Lê Văn Ngọc
Trong Việt Luận số 3265 ra ngày Thứ Sáu 11/9/2020 có đăng một bài “Phỏng vấn giáo sư Trần Ngọc Vương: Tôi sốc khi đọc được cẩm nang thủ đoạn chính trị của Trung Quốc”.
Chúng ta bỏ qua ý hướng chính trị của nhà cầm quyền Cộng Sản khi cho phát tán một cuộc phỏng vấn với nhiều yếu tố chống Trung Cộng. Hãy so sánh với việc trước đây không bao lâu, hơi nói động đến “nước lạ” là bị bắt bớ tù đầy. Có lẽ tình hình đã thay đổi, nên chính quyền Cộng Sản ném đá dò đường, vừa đo phản ứng của Trung Cộng, vừa xem lòng dân đối với Trung Cộng cũng như đối với Đảng CSVN.
Qua những câu hỏi của phóng viên, ta thấy rõ người hỏi và người đáp đều muốn nói lên tham vọng trống trị thế giới của Trung Cộng, cùng thủ đoạn chính trị truyền thống được bí truyền cho những người lãnh đạo quốc gia. Kẻ tung người hứng đều muốn nêu bật tham vọng và cá tính tàn nhẫn của lớp cầm quyền: “Căn tính của người Trung Quốc là căn tính sói – một loài ranh mãnh, thủ đoạn, độc ác nhất trên cả thảo nguyên, bình nguyên và cao nguyên.”
Trần Ngọc Vương nói rõ thời gian mà các lãnh đạo Trung Cộng cho phát tán tư tưởng gọi là “long đồ đằng” (sói totem) và “Trung Quốc mộng” để vực dậy tinh thần mới của dân Trung Cộng: “Bấy giờ họ đang muốn tuyên truyền một tinh thần khác, một không khí khác, đó là tính chiến đấu với tinh thần quật cường của người dân nước họ”.
Nói như thế thì cái tinh thần trước đó của người dân là gì? Hẳn là họ đã thâm nhiễm cái tinh thần Cộng sản mà ngay từ khi làm chủ cả Trung Hoa lục địa, Mao Trạch Đông đã muốn uốn nắn tinh thần dân chúng qua sự chỉ đạo của ông đối với các văn nghệ sĩ: “Cuộc đại cách mạng văn hoá nhằm mục đích cách mạng hoá tư tưởng con người. Công tác của chúng ta do hàng ngàn quy tắc chi phối, xét cho cùng, có thể tóm tắt vào một câu: biến cải tâm hồn con người và quét sạch ảnh hưởng của ý thức hệ các từng lớp bóc lột trong đầu óc con người, nhờ tư tưởng Mao Trạch Đông.”
Lâm Bưu phát triển thêm: “ Nhiệm vụ chính yếu của cuộc Đại cách mạng vô sản chúng ta là làm sao dân chúng hết sức rộng rãi thấm nhuần tư tưởng Mao Trạch Đông.”
Và Vệ binh đỏ được giao cho nhiệm vụ đi khắp nơi đem theo một tập sách đỏ, truyền bá tư tưởng Mao Trạch Đông triệt hạ tất cả những kẻ chống với tư tưởng đó” (1)
Như vậy “văn hoá Cộng sản” đã tạo nên tinh thần Cộng Sản nơi những người Trung Hoa gọi là mới, sống trong xã hội chủ nghĩa Trung Quốc. Hiển nhiên nó không còn tinh thần dân tộc. Khi những người lính Trung Cộng tham chiến ở trận chiến tranh Triều Tiên, họ được động viên như là “làm nghĩa vụ quốc tế”; cũng như sau này Việt Cộng đưa bộ đội sang Cambodia cũng dưới tinh thần “nghĩa vụ quốc tế”.
Đã là những người Cộng sản thì hiển nhiên mộng của họ phải là xây dựng một xã hội Cộng sản, ở đấy không có cảnh người bóc lột người, làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu. Một Thiên Đường cộng sản nơi hạ giới khác với quan niệm Thiên Đường viển vông duy tâm của tư sản. Nhưng quyển sách “Trung Quốc mộng” của Lưu Minh Phúc (một Đại tá trong quân đội và là một giáo sư Đại học Quốc phòng Bắc Kinh) xuất bản năm 2009. Theo Gs. Trần Ngọc Vương thì: “Song viết Trung Quốc mộng, Lưu Minh Phúc mới chỉ tiếp cận một góc tham vọng của nhà cầm quyền. Đọc kỹ thì góc tuyên truyền của Lưu Minh Phúc là duy trì cảm hứng chủ đạo trong tư tưởng của Đặng Tiểu Bình “Thao quang dưỡng hối” và trổi dậy một cách hoà bình”.
Ở đây, họ Trần đã lầm mục tiêu với chiến lược của các lãnh đạo Trung Cộng. “Thao quang dưỡng hối” chỉ là một giai đoạn mà ngay từ xưa, người Tàu đã dạy nhau khi muốn làm việc lớn. Xem trong Kinh Dịch, sách gối đầu giường của giới lãnh đạo. Đó không chỉ là một cuốn sách bói, mà là những yếu tố tiên liệu trước khi hành động. Chính sách “thao quang dưỡng hối” so sánh với Kinh Dịch phải là hào sơ cửu của quẻ Càn: “Tiềm long vật dụng” (phải ẩn náu trong bóng tối chưa nên vội ra mặt hành động.)
