Tin nước Úc sáng thứ Ba

Trung Quốc lại tấn công Úc

Giữa căng thẳng với Úc, báo Trung Quốc đăng ảnh châm dầu vào lửa - Ảnh 1.

Chủ Nhật qua (6.12.2020) này Trung Quốc lại dùng tờ Thời Báo Hoàn Cầu xúc xiểm nước Úc, đăng một bức biếm họa về quan hệ giữa Úc với Mỹ qua hình ảnh một con kangaroo đứng trong cái bóng hình chim đại bàng.

 Hình ảnh này là để minh hòa cho bài bình luận, trong có những lời lẽ như: “Rõ ràng Úc đã làm con tốt trong chiến lược của Mỹ trong khu vực những năm gần đây, đặc biệt dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong chiến dịch tấn công Huawei của Mỹ, nước Úc đã bắn phát súng đầu tiên”,

Một đoạn khác có nội dung: “Sau khi chịu thiệt hại to lớn do mối quan hệ xấu đi với Trung Quốc, Úc đã cáo buộc Trung Quốc bắt nạt họ. Trung Quốc đã chứng kiến loại chiêu trò này của Úc trước đây. Thủ tướng Morrison của Úc đưa ra các cáo buộc dữ dội nhắm vào Trung Quốc và sau đó tìm cách cứu tình hình… Úc không thể cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc. Nói tóm lại, thế khó mà Úc vướng phải hiện nay đơn giản là do họ khiêu khích Trung Quốc, nhưng không sẵn sàng bồi thường thiệt hại”.

Trong khi đó báo cáo quý 4 của Cục Kinh tế Tài nguyên và Nông nghiệp Úc (ABARES) cho thấy xuất cảng nông sản của Úc đã bị thiệt hại $3.5 tỷ năm nay do căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang và tình trạng đóng cửa biên giới trên toàn cầu để ngăn đại dịch Covid-19

Theo Giám đốc điều hành ABARES, Steve Hatfield-Dodds, sản xuất nông nghiệp của Úc đang phục hồi sau một thời gian dài hạn hán.

Xuất cảng nông sản cũng đã mở rộng và tìm thêm được thị trường trong thời kỳ đại dịch, nhưng ảnh hưởng của mùa khô hạn vừa qua và bất ổn thương mại đang làm giảm giá trị

Theo ABARES, lúa mạch và rượu vang là hai mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi căng thẳng thương mại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, xuất cảng lúa mạch của Úc đã được chuyển hướng sang các thị trường khác, trong khi giá trị xuất cảng rượu vang sang Trung Quốc lại tăng đột biến, trước khi có thông tin về việc nước này yêu cầu các nhà xuất khẩu rượu vang Úc nộp thuế chống bán phá giá từ cuối tháng 11 vừa qua. Đây là do các công ty Trung Quốc tìm cách đi trước, trữ rượu vang Úc trước khi có lệnh tăng thuế, đã có hiệu lực vào ngày 28.11.2020.

ABARES nhận định mặc dù Úc có thể tăng xuất khẩu rượu vang sang các thị trường hiện tại, như Anh và Mỹ, việc mất thị trường Trung Quốc có thể sẽ làm giảm giá trị sản xuất và doanh số bán hàng trong giai đoạn 2020-2021.

Tuy nhiên, việc nới lỏng hơn nữa các hạn chế đi lại ở Ú sẽ giúp thúc đẩy du lịch rượu vang, qua đó giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt chống bán phá giá của Trung Quốc.

Về thị trường trong nước, ABARES dự báo giá rau quả ở Úc có thể tăng tới 15%-20% trong thời gian tới do các lệnh hạn chế đi lại để phòng chống COVID-19, làm giảm nguồn nhân công thu hoạch.

Trong thời gian tới, nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm nông nghiệp sẽ vẫn tương đối mạnh, ngay cả khi các hoạt động kinh tế được dự đoán sẽ thu hẹp trong giai đoạn 2020-2021 do thực phẩm là một mặt hàng thiết yếu.

Trung Quốc cho rằng thịt bò xuất khẩu của Úc có thể đã là nguyên nhân gây ra coronavirus

Trung Quốc đã gây thêm một sự xúc phạm mới trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao với Úc khi cho rằng đại dịch COVID-19 bắt đầu từ việc nhập khẩu và bảo quản theo dây chuyền lạnh liên quang đến thịt bò Úc. 

 Các nhà khoa học đã xác định nguồn gốc của virus tại một khu chợ ẩm ướt ở Vũ Hán. Tuy nhiên, Trung Quốc từ lâu đã cho rằng COVID có nguồn gốc từ Châu Âu hoặc Hoa Kỳ vài tháng trước khi các trường hợp được báo cáo ở Trung Quốc.

Nhưng trong một bài báo được xuất bản bởi Thời báo Hoàn cầu (Global Times) thuộc sở hữu của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng kho lưu trữ thịt bò nhập khẩu trong dây chuyền lạnh có thể là nguồn tiềm ẩn để lây nhiễm.

