Gần 1 năm bất động, nhiều dịch vụ trên “đất vàng” TP.HCM đang chuyển đổi công năng. Nhưng sau chuyển đổi, nhiều nơi vẫn ngáp dài ngóng khách.
Ghi nhận của Thế giới Tiếp thị tại nhiều tuyến đường ở khu vực Q.1 và Q.3 như Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Lê Lai, Trương Định…, hàng loạt khách sạn, nhà hàng, cửa hàng thời trang lớn nhỏ đang trong tình trạng ảm đạm. Có nơi tạm thời trở thành quán ăn, nơi rao bán mặt bằng, nơi tạm đóng cửa…
Bán phở, bán xôi…
Bán kính 1 km xung quanh chợ Bến Thành, nơi được mệnh danh là thiên đường của khách sạn 2-3 sao, kể từ khi vắng khách nước ngoài, im ắng chưa từng thấy. Đường Lê Lai có hơn chục khách sạn nhưng đến 5-6 nơi tạm đóng, 3 khách sạn biến thành quán ăn, một vài khách sạn đang thi công, chưa biết chuyển sang dịch vụ gì. Ngay cả New World Saigon, cũng không còn cảnh phòng ăn, sảnh tiếp khách đông người, taxi ra vào tấp nập như trước.
Anh Hùng, quản lý một khách sạn 2 sao cho hay từ tháng 4 đến nay không có khách, chẳng khác nào “khách sạn ma”. Chờ mãi không được, 2 tháng trước, anh quyết định bán thêm phở, hủ tiếu ở tầng trệt vào buổi sáng, chiều tối bán cơm tấm. “Tôi đang tính luôn việc cho thuê lại các tầng trên cho ai có nhu cầu mở shop quần áo. Trước chuyên đón khách Tây, bây giờ biến thành quán ăn bình dân nhưng biết làm sao được, chết vật vờ…”, anh Hùng rầu rĩ nói.
Nhiều khách sạn trên đường Lý Tự Trọng đang cho thuê lại một phần mặt tiền, tầng trệt để mở cửa hàng. Tầng hầm của khách sạn Alagon đã được cho thuê lại để mở quán xôi. Cách đó khoảng 200 mét, tầng hầm của một khách sạn 3 sao đã biến thành shop thời trang. Nhân viên thi công một công trình cho biết, khách sạn này đang được chuyển thành một thẩm mỹ viện. Còn trên đường Bùi Thị Xuân, Cách Mạng Tháng Tám…, một số đã cho thuê làm phòng trọ cao cấp, mặt tiền bán nước giải khát.
Phân khúc khách sạn 4-5 sao cũng không khá hơn mấy. Nhiều nơi đang chật vật kéo khách, trong đó có cả việc tham gia làm khu cách ly có thu phí. “Ai nói khách sạn thời gian qua có tỷ lệ lấp đầy 20% tôi không tin đâu, giỏi lắm dưới 5%”, ông H. quản lý một khách sạn 5 sao tại quận 1 thẳng thắn nói với Thế giới Tiếp thị.
Cũng vì điều này, gần đây, nhiều khách sạn trên “đất vàng” TP.HCM đã được chủ rao bán, cắt lỗ, đưa dòng tiền đầu tư vào những lĩnh vực khác. Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương cho biết, giá phòng giảm, tỷ lệ lấp đầy thấp, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, đã có thông tin bán tháo khách sạn, đặc biệt là khách sạn quy mô nhỏ do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính vận hành.
Ngáp dài
Không chỉ khách sạn, nhiều dịch vụ khác trên “đất vàng” TP.HCM cũng rơi vào tình hình ảm đạm. Nhiều chủ dịch vụ đã nhanh chóng đổi sang một loại hình kinh doanh khác nhưng cũng không khả quan hơn.
Cách đây gần 2 tháng, chủ các vũ trường, quán bar trên phố Bùi Viện (Q.1) mừng rỡ khi dịch vụ này được phép hoạt động lại nhưng đến nay vẫn không có khách. “Bar ở đây từ trước đến nay chỉ đón khách Tây, người Việt đi được vài hôm rồi vắng lại. Chúng tôi tiếp tục chuyển thành nhà hàng, quán ăn, bán trà sữa, nước giải khát ban ngày, tối đến mới xập xình làm quán bar nhưng cũng không ăn thua. Không biết tình hình này đến bao giờ”, chị Lâm Thúy, quản lý một bar lớn trên đường Bùi Viện nói. Hay như quán phở, hủ tiếu của anh Hùng được chuyển đổi gần 1 tháng nay, giờ cao điểm nhưng vẫn rất vắng. Các cửa hàng thời trang thuộc phân khúc trung, cao cấp trên đường Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng… cũng đang ngóng người mua. Việc chuyển đổi công năng, hoặc mở mới shop thời trang thời điểm này có thể sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn.
Một số thẩm mỹ viện đang hình thành, trong khi một loạt cơ sở làm đẹp trên đường Ba Tháng Hai (Q.10) đang lần lượt đóng cửa. Ông Tâm, giám sát thi công cơ sở spa trên đường Lý Tự Trọng nói: “Đang hồi hộp, không biết thời gian tới làm ăn ra sao. Kinh doanh thời điểm này như đặt cược, trước đây chen vào khu này trần ai lắm, nay được giảm giá thuê 20% nên chớp luôn, nhưng lo lắm. Bạn tôi vừa thuê mặt bằng mở nhà hàng bên Trương Định nhưng ế quá, mới được 2 tháng, tốn mớ tiền nhưng vừa rồi đã quyết định bỏ”.