Trong lịch sử Trung Hoa, ngay từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, những kế khổ nhục, thao quang dưỡng hối đã được dùng rất nhiều, để thừa lúc địch khinh thường không ngờ, đã đoạt chiến thắng. Việt Vương Câu Tiễn đã dùng cả hai kế ấy mà diệt nước Ngô.
Đặng Tiểu Bình thay thế Mao Trạch Đông đưa ra kế hoạch “thao quang dưỡng hối” để thay đổi Trung Cộng sang một thứ xã hội vẫn mang danh là Cộng hoà Xã hội, nhưng thực chất từ quan niệm đến chiến lược đã thay đổi theo cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vì vậy chỉ trong vòng 30 năm, Trung Cộng đã tiến như phóng viên đặt câu hỏi với Trần Ngọc Vương: “Với xuất phát điểm không ít khó khăn, việc Trung Quốc vươn lên, trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ Hai thế giới thực sự là kỳ tích. Trong thiết kế của Đặng Tiểu Bình,”trổi dậy một cách hoà bình” là một trong những cảm hứng chủ đạo.”
Phải hiểu từ ngọn nguồn từ khi Mao Trạch Đông muốn tạo Trung Hoa thành một nước Cộng sản để mở rộng Đế quốc đỏ với Liên Xô. Cộng Sản buổi đầu nuôi mộng nhuộm đỏ cả thế giới. Mao Trạch Đông muốn duy tân Trung Hoa theo đường hướng mà ông nghĩ là hơn hẳn chủ nghĩa Dân chủ Tự do được Tưởng Giới Thạch lãnh đạo. Phe theo Cộng lúc ấy chỉ trông vào Nga Xô nghĩ rằng họ chống Tư bản, vốn là những nước đã xâu xé Trung Hoa. Họ theo Nga vì nghĩ rằng chủ nghĩa Cộng Sản là khắc tinh của Tư bản, và rõ ràng nhờ Cộng Sản nước Nga xem ra hùng mạnh hơn thời Nga Hoàng (Ít nhất cũng ở nghệ thuật tuyên truyền của Cộng Sản Nga).
Nhìn về phương diện xã hội học, cuộc cách mạng nào cũng phải trải qua 3 giai đoạn có tính chất biện chứng mà Hồ Hữu Tường, người ngày trước đã theo chủ thuyết Cộng sản Đệ Tứ phát biểu từ 1948 trong tác phẩm “Phi Lạc sang Tầu”: “Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ “Tạo loạn”, tức là làm sao cho cái chánh phủ cũ phải bị lật đổ, chế độ cũ phải rung rinh. Trong thời kỳ này, phải dùng sức bất bình của dân chúng làm cái sức nổ vỡ lên, để tung nhào những cái khuôn khổ cũ. Vậy thì phải huy động dân chúng, bằng đình công, biểu tình, nổi loạn bạo động khởi nghĩa.
Thời kỳ thứ hai là thời kỳ “Tạo trị” tức là làm sao đem một chính phủ mới mà đặt lên, một chế độ mới mà xây dựng. Trong thời kỳ này phải đem một cái khuôn mà tròng vào dân chúng. Không khác nào đem cái niềng kim cô mà đặt vào đầu Tôn Hành Giả vậy. Thế nên phải lấy một lực lượng có tổ chức sắt thép là lực lượng cảnh sát để xếp quần chúng đang loạn kia vào một trật tự mới, vào cái trị.
Thời kỳ thứ ba là thời kỳ “Kiến thiết”. Một trật tự mới đã lập, cần xây dựng nền tảng kinh tế xã hội chính trị, văn hoá cho vững chãi để cho trật tự này đừng phá hoại mà trở lại cái cũ. Trong công việc này cần người khéo tổ chức, nhiều sáng kiến, có tài chỉ huy. Tóm một lời là những kẻ chuyên môn. Muốn cho họ làm việc được thì phải để cho họ cầm quyền.(2)
Thực tế là Cộng Sản trên thế giới từ Nga cho đến thứ “tép riu” là Việt Nam đều không thể bước sang giai đoạn ba được vì sự bất lực và mâu thuẫn tâm lý ngay chính giai cấp cầm quyền. Mao Trạch Đông khi đã diệt hết các thế lực phản động là trí thức, bằng cuộc cách mạng văn hoá long trời lở đất thì không sao kiến thiết được Trung Hoa. Lũ gọi là “quần chúng cách mạng” ngu dốt như một đàn cừu chỉ biết theo lệnh của con chó săn (cảnh sát) mà lao động.
Bên Liên Xô, thế hệ thay thế Stalin là thế hệ bắt đầu có học và đối diện với sức cản của giai cấp lãnh đạo thủ cựu nên sinh ra sức bật “xét lại”. Hiển nhiên theo quy luật xã hội và tâm lý nó quay lại cái cũ, tức là quan niệm tích lũy tư hữu cá thể. Mao Trạch Đông không bắt được xu hướng lịch sử ấy, nên đã phản ứng lại bằng cách “giương cao ngọn cờ Cộng Sản” để muốn thay thế Nga lãnh đạo Cộng Sản thế giới. Quyết định ngu dốt này càng đẩy xã hội Trung Hoa xuống chỗ nghèo đói.
Mỹ cũng như khối Âu châu đã giúp Trung Hoa kỹ thuật và chuyên viên để giải quyết giai đoạn ba của cách mạng và đưa Trung Quốc trở lại quan niệm Đế quốc Hán tộc. Nếu hiểu rõ nguyên ủy của việc hiện đại hoá Trung Hoa thì sẽ không ngạc nhiên và sẽ không đánh giá quá cao sự tiến bộ của Trung Cộng hiện đại: “Trung Quốc vươn lên trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thực sự là kỳ tích.” Vì để đạt được kỳ tích này, Trung Hoa phải trả giá đắt với sự tàn phá môi trường cùng cuộc sống nghèo khổ của đại chúng nhân dân, trừ giai cấp đảng viên Cộng sản.
