Đài Loan đang đợi hệ thống tên lửa tiêu diệt một nửa quân Trung Quốc
Quân đội Đài Loan hôm 27/10 tuyên bố rằng việc họ được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon trị giá 2,37 tỷ đô la của Mỹ sẽ giúp họ tiêu diệt “một nửa” lực lượng quân xâm lược Trung Quốc, theo bản tin hôm 2/11 của Taiwan News.
Vào ngày 26/10, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ (DSCA) ra thông cáo báo chí rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho việc bán 100 Hệ thống Phòng thủ Bờ biển Harpoon (HCDS) và các thiết bị liên quan với tổng trị giá khoảng 2,37 tỷ USD cho Đài Loan.
Cụ thể, gói vũ khí sẽ bao gồm 100 đơn vị vận chuyển bệ phóng HCDS, 400 tên lửa phóng từ bề mặt RGM-84L-4 Harpoon Block II, bốn tên lửa tập trận RTM-84L-4 Harpoon Block II, 411 container, 25 xe tải radar, phụ tùng, các thiết bị thay thế, thiết bị hỗ trợ và kiểm tra, cùng với các thiết bị khác.
Thương vụ bán vũ khí này đánh dấu lần thứ hai trong vòng một tuần và lần thứ chín chính quyền Trump tuyên bố bán các gói vũ khí cho Đài Loan.
Vào ngày 21/10, DSCA đã công bố một thỏa thuận bán cho Đài Loan gói vũ khí trị giá 1,8 tỷ đô la Mỹ bao gồm 11 hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142, 135 tên lửa tấn công đất liền AGM-84H Phản ứng mở rộng (SLAM-ER) và các thiết bị liên quan, ngoài ra còn có sáu tên lửa MS -110 dùng cho máy bay phản lực.
Đáp lại thông báo của Mỹ về gói vũ khí tiềm năng, tờ South China Morning Post dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Trương Triết Bình cho biết trong một cuộc họp báo ngày 27/10 rằng thỏa thuận này sẽ giúp Đài Bắc “đạt được mục tiêu có thể tiêu diệt một nửa lực lượng đối phương vào năm 2025”.
DSCA tuyên bố rằng việc mua bán này nhằm “tăng cường khả năng phòng thủ trên mặt đất và trên không”, đồng thời cung cấp cho Đài Loan một hệ thống cho phép hòn đảo “chống lại hoặc ngăn chặn các cuộc xâm lược hàng hải, phong tỏa ven biển và các cuộc tấn công đổ bộ”.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng lô khí tài mới sẽ “dễ dàng tích hợp vào cơ sở hạ tầng quân sự hiện có” của Đài Loan.
Với tầm bắn 125 km, các tên lửa Harpoon mà Mỹ dự định bán cho Đài Loan có thể được sử dụng để tấn công tàu chiến và tàu vận tải của Trung Quốc trên biển cũng như tại các cảng mà chúng xuất phát.
Loại tên lửa Harpoon hiện đã có trong kho vũ khí của tàu chiến và máy bay chiến đấu của Đài Loan, với phiên bản phóng trên bờ mà Mỹ dự định chuyển giao sẽ bổ sung thêm một lớp nữa cho hệ thống phòng thủ của quốc đảo.
Ngoài ra, các tên lửa cận âm của Mỹ sẽ bổ sung cho tên lửa chống hạm siêu thanh Hsiung-Feng II và Hsiung-Feng III của Đài Loan. Mặc dù tên lửa siêu thanh có lợi thế rõ ràng về tốc độ, nhưng tên lửa cận âm có chi phí thấp hơn và có thể được triển khai với số lượng lớn hơn.
Doanh số Huawei giảm mạnh, bước vào thời khắc sống còn
Các lệnh chế tài của Mỹ đã khiến Huawei bị bao vây và đàn áp chưa từng có. Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi thừa nhận rằng, Huawei đang ở trong thời khắc sinh tử.
Doanh số bán điện thoại di động của Huawei trong quý 3 cũng là bằng chứng cho sự sụt giảm của Huawei, theo Vision Times.
Theo dữ liệu do công ty nghiên cứu thị trường Canalys công bố hôm thứ Năm (29/10), Huawei chỉ bán được 51,7 triệu điện thoại di động trong quý 3, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái và mất vị trí dẫn đầu về doanh số điện thoại thông minh toàn cầu. Đối thủ của Huawei, Samsung, đã giành lại vị trí dẫn đầu trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu với đơn hàng 80,2 triệu chiếc và chiếm thị phần 22,7%.
