Tin Việt Nam sáng thứ Tư

Phó chủ tịch tỉnh Phú Yên còn yêu cầu các địa phương phải chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm. Nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu; các nhà không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Sơ tán hàng nghìn người khỏi vùng sạt lở

Ngày 5/11, bão Goni có thể đổ bộ đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, để ứng phó với bão số 10 sắp đổ bộ vào miền Trung, Quảng Ngãi quyết định sơ tán hàng nghìn người ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở núi.

Theo yêu cầu này, các huyện Sơn Tây, Minh Long và Sơn Hà phải tổ chức sơ tán, di dời dân, công nhân đang ở những khu vực sạt lở núi đến nơi trú tránh an toàn trước 17h ngày 3/10.

Trao đổi với Zing, ông Phùng Tô Long, Phó chủ tịch huyện Sơn Hà, cho biết địa phương đang lên phương án tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm nứt núi đến nơi an toàn trú tránh bão số 10.

“Chúng tôi sẽ sơ tán 21 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu ở làng Bồ, thị trấn Di Lăng đến trú tạm ở trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Sơn Hà nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trước khi cơn bão ập tới”, ông Phùng Tô Long, Phó chủ tịch huyện Sơn Hà, cho Zing biết.

Còn ông Võ Thìn, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho hay địa phương đã động sơ tán 630 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu tại 52 điểm sạt lở núi.

“Số hộ dân ở vùng nguy hiểm lở núi ở các xã Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Mùa, Sơn Bua và Sơn Dung cần phải sơ tán khẩn cấp trước bão số 10 trước 17h chiều nay”, ông Thìn nói.

Tổ trưởng dân phố giả chữ ký người dân trong danh sách nhận gạo cứu đói

Liên quan vụ việc “Bớt xén gạo cứu đói dân nghèo?” mà Báo Người Lao Động đã phản ánh, ngày 2/11, ông Hoàng Văn Chuẩn – Tổ trưởng Tổ dân phố 1, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông – thừa nhận người dân phản ánh là đúng.

Theo ông Chuẩn, những hộ bị cấp thiếu gạo là do tổ dân phố bớt lại để san sẻ cho các hộ khác ngoài danh sách.

Đối với 4 hộ không được nhận gạo, ông Chuẩn cho biết do tổ dân phố thấy họ có nhiều lúa trong nhà nên đã tự cắt.

Về việc người dân phản ánh những đợt cấp phát gạo cứu đói trước, nhiều người bị giả chữ ký, ông Chuẩn phân trần rằng, đợt cấp gạo hồi Tết Nguyên đán lâu quá, ông không nhớ nổi?!.

Bộ trưởng GTVT lại xin rút kinh nghiệm về đường sắt đô thị

Trước bức xúc của dư luận về việc các dự án đường sắt đô thị đội vốn và chậm tiến độ trong thời gian qua, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sáng 2/11 trong buổi giải trình trước quốc hội một lần nữa nói ‘xin được rút kinh nghiệm!’.

Trước đó, báo VnExpress dẫn lời đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, Hà Nội và TP.HCM đang trở thành các siêu đô thị, gây sức ép lớn lên cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Vì thế, việc xây dựng đường sắt đô thị được coi là giải pháp mang tính then chốt. Tuy nhiên một số tuyến đang triển khai đều gặp vấn đề chung là vốn đầu tư hàng tỷ USD nhưng chậm tiến độ, đội vốn… gây bức xúc dư luận.

Trong những dự án bị đội vốn và chậm tiến độ, nổi cộm nhất phải kể đến tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Dự án này khởi công từ tháng 10/2011, dự kiến vận hành vào quý II/2019, nhưng đến nay chưa xác định được ngày vận hành chính thức.

Tuyến đường có chiều dài hơn 13km, tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng, sau đó đội lên 18.000 tỷ đồng. Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là gần 14.000 tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 4.000 tỷ đồng.

Cháy quán bar ở Vĩnh Phúc, 3 vũ công tử vong

Vào Khuya 2/11, tại tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra một vụ hoả hoạn khiến 3 người tử vong.

