Hồng Kông: Từ “hòn ngọc Phương Đông” đến “nhà tù Phương Đông”

  • Chân Du

Dưới thao túng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đến nay các lực lượng dân chủ của Hồng Kông đã bị bao vây và đàn áp khủng khiếp hơn, khiến các nghị sĩ phe dân chủ dần dần bị ép ra ngoài lề hệ thống chính trị; mới đây ba nhà đấu tranh thuộc tổ chức Demosistō (đã giải thể) Hồng Kông là Hoàng Chi Phong (Tổng thư ký), Chu Đình (Phó Tổng thư ký), và Lâm Lãng Nguyên (Chủ tịch) đã bị kết án nhiều tháng tù, gây bất bình trong công luận. Vision Times đã mời các nhà bình luận như Từ Tư Viễn (Xu Siyuan) và Phan Lộ (Pan Lu) để thảo luận về vấn đề này.

Hoàng Chi Phong, Lâm Lãng Ngạn và Chu Đình trong phiên xét xử tại tòa Tây Cửu Long ngày 23/11/2020 (Ảnh: Song Bilong / Epoch Times).

Phan Lộ: Để trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ, hành động trước tiên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông là phế bỏ tư cách của 4 nhà lập pháp dân chủ, dẫn đến việc từ chức tập thể của các nhà lập pháp dân chủ trong Hội đồng Lập pháp, tiếp đó là cho bắt giữ các dân biểu quận thuộc phe dân chủ. Các sự kiện cho thấy chính quyền Hồng Kông trước tiên đã phá hoại hệ thống lập pháp của Hồng Kông và sau đó hành động tương tự đối với hệ thống tư pháp, như vậy hệ thống lập pháp và tư pháp trong nguyên tắc tam quyền phân lập Hồng Kông hầu như không còn nơi dung thân cho phe dân chủ. Việc bắt giữ ba đại diện cuối cùng của lực lượng dân sự cho thấy sự độc lập về tư pháp của Hồng Kông hầu như không còn. Những người trong nhóm Hoàng Chi Phong không còn tin vào các tòa án Hồng Kông đã mất độc lập tư pháp nên nhận tội cho xong.

Hàng loạt vấn đề này xảy ra vì xu thế thoái trào không ngừng của nền dân chủ ở Hồng Kông từ năm 1997 trả về Đại Lục đến nay. Giờ đây đã thấy nguyên tắc phân chia quyền lực đã bị phá bỏ, đây là vấn đề đáng ngại cho tương lai cũng như cho triển vọng tự do của Hồng Kông.

Từ Tư Viễn: Vấn đề ở Hồng Kông làm cho chúng ta thấy rõ mô hình chính trị truyền thống của Anh đã kết thúc. Nhớ lại trước đây tôi có làm chương trình về vua Charles I của Anh bị hành quyết ra sao, do vua Charles dẫn quân đến Quốc hội để bắt người, tại hiện trường chỉ có Nghị trưởng (Chủ tịch Quốc hội), Charles truy hỏi 5 nghị sĩ làm luật đã bỏ đi đâu. Nghị trưởng từ chối trả lời… Đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử nước Anh, sau hành động của Charles thì Quốc hội và nhà vua trở thành hai thế lực đối lập nhau, sau đó xảy ra nội chiến và cuối cùng Charles bị thảm bại và bị hành quyết.

Chúng ta thấy rằng người dân Hồng Kông cũng đã hy sinh rất nhiều trong phong trào chống Dự luật Dẫn độ hồi năm ngoái, tính đến ngày nay đã có tổng cộng khoảng 9.000 người ở Hồng Kông đã bị bắt vì sự kiện này, trong đó có hơn 4.000 là học sinh và sinh viên, trong số hơn 4.000 người này có khoảng hơn 1.000 người chưa đầy 18 tuổi. Nhiều người trong số hơn 9.000 người bị giam giữ đã bị xét xử bất hợp pháp hoặc thậm chí bị ngược đãi trong các trung tâm giam giữ ở Đại Lục, số người chết bất thường còn gây sốc hơn. Nhưng bao nhiêu hy sinh như vậy mà chưa thể ngăn cản ĐCSTQ chủ nghĩa xã hội hóa đối với Hồng Kông.

