xác nhận với báo VTC News, sự việc này có xảy ra trên địa bàn.

Theo ông Ánh, lực lượng chức năng đã thành lập tổ xác minh thông tin phản ánh của người dân. Kết quả ban đầu cho thấy có sự việc như người dân phản ánh.

Thị trấn Ea T’ling có 2.018 khẩu ở 13 tổ dân phố, bon (buôn) bị ảnh hưởng do đợt hạn hán đầu năm 2020. Đầu tháng 10/2020, địa phương này được phân 30,27 tấn gạo để cấp phát cho 2.018 khẩu với số lượng 15kg gạo/khẩu bị ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, nhiều hộ dân phản ánh không được nhận gạo cứu đói, có hộ lại bị cắt giảm số lượng gạo được nhận.

Thêm 3 người nhập cảnh từ Nhật và UAE mắc viêm phổi Vũ Hán

Cơ quan y tế Việt Nam tối 31/10 cho biết đã ghi nhận 3 trường hợp mắc viêm phổi Vũ Hán mới qua đường nhập cảnh.

Trong số 3 bệnh nhân có 2 người về từ Nhật Bản đang được điều trị tại Đà Nẵng và 1 người về từ UAE được điều trị tại Khánh Hoà.

Như vậy, tính đến ngày 1/11, Việt Nam có tổng cộng 1.180 ca mắc viêm phổi Vũ Hán, trong đó 1.063 ca đã khỏi và 35 ca tử vong.

Trong 59 ngày qua, Việt Nam cũng không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Trong một diễn biến khác, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM ngày 31/10 cho biết, chuyên gia người người Hàn Quốc đã âm tính với virus viêm phổi Vũ Hán trong lần xét nghiệm gần nhất.

Trước đó, người này đã bay từ TP.HCM sang Nhật Bản và bị phát hiện dương tính. TP.HCM sau đó đã cách ly, xét nghiệm 300 trường hợp tiếp xúc với chuyên gia này. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp này đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

Quảng Ngãi: Lũ quét kinh hoàng cuốn trôi 6 nhà dân

Trưa 1/11, ông Đinh Quang Ven, Chủ tịch huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho báo Người lao động biết, sau cơn bão số 9, tại làng Hang Rin, thôn Mang He, xã Sơn Bua (giáp ranh xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) xảy ra vụ sạt lở đất kèm lũ quét vào sáng 30/10, cuốn trôi 6 nhà dân trong tích tắc. May mắn không có ai chết hay bị thương.

“Toàn thôn có 48 căn nhà, nhưng hiện tại đã có 6 căn nhà bị lũ cuốn, còn lại 40 căn nhà cũng đang bị nước lũ bao vây bởi dòng chảy mới. Nếu mưa lớn cứ tiếp tục vài hôm nữa, chắc cả thôn sẽ bị xóa sổ”, ông Ven cho biết.

Thanh Hóa: Bắt 3 cán bộ trong đường dây làm bằng giả

Báo chí nhà nước hôm 31/10 cho biết, Công an Thanh Hóa đã bắt 15 người có liên quan đến đường dây làm văn bằng, chứng chỉ giả.

Trong 15 người bị bắt, có 3 cán bộ thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa.

Công an Thanh Hóa cho biết những người trên làm bằng giả do xuất phát từ nhu cầu thực tế tại thị trường Việt Nam về các loại văn bằng chứng chỉ như ngoại ngữ, giấy phép lái xe, các loại bằng đại học, thạc sỹ, bác sỹ…

Từ tháng 3 đến tháng 6/2020, những người này đã tổ chức 4 lớp với gần 600 học viên. Trong đó, mỗi hồ sơ học viên thu từ 3,5 đến 7 triệu đồng. Sau đó, nhóm tổ chức ôn, thi, liên kết với phía Hà Nội để làm và cấp chứng chỉ tiếng Anh giả cho các học viên.

Thậm chí, nhóm còn lập các trang Facebook để chạy quảng cáo, nhận các đơn hàng và trực tiếp in ấn văn bằng, chứng chỉ giả để bán cho người có nhu cầu.

Related posts