- Minh Ngọc
Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley đã phản đối Twitter vào thứ Sáu (13/11) sau khi mạng xã hội này dãn nhãn bài đăng của bà về vấn đề gian lận bầu cử, trong khi lại phớt lờ lãnh tụ Ayatollah Ali Khamenei của Iran đăng tweet bày tỏ nghi vấn về vụ thảm sát Holocaust .
“Ồ, khi lãnh tụ Ayatollah của Iran nói rằng vụ thảm sát Holocaust không hề xảy ra, Twitter không dán nhãn ‘tuyên bố này gây tranh cãi’. Nhưng khi tôi nói việc thu hoạch phiếu bầu khiến gian lận bầu cử dễ dàng hơn, Twitter lại nói rằng điều đó gây tranh cãi,” bà Haley bình luận kèm theo ảnh chụp màn hình của hai đoạn tweet nói trên.
Bà còn nói thêm: “Tôi tự hỏi tại sao những người bảo thủ không tin tưởng Big Tech?”
Theo AFP, Twitter đã dán nhãn cảnh báo khoảng 300.000 dòng trạng thái trong 2 tuần xung quanh thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 (từ ngày 27/10 đến 11/11), và trong đó có 456 bài đăng đã bị tắt phần tương tác, nghĩa là người dùng sẽ không thể bấm yêu thích, đăng lại hay trả lời các bài đăng này.
Còn theo một phân tích gần đây của New York Times, 34% các tweet của Tổng thống Donald Trump kể từ Ngày Bầu cử đã bị dán nhãn “tranh cãi”, và đây là chủ ý của Twitter nhằm giảm bớt sự lan truyền của các dòng tweet trên nền tảng truyền thông của họ.
Hàng loạt các tài khoản thể hiện sự ủng hộ nỗ lực pháp lý của chiến dịch TT Trump nhằm phơi bày tình trạng gian lận bầu cử cũng bị dán nhãn cảnh báo hoặc giảm tương tác. Đảng Cộng hòa tại tiểu bang Nam Dakota cho biết hôm thứ Năm (12/11), Twitter dường như đã chặn tài khoản của họ sau khi họ tuyên bố ủng hộ các nỗ lực hậu bầu cử của TT Trump.
Thống đốc Kristi Noem tiểu bang Nam Dakota giải thích trong cuộc phỏng vấn trên chương trình Greg Kelly Show của Newsmax TV: “Chúng tôi đã cố gắng thu hút sự chú ý đến vấn đề này và dù họ đã bỏ chặn, nhưng chúng tôi sẽ vẫn còn gặp khó khăn phía trước.”
“Đây là loại hình kiểm duyệt mà chúng tôi thấy khá phổ biến trong một hoặc hai năm qua… và Quốc hội cần phải hành động để đảm bảo họ không thao túng chương trình nghị sự thông qua những gì họ sàng lọc và những gì họ cho phép công chúng xem hay những gì họ không cho phép công chúng xem.”
Đáng chú ý là, khi Twitter tăng cường xác thực thông tin và dán nhãn, một số người dùng đã quay sang chế nhạo mạng xã hội này thông qua các bài đăng nhại lại, theo Breitbart News.
Người dùng đã chế giễu Twitter bằng cách tạo ra các ảnh chụp màn hình giả về việc xác minh tính xác thực của một số thông tin khác, qua đó hàm ý rằng Twitter đã quá khắt khe trong việc dán nhãn và thậm chí còn nghi ngờ cả những thông tin thực tế đã diễn ra hoặc những sự thật hiển nhiên.
Minh Ngọc (Theo Breitbart)