Về mặt xã hội, nó cũng làm vong thân người dân Trung Hoa. Nói gọn là mất văn hoá, mất bản sắc Trung Hoa truyền thống. Đó là điều mà Trần Ngọc Vương trả lời cho phóng viên báo Phụ Nữ T.P.HCM: “Đặc điểm nào của con người sống trên đất đó khiến ông nhớ nhất?” – “Con người ở đó không có ý thức về sinh mệnh hay thân phận. Cái gọi là “nhân thân” ở đây vô nghĩa. Không ai quan tâm, không ai muốn, không ai cần biết anh là ai: anh cũng chỉ như cái cây, ngọn cỏ ven đường. Họ chỉ cần biết người đó là da đen hay da trắng, là người giống họ hay không.”.
Những “cá thể” gọi là “con người xã hội chủ nghĩa” ấy là kết quả của giai đoạn thứ hai của cách mạng, tức là: “đem một cái khuôn khổ mà tròng vào dân chúng,” bằng cách dùng lực lượng cảnh sát để xếp quần chúng đang loạn kia vào trật tự mới. Những cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất này cùng cuộc cách mạng văn hoá đã uốc toàn dân vào cái khuôn xã hội chủ nghĩa. Cá thể vật chất chỉ đo bằng sức lao động. Tinh thần thì mọi cảm xúc suy tư cá nhân phải chôn chặt đáy lòng, để khóc cười theo sự đạo diễn của cán bộ. Và chính những cán bộ cũng phải khóc cười theo chỉ đạo của các “anh lớn” ở Trung Ương.
Cũng theo Trần Ngọc Vương thì: “Đó là lần đầu tiên tôi đến một cộng đồng mà cảm giác sự vô nghĩa của thân phận cá nhân rõ ràng đến vậy.”
Theo hình chụp (vì không có chi tiết về tiểu sử của Gs Trần Ngọc Vương nên những chi tiết cho ta xác định tư duy của ông cũng rất hạn chế), chỉ “trông mặt mà bắt hình dong” thì giáo sư hẳn phải sinh ra và trưởng thành sớm nhất là hậu bán thế kỷ 20. Nghĩa là ông hoàn toàn trưởng thành trong giáo dục xã hội chủ nghĩa, và sống trong chế độ. Cũng không thấy nói ông có du học bên Trung Hoa không? Ông được mời sang Bắc Kinh dậy học. Dạy cái gì không biết? Điều ông đã cảm nhận rõ ràng là là “con người ở đó không có ý thức về sinh mệnh hay thân phận”. Đúng ra thì ông phải biết đó là hệ quả của một hệ thống gọi là giáo dục, nhưng thực chất là huấn luyện ra con người vong thân. Sống trong chế độ phi nhân Cộng sản là nếu không mất bản chất thì cũng phải tỏ ra mất bản chất để sống còn. Hiển nhiên là sống ở Việt Nam và tham gia hàng ngũ gọi là “trí thức xã hội chủ nghĩa”, giáo sư không biết gì về quần chúng ở xung quanh mình, nên mới lạ lùng khi thấy dân ở Bắc Kinh. Cơ bản của người dân lao động cũng như trí thức trong xã hội Cộng sản phải tự lừa dối mình, lừa dối người mà sống để chờ một cái gì đó đổi đời. Như vậy để thấy một điều là kiến thức về văn hoá Trung Hoa của ông Vương vì không được tham khảo nhiều nghiên cứu kể cả trái chiều nên rất hạn hẹp. Điều ông nói: “Người Trung Quốc, đặc biệt là giới cầm quyền luôn tin vào “trực giác định hướng” của mình. Họ thường giương Đông kích Tây. Thậm chí họ còn tưởng tượng các tình huống có thể xảy ra, và luôn có sẵn “bài” để đối phó với tình huống tưởng tượng đó. Đấy là đặc điểm phức tạp nhất để hiểu giới chính trị cực quyền, thượng đỉnh của Trung Quốc.”
Có chính khách hay nhà quân sự cổ kim nào trên thế giới mà không biết giương Đông kích Tây?, hay tưởng tượng ra những tình huống đặc biệt để trù liệu biện pháp đối phó? Phải nói việc tích lũy mưu kế để đối phó với tình hình xã hội vốn có từ rất lâu và là điều kiện để trở thành tướng hay quân sư. Câu đối “Kinh luân khởi tâm thượng; Binh giáp tàng hung trung” (Kinh luân và mưu lược đều có sẵn ở trong lòng) là khả năng tuyệt vời của kẻ sĩ sẵn sàng phục vụ Vua thi hành chính sách của Thiên Tử. Ngày nay Trung Cộng cũng không làm gì khác với truyền thống “Thiên triều” xưa, chỉ có việc tuyển chọn người vào bộ tham mưu là còn căn cứ vào đảng tịch, chứ không căn cứ vào khoa cử như xưa. Sự không hiểu biết về truyền thống Trung Hoa của Gs Vương có lẽ là do hạn chế trong các tư liệu khi còn đi học, và kể cả khi làm việc nghiên cứu. Sự cấm tiếp xúc văn hoá “phản động” làm cho kiến thức của các “học giả” Cộng sản trở nên rất hạn hẹp.