Một tổ chức nghiên cứu thị trường khác, Counterpoint Research, đã công bố một cuộc khảo sát cùng ngày, cho thấy rằng các lô hàng điện thoại thông minh của Huawei trong quý 3 là 50,9 triệu chiếc, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái và thị phần của nó giảm xuống 14%.
Các lệnh chế tài của Mỹ đối với Huawei đã khống chế phần mềm và phần cứng của điện thoại di động Huawei. Truyền thông Mỹ đưa tin rằng, trên các thị trường quốc tế theo kế hoạch mở rộng quan trọng của Huawei, người tiêu dùng đã quen với việc sử dụng các ứng dụng của Google, và việc Huawei không thể sử dụng hệ điều hành Android của Google đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất bán hàng của công ty.
Dữ liệu do công ty nghiên cứu thị trường IDC công bố hôm 29/10 cho thấy, Huawei không chỉ đối mặt với suy thoái trên thị trường quốc tế, mà còn có triển vọng kém ở Hoa lục. Trong quý 3, các lô hàng của Huawei tại Trung Quốc đã giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei, thừa nhận trong một bài phát biểu nhân chuyến thăm Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh và Học viện Khoa học Trung Quốc vào ngày 14-18/9 rằng, Huawei đã “bị đàn áp và bao vây chưa từng có trong một thế kỷ”. 200.000 nhân viên của Huawei đang “cứu vãn sự sống còn của công ty”.
Liên quan đến lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với tấm wafer (tấm silicon mỏng để sản xuất chip bán dẫn) của Huawei, Nhậm Chính Phi cũng thừa nhận rằng “những tấm wafer tiên tiến mà chúng tôi thiết kế không thể được sản xuất bởi các ngành công nghiệp cơ bản trong nước. Chúng tôi không thể vừa sản xuất sản phẩm, vừa sản xuất tấm wafer”.
Nhậm Chính Phi cho rằng các ngành công nghiệp cơ bản của Trung Quốc không mạnh, và không có gì lạ khi chỉ một giọt keo nhỏ có thể hạn chế một quốc gia. “Đây là kỹ thuật phân tử. Đó là công nghệ cao trong số các công nghệ cao. Và hàng nghìn loại keo, chất mài mòn, khí đặc biệt … này đều là công nghệ cao trong số các công nghệ cao, và đất nước chúng ta vẫn chưa thể tiếp cận được”.
Sau khi doanh số bán điện thoại di động của Huawei giảm mạnh trong quý thứ ba, Huawei đã ra mắt điện thoại di động dòng Mate40 thế hệ mới vào ngày 22/10, khẳng định đây là chiếc Mate mạnh nhất trong lịch sử. Vào cuối hội nghị này, Giám đốc điều hành kinh doanh tiêu dùng của Huawei, Dư Thừa Đông cho biết, “Huawei hiện đang ở một thời điểm rất khó khăn. Chúng tôi đang trải qua vòng chế tài thứ ba của chính phủ Hoa Kỳ”. Vào tháng 8 năm nay, Dư Thừa Đông cũng nói rằng, dưới ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của Mỹ, việc sản xuất Kirin Epistar có thể sẽ dừng vào giữa tháng 9, và chiếc điện thoại di động Mate40 được trang bị Kirin 5G Epistar của Huawei cũng sẽ trở thành “tuyệt bản” cuối cùng.
Trung Quốc kêu gọi Úc “thức tỉnh”
Các nhà xuất khẩu Úc phải đối mặt với một cuộc săn tìm các thị trường mới khi căng thẳng với Trung Quốc đạt đỉnh điểm, gây tổn hại cho các doanh nghiệp cả hai bên.
Theo tin từ Nikkei, Trung Quốc đã giảm hoặc ngừng nhập khẩu bông và than của Úc trong những tuần gần đây. Ngoài ra, trên cả điều đó là các mức thuế khổng lồ áp lên lúa mạch Úc và lệnh cấm thịt bò từ 5 nhà sản xuất lớn của Úc. Gã khổng lồ châu Á cũng đang xem xét đánh thuế đối với rượu vang Úc.
Trong khi mối quan hệ của Úc đối với đối tác thương mại số 1 của họ đã trên “băng mỏng” bất cứ lúc nào cũng có thể bị sụp xuống kể từ năm 2017, thì những căng thẳng đang leo thang nhanh chóng vào đầu năm nay sau khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19. Kết quả là hàng hóa nông nghiệp – trị giá 13 tỷ đô la Úc hàng năm (khoảng 9,25 tỷ đô la Mỹ) – đã phải chịu thiệt hại ngoài dự kiến ở mức lớn nhất.
