- Gia Huy
Lần đầu tiên sau 6 thập kỷ, Nhà trắng dưới chính quyền TT Trump chào đón người đứng đầu chính phủ Tây Tạng lưu vong đến thăm. Động thái này được cho là có thể chọc giận Bắc Kinh khi nước này liên tục cáo buộc Hoa Kỳ đang cố gắng gây bất ổn trong khu vực.
(Ảnh: Ông Lobsang Sangay và Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala)
Ông Lobsang Sangay, Tổng thống của chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA) đã được mời đến gặp các quan chức Hoa Kỳ tại Nhà Trắng hôm 20/11, theo thông cáo báo chí của CTA.
CTA, đặt trụ sở tại thị trấn Dharamsala, Ấn Độ, cho biết: “Cuộc gặp chưa có tiền lệ này có lẽ sẽ tạo ra một tín hiệu lạc quan cho mối quan hệ của CTA với các quan chức Hoa Kỳ và sẽ được chính thức hóa hơn trong những năm tới.”
Tây Tạng trở thành một trong những vấn đề gây tranh cãi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và là một trong những lý do khiến cho mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi xuống điểm thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Vào tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Tây Tạng. Ông cho biết Washington ủng hộ “một nền tự trị đúng nghĩa” ở khu vực này.
Kể từ đó, các quan chức Bắc Kinh liên tục cáo buộc rằng Hoa Kỳ đang sử dụng Tây Tạng để cố gắng thúc đẩy “chủ nghĩa chia rẽ” tại Trung Quốc. Trung Quốc cũng từ chối làm việc với Điều phối viên Đặc biệt mới được bổ nhiệm của Hoa Kỳ về các Vấn đề Tây Tạng, ông Roberto Destro.
Trung Quốc giành quyền kiểm soát Tây Tạng vào năm 1950, theo cách mà họ mô tả là “giải phóng một cách hòa bình” để giúp khu vực này loại bỏ “quá khứ phong kiến” của mình. Tuy nhiên, các nhà phê bình, đứng đầu là nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng hiện đang lưu vong, Đức Đạt Lai Lạt Ma, nói rằng sự cai trị của Bắc Kinh không khác gì “diệt chủng văn hóa”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói vào tháng 8 rằng Trung Quốc cần xây dựng một “pháo đài bất khả xâm phạm” tại Tây Tạng để bảo vệ sự thống nhất của quốc gia.
Gia Huy (theo OANN)