Không kể đến những “học giả” được học trong thời đại Cộng sản với những tư liệu do Đảng biên chế để nắm tinh thần người dân vào khuôn mẫu do Đảng định. Thí dụ điển hình là khuôn mẫu “khởi nghĩa nông dân” để tròng vào đầu truyện Thủy Hử, thực chất chỉ là miêu tà hành động chống đối bức hại của gian thần trong triều đình đối với người lương thiện, trung nghĩa và thẳng thắn. Làm gì có ông nông dân nào ở đây đủ khả năng mà làm khởi nghĩa chống lại chính quyền: “Trong lịch sử văn học Trung Quốc, chưa có một tác phẩm nào phản ảnh những cuộc đấu tranh giai cấp của nông dân, khởi nghĩa nông dân và chiến tranh nông dân nhiều và quan trọng như vậy với quy mô lớn như “Thủy Hử truyện”.
Áp bức giai cấp là nguyên nhân cơ bản làm nảy sinh khởi nghĩa nông dân. Qua miêu tả các nhân vật và sự kiện, Thủy Hử truyện về khách quan đã chỉ ra chân lý ấy”.(3)
Những ai đã từng đọc truyện Thủy Hử (với bản dịch đầy đủ và giá trị của Tử Vi Lang ở Saigon trước 1975) đều rõ những khẳng định rẻ tiền về đấu tranh giai cấp được gán cho truyện của những nhà phê bình duy vật biện chứng. Ở đây chúng ta không muốn mất thì giờ để nêu lên sự bất cập và hoang tưởng của các nhà phê bình văn học cộng sản; mà chỉ nói lên nguyên nhân yếu kém về văn học, triết học Trung Hoa của những “học giả” Việt Cộng học và dạy văn hoá Trung Hoa.
Do đấy, khi tiếp xúc với tác phẩm “Phản kinh”, ông Ngọc Vương đã nghi về nội dung quá quan trọng của nó. Theo ông quyển sách được một nhà xuất bản không có tên tuổi là (nxb Nội Mông), nhưng ông đã rất xúc động khi đọc phần giới thiệu sách: “Họ viết rất rõ “lịch đại thống trị giả, hành nhi bất ngôn, dụng nhi bất tuyên đích kỳ thư”, có nghĩa là cuốn kỳ thư mà kẻ thống trị các đời làm theo nhưng không nói, dùng nhưng không công bố”. Do từ lời giới thiệu này của nxb, giáo sư Ngoc Vương “sốc”: “Tôi giật mình, sách này là sách cấm, riêng phần giới thiệu đã thấy kinh hoàng. Hơn một ngàn năm, sách chỉ dành cho tầng lớp cao nhất của bộ máy cai trị. Dưới thời Minh, Thanh, ai đọc sách cấm mà bị phát hiện là phạm tội đại hình, bị giết.”
Không có một điều luật hay một sử liệu nào nói đến những sách cấm ở thời Đường đến cuối đời Thanh. Đời Khang Hy nhà Thanh có giết tác giả và đốt sách viết chống đối nhà Mãn Thanh xâm lăng diệt nhà Minh và cai trị Trung Hoa. Cuộc xâm chiếm này làm cho một số dân mến tiếc nhà Minh nổi dậy với chiêu bài “phản Thanh phục Minh”, nên mới có đàn áp và cấm đoán. Trung Hoa ở các đời từ Đường đến Thanh không có bộ Kiểm duyệt. Các nhà nho, lực lượng tham gia cai trị xã hội, giúp Vua và Triều đình để an dân, đã chủ trương “văn dĩ tái đạo” để đòi hỏi những tác phẩm văn nghệ phải có tính chất giáo dục, đề cao đạo đức, nhằm tạo người dân sống hòa hợp trong nền văn hoá Trung Hoa đáng gọi là đỉnh cao ở thời ấy. Xã hội nông nghiệp với nền hành chánh quân chủ tập trung có chính quyền địa phương trực thuộc Triều đình, nên xã hội có yên bình, nhưng không thể phát triển giàu mạnh được.Người dân thiếu thốn, luôn phải lao động cực khổ. Thời tiết bất thường khiến mùa màng thất bát, chỉ đủ sống là may. Cho nên trong nước luôn có người chết đói. Nếu dân có hưởng ứng một số người gọi là anh hùng làm loạn thì cũng chỉ là muốn được cải thiện thuế má, công dịch do nhiều quan lại tham nhũng ức hiếp dân. “Cướp ngày là quan” chính là bóp chẹt dân để kiếm bổng lộc. Không làm gì có thứ “khởi nghĩa nông dân” để chống lại giai cấp thống trị như các sử gia Công sản “phán”. Không có ai đặt câu hỏi khi các sử gia này bảo loạn An Lộc Sơn và loạn Hoảng Sào là khởi nghĩa nông dân rằng: Sau khi chiếm cứ được đất đai và dân chúng thì ông Hoàng Sào lại lên làm vua, và các ông nông dân vẫn được nộp thuế và sưu dịch với Vua mới.
Hơn nữa trong thời phong kiến Trung Hoa, sách vở rất hiếm. Người ta in chủ yếu là Tứ thư Ngũ kinh để dạy học trò. Những sáng tác văn học của cá nhân nhiều khi chỉ lưu truyền nơi những bè bạn thân thích bằng sự sao chép. Vấn đề xuất bản văn học rất hạn chế, không phải vì chính quyền cấm đoán, mà vì xã hội nghèo, sự in ấn hãy còn bằng thủ công nên rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Thí dụ như bộ “Tứ khố toàn thư” làm vào đời Thanh cũng chỉ được chép có 4 bản.
