Không phải ai cũng muốn chủng ngừa Covid-19

Sau gần 1 năm tìm tòi, thế giới gần như sờ vào thuốc ngừa COVID-19. Loan báo tìm ra thuốc sớm nhất là hai nước Nga và Trung Cộng. Sớm nhất, Nga cho biết Sputnik V hiệu nghiệm 92%. Kế tiếp, công ty dược phòng quốc doanh Sinopharm của Trung Cộng báo tin đã thử thuốc chủng trên một triệu người mà không sinh biến chứng. Nga cho biết sẽ phân phối đến các nước đang phát triển với giá chưa đầy $20 Đô-la một liều. Việt Nam nói sẽ mua thuốc của Nga. Trong khi đó, nhiều nước ở Châu Phi và Phi Luật Tân đồng ý dùng thuốc Made in China. Riêng phương Tây xem chừng không mặn mà với Sputnik V hay Sinopharm vì Nga và Trung Cộng không công bố kết quả thử nghiệm và chưa cho phép các nhà khoa học trên thế giới gởi lời bình luận.

Với Úc, chúng ta tin cậy nhiều hơn vào thuốc do viện bào chế phương Tây tìm ra. Sớm nhất ở phương Tây là Pfizer. Trong tháng 11, công ty Pfizer của Hoa Kỳ báo tin thuốc mình chế đã hiệu nghiện đến 95%. Cũng hiệu nghiệu bằng ấy là thuốc do Moderna (cũng của Mỹ) chế. Mới nhất, trong tuần này, đại học Oxford và công ty bào chế AstraZeneca tại Anh quốc cho biết thuốc do mình bào chế hiệu nghiệm lên đến 90%.
Hay tin này, cổ phiếu của các công ty ấy và thị trường chứng khoán khắp thế giới dọt lên dữ dội. Người ta bắt đầu báo tin ngày tàn của con Corona. Tuy nhiên, khi có thuốc thì không phải một sớm một chiều thiên hạ được chích ngừa. Còn phải phân phối và chuyển vận.
Nói về phân phối thì hiện nay có hệ thống COVAX do tổ chức WHO và nhóm nghiên cứu thuốc chủng GAVI thành lập. COVAX nhắm tới phân phối thuốc đến các nước nghèo. Hiện nay COVAX đã quyên chừng $5 tỷ Mỹ Kim. Riêng Úc đã góp $120 triệu vào COVAX nên khi có thuốc thì Úc là một trong những nước đầu tiên được phân phối.

Trong ba thứ thuốc do Pfizer, Moderna và Oxford/AstraZeneca, xem chừng Úc nghiên về thứ thuốc sau cùng hơn. Thật vậy, thuốc Oxford/AstraZeneca có điều lợi là dễ dàng bào chế và vận chuyển. Chỉ tốn chừng vài Đô-la là có một liều thuốc Oxford/AstraZeneca. Vì rất rẻ, nên từ nay cho tới cuối Oxford/AstraZeneca sẽ bào chế 200 triệu liều.
Trong khi đó, thuốc do Pfizer khá mắc tiền. Nghe đâu giá thành lên đến $40 Đô-la. Hơn nữa, thuốc Pfzer rất khó chuyển vận vì phải chứa trong phòng lạnh -70C. Vì mắc tiền, nên từ nay cho tới cuối năm Pfizer chỉ chế chừng 50 triệu liều. Chắc là số thuốc này dùng cho dân Mỹ trước. Sau đó, trong năm 2021, Pfizer sẽ chế thêm 1.3 tỷ liều khác cho thế giới.
Riêng với Úc, bà con yên tâm chính phủ đã chi $1.5 tỷ để nghiên cứu và đặt mua thuốc. Với dân số chưa đầy 30 triệu, Úc đã đặt mua bốn thứ thuốc ngừa COVID-19 khác nhau và số liều thuốc sẽ phân phối tại Úc sẽ là 134 triệu. Sở dĩ Úc mua nhiều đến thế vì thường người ta phải chích hai lần thì thuốc ngừa mới hiệu nghiệm.
Đặc biệt, Úc đã mua chừng 30 triệu liều thuốc Oxford/AstraZeneca. Công ty CSL của Úc đã được giao phần bào chế và đã làm việc này từ tháng Chín. Cùng một lúc, Úc đặt mua 10 triệu liều thuốc chủng ngừa từ Pfizer. Úc đang nhức đầu tìm cách vận chuyển thuốc Pfizer tới vùng quê xa xăm và nóng bỏng. Có thể Úc giải quyết khó khăn khi vận chuyển thuốc Pfizer bằng cách quay qua dùng thuốc do tổ hợp Novavax chế. Thuốc này chỉ cần cất giữ trong phòng lạnh chừng -4 độ C. Nhưng dễ dàng nhất vẫn là thuốc của Oxford/AstraZeneca.

Có người nặng đầu óc ganh đua nên ngỡ rằng: thứ thuốc này ra đời thì sẽ giết chết thứ thuốc khác. Thật ra, thế giới cần có không phải một mà nhiều — thật nhiều — thuốc chủng ngừa COVID-19 (và các thứ bệnh dịch khác). Mỗi thứ thuốc là kết quả tìm tòi của nhiều nhà khoa học. Thuốc nào cũng hay nếu hiệu nghiệm và tới tay người nghèo khổ nhất trên hành tinh này. Thí dụ thuốc Oxford/AstraZeneca hiệu nghiệm nhất khi chích người người cao tuổi. Nhưng Úc không bỏ qua thứ thuốc khác. Úc đã đặt mua 10 triệu liều thuốc từ Pfizer. Nghe đâu vào tháng Ba, 2021 thuốc Pfizer sẽ tới Úc. Cũng vào khoảng thời gian đó, Úc cũng sẽ có thuốc ngừa do Oxford/AstraZeneca chế.
Khi có thuốc, chính phủ Úc sẽ ưu tiên chích cho lớp người dễ bị dính Corona nhất. Đó là bác sỹ, y tá và nhân viên làm việc trong ngành y tế. Kế tiếp là người làm các việc thiết yếu trong xã hội như thầy cô giáo, cảnh sát. Hiển nhiên, lớp người dễ bị mất mạng nhất khi dính con Corona là người cao tuổi, bệnh nhân mạn tính… Ho sẽ được ưu tiên.

Ở Úc, chắc là chính phủ sẽ chích miễn phí cho dân. Trước đây, thủ tướng Úc ướm: có thể bắt buộc toàn dân chích ngừa. Lập tức, nhiều người phản đối. Trong thực tế, không phải ‘chăm phần chăm’ người sống ở đây sẵn sàng chích ngừa. Đại học ANU thăm dò chừng 3,000 người Úc thì biết: cứ năm người thì chỉ có ba sẵn sàng chích ngừa. Dư lại hai người – thì một nhất định không chích và một chưa biết mình có chích hay không.
Riêng bạn đọc Việt Luận, bạn có sẵn sàng chích ngừa con Corona không?

Việt Luận

Related posts