- Y Bình
Hiện đã có thông tin, cơ quan giám sát y tế Brazil đã đình chỉ các thử nghiệm lâm sàng vắc-xin viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) do Công ty Công nghệ Sinh học Sinovac Trung Quốc (dưới đây ghi: công ty Sinovac) phát triển, với lý do gây các tác dụng phụ nghiêm trọng. Công ty Sinovac cũng lập tức có phản hồi công luận và được Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng hưởng ứng.
Brazil đình chỉ thử nghiệm vắc-xin của Trung Quốc
Theo thông tin, quyết định của Chính phủ Brazil được công bố vào thứ Hai (9/11) trên trang web của Cơ quan Thanh tra Y tế Quốc gia Brazil (Anvisa). Quyết định chỉ nêu rằng “có sự cố bất lợi nghiêm trọng” đã xảy ra trong thử nghiệm lâm sàng vắc-xin của Trung Quốc tại Brazil, nhưng không nói chi tiết hơn, cũng như không cho biết các thử nghiệm nêu trên sẽ bị đình chỉ trong bao lâu.
Brazil là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch toàn cầu này. Số ca nhiễm cập nhận mới đến nay vào khoảng 5,675 triệu người, và số người chết là 163.000 người. Dịch bệnh nghiêm trọng buộc Chính phủ Brazil muốn nhanh chóng có được vắc-xin, vì thế đã đồng ý hợp tác với Trung Quốc cho phép Sinovac tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III ở Brazil.
Reuters đưa tin rằng sau khi thực hiện thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn ở Brazil đối với vắc-xin viêm phổi Vũ Hán do công ty Sinovac Trung Quốc phát triển, ngày 29/10 có tình nguyện viên đã thiệt mạng sau khi được tiêm vắc-xin.
Trước sự việc này, hôm thứ Ba (10/11), công ty Sinovac đã khẩn cấp đưa ra phản hồi với bài “Giải thích về việc tạm dừng nghiên cứu lâm sàng giai đoạn III của vắc-xin bất hoạt coronavirus mới tại Brazil”. Theo bài phản hồi, công ty đã chú ý đến thông tin liên quan và tuyên bố rằng sau khi trao đổi với đối tác Brazil là Viện Butantan, đã được người phụ trách của viện cho biết sự cố này không liên quan gì đến vắc-xin. Công ty Sinovac sẽ tiếp tục trao đổi với phía Brazil về vấn đề này. Công ty Sinovac còn cho biết: “Các thử nghiệm lâm sàng được tiến hành tại Brazil được tiến hành theo ‘Quy trình Thử nghiệm Lâm sàng Dược phẩm tốt’, chúng tôi tin tưởng vào tính an toàn của vắc-xin.”
Cái gọi là “Quy trình Thử nghiệm Lâm sàng Dược phẩm tốt” (Good clinical practice) là tiêu chuẩn quốc tế về đạo đức và chất lượng dữ liệu của nghiên cứu lâm sàng.
Vấn đề cũng nhận được hưởng ứng từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 10/11, phát ngôn viên Uông Văn Bân (Wang Wenbin) của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng có động thái “trấn an” khi nhắc lại phản hồi của Viện Butantan Brazil rằng vụ việc không liên quan gì đến vắc-xin của Trung Quốc.
Đã gây nhiều nghi vấn về tính an toàn của vắc-xin
Tuy nhiên, theo Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle), sau khi vắc-xin Trung Quốc được thử nghiệm ở Brazil đã gây nhiều phản ứng trái chiều ở Brazil. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc. Tháng trước, ông cũng tuyên bố công khai rằng không nên coi người dân Brazil như những con chuột bạch. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Brazil Eduardo Pazuello cũng thông báo rằng Brazil sẽ chỉ mua vắc-xin Viêm phổi Vũ Hán do Viện Butantan ở Brazil sản xuất.
Ngoài ra, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018, Tổng thống Bolsonaro của Brazil hiện nay đã nhiều lần công khai bày tỏ mất lòng tin cực độ vào chính quyền Cộng sản Trung Quốc. Nhưng sau khi ông đảm nhận chức vụ tổng thống thì ngôn từ của ông đối với Trung Quốc đã dịu bớt.
Thực tế, tính an toàn của vắc-xin được sản xuất ở Trung Quốc vẫn luôn bị cộng đồng quốc tế nghi ngờ. Bloomberg đã đưa tin rằng một số loại vắc-xin Viêm phổi Vũ Hán sản xuất ở Trung Quốc chưa thông qua phê duyệt của cơ quan quản lý nhưng đã được đưa vào sử dụng ở Trung Quốc Đại Lục, rất mù mờ về đảm bảo an toàn của quá trình phát triển vắc-xin.
Một công ty công nghệ sinh học sản xuất vắc-xin Viêm phổi Vũ Hán của Trung Quốc cho biết, đã có hàng trăm nghìn người đã được tiêm vắc-xin này và không có ghi nhận phản ứng bất lợi nào. Tuy nhiên, một chuyên gia về vắc-xin tại Đại học Washington ở St. Louis là Michael Kinch đã chỉ ra, về xác suất chắc chắn sẽ có những vấn đề liên quan bệnh tim, bệnh thần kinh hoặc các vấn đề không hay khác, vì vậy có vẻ kỳ lạ, thậm chí đáng ngờ trong vấn đề tuyên bố không xảy ra trường hợp phản ứng xấu nào, chuyện dữ liệu “quá sạch sẽ” là rất đáng lo lắng.
Thay thế bằng vắc-xin của Mỹ?
Có thông tin cho biết trong cùng thời gian quyết định ngừng thử nghiệm đối với vắc-xin Trung Quốc thì cơ quan chức năng Brazil đang liên hệ với công ty dược phẩm Pfizer tại Mỹ để thảo luận về việc mua vắc-xin.
Mới đây hãng dược Pfizer của Mỹ đã công bố tin tức về kết quả đầy triển vọng trong thử nghiệm lâm sàng vắc-xin của công ty. Công ty cho biết hiệu quả vắc-xin của Pfizer cao hơn 90% – chỉ số rất đáng ngưỡng mộ, dự kiến tung ra thị trường 20 triệu liều vào cuối năm nay.
Sau khi bùng phát đại dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới (COVID-19), các nước đã cạnh tranh gay gắt trong việc phát triển vắc-xin. Hiện có khoảng 10 công ty có vắc-xin đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III; trong đó ở Mỹ có 4 công ty: Pfizer, Modena, Johnson & Johnson và Novavax. Ở Trung Quốc cũng có 4 công ty là: Sinopharm, Viện Sinh học Bắc Kinh, Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (Sinovac), và Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc.
Y Bình (t/h)