Bài báo cho biết: “Các phóng viên của Global Times phát hiện các cửa hàng ở Chợ Hải sản Huanan từng bán hải sản lạnh nhập khẩu, chẳng hạn như cua huỳnh đế, động vật có vỏ, cũng như các sản phẩm thịt từ Brazil và Đức.

“Thành phố cũng đã nhập khẩu bít tết của Úc, Chile và hải sản Ecuador trước năm 2019, theo báo cáo thông tin từ trang web của phòng thương mại thành phố.” Các quốc gia khác được xác định có quan hệ thương mại với tỉnh Hồ Bắc là Canada, Brazil và Tây Ban Nha.

Sự lây truyền COVID trong kho lưu trữ dây chuyền lạnh, nơi các sản phẩm được bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ dưới 0, được cáo buộc là đã làm bùng phát dịch ở New Zealand trước đây. Tuy nhiên, tổng Giám đốc Y tế Ashley Bloomfield của nước này nhanh chóng nói rằng điều đó là không thể.

Hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5 đã cam kết tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Corona Virus. Thủ tướng Úc Scott Morrison là người đóng vai trò quan trọng trong việc kêu gọi một cuộc điều tra và đã được hơn 130 quốc gia khác chính thức chấp nhận.

Đề nghị sẽ xem xét độc lập về phản ứng coronavirus toàn cầu, bao gồm nguồn gốc của virus và cách thức lây truyền từ động vật sang người. Nhiều người cho rằng nó có nguồn gốc từ một khu chợ ẩm ướt ở Vũ Hán, thuộc Trung Quốc đại lục. Trung Quốc sau khi đùn đẩy trách nhiệm cho các nước phương Tây, thì bây giờ bắt đầu đổ vạ cho nước Úc. 

Cũng cần nhắc lại, sau khi viên chức cấp cao Trung Quốc công khai đăng trên mạng Tweeter lời cáo buộc về việc giết dân thường của binh lính Úc tại Afghanistan, và thủ tướng Úc cũng đã phải ứng gay gắt, thì tình hình căng thẳng ngày càng leo thang. 

Kate Hoang

Dịch và tổng hợp 

60,000 con koala chịu ảnh hưởng trong khủng hoảng cháy rừng ở Úc

Triệu Hằng

Ảnh minh họa: Pixabay.

Ước tính khoảng 3 tỷ con vật đã chết hoặc thất lạc trong trận cháy rừng ở Úc, trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2020, theo một báo cáo do Đại học Sydney chủ trì thực hiện dưới sự ủy quyền của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF).

Báo cáo có tựa đề “Tác động của các trận cháy rừng chưa từng có 2019 – 2020 của động vật ở Úc”. Nghiên cứu về số lượng động vật bị ảnh hưởng do Tiến sĩ Dr Lily van Eeden phụ trách thực hiện và Giáo sư Chris Dickman giám sát nghiên cứu.

Theo báo cáo, hơn 60.000 con gấu túi (koala) nằm trong số những loài động vật chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng cháy rừng thảm khốc vào mùa hè năm ngoái.

Báo cáo ước tính, khoảng 143 triệu động vật có vú, 2,46 tỷ bò sát, 181 triệu con chim và 51 triệu con ếch đã cư ngụ ở các khu vực bị cháy.

Các tác động nguy hại đối với các loài động vật chịu ảnh hưởng từ cháy rừng bao gồm tử vong, thương tật, chấn thương, hít phải khói, sốc nhiệt, mất nước, mất môi trường sống, nguồn cung cấp thức ăn bị suy giảm, tăng nguy cơ bị săn mồi và xung đột với các loài động vật khác sau khi chạy trốn vào khu vực rừng không bị cháy.

Báo cáo cho biết, cháy rừng đã ảnh hưởng đến hơn 41.000 con koala trên Đảo Kangaroo, hơn 11.000 con ở bang Victoria, gần 8.000 con ở bang New South Wales (NSW), và gần 900 con ở bang Queensland.

Đại học Sydney dẫn lời Giám đốc điều hành WWF, ông Dermot O’Gorman nói rằng, loài gấu túi ở hai bang NSW và Queensland đang nhanh chóng suy giảm ngay cả trước khi xảy ra hỏa hoạn, ông cho rằng: “60 nghìn con koala bị ảnh hưởng là một con số đáng lo ngại đối với một loài động vật đang gặp nguy cơ”.

Và để cải thiện tình trạng này, “WWF vừa mới công bố dự án Koalas Forever để nhằm tăng gấp đôi số lượng gấu koalas ở miền đông nước Úc vào năm 2050”, ông Dermot O’Gorman nói.

Trận cháy rừng ở Úc hồi mùa hè năm ngoái cho đến đầu năm nay đã khiến hai bang New South Wales và Victoria chịu ảnh hưởng nặng nề, với tổng cộng 6 triệu hecta đất đai bị thiêu rụi, để lại những thiệt hại thảm khốc đối với cuộc sống của người dân và thiên nhiên ở xứ sở chuột túi.

Related posts