- Xuân Lan
Theo dự thảo Luật cảnh sát biển mới, lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc sẽ được phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài được cho là hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của họ.
Văn bản do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc công bố hôm 4/11 quy định rằng các tàu hải cảnh có thể sử dụng vũ khí cầm tay để chống lại các tàu bị coi là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trong trường hợp khẩn cấp hoặc phớt lờ cảnh báo.
Tài liệu nói rằng trách nhiệm của lực lượng bảo vệ bờ biển bao gồm bảo vệ tài nguyên biển và ngành đánh cá của Trung Quốc. Luật mới của Trung Quốc sẽ cho phép các tàu tuần duyên đang bị tấn công đáp trả bằng vũ khí trên tàu hoặc đường không. Nó cũng cho phép áp dụng các biện pháp khác, chẳng hạn như giam giữ và lai dắt đối với các tàu nước ngoài được coi là đã đi vào vùng biển Trung Quốc trái phép.
Luật cũng liệt kê việc thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ các đảo chiến lược, vùng đặc quyền kinh tế và các đảo nhân tạo như một phần nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ bờ biển. Các nhà phân tích cho rằng đây là ám chỉ đến các đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Dự kiến, luật mới này sẽ được thông qua sớm nhất vào tháng 12.
Động thái của Bắc Kinh cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc tự do hơn trong việc sử dụng vũ khí đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra đụng độ xung quanh quần đảo Senkaku, hay Điếu Ngư theo cách Trung Quốc gọi. Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố chủ quyền quần đảo này và các tàu Trung Quốc, bao gồm cả tàu tuần duyên, đã được phát hiện gần như hàng ngày trong khu vực.
Điều này khiến Nhật Bản lo ngại có thể dẫn đến việc nhiều tàu tuần duyên Trung Quốc sẽ đi vào lãnh hải của Nhật Bản với luận cứ là để bảo vệ các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động quanh Senkaku.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết hôm 5/11 rằng Tokyo sẽ “tiếp tục theo dõi chặt chẽ những diễn biến liên quan đến lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc” và các cơ quan chính phủ liên quan cũng đang tiến hành thu thập thông tin, theo tờ Nikkei.
Tại Nhật Bản, việc sử dụng vũ khí có những hạn chế rất chặt chẽ. Luật pháp Nhật Bản yêu cầu xác nhận rõ “hoạt động đáng ngờ” trên tàu nước ngoài và thậm chí sau đó cấm các phản ứng có thể khiến tính mạng con người gặp nguy hiểm trừ khi đáp ứng một số điều kiện cụ thể,.
Từ lâu, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã thúc đẩy việc hợp nhất lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc với lực lượng hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân.
Lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc có 130 tàu tính đến cuối năm 2019, gần gấp đôi số tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và đã được xác nhận có tàu trọng tải hơn 10.000 tấn được trang bị pháo 76 mm, được cho là tàu tuần duyên lớn nhất thế giới.
Xuân Lan (theo Nikkei)