Trở lại với trường hợp sách “Phản kinh” thì theo ông Ngọc Vương (không biết căn cứ vào đâu) nói rằng: “Tác giả Triệu Nhuy đỗ Tiến sĩ thời Trung Đường, viết xong bộ sách này, vào gặp Vua một lần, dâng cho Vua bộ sách và từ chối tất cả những lời ban khen, phong tặng, xin lui về quê rồi biệt tăm không ai biết. Từ đời Đường qua Tống, Nguyên, Minh, Thanh, cuốn sách ấy chỉ được nằm trong bí thư các của Vua, cũng không đưa xuống Tứ khố toàn thư. Đến tận đời Càn Long, ông mới sai những đại học sĩ sao chép ra vài bản, phân hạng mục trong tứ khố toàn thư, nhưng vẫn không lưu hành ra ngoài.”
Mặc dù vào đời Thanh, nhiều tác phẩm đồ sộ như Thủy Hử truyện, Hồng Lâu Mộng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, còn những sách về lý luận tư tưởng không có nhiều nên không được dân chúng đón nhận. Có lẽ sách “Phản kinh” cũng bị bỏ quên lâu năm trong bí thư các, không phải vì bị cấm, mà vì không ai ham thích. Ngày trước không hề có một giai cấp thống trị dạy bảo riêng cho nhau mưu lược, thủ đoạn để trị dân như trong xã hội Cộng sản ngày nay, ban Bí thư Trung ương dạy nhau thủ đoạn và mánh khoé. Ở thời Phong kiến, việc tuyển lựa quan lại đều do khoa cử. Việc có những thủ đoạn tàn độc, lưu manh, lừa dối là do “bẩm sinh” của một số người đã khéo thi thố mà lên ngôi thống trị thiên hạ.
Theo Ngọc Vương thì sách Phản Kinh được dâng lên vua đời Trung Đường, nhưng không nói là vua nào. Căn cứ vào sử thì thời Trung Đường là một thời kỳ loạn lạc. Dân ở bốn phương loạn lạc đói khổ. Triều đình thi xa xỉ, gian thần lộng quyền khiến gây ra nhiều loạn. Các sử gia ấn định thời Trung Đường có 110 năm (713 – 823 ) và là thời kỳ không yên ổn với những ông vua ăn chơi và loạn luân như Huyền Tông, nên xảy ra những gian thần như Lý Lâm Phủ cùng với loạn Hoàng Sào và An Lộc Sơn. Sự phát triển về văn học cũng kém. Một số văn nghệ sĩ thời Trung Đường có khuynh hướng xã hội. Điển hình như Mạnh Giao cực tả nếp sống đói khổ của người dân, đối chọi với sự sa hoa, tàn bạo của quý tộc:
Gió rét không lửa sưởi,
Thức giấc lúc nửa đêm.
Gió như tên xuyên thấu,
Tê buốt nắm xương tàn.
Sương lọt qua vách thủng,
Tránh sao cảnh lầm than.
Sáng rồi còn tiếng pháo,
Tiệc nhà ai rượu tràn.
Rét quá muốn làm bướm,
Chết thiêu chốn giàu sang.
Chốn ấy sao xa cách,
Vạn vòng bay lực tàn.
Muốn gần chốn cửa quan,
Nên xương nát thịt tan.
Khách mời ai vậy nhỉ?
Quân tử ngậm ngùi than.
(Hàn địa bách tính ngâm) (4)
Giới cùng khổ là nông, công dân cùng các nhà nho chưa thành đạt, hay bị phế bỏ. Việc thi cử ở đời Trung đường đã có quy củ, nhưng vẫn thiên về từ chương. Phần lớn các nhà thơ đời Đường đều có học vị cao và lảo đảo nơi hoạn lộ. Một Hàn Dũ dâng sớ can vua rước xá lợi Phật vào thờ trong cung thì bị biếm đi xa. Vậy một Triệu Nhuy dâng sách được vua khen tặng có lẽ Vua cũng chưa đọc, nên ông nhất định không nhận ân sủng, mà xin về ở ẩn rồi tuyệt tích.
Chúng ta không rõ năm xuất bản của Phản Kinh, vì đúng là giáo sư Ngọc Vương không có kinh nghiệm về văn bản học, nên đã không để ý đến nội dung của các văn thi phẩm Trung Hoa xuất bản trước hay sau năm Trung Cộng cai trị toàn cõi Trung Hoa.(1949) và thi hành một thứ gọi là “văn hoá Mac-xit Lêninnit”.
Cũng theo Ngọc Vương thì bản của nxb Ngoại Mông đầu tiên ra mắt độc giả với lời tựa của vua Càn Long và đại học giả nổi tiếng nhất của đời Càn Long là Kỷ Hiểu Lam hiệu đính cuốn sách. Chúng ta không có sách Phản kinh để xem lời tựa và hiệu đính của học giới thời phong kiến. Còn phần giới thiệu ắt là của nhà xuất bản thời hiện đại, nghĩa là theo lập trường văn hoá Maxit. Ta đọc chữ “thống trị” cũng biết quan niệm giai cấp của học giới Trung Hoa ngày nay, vì ở thời gọi là Phong kiến, không hề có giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Trong xã hội tuy có phân biệt dân với quan, nhưng không hẳn quan lại nào cũng bóc lột, hay có khả năng bóc lột quần chúng. Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị đều có thời làm quan và bên Việt Nam ta như Nguyễn Du cũng làm Cai Bạ nhưng cuộc sống rất nghèo khổ. Xin đơn cử một việc nhỏ về cái nghèo của Đỗ Phủ là thường xuyên phải cầm cố áo chầu để mua rượu:
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,
Nhân sinh thất thập cổ lai hy.
