Hiểu Minh
Liên tục trong tháng 11 vừa qua, tàu hải cảnh 5204 của Trung Quốc đã lảng vảng gần các nhà giàn DK1 ở bãi Tư Chính của Việt Nam nhằm yêu sách đường 9 đoạn vô lý.
Báo Tuổi trẻ dẫn tin từ truyền thông nước ngoài cho hay, theo báo cáo mới công bố ngày 4/12 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ cho thấy đại dịch COVID-19 không làm giảm sự hiện diện của hải cảnh Trung Quốc trong khu vực.
Dựa trên Hệ thống nhận dạng tự động (AIS), CSIS nhận thấy các tàu hải cảnh Trung Quốc đã liên tục hiện diện ở các bãi cạn mang tính biểu tượng trong yêu sách đường 9 đoạn vô lý.
CSIS nhận định việc hải cảnh Trung Quốc chủ động bật AIS khi di chuyển trên Biển Đông là một động thái “chứng tỏ sự hiện diện” nhằm phục vụ cho các yêu sách vô lý của nước này.
Trong 12 tháng qua, tính từ ngày 1/12/2019 đến ngày 1/12/2020, hải cảnh Trung Quốc đã tăng tần suất xâm nhập và thời gian hiện diện ở bãi Cỏ Mây, bãi Tư Chính của Việt Nam cùng các bãi Luconia, bãi Scarborough.
Theo CSIS, đáng chú ý nhất là các vụ xâm nhập bãi Tư Chính. Tàu hải cảnh số hiệu 5204 của Trung Quốc đã phát tín hiệu AIS liên tục 137 ngày trong giai đoạn từ ngày 1/7 đến 1/12 năm nay.
Ngày 2/11, con tàu này tiến gần sát một trong các nhà giàn của cụm DK1 của Việt Nam ở bãi Tư Chính, có lúc chỉ cách chưa đầy 5 hải lý (khoảng 9km), trước khi ngang nhiên đi sâu vào khu vực lô dầu khí 06-01 gần đó.
Trung tâm nghiên cứu của Mỹ nhận định hành vi của tàu hải cảnh 5204 giống với các tàu hải cảnh đã xuất hiện ở bãi Luconia. Các tàu Trung Quốc khi đi vào bãi cạn Luconia thường áp sát các tàu dịch vụ và giàn khoan dầu khí của Malaysia gần đó. Điều này cho thấy đây là một chiến thuật tuần tra hẳn hoi của Trung Quốc.
Các thực thể bị Trung Quốc xâm chiếm và cải tạo thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho các tàu hải cảnh.
Ví dụ, đá Chữ Thập – vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng – được sử dụng như một trung tâm hậu cần và tiếp liệu cho tàu 5204 và các tàu công vụ khác của Bắc Kinh.
Hôm 3/12, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động gây leo thang căng thẳng mới đây của Trung Quốc khi nước này có nhiều động thái trên biển Đông, như việc 1/12 tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) thông báo khôi phục lại các chuyến du lịch tàu biển ra quần đảo Hoàng Sa, và ngày 30/11 Hải quân Trung Quốc tổ chức tiếp nhận tàu bệnh viện tại bến cảng trên đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, những sự kiện xảy ra gần đây cho thấy Trung Quốc ngang ngược hơn ở Biển Đông khi cho rằng Biden nắm chắc phần thắng làm tổng thống Mỹ.