- Lê Tiểu Quỳ
Từ tháng 5 năm nay, sau khi hai nước Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra xung đột tại khu vực biên giới tranh chấp, hai bên đã rơi vào trạng thái đối đầu. Gần đây, Phó viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, chuyên gia về vấn đề Mỹ thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc Kim Xán Vinh (Jin Canrong) tiết lộ thông tin gây kinh ngạc, Trung Quốc từng sử dụng vũ khí sóng âm để tấn công quân Ấn Độ ở khu vực bờ nam Pangong Tso thuộc biên giới Trung – Ấn, và đã giành lại được đỉnh núi.
Trước đó, các chuyên gia quân sự cho rằng do vũ khí vi sóng cực kỳ gây tranh cãi, Trung Quốc có thể chỉ dùng như một biện pháp răn đe chứ không thực sự sử dụng chúng. Nhưng sự thật không phải như vậy.
Video bài phát biểu trên Internet cho thấy, ông Kim Xán Vinh – giáo sư kiêm phó Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc, đã nói trong bài phát biểu ngày 11/11 rằng, phía Ấn Độ đã điều khoảng 1.500 “lính đặc chủng” vào ngày 29/8 năm nay để đột kích hai ngọn núi ở bờ nam hồ Pangong Tso. Vì nơi này nối liền các vị trí của Trung Quốc ở hai bên bờ hồ Pangong Tso, nên quân đội ĐCSTQ phải lấy lại. Nhưng trong quá trình đó lại không được phép nổ súng, vì thế quân đội ĐCSTQ đã nghĩ ra một “chiêu lạ” là đặt vũ khí vi sóng dưới núi, biến đỉnh núi thành lò vi sóng. Sau đó, binh lính Ấn Độ đóng trên núi bắt đầu cảm thấy khó chịu, nôn mửa và cuối cùng buộc phải sơ tán.
Theo truyền thông Ấn Độ, quân đội Ấn Độ gần đây cũng đã tiết lộ việc, họ nghi ngờ mình bị tấn công bằng vi sóng: Tất cả các binh sĩ của lực lượng đặc chủng này đều cảm thấy buồn nôn và nôn mửa, không thể ngủ. nhiều người bị suy sụp tinh thần và mất khả năng chiến đấu. Sĩ quan chỉ huy Ấn Độ cuối cùng quyết định bỏ hai ngọn núi ở đó. Sau khi binh lính di tản khỏi vùng cao, các triệu chứng trên lập tức biến mất.
Theo Apple Daily đưa tin, dư luận nghi ngờ, vũ khí vi sóng mà quân đội ĐCSTQ sử dụng có liên quan đến sự kiện quan chức Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Quảng Châu bị tấn công bằng sóng âm năm 2018.
Tờ New York Times đưa tin, tháng 4/2018, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Quảng Châu là nơi đầu tiên báo cáo nghi ngờ bị “tấn công bằng sóng âm“. Sau đó cũng có những thông tin bất thường từ Lãnh sự quán Mỹ tại Thượng Hải và Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Vào thời điểm đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng chỉ trả lời rằng, phía Trung Quốc không tìm thấy bất kỳ nguyên nhân hoặc manh mối liên quan nào. Quan chức Mỹ cũng không tiết lộ chi tiết.
Được biết, vụ “tấn công sóng âm” vào năm 2018 đã khiến ít nhất 8 nhà ngoại giao Mỹ trong lãnh sự quán Quảng Châu phải sơ tán khỏi Trung Quốc. Sau đó, một nhân viên từ Lãnh sự quán Mỹ tại Thượng Hải và hai nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh cũng đã được đưa trở về Mỹ để kiểm tra y tế chuyên sâu. Vào thời điểm đó, ngoại giới đồn đoán rằng, bàn tay đen đằng sau sự kiện “sóng âm bí ẩn” có thể liên quan đến Chính phủ Trung Quốc hoặc Nga.
Vũ khí vi sóng còn được gọi là vũ khí tần số vô tuyến hoặc vũ khí xung điện từ, là loại vũ khí sử dụng bức xạ điện từ năng lượng cao để tấn công và gây sát thương mục tiêu. Chúng có thể được sử dụng để giết người hoặc phá hủy thiết bị điện tử.
Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) từng đưa tin, năm 2014, Tập đoàn Poly Trung Quốc lần đầu tiên ra mắt “Hệ thống phòng và ngăn chặn bạo động định hướng không gây chết người” WB-1 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2014. Nguyên lý hoạt động của vũ khí phi sát thương này cũng giống như lò vi sóng, nó có thể sử dụng chùm tia vi sóng công suất cao để chiếu vào mục tiêu, xuyên qua vỏ não con người, chạm vào các dây thần kinh và ngay lập tức tạo ra cảm giác bỏng rát mạnh, không thể chịu đựng được.
Các chuyên gia cho rằng hệ thống vũ khí vi sóng này có thể được bí mật sử dụng để kiểm soát đám đông và phòng thủ bờ biển. Người ta tin rằng Trung Quốc nghiên cứu chế tạo loại vũ khí này còn có một mục đích khác, đó là để “ngăn chặn bạo loạn và duy trì ổn định”, tức là để kiểm soát các cuộc biểu tình quy mô lớn của người dân Trung Quốc.
Tháng 3/2017, chuyên trang quân sự của Sina cũng trích dẫn một bài luận văn cho biết: “Các vũ khí vi sóng của Trung Quốc hiện đang trải qua một loạt thử nghiệm về khả năng tự vệ của máy bay, kiểm soát không gian, áp chế lực lượng phòng không của đối phương và thông tin liên lạc chỉ huy tác chiến và kiểm soát chiến đấu. Hiện tại, cũng đã phát triển thành công vũ khí vi sóng công suất cao lên đến gigawatt, và đang tiến hành các thí nghiệm tiêu diệt các mục tiêu như máy bay.”
Lê Tiểu Quỳ