(Nợ rượu là chuyện thường đi đến đâu cũng có,
Đời người sống đến bẩy mươi là it có.)
Vậy thì Ngọc Vương đã đọc sách Phản Kinh với ảnh hưởng của lời giới thiệu theo lập trường văn hoá của Đảng. Ông đã bị “sốc” vì những hành vi của bọn thống trị theo lời giới thiệu của sách: “Tôi giật mình, sách này là sách cấm. Riêng phần giới thiệu đã thấy kinh hoàng. Hơn một ngàn năm, sách chỉ dành cho tầng lớp cao nhất của bộ máy cai tri”.
Ông đã hiểu triều đình phong kiến là tầng lớp cao nhất của bộ máy cai trị. Nhưng thực ra các triều đại phong kiến xưa ở Trung Hoa cũng như Việt Nam không được tổ chức có hệ thống như các chính phủ của các nước dân chủ hay quân chủ lập hiến Tây phương, để có một lớp người họp thành giai cấp thống trị với những đào tạo riêng biệt cho lập trường và khả năng.
Điển hình cho cái “sốc” của ông Ngọc Vương là một ý tưởng rất phổ thông của bất cứ ai đọc sách. Ông viết: “Tôi sốc Triệu Nhuy kể theo lối nửa hư nửa thực, có nhiều yếu tố như Trang Tử, huyễn hoặc biến ảo, thật giả lẫn lộn. Anh đọc anh tin có thật thì nó là thật, bởi những chuyện ông kể không ai xác minh được”. Thử hỏi có ai xác minh được những sự kiện dã sử xảy ra vài trăm năm về trước.
Câu chuyện mà ông Ngọc Vương lấy làm tâm đắc là chuyện Phạm Lãi: “Tôi nhớ nhất câu chuyện kể về Phạm Lãi, với những chi tiết rất lạ.”
Người đọc sẽ nghĩ rằng tác giả Triệu Nhuy đặt ra truyện Phạm Lãi để nói lên tư duy biến ảo của Trung Quốc như lời ông Ngọc Vương: “Khi đọc xong chuyện đó tôi thấy kinh hoàng. Mới thấy tư duy của Trung Quốc lạ và biến ảo khôn lường”.
Thực ra, cái gọi là cẩm nang thủ đoạn chính trị của Trung Quốc theo lời ông Vương chỉ là một biện chứng trong tư tưởng Trang Tử nêu trong chương Tiêu Diêu Du mà tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần trong sách “Trang Tử tinh hoa” đã nêu lên để minh chứng cho tư tưởng của Trang Tử “hữu dụng hay vô dụng là tại chỗ dùng của mình trúng tiết cùng không mà thôi”. Câu chuyện Phạm Lãi này có xuất xứ từ đời Hán trong sách “Sử ký Tư Mã Thiên”, toàn văn như sau:
“Phạm Lãi bỏ Việt Câu Tiễn vượt bể sang Tề, đổi họ tên, tự gọi là Chi Di Tử Bì…Sau sang ở đất Đào. Ở đó làm giàu có hàng mấy vạn vạn. Thiên hạ gọi là Đào Chu Công, Chu công ở Đào…thì người con trai thứ của Chu công giết người bị tù ờ Sở.
Chu công lấy nghìn nén vàng, sai người con út đi lo. Con trai cả của Chu công cố xin đi. Chu công không nghe. Người con trưởng nói: “Nhà có con cả gọi là kẻ đốc xuất trong nhà. Nay em có tội. Người chẳng sai con, lại sai em đi. Thế ra con chẳng ra gì.
Nói rồi toan tự sát.
Người mẹ nói hộ.
Chu công cực chẳng đã mới sai người con cả. Viết phong thư đưa cho người bạn cũ là Trang Sinh, dặn rằng:
- Đến thì dâng nghìn lượng vàng vào nhà Trang Sinh, mặc ông ta làm. Cần thận. Chớ tranh khôn với ông ta.
Người con cả khi đi, cũng tự đem riêng vài trăm nén vàng sang Sở. Trang Sinh nhà ở kề ngoại thành, giữa đám rau cỏ. Tới cửa, coi vẻ rất nghèo. Nhưng người con cả cũng đưa thư, dâng nghìn vàng, theo như lời cha dặn. Trang sinh nói:
- Thôi, anh nên đi ngay, chớ có ở lại. Dù em ra, cũng chớ hỏi tại sao mà được tha.
Người con cả ra rồi, không lại qua Trang sinh, mà ngầm ở lại, lấy của riêng dâng một quý nhân có quyền thế ở Sở.
Trang sinh tuy ở một xóm hẻo lánh, song có tiếng liêm và thẳng với cả nước. Từ Vua Sở trở xuống đều tôn là bực thầy.
Trang sinh thong thả vào ra mắt vua Sở, nói:
- Sao mỗ đóng chỗ mỗ, cái đó hại cho nước Sở.
Vua Sở vốn tin Trang sinh liền hỏi:
- Giờ biết làm thế nào?
- Chỉ có cách dùng đức là có thể trừ được nó.
Vua Sở nói:
- Thưa thầy về nghỉ. Quả nhân sẽ làm theo…
Vua bèn sai sứ giả niêm phong ba kho tiền. Quý nhân nước Sở kinh ngạc, bảo người con cả Chu công rằng: Vua sắp đại xá.