Theo giới chức trách, vụ việc xảy ra tại một quán bar ở thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường. Nguyên nhân ban đầu do có người đốt pháo điện. Tia lửa bén vào bóng bay có khí hydro treo ở trần nhà dẫn tới hỏa hoạn.

Do toà nhà được xây kiên cố nên lực lượng cứu hộ phải dùng xe chuyên dụng phá tường để tiếp cận hiện trường. Đến rạng sáng ngày 3/11 vụ cháy mới được dập tắt.

Ba nạn nhân chết do ngạt khí được xác định là 3 nữ vũ công được mời đến phục vụ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập quán.

Hàng trăm phụ huynh TP.HCM đến trường vì bữa ăn, hiệu trưởng xin lỗi

Truyền thông trong nước sáng 3/11 đưa tin, hàng trăm phụ huynh tiếp tục lên Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9, TP.HCM) để phản đối về suất ăn bán trú kém chất lượng của nhà trường.

Trước đó Báo Người Lao Động có bài điều tra về bữa ăn của trẻ ở trường Tiểu học Trần Thị Bưởi. Kết quả ghi nhận khiến phụ huynh không khỏi xót xa khi bữa ăn của các em chỉ có trứng đúc thịt, canh rau toàn nước và chuối tráng miệng. Chưa dừng lại ở đó, các phụ huynh còn phát hiện thực phẩm cung cấp cho bếp ăn còn bị hư, thối và chỉ có giá bằng 1/3 giá thị trường.

Trao đổi với báo chí sáng 3/11, bà hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hương đã xin lỗi và cho hay, ngay trong sáng nay, trường đã dùng thực phẩm của nhà cung cấp khác theo yêu cầu của phụ huynh.

Trong khi đó bà Trưởng phòng Giáo dục quận 9 Nguyễn Thị Thu Hiền, thì cho biết, ‘bà rất buồn khi xảy ra sự cố như trên và hứa rút kinh nghiệm sâu sắc’.

Ông Phạm Phú Quốc bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội

Truyền thông nhà nước CSVN vừa loan tin cho biết ông Phạm Phú Quốc, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Lý do ông Quốc bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội vì ông này “xin nhập Quốc tịch Cộng hòa Síp và đã có quốc tịch Cộng hòa Síp nhưng không báo cáo với cơ quan, tổ chức là không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn ĐBQH theo quy định tại Điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội.

Sai phạm của ông Phạm Phú Quốc là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong công luận và trong Nhân dân, uy tín của ông Phạm Phú Quốc bị giảm sút; cử tri thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ sự không tín nhiệm và đề nghị Quốc hội bãi nhiệm ĐBQH Phạm Phú Quốc”, báo chí Việt Nam cho biết.

Hôm 2/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

Trước đó, hồi tháng 8/2020, Hãng tin Al Jazeera (Qatar) tung loạt bài viết cho biết chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD có thể sở hữu hộ chiếu nước này, đồng nghĩa cá nhân đó trở thành công dân Liên minh châu Âu (EU), được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.

Ông Phạm Phú Quốc và vợ nằm trong danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu Cộng hòa Síp mà Al Jazeera tiết lộ.

Theo tài liệu mật trong loạt bài điều tra của Al Jareeza (Qatar), đơn xin quốc tịch của bà Nguyễn Phan Diệu Phương cùng chồng là đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc được Bộ Nội vụ Cộng hòa Síp thông qua ngày 12/12/2018.

Trả lời truyền thông trong nước hôm 25/6, ông Quốc thừa nhận có quốc tịch Síp từ giữa năm 2018, tuy nhiên quốc tịch này là do gia đình ông bảo lãnh. Ông cho biết thông tin về việc ông mua quốc tịch thứ hai là không chính xác.

Đáng chú ý, liên quan đến vụ việc này, trong buổi họp báo được tổ chức tại TP.HCM hồi tháng 8, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng “không nên suy diễn từ đâu mà đại biểu Phạm Phú Quốc có 2,5 triệu USD để mua quốc tịch Síp, nên tôn trọng lời ông Quốc là do gia đình bảo lãnh, không nên đưa vấn đề đi xa quá”.

Related posts