Tin thế giới sáng thứ Hai

Ấn Độ yêu cầu Google giải thích mối quan hệ với Trung Quốc

Trụ sở chính của Google ở California, Hoa Kỳ (ảnh: Shutterstock).

Ủy ban Kế hoạch hỗn hợp của Ấn Độ (Joint Plant Committee – JPC) gần đây đã yêu cầu Google và một công ty địa phương làm rõ vấn đề về bảo mật dữ liệu và giải thích mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Các “ông lớn” công nghệ như Twitter, Facebook và Amazon cũng được yêu cầu giải thích các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu, theo Hindustan Times.

Căn cứ vào quy định bảo vệ dữ liệu, vào ngày 29/10 Ủy ban chung của quốc hội về Dự luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân đã yêu cầu Google và One 97 Communications (là công ty mẹ của nền tảng thanh toán lớn nhất Ấn Độ Paytm), giải thích rõ ràng về những mối quan hệ của họ với Trung Quốc.

Ủy ban yêu cầu Google và Paytm phải cung cấp và giải trình bằng văn bản, những vấn đề liên quan đến cấu trúc công ty, hệ thống thuế, xử lý và bảo vệ dữ liệu, cũng như các vấn đề về quyền riêng tư. Nội trong thời gian quy định phải giải trình rõ ràng.

Google nói rằng họ đã rút khỏi thị trường Trung Quốc. Nhưng các chuyên gia của Ủy ban vẫn quan ngại rằng, có nhiều nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc đang sử dụng hệ thống Android của Google. Nên họ hy vọng sẽ được biết liệu các sản phẩm dịch vụ và ứng dụng của Google có liên quan đến Trung Quốc hay không.

Nhóm chuyên gia của Ủy ban cũng đã gặp đại diện của Twitter, Facebook và Amazon. Họ yêu cầu các công ty này trình bày cách đối phó với vấn đề giả mạo và phải xử lý triệt để nó, đặc biệt khi nó liên quan đến xung đột về lợi ích. Họ phải duy trì được vị trí trung lập của mình.

Theo tiết lộ thêm của một thành viên trong Ủy ban, Google đã nói Ấn Độ không nên yêu cầu bản địa hóa dữ liệu, vì họ cho rằng điều này không thích hợp cho việc bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật.

Kể từ tháng 6 năm nay, Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI) đang tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google. Google bị cáo buộc rằng họ đang gây trở ngại cho các công ty muốn sử dụng hoặc phát triển một phiên bản hệ điều hành sửa đổi dành cho TV thông minh.

Năm nay Google, Facebook và Amazon, đã tăng cường đầu tư vào Ấn Độ. Giám đốc điều hành Google, Ông Sundar Pichai đã tuyên bố rằng vào tháng 7 ông sẽ đầu tư lớn vào Ấn Độ và trong vòng 5 đến 7 năm tới số tiền đầu tư có thể lên tới 10 tỷ đô la Mỹ.

Cũng vào tháng 4 vừa qua, Facebook đã thông báo rằng họ đã đầu tư 5,7 tỷ USD vào Jio Platforms, một công ty truyền thông trực thuộc Reliance Industries, nhằm mục đích giúp 60 triệu doanh nghiệp nhỏ số hóa.

Giám đốc điều hành Amazon, Jeff Bezos hồi tháng 1 đã công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Ấn Độ, nâng mức đầu tư của Amazon vào Ấn Độ lên 6,5 tỷ USD.

Nhiều nguồn tin trước đây cho hay, Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu Apple gỡ bỏ ứng dụng video TikTok khỏi App Store (cửa hàng ứng dựng trực tuyến) ở nước này, vì họ tin rằng ứng dụng không có biện pháp bảo vệ hiệu quả cho người dùng trẻ tuổi.

Tiktok bị chỉ trích vì cách ứng dụng xử lý nội dung của bên thứ ba và thiếu giám sát nội dung đối với các mục bất hợp pháp hoặc vô đạo đức. Nhiều ý kiến cho rằng sẽ có các mối nguy hiểm mà người dùng trẻ tuổi có thể phải đối mặt với ảnh khỏa thân trong ứng dụng.

Quan chức Mỹ: Bắc Kinh dùng chiến tranh chính trị để lật đổ các xã hội tự do trên thế giới

David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cảnh báo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang triển khai chiến tranh chính trị để ngấm ngầm ảnh hưởng đến các xã hội tự do trên toàn thế giới.

The Epoch Times cho biết, ông Stilwell đưa ra phát biểu trên trong cuộc hội thảo trực tuyến do Viện Hoover của Stanford tổ chức vào ngày 30/10. Theo trợ lý Stilwell, ĐCSTQ thực hiện điều này thông qua một loạt các hoạt động xấu mang tính “bí mật, cưỡng ép và tham nhũng”. ĐCSTQ gọi chúng là “hoạt động của Mặt trận Thống nhất” nhưng ở phương Tây, mọi người hiểu đây là chiến tranh chính trị.

Công việc của Mặt trận Thống nhất có sự tham gia của hàng nghìn nhóm ở nước ngoài thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị, trấn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.

Một cuộc điều tra gần đây của Newsweek phát hiện khoảng 600 tổ chức như vậy của ĐCSTQ ở Hoa Kỳ. Ông Stilwell cho biết các nhóm này bao gồm các Viện Khổng Tử do Bắc Kinh hậu thuẫn đặt tại hàng chục cơ sở học thuật ở Mỹ.

Bão Goni đổ bộ Philippines, ít nhất 4 người thiệt mạng

Ít nhất 4 người đã thiệt mạng khi siêu bão Goni tấn công Philippines vào sáng nay, theo Bangkok Post.

Bão Goni đã đổ bộ vào đảo Catanduanes trước bình minh với sức gió tối đa là 225 km/h và gió giật lên tới 310 km/giờ, làm hư hại nhiều nhà cửa, đổ cây và gây ra lũ quét.

Thống đốc Alfrancis Bichara nói với một đài phát thanh địa phương, ít nhất bốn người, trong đó có một trẻ 5 tuổi, đã thiệt mạng ở tỉnh Albay.

Goni là cơn bão nhiệt đới thứ 18 đổ bộ vào Philippines trong năm nay. Hơn một triệu người Philippines đã phải sơ tán, trong khi quân đội được đặt trong tình trạng trực chiến. Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất tấn công Philippines kể từ sau siêu bão Hải Yến khiến 7.300 người thiệt mạng và mất tích năm 2013.

Related posts