-Thưa sao biết ạ?
-Mỗi lần nhà vua sắp đại xá, thường cho niêm phong ba kho tiền. Chiều qua, nhà vua sai sứ đi niêm phong.
Người con cả của Chu công cho là: nếu đại xá thì thế nào em cũng được tha. Tiếc nghìn vàng đem cho hão Trang sinh không được việc gì, bèn lại ra mắt Trang Sinh. Trang Sinh giật mình hỏi:
- Anh chưa về à?
Người con trưởng nói: Thưa vẫn chưa. Trước kia vì việc thằng em. Nay em nó may được hưởng lệnh xá, cho nên lại đây chào cụ để về.
Trang sinh hiểu ý hắn muốn lấy lại vàng, liền nói:
-Anh vào trong nhà lấy lại vàng’
Người con trưởng liền tự vào nhà lấy vàng đem ra, lòng khấp khởi.
Trang sinh tuy đã có ý trả vàng lại cho Chu công, nhưng xấu hổ vì đứa trẻ con đánh lừa, bèn vào ra mắt vua Sở nói rằng:
- Tôi trước có nói chuyện về ngôi sao mỗ. Nhà vua nói sẽ sửa đức để bù lại. Nay tôi ra đường, đâu cũng đồn rằng: Đứa con Chu công là một nhà giàu ở Đào, giết người bị tù ở Sở. Nhà nó đem nhiều vàng bạc, đút lót các quan hầu nhà Vua. Vậy nhà vua không phải biết thương nước Sở mà xá đâu, chỉ vì chuyện con Chu công đó thôi.
Vua Sở cả giận, nói: quả nhân tuy có kém đức thật, nhưng lẽ nào lại vì có con Chu công mà phải ra ơn Liền làm án giết con Chu công. Ngày mai bèn xuống lệnh ân xá. Con cả Chu công rút lại được đưa đám táng em trở về. Người mẹ và người làng đều lấy làm xót thương. Chỉ có Chu công cười một mình mà rằng:
- Ta đã biết thế nào nó cũng giết em nó.Không phải nó không yêu em nó đâu, nhưng có
điều nó không thể dửng dưng nổi. Nó từ nhỏ đã từng chịu khổ cùng ta, thấy việc làm ăn khó, cho nên bỏ của thì tiếc. Đến như thằng em út nó đẻ ra đã thấy giàu. Cưỡi xe bền, rong ngựa tốt, theo đuổi cầy cáo, nào biết của từ đâu mà đến cho nên phung phí thường chẳng tiếc cái gì. Hôm trước ta sở dĩ muốn sai thằng út chỉ là vì cớ nó biết coi thường tiền bạc đó thôi. Thằng cả thì không biết thế, vì vậy mà làm chết em nó. Lẽ đời là thế, có gì đáng thương. Thì ngày đêm ta vẫn mong nó đưa đám tang về…”
Nguyễn Duy Cần bình luận về câu chuyện này: “Nếu dùng vào việc làm giàu cho nhà thì thằng con cả là hữu dụng, mà đứa út là vô dụng. Trái lại nếu dùng vào việc cứu đứa con thứ, thì thằng cả là vô dụng, mà đứa út là hữu dụng. Với bậc đại trí ở đời không có vật gì là vô dụng hay hữu dụng cả, mà toàn do nơi chỗ mình biết sử dụng cho hợp thời”.(5)
Trong thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu, khi các ông vua chư hầu tranh đoạt đánh diệt nhau để mở mang đất nước của mình, vai trò của những mưu thần thật là quan trọng. Vua nào được mưu thần giỏi, ắt sẽ thành công mà làm nên nghiệp Bá. Thí dụ rõ nhất là Việt Vương Câu Tiễn được hai mưu thần rất giỏi là Văn Chủng và Phạm Lãi, nên đã diệt được nước Ngô, rồi được nhà Chu phong làm Bá. Những kế sách của Văn Chủng đã nói lên được tất cả thâm sâu hiểm độc, biến ảo khôn lường của những tay đại trí Trung Hoa trong việc điều hành chính trị. Trước hết xin kể cái lưu manh và tàn độc của người đứng đầu đất nước: “Vua Việt sai đưa kiếm cho Văn Chủng và nói: “Nhà ngươi dạy quả nhân bảy thuật để đánh Ngô. Quả nhân mới dùng có ba mà nước Ngô đã thua. Còn bốn thuật nữa ở nhà ngươi, nhà ngươi hãy giúp ta dùng những thật ấy với Tiên vương xem sao?(Bảy thuật ấy là: 1/ Thờ phụng Trời đất tổ tiên làm nước giàu có để có của đút lót vua Ngô. 2/ Xuất tiền mua lúa Ngô để cho kho Ngô rỗng. 3/ Cho gái đẹp, cho thợ khéo để xây cung điện. 4/ Đút lót cho các nịnh thần. 5/ Xúi giục những người can gián để gây mâu thuẫn. 6/ Làm nước giàu và chuẩn bị võ lực.7/ Có đủ binh khí tốt và chờ lúc quân địch kiệt quệ.)
Ở thời Trung Đường, mưu lược giúp Vua chính phải là những kế sách “tân pháp” như sau này ở đời Tống, Vương An Thạch thi hành mong cho dân giàu nước mạnh, triều đình xung túc và yên ổn. Họ đâu còn phải tranh đoạt lãnh thổ như ở thời Chiến quốc nữa. Có lẽ vì thế mà sách được khen để khuyến khích kẻ sĩ hiến kế, rồi được cất xó, chứ chẳng phải “giữ bí mật làm cẩm nang cho giai cấp thống trị”.
