10 thành viên ASEAN cùng 5 nước ký hiệp định thương mại tự do quy mô lớn do Trung Quốc hậu thuẫn.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc hậu thuẫn với sự tham gia của 15 quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương vừa được ký kết nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 tại Hà Nội hôm 15/11, theo Baochinhphu.
Đây là hiệp định thương mại lớn nhất tự do thương mại lớn nhất thế giới được Trung Quốc hậu thuẫn nhưng lại không có sự tham gia của Hoa Kỳ.
Các nước tham gia hiệp định bao gồm 10 quốc gia thuộc ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và New Zealand. GDP của toàn bộ 15 nước chiếm là hơn 26 nghìn tỷ đô la Mỹ, chiếm gần 30% GDP toàn thế giới, và bao phủ 1/3 dân số thế giới.
Phát biểu tại Thượng định lần thứ 4 RCEP, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói rằng: “việc hoàn tất đàm phán RCEP, hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới, sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ về vai trò đi đầu của ASEAN trong việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, giúp tạo nên một cấu trúc thương mại mới trong khu vực”.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại lễ ký RCEP rằng: “Đây là một chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại”.
Khu thương mại tự do mới này được đánh giá là sẽ lớn hơn cả Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada và Liên minh châu Âu.
Trước đó, Ấn Độ cũng từng tham gia đàm phán, nhưng đã rút vào năm ngoái, do lo ngại rằng mức thuế thấp hơn có thể gây tổn hại cho các nhà sản xuất trong nước.
Lý do chính khiến Ấn Độ quyết định không tham gia RCEP là do lo ngại rằng một lượng lớn hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc có thể gây tổn hại thêm cho các ngành công nghiệp nội địa của Ấn Độ.
Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc lên tới khoảng 50 tỷ USD trong năm tài chính 2019.
Mặt khác, Trung Quốc được cho là đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình bằng cách dẫn đầu việc tạo ra khuôn khổ thương mại đa phương trong bối cảnh rạn nứt ngày càng lớn với Hoa Kỳ.
Chính phủ Trung Quốc cho biết thương mại với các nước ASEAN từ tháng 1 đến tháng 10 đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 540 tỷ đô la, đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh.
Reuters trích lời Iris Pang, Kinh tế gia trưởng của ING nhận định, RCEP có thể giúp Bắc KInh bỏ sự lệ thuộc vào các thị trường nước ngoài và công nghệ, một sự thay đổi đang gia tăng bởi một rạn nứt sâu hơn với Washington.