- Nguyễn Quân
Bộ Ngoại giao Việt Nam gián tiếp tuyên bố Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, song vẫn nhấn mạnh Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác quan trọng của Việt Nam tại sự kiện chủ sở hữu của giàn khoan Hải Dương 981 bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” quốc phòng.
Chính quyền Trung Quốc đã đẩy mạnh hơn nữa hành động leo thang gây căng thẳng tại Biển Đông. Tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) thông báo khôi phục lại các chuyến du lịch tàu biển ra quần đảo Hoàng Sa và Hải quân Trung Quốc tổ chức tiếp nhận tàu bệnh viện tại bến cảng trên đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa. Đây là hai quần đảo nằm trong khu vực tranh chấp khi Việt Nam nhiều lần tuyên bố chủ quyền trong khi Trung Quốc tiếp tục phát triển chiến dịch “đường lưỡi bò” bao trùm toàn bộ khu vực Biển Đông và gia tăng các hoạt động quân sự, dân sự nhằm xác lập chủ quyền.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 3/12, báo giới đề nghị Bộ Ngoại giao cho biết phản ứng của Việt Nam trước những động thái trên, Người phát ngôn – bà Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định tính vi phạm và không có giá trị pháp lý đối với mọi hoạt động của nước khác tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Như đã nhiều lần khẳng định, mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và không có giá trị pháp lý.” – đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hủy bỏ và chấm dứt việc tổ chức các chuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng và làm phức tạp tình hình, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông và quan hệ hai nước.
Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”– phía Việt Nam yêu cầu và tái tuyên bố về chủ quyền tại khu vực tranh chấp.
Như tại nhiều sự kiện do Trung Quốc gây hấn trước, phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam dừng ở các tuyên bố khẳng định chủ quyền.
Cùng tại buổi họp báo, thông qua câu hỏi của báo giới, Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra một tuyên bố đáp lại việc ngày 24/11/2020, Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật tại khu vực xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Như đã nhiều lần khẳng định, việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không được tiến hành hoạt động diễn tập trái phép nêu trên cũng như lặp lại vi phạm trong tương lai” – theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng.
Mặc dù vậy, trong một sự kiện được cho là có lợi cho việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên lãnh hải ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra lập trường được cho là “kém rõ ràng” khi đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác quan trọng của Việt Nam.
Khi được hỏi về quan điểm của Việt Nam đối với thông tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định thêm 4 công ty Trung Quốc vào danh sách do quân đội sở hữu hoặc kiểm soát, trong đó có chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 – Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) – doanh nghiệp khai thác dầu lớn thứ 3 của Trung Quốc, với sự kiện xâm phạm Biển Đông lớn vào tháng 5/2014, bà Hằng nhấn mạnh Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác quan trọng của Việt Nam.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao, Việt Nam giữ quan điểm kiên quyết phản đối các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác định bởi Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Nguyễn Quân