“Một chi tiết rất đáng chú ý về ý hướng của quyển sách trong lịch sử văn học đời Trung Đường. Tựa sách là “Phản Kinh” hàm chứa nội dung chống Phật giáo. Tên “Phản Kinh “ hẳn là do những người bên Phật đặt cho. Xin đơn cử một chi tiết thấy ghi trong “Lịch sử văn học Trung Quốc”: “Sự hưng thịnh của tư tưởng Phật giáo thời bấy giờ cũng đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ trong giới tư tưởng. Lúc đầu những người chống lại Phật giáo đều là tín đồ Đạo giáo. Họ thường lập luận Phật giáo là “tôn giáo của Nhung địch…. Trong cuốn “Thần diệt luận” ông (Phạm Chẩn) nêu ra những kiến giải nổi tiếng như “Hình thể là bản chất của tinh thần, tinh thần là tác dụng của hình thể. Hình thể còn thì tinh thần còn, hình thể suy tàn thì tinh thần cũng tiêu diệt”. Lý luận đó đã bị Tiêu Diễn và các vương công đại thần của ông ta cùng hoà thượng Pháp Vân công kích. Họ định bóp chết học thuyết của Phạm Chấn bằng cách buộc cho tội “Phản kinh”,”trái đạo lý”, “tiêu diệt Thánh”. (6) (Phải chăng đây là lý do thấy ở trong “Phản Kinh” vận dụng tư tưởng Đạo giáo, điển hình là Tiêu diêu du của Trang Tử.)
Một nhận định có tính chất biện hộ cho các hành vi gây hấn của Trung Cộng đối với thế giới, nhất là Mỹ và Âu châu là vì: “Dưới thời nhà Thanh, Trung Quốc bị 8 cường quốc của thế giới đánh phá, chia nhau đô hộ. Trung Quốc trở thành nước bán thuộc địa. Họ gọi đó là thế kỷ quốc nhục bị xâu xé. Do đó, họ phải khẳng định lại khát vọng thống trị thế giới chứ không bao giờ chịu để người khác thống trị. Và họ cũng đủ trí thức để nhận ra được rằng, từ thế kỷ XVI quốc gia nào muốn phát triển chủ nghĩa tư bản, trở thành cường quốc kinh tế, trở thành thực dân thì trước hết phải là cường quốc biển. Đây cũng là một trong những lý do khiến Trung Quốc quyết thực hiện bằng được dã tâm biến Biển Đông thành ao nhà của họ.”
Ông Ngọc Vương không biết rằng tác giả vẽ ra “đường lưỡi bò” chính là Tôn Dật Tiên. Truyền thống của Trung Hoa là bành trướng. Việt Nam có làm gì nhục Trung Hoa đâu, mà họ luôn luôn đợi thời cơ để đánh chiếm Việt Nam. Khi không chiếm được thì dùng chính sách phong vương, là một hình thức đô hộ tinh thần. Khi có dịp như thời nhà Minh (đời nhà Hồ của Việt Nam) thì đánh chiếm đặt làm quận huyện. Nước Tàu không ở vào trường hợp như Ấn, Việt và các nước ở Đông Nam Á bị đô hộ. Sở dĩ Tàu thấy nhục vì tâm lý thiên triều của họ bị thua mấy tên “bạch quỷ”. Cái gọi là văn hoá thiên triều khiến họ muốn thống trị cả thế giới với ý thức “thiên hạ mở rộng”. Thời trước “bình thiên hạ” chỉ là hạn hẹp trong nước Tàu, vì thực sự kiến thức địa lý của Tàu chưa biết đến những nơi xa xôi. Cái mặc cảm thiên triều ấy đã được Mao Trạch Đông lồng vào tư duy cách mạng vô sản mới, là khi Trung Hoa Cộng sản đã nhuộm đỏ được Đông Nam Á rồi thì: “Gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây (kể cả Liên xô)”. Chiếm được Biển Đông sẽ cô lập cả Đông Nam Á, rồi đưa chủ thuyết Á châu của Đế quốc Tàu. Cái được người Tàu – theo ông Ngọc Vương – coi là quy luật để thành nước thực dân: “ trở thành thực dân thì trước hết phải là cường quốc biển” dường như đã lỗi thời. Trước đây khi Trung Cộng cũng như khối cộng, còn dùng Việt Nam để đánh nhau với Mỹ, họ vẫn tuyên truyền Mỹ là “thực dân kiểu mới”, vì rõ ràng Mỹ không hề chiếm giữ một nước nào làm thuộc địa.
Điều đáng chú ý nhất và là hiểm họa to lớn nhất, mà chính Navaro đã viết cả cuốn sách “Chết bởi Tàu (Death by China)” là các lãnh đạo Trung Cộng vận dụng truyền thống lưu manh, lươn lẹo, thủ đoạn tàn độc, thâm hiểm của tổ tiên người Hán mà thống trị thế giới.
Lê văn Ngọc
Chú thích:
1/ Nguyễn Hiến Lê – Văn học Trung Quốc hiện đại – tập 2 trg 204
2/ Hồ Hữu Tường – Phi Lạc sang Tàu- nxb Khai Trí Saigon 1968, trg 255
3/ Lịch sử văn học Trung Quốc -tập Hai- trg 397
4/ Lịch sử văn học Trung Quốc tập I trg 609
5/ Nguyễn Duy Cần – Trang Tử tinh hoa – Saigon 1965 – trg 104
6/ Lịch sử văn học Trung Quốc – Tập I trg 311