Chiều 17/11, Quốc hội đã nhất trí đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), bị thiệt hại do Covid-19.
Theo đó, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Quốc hội nhất trí cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán và Chính phủ.
Nghị quyết cũng nêu rõ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua; đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định;
Theo Nghị quyết, Vietnam Airlines tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình về việc này, trong đó có ý kiến đề nghị ghi rõ 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước thông tin trên Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đã có những chia sẻ với VTC News về vấn đề trên.
Theo ông Nhưỡng, Vietnam Airlines cần có những cam kết về việc được hỗ trợ 12.000 tỉ đồng, thậm chí có thể đưa tài sản ra thế chấp.
“Vietnam Airlines (VNA) là doanh nghiệp có đến 90% là vốn Nhà nước. Tài sản của VNA là tài sản của Nhà nước vì thế đặt vấn đề giải cứu VNA chính là thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội chứ không còn là vấn đề kinh tế độc lập
Cần tính toán những vấn đề đó và đặt ra nhiệm vụ chính trị, xã hội trong việc giải cứu Vietnam Airlines. Chính phủ, Nhà nước phải thực hiện để cân đối, vừa bảo đảm quyền lợi ích của đất nước vừa bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Chúng ta vẫn phải nhìn vào thực trạng hiện nay của doanh nghiệp này. Quan điểm là không bênh vì thực tế hoạt động của Vietnam Airlines vẫn còn nhiều bất cập. Nhưng câu chuyện này sẽ bàn ở một dịp khác, còn hiện nay, việc cứu đơn vị này vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Vietnam Airlines là doanh nghiệp hàng không mấy chục năm nay mà còn thua lỗ như thế thì không biết những hãng khác còn khó khăn đến mức nào? Với quan điểm của một ĐBQH, tôi nhấn mạnh bên cạnh việc cấp tín dụng cho VNA thì Chính phủ cũng phải tính đến phương án để cứu các hãng hàng không khác. Ví dụ lãi suất đang 4% thì nên hạ xuống còn 2%, trừ tất cả các chi phí đi thì chỉ còn hòa vốn.
VNA cần có những cam kết về việc được hỗ trợ 12.000 tỉ đồng. Thực tế Chính phủ cấp tín dụng chứ không phải cho không. Vì thế cần đặt ra những cam kết từ VNA và nếu cần thiết thì có thể đưa tài sản của VNA ra để thế chấp?”.