“Những gì Trung Quốc đang làm là bắn ra các phát súng khác nhau và thử xem Úc sẵn sàng chịu hình phạt ở mức nào”, Naoise McDonagh từ Học viên Thương mại Quốc tế Đại học Adelaide, cho biết và nói thêm rằng: “Nó giống như “dò đá qua sông” ném ra để hiểu xem có thể tạo ra bao nhiêu đòn bẩy”.
Bình luận của McDonagh đã nhắc tới luận thuyết kinh tế “mạc trước thạch đầu quá hà” của Đặng Tiểu Bình trong giai đoạn cải cách kinh tế vào những năm 1980, ý nói “mò mẫm phát triển”.
Tổng Giám đốc WHO ‘tự thú’ cách ly, cư dân mạng chia buồn hay chia vui?
Vào lúc 5h43 sáng ngày 2/11/2020, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đăng trên Twitter một dòng “tự thú” có nội dung: “Tôi đã được xác định là đã tiếp xúc với một người có xét nghiệm dương tính với COVID-19. Tôi khỏe và không có triệu chứng nhưng sẽ tự cách ly trong những ngày tới, phù hợp với giao thức của WHO, và làm việc tại nhà.”.
Sau 5 giờ đăng, dòng tweet của ông ấy nhận được hơn 6,7 nghìn lượt tương tác “thả tim”. So với những tweet khác của ông Tedros chỉ nhận được vài trăm lượt tương tác thì đây là một sự đột biến lớn.
Trong bối cảnh các quốc gia lên án Trung Quốc và Tổng giám đốc WHO phải chịu trách nhiệm về đại dịch viêm phổi Vũ Hán, và yêu cầu ông Tedros từ chức thì rộ lên vô số những lượt “yêu thích” của cư dân mạng cho dòng tweet nói trên của ông ấy khiến người ta không khỏi thắc mắc, cư dân mạng đang chia buồn hay chia vui với ông ấy.
Các nhà lập pháp Châu Âu lên tiếng ủng hộ Đài Loan tham dự Cuộc họp của WHO
The Epoch Times đưa tin, hơn 100 nhà lập pháp và quan chức châu Âu đang kêu gọi người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép Đài Loan tham gia một cuộc họp quốc tế sắp tới.
Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ lòng biết ơn về sự hỗ trợ mà họ nhận được từ các nước châu Âu trong một thông cáo báo chí vào ngày 1/11. Lời kêu gọi gửi tới Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra chỉ vài ngày trước khi Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 73, cơ quan ra quyết định của WHO, sẽ triệu tập lại vào ngày 9/11.
Theo thông cáo báo chí, 4 nhà lập pháp châu Âu Waldemar Andzel từ Ba Lan, Istvan Tiba từ Hungary, Peter Osusky từ Slovakia, và Marek Benda từ Cộng hòa Séc – đã gửi một lá thư chung tới ông Tedros hôm 22/10.
102 nhà lập pháp và các quan chức từ Estonia, Latvia, và Lithuania đồng ký thư.
Biểu tình đại dịch là phép thử ảnh hưởng của TT Nga Putin ở các nước Liên Xô cũ
Reuters đưa tin, khi những thường dân xông vào các tòa nhà chính phủ và truy đuổi tổng thống tại nước cộng hòa Trung Á Kyrgyzstan sau cuộc bầu cử tranh chấp hồi tháng trước, Vladimir Putin dường như không mảy may quan tâm.
Tuy nhiên, trong một hội thảo truyền hình của Câu lạc bộ thảo luận Valdai, có sự tụ họp của các chuyên gia Nga, từ dinh thự của mình, Putin nói rằng: “Mỗi khi họ có một cuộc bầu cử, thực tế là họ có một cuộc đảo chính”, “Điều này không vui chút nào.”
Nhận định của Putin có thể có giá trị, bởi lẽ Kyrgyzstan, một nền dân chủ nghị viện trên giấy, đã trải qua 3 cuộc cách mạng trong hai thập kỷ qua. Nhưng cuộc cách mạng mới nhất này thì lại khác. Phong tỏa đã diễn ra gay gắt đối với hàng triệu người trên toàn thế giới và các cuộc phản đối đang gia tăng khi các hạn chế gia tăng.
Kyrgyzstan, quốc gia 6,5 triệu dân, không phải là nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ duy nhất gần đây đã bừng cháy, nhấn mạnh rằng sự kìm kẹp của Nga đối với khu vực mà họ từng kiểm soát nay đã suy yếu.
Putin còn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị do Covid gây ra ở khoảng 4.500 km về phía tây ở Belarus, một nước thuộc Liên Xô cũ, nơi có đồng minh thân thiện và nhà lãnh đạo kỳ cựu Alexander Lukashenko đã bác bỏ tính nghiêm trọng của căn bệnh và bảo người dân uống vodka để xua đuổi nó.