Phan Lộ: Tôi đã từng ở trong trại giam và biết chuyện gì đang xảy ra trong trại giam. Ở trong trại giam lâu ngày còn khó chịu hơn ở trong tù, vì không gian giam giữ rất nhỏ, giam nhiều người ở một khu, còn có cả trợ lý cảnh sát liên tục hành hạ, đặc biệt là những người Hồng Kông liên quan đến các vụ án chính trị, bao gồm 12 người Hồng Kông đã bị chuyển đến Đại Lục, họ khó tránh khỏi bị ngược đãi vô nhân đạo trong trại giam, có thông tin tiết lộ cho rằng trong số họ có người đã viết thư ăn năn, điều này thực tế là trò của an ninh giống như nhiều trường hợp đã làm với những người bất đồng chính kiến ở Đại Lục. Những chuyện xảy ra cho thấy ĐCSTQ sẽ không chỉ hủy hoại cơ chế quyền lực của người Hồng Kông, mà còn phá hủy lòng tự tôn của người Hồng Kông.

Một thông tin khác là trong cuộc bình chọn thành phố đáng sống trên thế giới thì Hồng Kông xếp hạng cuối cùng, trong khi năm 2015 Hồng Kông vẫn nằm trong top 10. Điều này rất đáng lo ngại, khiến không thể không đặt câu hỏi tương lai của Hồng Kông sẽ về đâu? Sau 23 năm thoái trào, có thể nói viên ngọc phương Đông Hồng Kông đã thông qua chính trải nghiệm của họ để cho mọi người biết con đường dẫn đến nô lệ là gì.

Từ Tư Viễn: Chúng tôi xem xét mọi vấn đề chính trị ở nhiều cấp độ. Trước hết, đối với quyền sống và quyền tự do của người Hồng Kông là điều chúng tôi phải kiên quyết bảo vệ, nỗ lực lên tiếng bảo vệ những người như Hoàng Chi Phong và Chu Đình. Thứ hai, tôi lo ngại về tầng lớp trung lưu ở Hồng Kông, đối mặt với môi trường tự do ngày càng thu hẹp và chính quyền Hồng Kông chịu chỉ đạo của ĐCSTQ đang liên tục tung ra những ‘phát súng thần công bọc đường’, tôi rất lo lắng về sự suy yếu của xương sống Hồng Kông, tức là sự suy yếu ủng hộ của tầng lớp trung lưu đối với học sinh và sinh viên, do sự cám dỗ lợi ích mà chấp nhận thực tế “một nước, một chế độ” của ĐCSTQ.

Những người trẻ ở Hồng Kông là niềm hy vọng của chúng ta, nhưng chúng ta không được chỉ để những người trẻ lao vào trận chiến, hoặc để những người tóc bạc ra đường phản đối cùng với đôi nạng mang theo. Về vấn đề này, tôi nghĩ rằng cần tìm hiểu sâu hơn nữa nhận thức của tầng lớp trung lưu về phong trào này.

Ngoài ra phải thấy rằng tuổi trẻ là rất quý giá, không thể mang hạt giống ra làm thức ăn, một bộ phận lớn những người trẻ này về cơ bản chưa từng trải nghiệm thời kỳ Hồng Kông trả về vào năm 1997, vì họ còn rất trẻ, thậm chí có người mới ngoài 20 tuổi. Tuyên bố chung Trung-Anh đã được ký kết trước đó vào những năm 1980, thực tế, những mầm mống xấu xa đã được các bậc tiền bối gieo xuống làm giới trẻ bây giờ phải ăn quả đắng.

Phan Lộ:Chính quyền Hồng Kông – Anh đã để lại các nguồn lực dân chủ, nhưng sau khi về Đại Lục thì sự xâm nhập của ĐCSTQ đã phá hủy dần làm Hồng Kông vào tình hình hỗn loạn như ngày nay. Sự phân chia quyền lực theo kiểu Anh tại Hồng Kông nay đã bị phá hủy hoàn toàn, ĐCSTQ đã thành công đưa mô hình toàn trị sang thế giới tự do mà không gặp nhiều thách thức, Chính phủ Hồng Kông hiện nay do Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đại diện đã trở thành tay sai của ĐCSTQ, bản thân quyền lực mà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có được cũng là kết quả của sự xâm nhập của ĐCSTQ. Nếu cho rằng bản chất con người là xấu xa thì có thể nói điều này đã thể hiện rõ trong giới nắm quyền Hồng Kông dưới sự xâm nhập của ĐCSTQ.

ĐCSTQ không chỉ sử dụng “ngoại giao vàng và nhân dân tệ”, còn mang theo hệ tư tưởng và tư duy tập quyền. Hồng Kông đi lạc lối vì tưởng chung dòng máu và truyền thống văn hóa với người của ĐCSTQ, thế rồi từng bước bị ĐCSTQ đưa đến vực thẳm của thể chế toàn trị, giờ đây đã trở thành trò chơi trong tay ĐCSTQ, khiến cái gọi là “hòn ngọc Phương Đông” đã thực sự biến thành “nhà tù Phương Đông”.

Chân Du

Related posts