- Ngân Hà
Khi Úc đứng về phía Mỹ trong trận chiến tranh giành ảnh hưởng khu vực với Trung Quốc, Bắc Kinh đã thể hiện sức mạnh thương mại của mình bằng cách chặn hàng tỷ đôla hàng xuất khẩu của Úc, trong khi mở cửa cho những sản phẩm tương tự từ các nước khác.
Nỗ lực gia tăng sức ép lên Canberra đã vượt ngoài phạm vi thương mại. Các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng làm xói mòn ảnh hưởng ngoại giao của Úc trong khu vực, nhưng đó sẽ là một chiến lược khiến người tiêu dùng Trung Quốc phải trả giá.
Sự tức giận của Bắc Kinh với Úc xuất hiện từ năm 2018 khi Canberra loại trừ gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc khỏi mạng 5G, đồng thời ban hành luật chặn các hành vi can thiệp của nước ngoài vào chính trị Úc.
Sau đó, vào tháng 6/2019, cuộc thăm dò của Viện Lowy mức độ tin tưởng của công chúng Úc với việc Trung Quốc sẽ “hành động có trách nhiệm” xuống thấp nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu 15 năm trước, khi Bắc Kinh bắt đầu đàn áp mạnh mẽ những người biểu tình ở Hồng Kông.
Đầu năm nay, Úc cũng lớn tiếng kêu gọi điều tra quốc tế về đại dịch virus corona, một động thái được Bắc Kinh mô tả là “đầu độc quan hệ song phương.”
Và vào tháng trước, Bắc Kinh đã đưa ra hàng chục lời chỉ trích lên án Canberra dính dáng vào công việc nội bộ của Trung Quốc ở Hồng Kông và Tân Cương.
Trung Quốc đã chặn nhiều lô hàng xuất khẩu của Úc trị giá hàng tỷ đôla, bao gồm tôm hùm; đồng thời áp đặt thuế 212% lên rượu vang của Úc.
Đòn mạnh nhất là vào tháng 10 nhắm tới than của Úc – mặt hàng được xuất khẩu số lượng lớn sang Trung Quốc.
Ngay sau khi nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục nhắc các nhà nhập khẩu không mua hàng hoá của Úc, Hiệp hội phân phối và vận chuyển Than Trung Quốc được nhà nước hỗ trợ đã ký một thỏa thuận không ràng buộc mua than của Indonesia trong ba năm tới.
Các nhà kinh doanh than Trung Quốc cũng chuyển sang nguồn cung từ các nước khác như Mông Cổ.
Thỏa thuận về than với Indonesia là một ví dụ về việc Bắc Kinh thu hút các nước với những hứa hẹn về đầu tư và thương mại, đặc biệt đối với 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) và các nước quần đảo Thái Bình Dương.
Adam Ni, giám đốc của tổ chức nghiên cứu trung tâm Chính sách Trung Quốc Có trụ sở tại Canberra, nói việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp thưởng phạt sẽ tăng lên.
“Chúng ta sẽ chứng kiến Trung Quốc ngày càng xích lại gần các nước khối Asean và các nước khác hơn, đồng thời sử dụng các biện pháp thương mại và các công cụ để trừng phạt những nước xem như đang hợp tác với Mỹ chống Trung Quốc,” ông Ni nói.
Ông cho biết Trung Quốc có thể dễ dàng tìm được nhiều lựa chọn thay thế cho các sản phẩm của Úc từ các nước khác, thậm chí cả từ những nước từng là đồng minh về mặt chính trị với Canberra.
Tuy vậy, ông cho biết tình trạng ép buộc về thương mại và kinh tế từ Trung Quốc có thể không kéo dài vì nó tạo một chi phí khổng lồ cho người tiêu dùng của họ, kể cả việc Trung Quốc có thể phải tìm kiếm những lựa chọn có giá cao hơn hoặc chất lượng thấp hơn.
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tranh giành ảnh hưởng trong khu vực thể hiện rất rõ ràng hồi cuối tháng trước tại cuộc họp đặc biệt cấp thứ trưởng về COVID-19 giữa Trung Quốc và 10 nước đảo quốc Thái Bình Dương.
Theo Bộ ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh đã lặp lại lời hứa giúp cho các nước đang phát triển, gồm cả các nước đảo quốc Thái Bình Dương có thể tiếp cận và mua được vắc-xin phòng virus corona.
Nhưng Bắc Kinh cũng nắm chặt cơ hội để đạt được ủng hộ về chính trị với những vấn đề không liên quan đến đại dịch, gồm có tái xác nhận theo thông lệ nguyên tắc “một Trung Quốc” mà Bắc Kinh chuyển ngữ thành việc từ chối công nhận Đài Loan tự trị như một quốc gia. Ngoài ra, đó là sự “ủng hộ chung đối với những vấn đề liên quan tới lợi ích cốt lõi và những quan tâm chính của nhau,” một cụm từ Bắc Kinh từng sử dụng để đáp lại chỉ trích của Úc và Mỹ về những vấn đề liên quan đến nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương.
Trong Chỉ số Khoảng cách Quyền lực châu Á của Viện Lowy năm nay công bố hồi tháng 10, Trung Quốc xếp thứ hai trong số những nước có ảnh hưởng nhất trong khu vực, còn Úc đứng thứ Sáu. Mỹ được cho là có ảnh hưởng nhất trong 26 nước theo đánh giá trên tám lĩnh lực, bao gồm ảnh hưởng văn hoá, ngoại giao, năng lực quân sự và kinh tế.
Dominic Meagher, một nhà kinh tế, học giả thỉnh giảng tại Đại học quốc gia Úc và là giám đốc Tập đoàn Chiến lược Úc, nói rằng trong khi Trung Quốc đang thực hiện một số bước chuẩn bị cho việc quan hệ với Úc bị xấu đi bằng cách chủ yếu tập trung tìm kiếm nguồn cung hàng hoá thay thế, thì Úc tìm cách duy trì ảnh hưởng của họ bằng các tập hợp các đối tác chiến lược.
“Đối với việc chuẩn bị cho quan hệ đang xấu đi: Quốc hội Úc đang nghiên cứu các khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và đa dạng hoá xuất khẩu, và chính phủ đã đầu tư mạnh vào các nỗ lực ngoại giao với các nước trong khu vực, cũng như bạn bè và đồng minh ở xa hơn,” ông nói.
“Nhiều quốc gia đang tích cực đầu tư vào các giải pháp thay thế cho thương mại và đầu tư với Trung Quốc vì họ không còn xem Trung Quốc là đối tác đáng tin cậy… nếu Trung Quốc chọn cách tiếp tục sử dụng những biện pháp trừng phạt thương mại vì những lý do chính trị, tác hại chính sẽ là sự tự nguyện của người dân trong thực hiện những cam kết thương mại dài hạn với Trung Quốc.” ông Meagher nói.
Ngân Hà (theo SCMP)